17/06/2021

Học song song nghề và văn hóa mang lại lợi ích kép cho người học

Lợi ích của việc học song song nghề và văn hóa

                             HỌC SONG SONG NGHỀ VÀ VĂN HÓA  MANG LẠI LỢI ÍCH KÉP CHO NGƯỜI HỌC

                                                                                         ThS. Nguyễn Thị Thùy Dương – Phòng Quản lý Khoa học

 

Vài năm trở lại đây, có một thực tế là một số sinh viên sau khi tốt nghiệp đại học, thậm chí cả thạc sĩ, quay lại học trung cấp nghề để xin việc làm. Như vậy là, dù đã bước vào cổng trường đại học, nhiều sinh viên vẫn băn khoăn về định hướng tương lai, cơ hội có việc làm sau khi tốt nghiệp vẫn rất mong manh. Điều đó thực sự đáng tiếc và có thể lãng phí cả thời gian, tiền bạc cho các em và gia đình.

Trong nhiều năm qua, đất nước ta có tình trạng "thừa thầy, thiếu thợ": hàng trăm ngàn sinh viên tốt nghiệp đại học không có việc làm trong lúc các cơ sở sản xuất, các doanh nghiệp lại thiếu trầm trọng người lao động có tay nghề trung cấp, cao đẳng.

Một số sinh viên sau khi tốt nghiệp đại học, thậm chí cả thạc sĩ, quay lại học trung cấp nghề để xin việc làm. Đó là một sự lãng phí rất lớn về thời gian, tiền bạc cho học sinh và gia đình, gây bức xúc trong xã hội.

Chỉ thị số 10-CT/TW ngày 05.12.2011 của Bộ Chính trị về nội dung tăng cường phân luồng học sinh sau trung học cơ sở đặt mục tiêu phấn đấu: "Đến năm 2020 có ít nhất 30% học sinh sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở đi học nghề".

Bước đầu việc thực hiện Chỉ thị còn nhiều khó khăn do đa số phụ huynh chưa nhận thức được lợi ích của việc học nghề, không đánh giá đúng năng lực thực sự của con, em mình, do tâm lí cho rằng đại học là con đường duy nhất để lập nghiệp. Tuy nhiên, tình hình ngày càng được cải thiện, mặt khác người học tốt nghiệp các trường nghề được trang bị tốt các kỹ năng thực hành nghề nên số lượng học sinh đi học nghề ngày càng tăng.

Tiếp đó, Quyết định số 522/QĐ-TTg ngày 14.5.2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025" đặt mục tiêu đến năm 2025: "Phấn đấu ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp; ít nhất 45% học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ cao đẳng".

Vậy, lợi ích của việc học song song nghề và văn hóa đối với học sinh đã tốt nghiệp THCS là gì?

Trong 5 năm gần đây, số lượng học sinh đi học nghề ngày càng tăng, đặc biệt là nhu cầu vừa học nghề vừa học văn hóa tăng cao, chiếm trên 90% học sinh học tại các trường trung cấp nghề. Đây là một tín hiệu đáng mừng, cho thấy chủ trương phân luồng của Đảng và Chính phủ là đúng hướng và hợp với nhu cầu của người dân.

Điều này sẽ góp phần tích cực giải bài toán "thừa thầy, thiếu thợ" nhức nhối nhiều năm qua. Do đó, cần phải khuyến khích và tạo điều kiện tối đa cho học sinh được học song song hai hệ.

http://admin.cdkttctn.edu.vn/Content/Media/Uploads/Images/6b5ddfcbfe3c451ea3f9cafbef582b23.jpg

Học sinh Bộ môn Kỹ thuật chế biến món ăn - Khoa Quản trị Kinh doanh & Du lịch tham gia Cuộc thi nấu ăn từ Kimchi tại Lễ hội Kimchi Hàn Quốc năm 2020 tại Sân vận động Trường Đại học Hà Nội

 

Vì sao vậy? Bởi vì việc học nghề song song với học văn hóa có những lợi ích rõ ràng sau đây:

Thứ nhấtvừa sức: Đối với những học sinh có học lực trung bình khó lòng vào đại học nên vào học trung cấp nghề là vừa sức và sẽ trở thành những người thợ lành nghề. Đây là điều thị trường lao động đang rất cần và giúp giải bài toán "thừa thầy, thiếu thợ".

Thứ haitiết kiệm được thời gian: Chỉ cần học ba năm các em sẽ có hai bằng trung cấp nghề và trung học phổ thông và có việc làm ngay; trong lúc các bạn học ở trường phổ thông sau ba năm chỉ có một bằng, muốn có bằng trung cấp thì phải học thêm 1-2 năm nữa; muốn có bằng cao đẳng thì mất 2-3 năm; muốn có bằng đại học thì phải mất thêm 4 năm nữa mà sau khi tốt nghiệp chưa chắc đã có việc làm.

Thứ batiết kiệm tiền bạc: Học sinh học trung cấp nghề được hỗ trợ kinh phí đối với học sinh dân tộc thiểu số, học sinh nghèo, học sinh thuộc diện chính sách và những cơ sở đào tạo học sinh sau trung học cơ sở vào học trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp Đây là chính sách ưu việt kích thích việc phân luồng phát triển.

Thứ tưcó tính tự lập sớm: Học sinh vừa học văn hóa vừa học nghề sẽ được rèn luyện kĩ năng nghề nghiệp và tính tự lập, sau khi học ba năm có tay nghề có thể tìm việc làm ngay và tự lập sớm hơn các bạn chỉ học văn hóa ở các trường phổ thông sau khi tốt nghiệp chưa làm được gì.

Những năm gần đây, nhờ công tác tuyên truyền của hệ thống giáo dục nghề nghiệp và từ thực tế các trường đại học mở ra đào tạo tràn lan, nhiều sinh viên thất nghiệp, nhiều phụ huynh học sinh đã nhận thức được rằng đại học không phải là con đường duy nhất để lập nghiệp.

Nhiều học sinh học trung cấp nghề ra trường là có việc làm ngay, sớm có thu nhập, tự lập cuộc sống và giúp đỡ gia đình. Do đó, học sinh vào học các trường nghề tăng lên. Đạt được điều này không dễ dàng gì nên cần phải duy trì và phát triển.

Do đó, việc phân luồng học sinh sau trung học cơ sở vào các trường nghề là hoàn toàn đúng đắn.

Đối với Trường Cao đẳng Kinh tế - Tài chính Thái Nguyên (nay là Cao đẳng Thái Nguyên), hiện có 23 nghề đào tạo từ sơ cấp đến cao đẳng đã được Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Trong những năm qua, Nhà trường đã thực hiện đào tạo song song cả văn hóa và học nghề, thu hút được số lượng lớn học sinh trong tỉnh đến học. Hàng năm, tỷ lệ học sinh nhà trường đỗ tốt nghiệp THPT khá cao, tỷ lệ học sinh ra trường có việc làm xấp xỉ 80%. Trong thời gian tới Nhà trường tiếp tục thực hiện đa dạng hóa các ngành nghề đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội; phát huy thế mạnh các ngành nghề thuộc khối ngành kinh tế truyền thống; mở mới và phát triển các ngành nghề thuộc khối ngành kỹ thuật mà Nhà trường có thế mạnh và xã hội đang có nhu cầu để mở rộng quy mô đào tạo; Phát triển đào tạo nghề trình độ sơ cấp. Phấn đấu hàng năm tuyển sinh đạt từ 120-130% chỉ tiêu được giao./.

Tài liệu tham khảo:

1. Website của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp: www.gdnn.gov.vn

2. Quyết định số 522/QĐ-TTg ngày 14 tháng 5 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ về  Phê duyệt Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 – 2025”.

3. Chỉ thị số 10-CT/TW ngày 05.12.2011 của Bộ Chính trị về phổ cập giáo dục.

DUAL LEARNING A VOCATION AND HIGH SCHOOL DEGREE BRING DOUBLE BENEFITS FOR STUDENTS

                                                                                  Nguyen Thi Thuy Duong – Scientific Management Department

 

Summary

It is a reality today that some students after graduating from university, even master, go back to vocational education institutes to learn a vocation to apply for a job. Thus, even after entering the university gate, many students are still wondering about their future orientation, chances of getting a job after graduation are still very slim. That is really unfortunate and can waste both time and money for students and their families. In the last 5 years, the number of students going to vocational schools has been increasing, especially the demand for learning both vocation and high school degree at the same time has increased. This choice brings many benefits to students, families and society, which are: fit; save time and money; forge students to be early independent.