19/03/2014

Marketing giáo dục

Trong khi giới chuyên môn còn đang có những ý kiến trái chiều về “thị trường giáo dục” thì không ai có thể phủ nhận một điều đó là đào tạo đại học, cao đẳng ở Việt Nam đã và đang tồn tại như một sự cạnh tranh quyết liệt. Vấn đề “marketing giáo dục” là một thuật ngữ không còn xa lạ đối với các nước trên thế giới, tuy nhiên khi ở Việt Nam nó còn đang khá là mới mẻ.

Trong một cuộc khảo sát năm 2012 của Trung tâm Nghiên cứu và Phân tích chính sách thuộc Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG Hà Nội) thực hiện với gần 3.000 cựu sinh viên thuộc năm khóa học khác nhau (ra trường từ năm 2006-2010) của ba đại học: ĐHQG Hà Nội, ĐHQG TP.HCM và ĐH Huế, đã cho thấy những con số báo động. Có 26,2% cử nhân cho biết chưa tìm được việc làm, dù khái niệm việc làm ở đây được hiểu rất rộng là bất cứ công việc gì tạo ra thu nhập, không nhất thiết phải đúng với trình độ, chuyên ngành đào tạo. Trong số này, 46,5% cho biết đã đi xin việc nhưng không thành công. 42% lựa chọn một giải pháp an toàn là... tiếp tục học lên hoặc học thêm một chuyên ngành khác. Thậm chí, có 27% cử nhân được hỏi cho biết, họ rất khó kiếm việc làm do ngành học của mình không phù hợp với thị trường. Số người rơi vào cảnh nhà tuyển dụng không hiểu về ngành học cũng chiếm tới 18%.

Tất cả những con số này cho thấy một thực tế là chất lượng đào tạo của nhà trường với nhu cầu về nhân lực của các đơn vị ngoài xã hội còn có một khoảng cách rất lớn. Trong khi các doanh nghiệp vẫn thường than phiền là thiếu nguồn nhân lực được đào tạo có chất lượng, thì sản phẩm của ngành giáo dục và đào tạo là những cử nhân với tấm bằng trên tay vẫn không có được việc làm.

Trong khi giới chuyên môn còn đang có những ý kiến trái chiều về “thị trường giáo dục” thì không ai có thể phủ nhận một điều đó là đào tạo đại học, cao đẳng  ở Việt Nam đã và đang tồn tại như một sự cạnh tranh quyết liệt. Vấn đề “marketing giáo dục” là một thuật ngữ không còn xa lạ đối với các nước trên thế giới, tuy nhiên khi ở Việt Nam nó còn đang khá là mới mẻ. Trong marketing, thị trường là tất cả những khách hàng tiềm ẩn và hiện có, có cùng nhu cầu hay mong muốn cụ thể, sẵn sàng và có khả năng tham gia trao đổi để thỏa mãn nhu cầu hay mong muốn đó. Như vậy, hàng triệu người Việt Nam hiện nay có nhu cầu học tập, để tạo dựng cho mình một cuộc sống ổn định trong tương lại chính là một thị trường rộng lớn của các trường đại học, cao đẳng. Như vậy, đứng trên quan điểm của marketing, khách hàng của các trường chính là sinh viên, coi sinh viên là trọng tâm của mọi hoạt động. Quan điểm này trùng hợp với định hướng của nhiều trường hiện nay khi chuyển từ đào tạo theo niên chế sang hình thức đào tạo tín chỉ.

Giáo dục & đào tạo là một sản phẩm vô hình, chính vì vậy phối thức marketing – mix thường được các tổ chức sử dụng sẽ bao gồm 7Ps: Sản phẩm (product); Giá (price); Địa điểm (place); Truyền thông (promotion); Con người (People); Quy trình (Process) và bằng chứng hữu hình (Physical evidence). Để triển khai được cả 7 chiến lược trên, marketing dành cho giáo dục cũng cần có một quá trình từ phân tích, lập kế hoạch,  thực hiện và kiểm tra việc thực hiện các biện pháp nhằm thiết lập, củng cố, duy trì và phát triển những cuộc trao đổi. Điều đó liên quan đến những vấn đề cụ thể như: Nghiên cứu, hiểu rõ nhu cầu và mong muốn của khách hàng bao gồm cả thị trường đầu vào và đầu ra; Gợi mở nhu cầu; Phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến hoạt động marketing để tìm ra những giải pháp nhằm tận dụng cơ hội, đối mặt thách thức, phát huy điểm mạnh và khắc phục điểm yếu; Cuối cùng là đề ra các chiến lược marketing để tác động khách hàng sao cho đạt được các mục tiêu đã định.

Trong marketing, sản phẩm là yếu tố quan trọng nhất, mọi công cụ khác chỉ được xây dựng khi đã xác định rõ sản phẩm. Sản phẩm mà các trường cung cấp cho sinh viên chính là các chương trình đào tạo đạt chuẩn, trang bị cho sinh viên kiến thức và kỹ năng để hòa nhập với công việc trong tương lai. Đồng thời với đó là việc xây dựng mối quan hệ hợp tác với các doanh nghiệp bên ngoài để đảm bảo chương trình đào tạo đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiêp và tạo công ăn việc làm cho sinh viên sau khi ra trường. Ngoài ra, để nâng cao khả năng cạnh tranh, nhà trường cũng cần quan tâm đến việc cung ứng các giá trị gia tăng cho sinh viên như: cơ hội làm việc sau khi ra trường, nơi học tập, nơi ăn nghỉ, huấn luyện kỹ năng, diễn đàn học tập, cơ hội trải nghiệm trong thực tế,… Tuy nhiên, cái gốc của sản phẩm đào tạo vẫn chính là chất lượng giảng dạy, tăng thời khảo sát, làm việc thực tế bên cạnh thời lượng lý thuyết để giảm bớt việc sinh viên tốt nghiệp phải đào tạo lại tại doanh nghiệp. \

Giá là yếu tố thứ hai mà marketing quan tâm. Tuy nhiên, người dân Việt Nam qua nhiều năm nay vẫn quen với các dịch vụ giáo dục miễn phí. Đây làm một rào cản của các trường trong việc tiếp cận với thị trường, đặc biệt là các người ngoài hệ công lập. Và có lẽ hiện nay, các nhà trường cần có những biện pháp để thay đổi suy nghĩ cho các bậc phụ huynh, cho khách hàng để họ chấp nhận với dịch vụ đào tạo không miễn phí. Bởi vì đầu tư cho giáo dục và đào tạo là khoản đầu tư dài hạn và luôn luôn sinh lời.

Nói đến marketing, chúng ta không thể thiếu đến mảng định vị thị trường và truyền thông. Định vị chính là công việc xác định cho trường những đối tượng khách hàng mà nhà trường hướng đến cũng như những giá trị khác biệt mà khách hàng sẽ nhận được. Cùng với đó là các hoạt động truyền thông quảng cáo, tuyên truyền nhằm giới thiệu với khách hàng tiềm năng về những lợi ích họ sẽ có được.

Một yếu tố khác có ảnh hưởng quyết định tới chất lượng đào tạo đó chính là đội ngũ giảng viên và cơ sở vật chất. Các giảng viên đại học, cao đẳng ngoài việc nâng cao trình độ chuyên môn cả về lý thuyết lẫn thực tế thì cũng cần nâng cao trình độ ngoại ngữ để tiếp cận với tri thức tiến bộ trên thế giới. Cùng với đó là cơ sở vật chất như giảng đường, thư viện, kí túc xá, khu vui chơi, giải trí cũng là những yếu tố tạo dựng nên chất lượng của dịch vụ đào tạo.

Cuối cùng thì cho dù là marketing được ứng dụng trong giáo dục, đào tạo hay bất cứ một doanh nghiệp kinh doanh nào khác, thì điều quan trọng nhất để thành công đó chính là nắm bắt nhu cầu, mong muốn của khách hàng. Đây chính là chìa khóa để giải đáp mọi câu hỏi trong mọi chiến lược marketing – mix.  

                                                                                                                                            Nguyễn Ngàn My

Khoa Quản trị kinh doanh & du lịch