17/06/2021

Một số giải pháp đổi mới phương pháp học tập gắn lý thuyết với thực hành chuyên ngành kế toán tại trường Cao đẳng Thái Nguyên

Một số giải pháp đổi mới phương pháp học tập chuyên ngành kế toán tại trường Cao đẳng Thái Nguyên

        MỘT SỐ GIẢI PHÁP NHẰM ĐỔI MỚI PHƯƠNG PHÁP HỌC TẬP GẮN LÝ THUYẾT VỚI THỰC HÀNH

                        CHUYÊN NGÀNH KẾ TOÁN TÀI CHÍNH TẠI TRƯỜNG CAO ĐẲNG THÁI NGUYÊN

                                                                                                                             Th.S. Đào Thị Huyền Trang 

                                                                                                                              Giảng viên kiêm nhiệm phòng CTHSSV 

Các doanh nghiệp hiện nay đa phần đều cho rằng, sinh viên ngành kế toán mới tốt nghiệp ra trường đều phải đào tạo lại phù hợp với nhu cầu thực tế tại doanh nghiệp được tuyển dụng. Vì vậy để đáp ứng nguồn nhân lực kế toán cho thị trường lao động thời kỳ hội nhập, đòi hỏi Việt Nam cần phải hướng đến đội ngũ nhân lực kế toán có chuyên môn tốt, có kinh nghiệm, có kỹ năng cần thiết và và thích ứng được với môi trường làm việc. Qua bài biết, tác giả đưa ra các giải pháp nhằm đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập gắn lý thuyết với thực hành chuyên ngành kế toán tài chính, đây là yêu cầu quan trọng của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nói chung và trường Cao đẳng Thái Nguyên nói riêng.

1. Đặt vấn đề

 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho chúng ta một di sản tinh thần vô giá, đó là hệ thống các quan điểm, tư tưởng của Người trên nhiều lĩnh vực, về nhiều vấn đề trong đó có quan điểm “lý luận gắn với thực tiễn”. Có thể nói, hiện nay việc tiếp tục nghiên cứu, vận dụng quan điểm này của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào trong hoạt động giảng dạy là một vấn đề có ý nghĩa hết sức quan trọng cả về phương diện lý luận và thực tiễn. Dó đó, việc đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập, gắn lý thuyết với thực hành chuyên ngành kế toán tài chính là yêu cầu quan trọng của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong giai đoạn hiện nay.

2. Nội dung

2.1. Thực trạng của việc dạy và học môn Kế toán tài chính tại trường Cao đẳng Thái Nguyên

Trong thời điểm các doanh nghiệp lớn nhỏ phát triển cả về số lượng lẫn quy mô, Kế toán là ngành nghề mang lại nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm tốt, cơ hội thăng tiến với mức thu nhập ổn định cho các bạn trẻ. Tuy nhiên, thực tế cho thấy mỗi năm có hàng ngàn sinh viên ngành Kế toán tốt nghiệp từ nhiều cơ sở đào tạo trong nước nhưng trong số đó không nhiều người có thể hòa nhập ngay vào môi trường làm việc thực tế với công việc của một nhân viên Kế toán.  

Nhiều năm trở lại đây, nhu cầu về nhân lực Kế toán có năng lực và chất lượng cao đang được các nhà tuyển dụng ráo riết săn lùng. Bất cứ cơ quan, doanh nghiệp nào cũng đều mong muốn có được đội ngũ Kế toán viên lành nghề, thành thạo về kỹ năng công việc. Tuy nhiên, không chỉ riêng ngành Kế toán mà ở bất cứ ngành học nào, sinh viên sau khi tốt nghiệp nếu không có khả năng hành nghề theo đúng nhu cầu của doanh nghiệp thì khả năng bị sa thải là rất cao. Do đó, mặc dù nhu cầu nguồn nhân lực cho ngành Kế toán vẫn còn đang để mở rất nhiều cơ hội cho các bạn trẻ, nhưng nếu bạn không thực sự vững chuyên môn, kỹ năng làm việc thực tế thì sớm muộn cũng sẽ bị đào thải.

Đối với học sinh, sinh viên chuyên ngành kế toán tại Trường cao đẳng Thái Nguyên mới ra trường cũng vậy, thường là thiếu kinh nghiệm thực tế phải mất một thời gian tiếp cận và đào tạo thêm ở môi trường của Doanh nghiệp mới có thể nắm bắt và đáp ứng những yêu cầu đòi hỏi của công việc như việc đi ngân hàng giao dịch, soạn thảo các hợp đồng kinh tế, các giấy tờ nội bộ trong doanh nghiệp, các thủ tục về thuế, bảo hiểm ..Theo phản hồi từ phía các chủ doanh nghiệp, nhiều sinh viên Kế toán do nhà trường đào tạo được trang bị rất tốt về mặt lý thuyết và các kiến thức chuyên ngành nhưng do không được tiếp cận với môi trường thực tế nhiều nên kỹ năng làm việc, xử lý các tình huống phát sinh vẫn còn hạn chế. Những nhân viên kế toán này mặc dù vẫn được tuyển dụng nhưng chưa có khả năng “hành nghề” linh hoạt như 1 nhân viên kế toán thực sự.

Trong thời gian qua, Khoa Kế toán cũng đã sử dụng phương pháp giảng dạy kết hợp lý thuyết với thực hành trong hầu hết các môn học kế toán: 

+ Các nội dung thực hành, thực tập được xây dựng trên phòng kế toán ảo dựa vào mô hình thực tế tại Doanh nghiệp. 

+ Vào đầu mỗi năm học, theo chủ trương của Nhà trường, 100% giảng viên của Khoa đã đăng ký kế hoạch thực tập tại cơ sở ít nhất 4 tuần để cập nhật, nâng cao kỹ năng thực hành. Trong quá trình thực tập tại các Doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, các giảng viên đã được tiếp cận với các bộ chứng từ, sổ sách kế toán thực tế và sử dụng các phần mềm kế toán khác nhau, việc này đã góp phần giúp giảng viên nâng cao kiến thức thực tế vận dụng vào công tác giảng dạy.

+ Trong quá trình xây dựng Chương trình đào tạo ngành Kế toán, Nhà trường đã mời sự tham gia đóng góp ý kiến của các Doanh nghiệp. Qua đó khoa Kế toán đã tiếp cận được những thông tin, lắng nghe được yêu cầu của nhà tuyển dụng, từ đó kịp thời cải tiến, đổi mới chương trình, điều chỉnh phương pháp và hình thức đào tạo cho phù hợp với yêu cầu mà các doanh nghiệp đặt ra đối với người học.

Đa số giảng dạy môn kế toán tài chính đều đạt chuẩn về kiến thức chuyên môn, tuy nhiên vẫn còn một số hạn chế như kinh nghiệm thực tế còn thiếu, một số chưa sử dụng tốt các phần mềm tin học ứng dụng, chưa sử dụng thành thạo các trang wed quản lí về kê khai nộp thuế, về bảo hiểm, về hóa đơn điện tử như: https://thuedientu.gdt.gov.vn; https://sinvoice.viettel.vn; https://viettel-invoice.vn/hoa-don-dien-tu-viettel ... Bên cạnh đó, chứng từ thực tế phục vụ dạy học cũng chưa đầy đủ, phòng học kế toán mô phòng còn thiếu. Sự tham gia của Doanh nghiệp vào hoạt động dạy nghề còn hạn chế; chưa có cơ chế, chính sách thu hút Doanh nghiệp tham gia đào tạo. Bên cạnh đó, vấn đề về thời gian, thủ tục hành chính, kinh phí cũng là khó khăn, thách thức cho Khoa khi tiếp cận Doanh nghiệp để thuyết phục Doanh nghiệp hợp tác. 

2.2. Một số giải pháp nhằm đổi mới phương pháp học tập gắn lý thuyết với thực hành chuyên ngành kế toán tài chính tại trường Cao đẳng Thái Nguyên

Thứ nhất, giảng viên cần cập nhật những kiến thức thực tế, thiết kế bài giảng thực tế và sinh động bằng cách tìm kiếm những tình huống thực tế đưa vào bài giảng, tạo không khí tích cực trong giờ học vì khi người học tìm thấy niềm vui trong học tập thì việc học cũng trở nên dễ dàng hơn. 

Thứ hai, giảng viên cần nghiên cứu các nội dung công việc của kế toán từ khi thành lập doanh nghiêp như thủ tục thành lập doanh nghiệp, đăng kí tài khoản ngân hàng nộp thuế, kê khai nộp thuế trên trang wed https://thuedientu.gdt.gov.vn, cách tra cứu hóa đơn điện tử trên trang wed https://sinvoice.viettel.vn, nội dung các nghiệp vụ kinh tế phát sinh thực tế tại doanh nghiệp. 

Thứ ba, tại khoa Kế toán hiện có các giảng viên đã và đang làm kế toán thực tế cho các Doanh nghiệp nên sẽ liên kết giữa khoa với Doanh nghiệp để cho các em được làm thực tế và giới thiệu việc làm cho các em sau khi ra trường.

Thứ tư, tổ chức các buổi trao đổi chuyên đề, định hướng nghề nghiệp, bồi dưỡng kỹ năng mềm, đẩy mạnh sáng tạo và khởi nghiệp cho HSSV có sự tham gia của các Doanh nghiệp, nhà tuyển dụng vào quá trình xây dựng chương trình đào tạo cũng như trực tiếp truyền dạy kỹ năng tay nghề cho HSSV. Doanh nghiệp chia sẻ các kiến thức, kỹ năng mà nhà tuyển dụng yêu cầu đối với các ứng viên tương lai giúp HSSV hiểu hơn về nghề nghiệp, có được phương pháp học tập và động lực phấn đấu. 

Thứ năm, phối hợp cùng các trung tâm tổ chức các lớp kế toán ngắn hạn theo yêu cầu thực tế của doanh nghiệp vì thực tế có rất nhiều nhân viên Kế toán làm việc ở các Doanh nghiệp nhưng chưa được đào tạo bài bản có nhu cầu học những lớp ngắn hạn để nâng cao trình độ chuyên môn. 

Thứ sáu, đối với học sinh - sinh viên yêu thích công việc kế toán cần trang bị cho mình những kiến thức, những kinh nghiệm tối thiểu làm hành trang cho tương lai như sau:

+ Nắm chắc kiến thức nền tảng: hãy bắt đầu từ những kiến thức cơ bản nhất về Kế toán để dần dần đi tới những kiến thức nâng cao. Đây chính là cơ sở để bạn thực hành thuận lợi và chính xác hơn

+ Tích lũy kinh nghiệm thực tế và không ngừng học hỏi cái mới: đừng bỏ lỡ những cơ hội mà nhà trường cho bạn tiếp cận với những kiến thức thực tế. Đó có thể là những giờ đi thực tập tại doanh nghiệp, nói chuyện với các doanh nhân hay lắng nghe những người giàu kinh nghiệm trong ngành Kế toán chia sẻ về hành trình chinh phục những khó khăn trong công việc

3. Kết luận

Gắn kết giữa giảng dạy lý thuyết với thực hành trong công tác đào tạo HSSV ngành kế toán được coi là một trong các giải pháp trọng tâm để đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp của Khoa Kế toán. Làm được những công việc đó chúng ta mới tạo được những thế hệ HSSV có chuyên môn cao, có kỹ năng nghề nghiệp tốt đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng, điều này hoàn toàn phù hợp và cần thiết trong dạy học đối với chuyên ngành kế toán hiện nay.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Đinh Văn Tiến (2017), “Cẩm nang phương pháp sư phạm”, NXB TP Hồ Chí Minh.

2. Phan Trọng Ngọ (2005),, “Dạy học và phương pháp dạy học trong nhà trường”, NXB Đại học sư phạm TP Hồ Chí Minh.

3. Trần Văn Quyền (2019), “Mô hình hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp trong nghiên cứu khoa học, đào tạo và sử dụng nhân lực nhằm nâng cao năng lực tiếp cận thực tế”, Hội thảo khoa học trường Đại học Lạc Hồng.

4. Trần Văn Tùng(2017), “Một số giải pháp đổi mới phương pháp giảng dạy kế toán tài chính”, Hội thảo khoa học trường Đại học Công nghệ TP Hồ Chí Minh.

SOME SOLUTIONS FOR THE INNOVATION OF LEARNING METHODS CONNECTING THEORY WITH PRACTICE                                           SPECIALIZED IN FINANCIAL ACCOUNTING AT THAI NGUYEN COLLEGE

                                                                                                 Dao Thi Huyen Trang - Student Affairs Department

Summary

Currently, most businesses believe that accounting students who have just graduated from institutes must be retrained in accordance with the actual needs of the recruited organization. Therefore, in order to meet the accounting human resources for the labor market in the integration period, Vietnam needs to focus on accounting human resources with good expertise, experience, and necessary skills and adaptability to the working environment. Through the article, the author offers solutions to innovate teaching and learning methods that associate theory with practice in financial accounting, which is an important requirement of vocational education institutions in general.and Thai Nguyen College in particular.