05/03/2014

Một vài kinh nghiệm để học tốt môn pháp luật kinh tế

Môn Pháp luật kinh tế là môn học thuộc nhóm kiến thức cơ sở ngành của các ngành đào tạo Kế toán, Tài chính, Ngân hàng, Quản trị kinh doanh, cung cấp cho sinh viên những kiến thức pháp lý nền tảng của nền kinh tế thị trường ở nước ta, là nhóm kiến thức cần thiết trong mục tiêu quản lý xã hội bằng pháp luật của nhà nước trong giai đoạn hiện nay

Môn Pháp luật kinh tế là môn học thuộc nhóm kiến thức cơ sở ngành của các ngành đào tạo Kế toán, Tài chính, Ngân hàng, Quản trị kinh doanh, cung cấp cho sinh viên những kiến thức pháp lý nền tảng của nền kinh tế thị trường ở nước ta, là nhóm kiến thức cần thiết trong mục tiêu quản lý xã hội bằng pháp luật của nhà nước trong giai đoạn hiện nay. Xác định được vị trí và tính chất môn học, đội ngũ giảng viên trong khoa Luật luôn nỗ lực đổi mới phương pháp giảng dạy và phương thức kiểm tra, đánh giá để sinh viên không chỉ đạt kết quả học tập cao mà còn có khả năng lĩnh hội kiến thức tốt nhất, từ đó làm cơ sở, nền tảng tiếp thu kiến thức chuyên ngành.

Từ năm học 2009 - 2010, các giảng viên trong khoa đã áp dụng phương pháp giảng dạy mới, gắn liền quá trình giảng dạy - học tập với việc sử dụng hệ thống các văn bản pháp luật kinh tế để sinh viên vận dụng các quy định của pháp luật giải quyết những tình huống có thể phát sinh trong quá trình kinh doanh của doanh nghiệp, quá trình hoạt động của tổ chức tại nơi các em công tác sau khi ra trường. Bên cạnh đó, các giảng viên còn áp dụng hình thức đề thi mở trong quá trình thi kết thúc học phần, sinh viên được mang tất cả tài liệu dạng bản giấy vào phòng thi. Việc cho phép sinh viên được sử dụng tài liệu khi làm bài thi không phải để sinh viên sao chép đơn thuần những nội dung trong tài liệu vào bài thi mà đòi hỏi sinh viên phải có kiến thức tổng hợp và kĩ năng đọc hiểu văn bản pháp luật, vận dụng được các quy định cụ thể trong văn bản pháp luật để giải quyết các tình huống trong đề thi. Đây là hình thức kiểm tra, đánh giá không mới nhưng lần đầu tiên được áp dụng trong kì thi kết thúc học phần tại trường Cao đẳng Kinh tế - Tài chính Thái Nguyên. Phương pháp giảng dạy và kiểm tra, đánh giá này có nhiều ưu điểm nổi bật:

- Tạo được tự chủ trong quá trình học của sinh viên, đảm bảo được nguyên tắc lấy người học làm trung tâm trong quá trình giảng dạy. Thông qua hệ thống văn bản pháp luật, sinh viên có thể kiểm tra nội dung mà giảng viên đã truyền đạt trên lớp.

- Hình thành và phát huy được kỹ năng đọc hiểu văn bản pháp luật và kỹ năng tổng hợp kiến thức của sinh viên.

- Phân loại học lực sinh viên khá rõ ràng.

Bên cạnh những ưu điểm trên, phương pháp này cũng bộc lộ một số những hạn chế như: Một số sinh viên không có sự đầu tư cho môn học, không chuẩn bị văn bản pháp luật để phục vụ cho quá trình học tập. Một số sinh viên khác tuy có văn bản pháp luật nhưng lại không sử dụng hoặc sử dụng không hiệu quả, mang tập văn bản pháp luật đến lớp chỉ để đối phó với giáo viên. Một số sinh viên có tâm lý ỷ lại việc được sử dụng tài liệu trong khi thi nên không chịu học lý thuyết cũng như làm bài tập. Chính vì vậy, kết quả học tập môn học không được như kỳ vọng, số sinh viên phải dự thi lần 2 và học lại còn nhiều.

Với mong muốn sinh viên học tập có hiệu quả môn học Pháp luật kinh tế, tôi xin phép trao đổi một vài kinh nghiệm để học tốt môn học như sau:

Thứ nhất, sinh viên phải có đủ tài liệu cho môn học, bao gồm: Hệ thống văn bản pháp luật kinh tế, giáo trình, đề cương bài giảng, hệ thống bài tập tình huống. Khi sử dụng giáo trình Pháp luật kinh tế của trường Đại học Kinh tế quốc dân viết năm 2008, sinh viên cần lưu ý:

+ Hệ thống văn pháp pháp luật được sử dụng trong Chương II - Pháp luật về chủ thể kinh doanh của giáo trình là Luật Hợp tác xã năm 2003, Luật Doanh nghiệp năm 2005, Nghị định số 139/2007/NĐ-CP Về hướng dẫn thi hành Luật Doanh nghiệp, Nghị định số 88/2006/NĐ-CP Về đăng kí kinh doanh. Hiện nay, về cơ bản Luật Doanh nghiệp năm 2005 được giữ nguyên, còn Nghị định số 139/2005/NĐ-CP đã hết hiệu lực, được thay thế bởi Nghị định số 102/2010/NĐ-CP và Nghị định số 88/2006/NĐ-CP cũng hết hiệu lực, được thay thế bởi Nghị định số 43/2010/NĐ-CP. Luật Hợp tác xã năm 2003 cũng đã hết hiệu lực và được thay thế bởi Luật Hợp tác xã năm 2012, có hiệu lực pháp luật từ ngày 01/7/2013.

+ Hệ thống văn pháp pháp luật mà Giáo trình sử dụng trong phần Giải quyết tranh chấp trong kinh doanh thương mại là Pháp lệnh Trọng tài thương mại năm 2003 và Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004. Nhưng hiện nay, Pháp lệnh Trọng tài thương mại đã hết hiệu lực, được thay thế bởi Luật Trọng tài thương mại năm 2010, còn Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2011 với nhiều nội dung mới, khác so với luật cũ, đặc biệt là phần thẩm quyền của toà án theo các cấp.

Do vậy, những quy định pháp luật tại những phần này được đề cập trong giáo trình không còn giá trị pháp lý. Sinh viên không được trích dẫn các quy định này khi làm bài mà các em phải sử dụng các văn bản pháp luật mới đã được giảng viên cập nhật trong tập văn bản pháp luật kinh tế.

Thứ hai, trước khi bắt đầu môn học, sinh viên cần xem môn học có bao nhiêu chương và nội dung chủ đạo của chương đó. Song song với việc nắm được nội dung chủ đạo của từng chương thì sinh viên phải xác định được số mục trong chương, trong mỗi mục đó gồm những ý nào, trong mỗi ý đó bao gồm những ý nhỏ nào, nội dung là gì. Như vậy, chúng ta học từ khái quát đến cụ thể. Để nhớ phần này chúng ta nên vẽ sơ đồ tư duy. Tên chương sẽ là ô trọng tâm, những nội dung cơ bản chính là những mục trong bài, nhánh 1, nhánh 2 sẽ là những ý tiếp theo trong mục. Cứ thế chúng ta sẽ triển khai các nhánh tiếp theo.

Thứ ba, khi đã vẽ được sơ đồ tư duy cho mỗi chương, chúng ta cần xác định nội dung trong chương đó quy định ở văn bản pháp luật nào, cụ thể hơn là quy định tại điều nào trong văn bản đó. Khi đã xác định được điều luật thì chúng ta sẽ ghi nó bên dưới những ý nhỏ trong sơ đồ tư duy. Như vậy, ta sẽ tạo được một sơ đồ tư duy hoàn chỉnh.

Có ý kiến cho rằng học luật là phải nắm được tư tưởng chủ đạo, nội dung mang tính lí luận chứ không phải là hệ thống luật thực định (nghĩa là vấn đề đó quy định như thế nào, ở văn bản nào). Quan niệm đó không sai, nhưng chỉ đúng với những người nghiên cứu pháp luật, các nhà lập pháp. Còn các em sinh viên học pháp luật kinh tế không phải để trở thành các nhà lập pháp mà để giải quyết tình huống được giả định trong hệ thống bài tập môn học, trong đề thi và những tình huống thực tế phát sinh tại cơ sở mà các em công tác sau khi ra trường, do đó sinh viên phải xác định được cơ sở pháp lý để giải quyết vấn đề đó.

Việc xác định cơ sở pháp lý của những vấn đề được đưa ra không phải lúc nào cũng dễ dàng. Ngoài ra, chúng tôi cũng xác định đây không phải là sinh viên chuyên ngành luật, do vậy, vấn đề giảng viên đưa ra không mang tính chất thách đố hay làm khó sinh viên. Nếu có thái độ học tập nghiêm túc và tích cực tại giờ học trên lớp, sinh viên hoàn toàn có thể xác định được cơ sở pháp lý của vấn đề, bởi vì những nội dung này đều được giảng viên đưa ra trao đổi hoặc gợi ý ở trên lớp.

Cuối cùng, chúng ta cần thường xuyên làm các bài tập trong hệ thống bài tập tình huống đã được giáo viên phổ biến từ đầu chương trình dựa trên sơ đồ tư duy hoàn chỉnh.

Với những kinh nghiệm vừa trình bày, tôi hy vọng sẽ giúp cho các em sinh viên học tập môn Pháp luật kinh tế một cách hiệu quả, tiếp thu tối đa những kiến thức được học, tích lũy được nhiều kỹ năng trong việc sử dụng văn bản pháp luật để có thể ứng dụng trong công việc của các em sau này. Nhưng trước hết, mong rằng các em có thêm phương pháp học tập tốt hơn để đạt kết quả cao trong kỳ khi kết thúc học phần sắp tới.

                                              ThS. Phạm Thị Hồng -  GV khoa Luật