05/03/2014

Pháp nhân và tư cách pháp nhân của công ty hợp danh

Trong quá trình học môn Pháp luật kinh tế, sinh viên thường lúng túng khi xác định một doanh nghiệp có phải là pháp nhân hay không. Vậy pháp nhân là chủ thể như thế nào? Trong bài viết này, tôi xin được làm rõ về dạng chủ thể này, đồng thời bàn thêm về tư cách pháp nhân của công ty hợp danh nhằm góp phần giúp các em học tập có hiệu quả hơn.

Trong các quan hệ dân sự, chúng ta thường quen thuộc với các chủ thể là cá nhân, hay còn gọi là “thể nhân”, “tự nhiên nhân”, bên cạnh đó còn có một dạng chủ thể rất phổ biến và không kém phần quan trọng, đó là pháp nhân. Các tổ chức có tư cách pháp nhân bao gồm một tập hợp các thành viên có mối liên hệ chặt chẽ, ràng buộc lẫn nhau, không tồn tại riêng biệt. Theo Điều 84 Bộ luật Dân sự năm 2005, một tổ chức được công nhận là pháp nhân khi có đủ các điều kiện sau đây:

1. Được thành lập hợp pháp;

2. Có cơ cấu tổ chức chặt chẽ;

3. Có tài sản độc lập với cá nhân, tổ chức khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản đó;

4. Nhân danh mình tham gia các quan hệ pháp luật một cách độc lập.”

Như vậy, pháp nhân là khái niệm chỉ dành cho tổ chức thỏa mãn các điều kiện do pháp luật quy định, đó là:

a. Được thành lập hợp pháp

Nhà nước có sự kiểm soát đối với việc thành lập pháp nhân. Tùy theo tính chất của mỗi loại hình tổ chức, tổ chức được coi là thành lập hợp pháp khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện thành lập theo quy định của pháp luật có liên quan đến loại hình của tổ chức đó. Ví dụ: Pháp nhân là doanh nghiệp thì phải đáp ứng đủ các điều kiện để thành lập doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp và các luật chuyên ngành như tài sản, tên gọi, địa chỉ, ngành nghề kinh doanh,… Pháp nhân là cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp phải do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thành lập và quy định rõ chức năng, nhiệm vụ của từng pháp nhân đó.

Việc thành lập hợp pháp cũng có thể hiểu như quy định tại Khoản 1 Điều 94 Bộ luật Dân sự năm 1995, nghĩa là: “được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thành lập, cho phép thành lập, đăng ký hoặc công nhận”. Ví dụ: Pháp nhân là cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thành lập; pháp nhân là các hội, hiệp hội được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép thành lập khi đáp ứng đủ các điều kiện do pháp luật quy định; một số pháp nhân là doanh nghiệp được đăng ký thành lập theo Luật Doanh nghiệp năm 1999; có pháp nhân được nhà nước công nhận sự tồn tại như Đảng Cộng sản Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, một số tổ chức tôn giáo,… Tuy nhiên, so với quy định tương ứng tại Điều 94 Bộ luật Dân sự năm 1995, pháp nhân là tổ chức “được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thành lập, cho phép thành lập, đăng ký hoặc công nhận” thì quy định tại Điều 84 Bộ luật Dân sự năm 2005 là “được thành lập hợp pháp” có tính khái quát cao hơn.

Tóm lại, một tổ chức có được nhà nước cho phép tồn tại hay không phụ thuộc vào hoạt động của tổ chức đó có phù hợp với lợi ích của giai cấp thống trị hay không. Nếu một tổ chức có nguy cơ gây tổn hại đến sự tồn tại của nền tảng xã hội (ví dụ: Có nội dung hoạt động trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc) hoặc ảnh hưởng đến lợi ích của giai cấp thống trị (ví dụ: Các tổ chức chống phá chính quyền) thì nhà nước không cho phép nó tồn tại. Chỉ những tổ chức được nhà nước công nhận sự tồn tại hợp pháp bằng các quyết định cụ thể thì mới có thể trở thành chủ thể tham gia vào các quan hệ pháp luật.

b. Có cơ cấu tổ chức chặt chẽ

Tổ chức là một tập thể người được sắp xếp dưới một hình thức nhất định phù hợp với chức năng và lĩnh vực hoạt động của tổ chức đó. Để có thể tồn tại và hoạt động, mọi tổ chức đều phải có cơ cấu tổ chức của riêng mình. Tổ chức có tư cách pháp nhân phải là tổ chức có cơ cấu tổ chức chặt chẽ, các bộ phận bên trong của tổ chức phải là một chỉnh thể thống nhất với cơ cấu, mô hình thống nhất theo quy định của pháp luật, tương ứng với từng loại pháp nhân. Thống nhất về tổ chức được quy định trong quyết định thành lập, trong điều lệ mẫu, trong các văn bản pháp luật, trong điều lệ của từng loại tổ chức hay từng tổ chức đơn lẻ. Ví dụ: Pháp nhân là công ty cổ phần phải có Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị và Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc (hoặc Tổng Giám đốc) và Ban kiểm soát trong trường hợp công ty có trên 11 cổ đông là cá nhân hoặc có cổ đông là tổ chức sở hữu trên 50% số vốn điều lệ của công ty[1]; pháp nhân là công ty TNHH một thành viên do một cá nhân làm chủ sở hữu phải có Chủ tịch công ty và Giám đốc (hoặc Tổng Giám đốc)[2]; pháp nhân là trường cao đẳng công lập phải có Hội đồng trường, Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng, phòng, ban chức năng, khoa, bộ môn, tổ chức khoa học và công nghệ, tổ chức phục vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học và công nghệ, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, Hội đồng khoa học và đào tạo, các hội đồng tư vấn[3].

Pháp nhân phải là một tổ chức độc lập. Pháp nhân có ý chí riêng và hành động theo ý chí của riêng mình, không bị chi phối bởi các chủ thể khác khi quyết định và thực hiện các công việc có liên quan đến nhiệm vụ của tổ chức. Sự tồn tại của pháp nhân không phụ thuộc vào sự thay đổi các thành viên của pháp nhân hoặc thay đổi các bộ phận chức năng của pháp nhân. Ví dụ: Trong công ty cổ phần, sự thay đổi các cổ đông hay sự sắp xếp lại, thêm, bớt các phòng chức năng, bộ phận sản xuất,… không ảnh hưởng đến sự tồn tại của công ty đó.

c. Có tài sản độc lập với tổ chức, cá nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản đó

Điều kiện này thực ra bao gồm 2 ý: thứ nhất, pháp nhân phải có “tài sản độc lập” với tổ chức, cá nhân khác; thứ hai, pháp nhân phải “tự chịu trách nhiệm bằng tài sản đó”, nghĩa là tự chịu trách nhiệm cho hành vi của pháp nhân bằng khối tài sản của mình. Hai ý này tuy có mối liên hệ chặt chẽ với nhau nhưng cũng có sự độc lập nhất định về mặt pháp lý, tạo thành điều kiện về tài sản của pháp nhân.

Để có thể tham gia vào các quan hệ pháp luật với tư cách là chủ thể độc lập thì tổ chức phải có tài sản nhất định. Tài sản của pháp nhân độc lập với tài sản của các thành viên của pháp nhân và cơ quan chủ quản của pháp nhân, độc lập với tài sản của các tổ chức và cá nhân khác. Tài sản của pháp nhân có thể hình thành do sự đóng góp của các thành viên, hình thành trong quá trình hoạt động, được tặng, cho hoặc được nhà nước giao quyền quản lý tài sản của nhà nước,… Ví dụ: Khi thành lập các công ty theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2005, tổ chức, cá nhân tham gia góp vốn phải làm các thủ tục để chuyển quyền sở hữu tài sản hoặc quyền sử dụng đất dùng làm tài sản góp vốn cho công ty. Tài sản của công ty bao gồm phần vốn góp của các thành viên, lợi nhuận thu được từ hoạt động kinh doanh và các tài sản hợp pháp khác. 

Trên cơ sở có tài sản riêng, pháp nhân phải chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình. Các thành viên của pháp nhân, cơ quan chủ quản của pháp nhân hay bất kỳ tổ chức, cá nhân nào khác không phải dùng tài sản của mình để chịu trách nhiệm thay cho pháp nhân. Ngược lại, pháp nhân cũng không phải chịu trách nhiệm thay cho cơ quan chủ quản, các tổ chức, cá nhân khác hay thành viên của pháp nhân. Ví dụ: Công ty TNHH một thành viên do một cá nhân làm chủ sở hữu thì chủ sở hữu phải xác định và tách biệt tài sản của công ty với tài sản của cá nhân, tách biệt các chi tiêu của cá nhân và gia đình mình với các chi tiêu trên cương vị là Chủ tịch công ty và Giám đốc hoặc Tổng Giám đốc. Đồng thời, công ty tự chịu trách nhiệm về các hoạt động của mình bằng tài sản của công ty, còn chủ sở hữu công ty chỉ chịu trách nhiệm về các nghĩa vụ tài sản của công ty trong phạm vi số vốn đã cam kết góp vào công ty.

Như vậy, một trong những yếu tố quan trọng để phân biệt tổ chức có tư cách pháp nhân hay không, đó là căn cứ vào tính độc lập của khối tài sản của tổ chức đó. Tổ chức có tư cách pháp nhân phải là tổ chức mà tài sản của nó phải độc lập với tài sản của các cá nhân, tổ chức khác và khi tham gia các giao dịch dân sự, tổ chức đó phải tự chịu trách nhiệm về tài sản trong phạm vi khối tài sản của mình.

d. Nhân danh mình tham gia các quan hệ pháp luật một cách độc lập

Tổ chức có tư cách pháp nhân phải có tên gọi riêng. Khi tham gia các quan hệ dân sự, pháp nhân phải nhân danh chính mình, nghĩa là phải sử dụng tên gọi của mình, không sử dụng danh nghĩa của nhà nước, của cơ quan thành lập pháp nhân, của tổ chức khác hoặc thành viên của pháp nhân. Ví dụ: Trường Cao đẳng Kinh tế - Tài chính Thái Nguyên là một pháp nhân, cơ quan chủ quản là UBND tỉnh Thái Nguyên. Khi tham gia các quan hệ pháp luật như quan hệ tuyển sinh, quan hệ hợp đồng,… nhà trường sử dụng tên gọi của mình, với danh nghĩa của nhà trường chứ không sử dụng tên gọi của cơ quan chủ quản là UBND tỉnh Thái Nguyên.

Pháp nhân độc lập khi tham gia các quan hệ pháp luật cũng có nghĩa là khi tham gia quan hệ tố tụng, pháp nhân phải là nguyên đơn, bị đơn trước các cơ quan tài phán khi có một tranh chấp liên quan đến pháp nhân. Ví dụ: Công ty cổ phần khởi kiện một doanh nghiệp tư nhân ra Tòa án vì doanh nghiệp tư nhân không thực hiện đúng nghĩa vụ theo hợp đồng đã thỏa thuận thì công ty cổ phần là nguyên đơn, còn chủ doanh nghiệp tư nhân mới là bị đơn. Công ty cổ phần có tư cách độc lập với cổ đông, nhưng tư cách của doanh nghiệp tư nhân và chủ doanh nghiệp không tách rời nhau trong các quan hệ tố tụng liên quan đến doanh nghiệp.[4] Do vậy, công ty cổ phần thỏa mãn điều kiện thứ 4 của pháp nhân, còn doanh nghiệp tư nhân không đáp ứng điều kiện này.

Như vậy, để được công nhận là pháp nhân, một tổ chức phải thỏa mãn các điều kiện do pháp luật quy định. Các điều kiện này có mối liên hệ chặt chẽ, không tách rời nhau, hợp thành tư cách chủ thể của pháp nhân.

Qua phân tích các điều kiện của pháp nhân, tôi xin bàn thêm về tư cách pháp nhân của công ty hợp danh theo Luật Doanh nghiệp năm 2005. Tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 130 Luật Doanh nghiệp năm 2005 quy định:

1. Công ty hợp danh là doanh nghiệp, trong đó:

a) Phải có ít nhất hai thành viên là chủ sở hữu chung của công ty, cùng nhau kinh doanh dưới một tên chung (sau đây gọi là thành viên hợp danh); ngoài các thành viên hợp danh có thể có thành viên góp vốn;

b) Thành viên hợp danh phải là cá nhân, chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về các nghĩa vụ của công ty;

c) Thành viên góp vốn chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty trong phạm vi số vốn đã góp vào công ty.

2. Công ty hợp danh có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

Theo tôi, việc Luật Doanh nghiệp hiện nay quy định công ty hợp danh có tư cách pháp nhân là chưa phù hợp với quy định của pháp luật dân sự vì công ty hợp danh không thỏa mãn điều kiện “có tài sản độc lập và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản đó”.

Công ty hợp danh có tài sản độc lập với tài sản của tổ chức, cá nhân khác. Điều này thể hiện rõ trong Luật Doanh nghiệp năm 2005 tại các Điều 29 Khoản 1 và Điều 132, theo đó, khi góp vốn vào công ty hợp danh, các thành viên phải chuyển quyền sở hữu tài sản góp vốn cho công ty. Như vậy, công ty có khối tài sản riêng, tách biệt với tài sản của thành viên công ty, được hình thành từ phần đóng góp của các thành viên, tạo lập được từ hoạt động kinh doanh của công ty và thành viên công ty nhân danh công ty hoặc nhân danh cá nhân tiến hành các hoạt động trong các ngành, nghề kinh doanh mà công ty đã đăng ký và các tài sản hợp pháp khác.

Tuy nhiên, công ty hợp danh không tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình về các hoạt động của công ty. Cụ thể trong Luật Doanh nghiệp năm 2005, tại Điểm b Khoản 1 Điều 130 quy định: “Thành viên hợp danh phải là cá nhân, chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về các nghĩa vụ của công ty”; tại Điểm đ Khoản 2 Điều 134 quy định về nghĩa vụ của thành viên hợp danh là: “Liên đới chịu trách nhiệm thanh toán hết số nợ còn lại của công ty nếu tài sản của công ty không đủ để trang trải số nợ của công ty”. Như vậy, trách nhiệm của các thành viên hợp danh trong công ty thuộc dạng trách nhiệm vô hạn và liên đới. Nếu công ty hợp danh không thanh toán được các khoản nợ phát sinh từ hoạt động kinh doanh thì các thành viên hợp danh phải liên đới dùng tài sản riêng của mình để trả nợ cho công ty. Điều này hoàn toàn ngược lại với trách nhiệm tài sản của cổ đông công ty cổ phần hay thành viên/chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn. Nếu tài sản của công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn không đủ để thanh toán các khoản nợ của công ty thì cổ đông, thành viên hoặc chủ sở hữu công ty không phải dùng tài sản riêng của mình để trả các khoản nợ đó. Trong thủ tục phá sản, khi thanh toán nợ của công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, nếu giá trị tài sản còn lại của công ty không đủ để thanh toán hết các khoản nợ không có bảo đảm (loại nợ được thanh toán sau cùng) thì mỗi chủ nợ chỉ được thanh toán một phần khoản nợ của mình theo tỷ lệ tương ứng. Phần trách nhiệm của cổ đông, thành viên/chủ sở hữu công ty chỉ đến hết phần vốn góp (hoặc cam kết góp) vào công ty. Đối với công ty hợp danh (và cả doanh nghiệp tư nhân), tài sản để thanh toán nợ khi tiến hành thủ tục phá sản, ngoài tài sản của doanh nghiệp còn có tài sản của thành viên hợp danh (hoặc chủ doanh nghiệp tư nhân) mà không trực tiếp dùng vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Có thể thấy, công ty hợp danh mặc dù “có tài sản độc lập” nhưng không “tự chịu trách nhiệm bằng tài sản đó”. Luật Doanh nghiệp năm 2005 quy định cho công ty hợp danh có tư cách pháp nhân là mâu thuẫn với quy định tại Điều 84 Bộ luật Dân sự năm 2005. Trong hệ thống văn bản pháp luật, Bộ luật Dân sự được coi là đạo luật quan trọng đặc biệt, chỉ sau đạo luật gốc - Hiến pháp. Đạo luật này là cơ sở để điều chỉnh các mối quan hệ dân sự đa dạng, phức tạp, bao gồm tất cả các quan hệ dân sự (theo nghĩa hẹp), quan hệ hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động. Các văn bản pháp luật chuyên ngành khi đưa ra các quy định cụ thể đều phải phù hợp với quy định của Bộ luật Dân sự. Hơn nữa, hầu hết các quốc gia trên thế giới đều không quy định công ty hợp danh là pháp nhân. Có lẽ xuất phát từ thực tế của quá trình thực hiện Luật Doanh nghiệp năm 1999, loại hình công ty hợp danh không thu hút được sự lựa chọn của các nhà đầu tư nên Luật Doanh nghiệp năm 2005 đã quy định cho công ty hợp danh có tư cách pháp nhân để tạo thêm “sức hấp dẫn” cho loại hình doanh nghiệp này. Dù vậy, để đảm bảo tính hệ thống của pháp luật và sự đồng bộ của pháp luật Việt Nam với pháp luật của các quốc gia trên thế giới, cần xem xét lại quy định về tư cách pháp nhân của công ty hợp danh. 



[1] Điều 95 Luật Doanh nghiệp năm 2005.

[2] Điều 74 Luật Doanh nghiệp năm 2005.

[3] Điều 14 Luật Giáo dục đại học.

[4] Xem Khoản 3 Điều 143 Luật Doanh nghiệp năm 2005: “Chủ doanh nghiệp tư nhân là nguyên đơn, bị đơn hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài hoặc Toà án trong các tranh chấp liên quan đến doanh nghiệp”.