11/11/2016

Vẻ đẹp của một bông hoa nhài

Không hiểu tại sao nhưng mỗi khi có dịp giảng dạy tại các lớp học ở vùng cao, tôi thường bị ám ảnh và day dứt về cuộc sống và hoàn cảnh của những học sinh là phụ nữ ở đây. Phần lớn trong số đó là những người phụ nữ đã kết hôn, có con cái và tham gia công tác xã hội ở địa phương. Có lẽ bởi tôi cũng là phụ nữ, có những sự đồng cảm, có những riêng tư mà người trong cuộc mới có thể thấu hiểu nhau. Người mà tôi đề cập đến trong bài viết này là em Đào Thị Son, học sinh lớp K3651L2.

Trong hai buổi lên lớp đầu tiên của môn học, khi điểm danh em đã không có mặt. Buổi đầu, cán bộ lớp báo rằng em bị ốm, nhưng khi cô trò đã thân quen nhau hơn, Lớp phó Thủy mới nói thật với tôi là “có thể chị Son không đi học nữa cô ạ”. Khi tôi hỏi tại sao thì Thủy kể: cô ơi, chị ấy rất muốn đi học nhưng hoàn cảnh gia đình không cho phép, chồng chị ấy không muốn chị ấy đi học. Một chút buồn nhưng cảm xúc bức xúc thì nhiều hơn! Hầu như lớp học nào trên vùng cao cũng có những hoàn cảnh phụ nữ như Son. Và đã có nhiều trường hợp phải bỏ học giữa chừng vì những lý do như thế.

Đang nói chuyện với các bạn trong lớp là xem có cách nào để thuyết phục và động viên Son tiếp tục đến lớp không thì niềm vui như vỡ òa trong một buổi sáng. Cuối cùng, em đã đến, không ai nói với ai, nhưng tất thảy cả cô và các anh, chị, em trong lớp đều thấy trong lòng rất vui!

Nhìn dáng người nhỏ nhắn, rất hiền từ và luôn chăm chú, tôi thấy trong em có một sự đảm đang, một sự nhẫn nhịn, cam chịu xen lẫn một nỗi u buồn giấu kín. Lấy chồng rồi sinh hai đứa con, vừa đảm đương công việc xã hội với cương vị là Phó Chủ tịch Hội phụ nữ xã, vừa làm kinh tế và quán xuyến việc chăm lo cho gia đình, nuôi dạy con cái. Bao nhiêu vất vả và lo toan dồn xuống đôi vai nhỏ bé của người phụ nữ này, nhưng Son vẫn quyết tâm đi học để có thêm kiến thức, hoàn thiện bằng cấp theo yêu cầu công tác. Đó đã là một sự nỗ lực, cố gắng không hề đơn giản. Nhưng việc làm chính đáng và những khó khăn của Son cũng chưa được chồng của em chia sẻ, cảm thông. Anh chồng muốn Son phải thôi học. Nghe hoàn cảnh của Son, thấy kết quả học tập của em, môn nào Điểm tổng kết cũng trên 8,0. Tôi sẽ tiếc lắm nếu em phải dừng việc học tập của mình vì một lý do vô lý như thế. Tôi hiểu vì sao ở nước mình và nhiều nước trên thế giới, trong một xã hội đã phát triển người ta vẫn còn phải tuyên truyền nhiều về quyền bình đẳng giới cho phụ nữ và những trẻ em gái, bởi còn nhiều bất công đang hiện hữu ở khắp mọi nơi.

Tôi mong và thật sự muốn Son, hay bất kỳ một người phụ nữ nào, hãy tự biết thương bản thân mình, làm chủ lấy cuộc sống của mình, hãy dám đấu tranh cho những điều tốt đẹp, cho những gì mình xứng đáng được hưởng và được nhận. Điều đó thật không đơn giản, nhất là đối với những người phụ nữ ở vùng cao, khi điều kiện kinh tế, xã hội còn nhiều khó khăn, đặc biệt sự hiểu biết và quan tâm đến cuộc sống của những người phụ nữ ở đây còn nhiều hạn chế. Nên phụ nữ bị nhiều rào cản để bước tới một cuộc sống hạnh phúc trong gia đình và thành đạt trong công việc ngoài xã hội.

Nhưng tôi tin rồi mọi chuyện sẽ khác, khi bây giờ em đã ngồi đây cùng cô và các bạn, điều đó minh chứng rằng em đã dám đấu tranh và vượt lên hoàn cảnh. Được trang bị những tri thức khoa học sẽ giúp cho người phụ nữ trưởng thành hơn và có thể thay đổi cuộc sống của mình theo chiều hướng tốt đẹp. Tôi mong em hãy giữ tinh thần đó, rồi sẽ đến một ngày những người xung quanh và đặc biệt người bạn đời sẽ thông cảm và chia sẻ với những khó khăn cùng những mong muốn giản dị của em để cuộc sống của em bớt nhọc nhằn hơn, bớt lam lũ hơn. Vì em xứng đáng được hưởng những điều tốt đẹp.

Nghĩ về Son, tôi lại liên tưởng đến một loài hoa, trắng muốt, dịu dàng và lặng lẽ tỏa hương: hoa nhài! Đóa hoa trắng nhỏ với hương thơm thoang thoảng, nhẹ nhàng thanh khiết. Có ai đó còn chưa biết rằng loài hoa này đem lại rất nhiều giá trị hữu ích cho cuộc sống! 

GV. Bùi Thị Lập - Khoa Luật