23/03/2023

Giao tiếp và ứng xử nơi công sở

Môi trường công sở ngoài những áp lực về công việc còn là những mối quan hệ, ứng xử giao tiếp giữa các đồng nghiệp trong các cơ quan, tổ chức. Đây cũng là yếu tổ quyết định cá nhân có thể đồng hành cùng môi trường công sở đó hay không.

Trong môi trường năng động và chuyên nghiệp như hiện nay, bên cạnh việc nâng cao năng lực, kỹ năng làm việc thì việc xây dựng giá trị bản thân có những thói quen, lề lối làm việc, phương cách ứng xử cùng hành vi văn minh, lịch sự là yếu tố rất quan trọng.

          Văn hoá công sở có vai trò quan trọng đối với mỗi một cơ quan, mỗi một đơn vị và nhất là trong tình hình hiện nay. Văn hoá công sở đến từ ý thức, thái độ và hành vi của tất cả những người đang làm việc trong công sở. Từ những người lãnh đạo đến những nhân viên. Công sở là môi trường làm việc tập thể, ở đó mỗi người có mỗi tính cách sẽ có những cách thức khác nhau để biểu đạt văn hoá và thái độ sống của mình. Vì thế việc ứng xử nơi công sở luôn muôn hình, muôn vẻ. Có người tỏ ra lịch sự, kín kẽ, số khác lại rất cởi mở, ưa giao tiếp, thích tám chuyện và xăm soi mọi mặt đời sống của đồng nghiệp. Chính sự khác biệt trong tính cách, lối sống luôn là yếu tố khiến trốn công sở dễ xảy ra mâu thuẫn ảnh hưởng đến mối quan hệ đồng nghiệp và cả chất lượng công việc. Nghỉ việc vì mâu thuẫn với đồng nghiệp là một dẫn chứng tiêu cực, điển hình trong văn hoá ứng xử nơi công sở như hiện nay. Ngoài ra, còn có những bất cập trong văn hoá ứng xử nơi công sở đó là giữa đồng nghiệp với nhau còn xảy ra tình trạng đố kỵ, ghen ghét nhau hoặc cạnh tranh không lành mạnh; giữa cán bộ, công chức với dân còn tình trạng quan liêu, cửa quyền, hách dịch…

          Văn hoá ứng xử là một phần quan trọng trong văn hoá công sở của cơ quan, tổ chức. Vì thế nếu không quan tâm, không chú trọng xây dựng văn hoá ứng xử nơi công sở dẫn đến những ảnh hưởng không tốt trong nội bộ và sự phát triển của cơ quan, đơn vị. Môi trường làm việc ngày càng đa dạng càng đòi hỏi văn hoá ứng xử phải được thiết lập. Để làm được điều đó mỗi cơ quan nên xây dựng những quy tắc ứng xử trong nội bộ đảm bảo sự công bằng và phù hợp đối với từng đơn vị.

          Ví dụ: Trong môi trường làm việc cần xây dựng nguyên tắc là luôn phải làm đúng luật, luôn chuẩn mực, thông tin phải rõ ràng, thực tế và có trước sau. Khi mà có những quy tắc chung mà tất cả mọi người đều thừa nhận thì làm bất cứ việc gì cũng phải tuân thủ theo các nguyên tắc đó.

          Xây dựng văn hoá giao tiếp và kỹ năng ứng xử nơi công sở chính là xây dựng môi trường làm việc hiện đại, chuyên nghiệp, thân thiện và hiệu quả. Từ đó tạo bầu không khí cởi mở, chân tình, giúp mọi người hứng khởi làm việc, quan trong hơn xây dựng văn hoá ứng xử nơi công sở là xây dựng mối quan hệ đồng nghiệp vững chắc, tạo sức mạnh để cơ quan phát triển vững vàng và thành công.

(Trịnh Thị Thoa)