27/03/2023

Mẫu kế hoạch học tập của sinh viên và cách lập kế hoạch

ThS.Nguyễn Thu Huyền - Giảng viên bộ môn Quản lý Nhà nước

Nếu bạn muốn có một kết quả học tập tốt thì trước tiên bạn phải lập ra một kế hoạch học tập để hướng tới mục tiêu và hoàn thiện nó. Khi bạn giành thời gian cho những điều vô ích mà thời gian học tập của bạn không có lịch trình cụ thể, không có kế hoạch hay mục tiêu nào thì kết quả của bạn sẽ không được như mong đợi. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn lập ra mẫu kế hoạch học tập và những chiến lược giúp bạn bám sát nó.

1. Mẫu kế hoạch học tập của sinh viên là gì?

Mẫu kế hoạch học tập của sinh viên là một lịch trình có tổ chức, được phác thảo về thời gian học và mục tiêu để hoàn thành trong năm học đó. Lập ra kế hoạch học tập cần mang tính tự giác và ý thức của mỗi sinh viên để hoàn thành được việc học đạt kết quả tốt nhất của mình.

2. Tại sao cần phải lập ra kế hoạch học tập?

Lập ra kế hoạch học tập giúp sinh viên có thể định hướng được việc học và quản lý được thời gian một cách hiệu quả. Khi sinh viên dành thời gian để hoạt động như: làm việc, vui chơi, học hành,.. Trong ngày hôm đó, mà  không có lịch trình cụ thể thì bạn  không thể “tiêu thụ” thời gian hợp lý và không biết mình đã dành thời gian đó cho những việc gì, khi về nhà bạn sẽ không có đủ thời gian để hoàn thành bài tập trên lớp cũng như ôn bài để cho kỳ thi sắp diễn ra. Vì thế, khi lập ra kế hoạch học tập giúp bản quản lý, kiểm soát được thời gian và hoạt động của mình hơn, nó đóng một vai trò rất quan trọng trong quá trình học tập của sinh viên.

Tuy nhiên, việc lập ra kế hoạch học tập của sinh viên phải thực tế và linh hoạt, không thể lập một kế hoạch mà trong đó đều quy định thời gian cụ thể chi tiết. Vì khi chúng ta có thể gặp những tình huống bất ngờ mà kế hoạch đó bị phá vỡ. Vì vậy, khi lập ra kế hoạch học tập cần phải đảm bảo thời gian tự học tương xứng với lượng thông tin môn học,  xen kẽ hợp lý giữa các hình thức tự học, giữa các môn học, giữa giờ tự học, giờ nghỉ ngơi; thực hiện nghiêm túc kế hoạch tự học cũng như biết cách làm việc độc lập, biết tự ôn tập, kiểm tra.

Đã có khẳng định rằng nếu chúng ta bỏ ra một giờ để lập kế hoạch thì ta sẽ tiết kiệm được ba giờ khi thực hiện nó. Bởi khi thời gian học tập cũng như thời gian tự học của mình được lên kế hoạch thì chúng ta sẽ thấy nó trở nên ít rắc rối và có một lich trình cụ thể trong một thời gian dài.

3. Các bước lập mẫu kế hoạch học tập:

Để có một mẫu kế hoạch học tập của sinh viên hợp lý chúng ta cần phải có các bước lập ra kế hoạch đó.

Bước 1: Xác định mục tiêu trước khi lập ra kế hoạch:

Đây là bước đầu tiên bạn cần có trước khi lập ra kế hoạch. Khi xác định được mục tiêu, lúc đó bạn sẽ tìm cách để hoàn thành mục tiêu đó.

Xây dựng mục tiêu ngắn hạn và dài hạn giúp bạn định hướng và đưa ra được lối học tập phù hợp cho mình. Mục tiêu ngắn hạn sẽ là tiền đề để bạn hoàn thành mục tiêu dài hạn.

Ví dụ: Mục tiêu tốt nghiệp với bằng giỏi.

Bước 2: Phân tích thói quen và cách học tập hiệu quả:

 Việc bạn phân tích thói quen khi học tập mà bạn cảm thấy hiệu quả nhất là bước cần thiết và hiệu quả trong việc học. Bạn sẽ phân tích bằng cách đặt ra câu hỏi: Thời gian nào giúp bạn tiếp thu lượng kiến thức dễ hiểu nhất? Bạn sẽ dễ nhớ bài học hơn nếu học nhiều môn cùng lúc hay có khoảng thời gian nghỉ ngơi giữa các môn?,… Việc phân tích cụ thể sẽ giúp hiệu quả cao hơn.

Bước 3: Ghi chép lịch trình hiện tại và quản lý thời gian:

 Khi bạn ghi chép lịch trình hiện tại của mình vào giấy hoặc mục ghi chú trên điện thoại thì sẽ giúp bạn quản lý được mọi việc một cách hợp lý nhất. Từ đó, bạn có thể chủ động sắp xếp được thời gian dành cho từng việc: học tập, vui chơi, đi làm,..Nếu thời gian biểu của bạn dành cho việc học không đủ thời gian thì bạn có thể xem xét lại lịch trình và sắp xếp lại cho hiệu quả và phù hợp.

Bước 4: Lập kế hoạch cho mỗi lớp học:

Đối với mỗi sinh viên đại học, chúng ta thường tham gia xác lớp học, trung tâm hay câu lạc bộ trong và ngoài trường. Khi tham gia quá nhiều lịch trình như vậy, chúng ta nên sắp xếp thời gian dành cho mỗi lớp học khác nhau. Đồng thời, việc này giúp bạn sắp xếp được các buổi học, không bị hoang mang khi có quá nhiều lịch học.

Bước 5: Lập lịch trình:

Lên kế hoạch cho mỗi môn học sẽ học vào buổi nào, ngày nào giúp bạn dành đủ thời gian cho môn học đó.

Bước 6: Bám sát và đánh giá kế hoạch học tập sau mỗi tuần:

Đánh giá kế hoạch sau một tuần thực hiện nó giúp bạn có thấy hiệu quả hay không, từ đó điều chỉnh lại kế hoạch cho phù hợp với bản thân của mình nhất.

4. Mẫu kế hoạch học tập của sinh viên:

KẾ HOẠCH HỌC TẬP CỦA SINH VIÊN

– Thời gian học:

+ Từ: 8 giờ 10 phút đến 11 giờ 10 phút các ngày từ thứ 2 đến thứ 7.

– Thời gian nghỉ:

+ Từ 9 giờ 40 phút đến 9 giờ 45 phút

– Kế hoạch học tập cụ thể với từng môn học:

* Tên môn học thứ nhất:

+ Mục tiêu: Đạt điểm A.

+ Thời gian hoàn thành mục tiêu: 03 tháng.

+ Các nhiệm vụ nhỏ để hoàn thành mục tiêu: Lên thư viên đọc thêm sách, Làm lại bài tập sau mỗi buổi học, Tham khảo và mua những sách giáo trình bài tập để luyện thêm.

+ Ghi chú: Cần chăm chỉ hơn sau mỗi buổi học.

* Tên môn học thứ hai:

……

5. Những chiến lược giúp bám sát kế hoạch học tập:

– Nên nghỉ giải lao: Việc nghỉ giải lao thư giãn giúp đầu óc bạn bớt căng thẳng hơn sau mỗi buổi học. Không nên quá đưa bản thân mình vào quy củ và học quá sức mà không dành cho cơ thể dược nghỉ ngơi. Điều này chỉ khiến bản thân mệt mỏi, áp lực hơn, đồng thời việc học cũng trở nên căng thẳng và khó nhớ. Chúng ta nên để ý tới cả bản thân nhưng không nên nghỉ giải lao quá nhiều vì chúng sẽ lãng phí thời gian và khi quay lại học cũng làm bản thân trở nên lười biếng.

– Sắp xếp thời gian cho các hoạt động khác: Bạn nên sắp xếp cân bằng giữa việc học và các hoạt động khác xen kẽ lẫn nhau để đạt được hiệu quả nhất. Nếu liên tiếp học nhiều ngày mà không bao gồm cả hoạt động như vui chơi, thể dục thể thao, sinh hoạt câu lạc bộ,..thì bạn sẽ dễ nhàm chán và dễ dàng bỏ cuộc

– Duy trì trách nhiệm: Nhiều bạn sinh viên sẽ thấy học tập hiệu quả hơn khi có bạn học cùng. Vì khi học cùng nhau, hai bên có thể hỗ trợ, trao đổi và giúp đỡ nhau những lỗ hổng của đối phương. Tuy nhiên, nếu bạn học giao tiếp xã hội nhiều hơn là học tập khi ở cạnh người khác thì hãy tuân theo một kế hoạch học tập độc lập.

– Đánh giá kế hoạch học tập: Việc đánh giá kế hoạch học tập sau mỗi một tuần rằng kế hoạch đó có đem lại hiệu quả cao không, thời gian như vậy đã ổn thỏa chưa, có cân bằng giữa các việc hay không. Nếu kế hoạch học tập đó chưa thực sự đem lại kết quả tốt còn đem lại hiệu quả không cao thì lúc đó bạn hãy điều chỉnh lại thời gian biểu của mình và lập ra kế hoạch học tập mới để phù hợp và hiệu quả hơn.

– Sử dụng các công cụ để tạo ra kế hoạch học tập: Nếu lịch trình ghi trên giấy không hữu ích cho bạn, bạn không nhớ, đôi khi bạn có việc ra ngoài và quên lịch phải làm gì thì bạn có thể đổi qua đặt lịch trình trên mục lời nhắc của máy điện thoại. Lúc này, lời nhắc sẽ nhắc bạn làm gì tiếp theo khi bạn cài đặt chúng.