28/03/2023

Một số vấn đề về xây dựng công cụ đo lường trong đánh giá hoạt động thực tập nghề nghiệp của sinh viên học nghề tại Trường Cao đẳng Thái Nguyên

Thực tập nghề nghiệp là một hoạt động rất quan trọng trong quá trình đào tạo nhằm giúp người học vận dụng tổng hợp các kiến thức đã học vào công việc, rèn luyện kỹ năng nghề trong môi trường thực tế, góp phần hình thành các phẩm chất, năng lực cần có của người lao động ở mỗi vị trí công việc khác nhau. Thực tập nghề nghiệp có thể thực hiện ở nhiều giai đoạn trong quá trình đào tạo, nhưng bắt buộc phải có trong chương trình đào tạo các ngành, nghề. Thông qua quá trình thực tập, nhà trường đánh giá mức độ đạt được về kiến thức, kỹ năng, năng lực tự chủ và trách nhiệm của người học nghề so với chuẩn đầu ra. Do vậy, việc xác định công cụ đo lường trong đánh giá hoạt động thực tập nghề nghiệp của người học là vấn đề rất quan trọng để bảo đảm chất lượng đào tạo nghề.

1. Thực tế hoạt động thực tập nghề nghiệp của học sinh, sinh viên học nghề ở Trường Cao đẳng Thái Nguyên hiện nay

Trường Cao đẳng Thái Nguyên đang đào tạo nghề ở 2 cấp trình độ: cao đẳng và trung cấp. Trong chương trình đào tạo các ngành, nghề của Nhà trường hiện nay có một môn học/mô-đun liên quan tới hoạt động thực tập, đó là môn học/mô-đun “Thực tập tốt nghiệp” với thời lượng tối thiểu từ 135 giờ đối với mỗi chương trình. Với vị trí là một môn học/mô-đun chuyên môn trong chương trình đào tạo, chương trình môn học/mô-đun Thực tập tốt nghiệp được ban hành chương trình chi tiết cùng với chương trình đào tạo của ngành, nghề.

Hiện nay, sinh viên khóa 17 trình độ cao đẳng các ngành, nghề đang thực tập tốt nghiệp theo chương trình môn học đã được khoa chuyên môn xây dựng và thông qua Nhà trường. Trong phạm vi bài viết này, các số liệu và nội dung đánh giá được thực hiện đối với chương trình thực tập của sinh viên cao đẳng. Người học nghề trình độ trung cấp của Nhà trường hiện nay là người tốt nghiệp THCS vừa tham gia học nghề, vừa tham gia học văn hóa, độ tuổi thường từ 15 đến 18 tuổi.  Vì vậy, hoạt động thực tập sẽ có những đặc thù hơn và sẽ được đánh giá ở một nghiên cứu khác.

Thời lượng thực tập tốt nghiệp quy định trong chương trình đào tạo trình độ cao đẳng của 07 ngành, nghề Nhà trường đang đào tạo như sau:

Bảng 1: Thời lượng thực tập tốt nghiệp các ngành, nghề đang đào tạo trình độ cao đẳng

STT

Mã nghề

Tên nghề

Thời lượng thực tập (giờ)

 

 

 

K17

K18

K19

1

6340301

Kế toán

150/1.800

 

 

2

6340302

Kế toán doanh nghiệp

 

255/1.995

255/1.995

3

6340404

Quản trị kinh doanh

135/1.800

165/1.920

165/1.920

4

6340202

Tài chính - Ngân hàng

150/1.800

150/1.995

150/1.995

5

6510312

Công nghệ kỹ thuật điện tử, truyền thông

225/1.800

 

180/2.025

6

6520225

Điện tử công nghiệp

 

 

300/1.995

7

6480201

Công nghệ thông tin

225/1.800

255/2.055

255/2.055

Việc đánh giá hoạt động thực tập tốt nghiệp của sinh viên K17 của các ngành, nghề đều thông qua phương pháp đánh giá sản phẩm thực hành thể hiện dưới dạng báo cáo hoặc bài tập lớn, có thể tóm lược qua bảng sau:

Bảng 2: Quy định về đánh giá hoạt động thực tập của sinh viên K17 trình độ cao đẳng

 

STT

Tên nghề

Địa điểm

thực tập

Phương pháp đánh giá

Quy định về

điểm đánh giá

1

Kế toán

- Doanh nghiệp

- Phòng thực hành

Đánh giá sản phẩm thực hành: Báo cáo thực tập tốt nghiệp

 

Điểm BC tốt nghiệp ≥ 5,0/10

2

Quản trị kinh doanh

Khách sạn

Đánh giá sản phẩm thực hành: Báo cáo thực tập tốt nghiệp

- Điểm BC tốt nghiệp ≥ 5,0/10

- Điểm do GV hướng dẫn và GV phản biện chấm độc lập theo thang điểm 10 có lấy đến 1 chữ số thập phân. Điểm thực tập TN là điểm TB cộng 2 lần chấm, nếu có cách biệt, xử lý như quy chế chấm thi hiện hành.

3

Tài chính - Ngân hàng

- Giảng đường

- Doanh nghiệp

- Ngân hàng

Đánh giá sản phẩm thực hành:

- Bài tập lớn

- Báo cáo

Thang điểm 10, trong đó:

- Bài tập lớn NV ngân hàng: 40%

- Bài tập lớn KD chứng khoán: 40%

- Báo cáo NV Kinh doanh BĐS: 20%

4

Công nghệ kỹ thuật điện tử, truyền thông

- Phòng Thực hành viễn thông

- Doanh nghiệp

Đánh giá sản phẩm thực hành: Báo cáo thực tập

- Điểm BC tốt nghiệp ≥ 5,0/10

- Điểm do GV hướng dẫn và GV phản biện chấm độc lập theo thang điểm 10 có lấy đến 1 chữ số thập phân. Điểm thực tập TN là điểm TB cộng 2 lần chấm, nếu có cách biệt, xử lý như quy chế chấm thi hiện hành.

5

Công nghệ thông tin

- Doanh nghiệp

- Phòng thực hành thiết kế đồ họa/web

Đánh giá sản phẩm thực hành:

- Báo cáo thực tập (Chuyên đề 1)

- Bài tập lớn (Chuyên đề 2,3,4)

- Điểm TBC môn học là điểm TB các bài chấm BC thực tế, bài thực hành, bài tập lớn theo trọng số như sau:

CĐ1 và CĐ4 x 2

CĐ2 và CĐ3 x 1

- Điểm TBC các bài tiểu luận/BTL ≥ 5,0/10

Qua nghiên cứu chương trình thực tập tốt nghiệp của 5 ngành, nghề trên, có thể nhận thấy:

- Hoạt động thực tập diễn ra chủ yếu tại các doanh nghiệp, ngân hàng, khách sạn, phù hợp với vị trí công việc của người học tốt nghiệp. Một số nội dung thực tập được thực hiện tại Phòng thực hành chuyên môn của Khoa.

- Sản phẩm thực hành dùng để đánh giá hoạt động thực tập được thể hiện thông qua 2 hình thức: Bài tập lớn và Báo cáo thực tập. Điểm môn học phải đạt từ 5,0 điểm trở lên theo thang điểm 10.

Hình thức đánh giá kết quả thực tập như trên phù hợp với quy định của Nhà trường. Cụ thể, điểm a và điểm e khoản 2 Điều 13 Quy định về việc tổ chức đào tạo trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng theo phương thức tích lũy mô-đun hoặc tín chỉ của Trường Cao đẳng Thái Nguyên (ban hành kèm theo Quyết định số 456/QĐ-CĐTN ngày 15/8/2022 của Hiệu trưởng) (sau đây gọi tắt là Quy chế đào tạo) quy định như sau:

Điều 13. Kiểm tra thường xuyên, kiểm tra định kỳ và thi kết thúc môn học, mô-đun, học phần

2. Thi kết thúc môn học, mô-đun

a) Thi kết thúc môn học, mô-đun được thực hiện tại trường, phân hiệu, địa điểm đào tạo của trường; đơn vị liên kết đào tạo hoặc tại doanh nghiệp; được thực hiện trực tiếp hoặc trực tuyến khi đáp ứng được các điều kiện cho việc tổ chức thi;

e) Hình thức thi kết thúc môn học, mô-đun có thể là thi viết, vấn đáp, trắc nghiệm, thực hành, bài tập lớn, tiểu luận, bảo vệ kết quả thực tập theo chuyên đề hoặc kết hợp giữa các hình thức trên;

Quy định tổ chức thi kết thúc môn học, mô-đun, học phần (ban hành kèm theo Quyết định số 819/QĐ-CĐTN ngày 15/11/2022 của Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Thái Nguyên) (sau đây gọi tắt là Quy chế thi), tại Điều 3 cũng quy định:

Điều 3. Hình thức thi kết thúc môn học, mô-đun, học phần

2. Hình thức thi kết thúc môn học, mô-đun có thể là thi viết (tự luận, trắc nghiệm trên giấy), vấn đáp, trắc nghiệm trên máy, thi thực hành, bài tập lớn, tiểu luận, bảo vệ kết quả thực tập theo chuyên đề hoặc kết hợp giữa các hình thức trên.

Tuy nhiên, việc quy định điểm môn học/mô-đun thực tập tốt nghiệp yêu cầu đạt từ 5,0 trở lên theo thang điểm 10 là chưa phù hợp với Quy chế đào tạo. Cụ thể tại điểm a khoản 1 Điều 31 Quy chế đào tạo quy định như sau:

Điều 31. Quy đổi điểm môn học, mô-đun và điểm trung bình chung học kỳ, điểm trung bình chung tích lũy

1. Quy đổi điểm môn học, mô-đun thành điểm chữ

a) Điểm môn học, mô-đun được xác định theo quy định tại khoản 1 Điều 17 của Quy định này theo thang điểm 10 sau khi làm tròn đến một chữ số thập phân đối với đào tạo nghề (…) được chuyển thành điểm chữ như sau:

Loại đạt:

A:       từ 8,5 đến 10           giỏi

B:       từ 7,0 đến 8,4           khá

C:       từ 5,5 đến 6,9           trung bình

D:      từ 4,0 đến 5,4           trung bình yếu

Loại không đạt:

F:       dưới 4,0       

- Về công cụ đánh giá hoạt động thực tập: Khoa Kỹ thuật công nghiệp và Khoa Quản trị kinh doanh và Du lịch xây dựng Phiếu đánh giá học sinh thực tập đối với 2 ngành, nghề: Công nghệ kỹ thuật điện tử, truyền thông và Quản trị kinh doanh, với 4 nội dung đánh giá lớn: (1) Lập kế hoạch, (2) Thực hiện kế hoạch, (3) Thái độ, (4) Báo cáo thực tập. Các tiêu chí đánh giá và điểm số được quy định chi tiết như sau:

Bảng 3: Phiếu đánh giá học sinh thực tập

nghề Công nghệ kỹ thuật điện tử, truyền thông và Quản trị kinh doanh

Nội dung đánh giá

Điểm

1. Lập kế hoạch

1,0đ

- Mục tiêu rõ ràng, khả thi, đo lường được

0,25đ

- Mục tiêu phù hợp với vị trí công việc

0,25đ

- Hành động gắn với mục tiêu và hành động rõ ràng, phù hợp

0,25đ

- Tiêu chí đánh giá rõ ràng, khả thi

0,25đ

2. Thực hiện kế hoạch

1,5đ

- Học sinh thực hiện nghiêm túc kế hoạch đề ra

0,5đ

- Nhật ký thực tập thể hiện tốt quá trình thực tập của học sinh, mức độ đạt được mục tiêu đề ra

0,5đ

- Kết quả thu được có ý nghĩa đối với vị trí công việc đang đảm nhận

0,5đ

3. Thái độ

1,0đ

- Nghiêm túc, đúng hạn cho mọi công việc

0,5đ

- Trung thực, có tinh thần học hỏi

0,5đ

4. Báo cáo thực tập

6,5đ

- Hình thức trình bày:

+ Rõ ràng, đẹp

+ Văn phong mạch lạc

+ Đúng chính tả

1,5đ

0,5đ

0,5đ

0,5đ

- Nội dung đầy đủ, đúng kết cấu

+ Giới thiệu về đơn vị thực tập

+ Giới thiệu về vị trí công tác được đảm nhiệm tại đơn vị trong thời gian thực tập

+ Mô tả nội dung thực tập tại đơn vị

+ Đánh giá kết quả thực tập của bản thân

+ Đề xuất với đơn vị thực tập

5,0đ

0,5đ

0,5đ

 

3,0đ

0,5đ

0,5đ

Các ngành, nghề còn lại không thể hiện Phiếu đánh giá hoạt động thực tập trong Chương trình thực tập.

Đối chiếu các nội dung đánh giá với mục tiêu môn học quy định trong chương trình môn học của 2 ngành, nghề, phiếu đánh giá học sinh thực tập chưa bám sát với mục tiêu môn học. Cụ thể:

Mục tiêu môn học Thực tập tốt nghiệp ngành, nghề Công nghệ kỹ thuật điện tử truyền thông như sau:

Sau khi kết thúc môn học, người học:

- Về kiến thức:

            + Nắm vững cấu trúc, chức năng của các phần tử cơ bản.

+ Vận hành và xử lý linh hoạt các tình huống trong quá trình thực tập.

- Về kỹ năng:

+ Thực hiện được các nghiệp vụ của nhân viên kỹ thuật như: Nêu chức năng, nhiệm vụ; Phân tích nguyên lý hoạt động; Xây dựng quy trình thực hiện; Phán đoán các tình huống sự cố có thể xảy ra và biện pháp khắc phục.

+ Đảm bảo an toàn cho người và thiết bị.

- Về năng lực tự chủ và trách nhiệm:

          + Tích cực, chủ động, nhanh nhẹn, nhiệt tình trong công việc.

+ Linh hoạt, có khả năng xử lý tình huống trong công việc.

+ Cẩn thận khi tham gia vào hệ thống vận hành của mạng lưới.

Mục tiêu môn học Thực tập tốt nghiệp ngành, nghề Quản trị kinh doanh như sau:

Sau khi kết thúc môn học, người học:

- Về kiến thức:

            + Trình bày được những vấn đề chung của doanh nghiệp.

+ Nhận diện được các hoạt động quản trị trong doanh nghiệp.

+ Phân tích được các tình huống thực tế trong doanh nghiệp.

+ Viết được báo cáo thực tế về hoạt động quản trị kinh doanh trong doanh nghiệp.

- Về kỹ năng:

+ Giải quyết được một số tình huống thực tế của doanh nghiệp.

+ Thực hành thành thạo một số hoạt động quản trị kinh doanh trong doanh nghiệp.

+ Đề xuất được một số giải pháp phù hợp với tình hình của doanh nghiệp.

- Về năng lực tự chủ và trách nhiệm:

          + Tích cực, chủ động trong công việc.

          + Nhanh nhẹn, nhiệt tình trong các hoạt động của doanh nghiệp.

- Về sự tham gia đánh giá của doanh nghiệp vào hoạt động thực tập của người học, có 2 ngành, nghề xác định có tham gia đánh giá của doanh nghiệp, cụ thể:

+ Chương trình thực tập ngành, nghề Công nghệ kỹ thuật điện tử, truyền thông quy định: Kết thúc quá trình thực tập, doanh nghiệp thực hiện đánh giá sinh viên.

+ Chương trình thực tập ngành, nghề Quản trị kinh doanh quy định: Quá trình thực tập của sinh viên được doanh nghiệp đánh giá và là một bộ phận của điểm số cuối cùng của kỳ thực tập. Tuy nhiên, trọng số phần đánh giá của doanh nghiệp trong điểm thực tập của người học chưa được quy định rõ ràng trong Chương trình thực tập.

+ Các ngành nghề còn lại: Không có quy định cụ thể về sự tham gia đánh giá của doanh nghiệp đối với hoạt động thực tập của người học, do đó không xác định được nội dung này.

Như vậy, các khoa quy định chưa thống nhất về sự tham gia đánh giá của doanh nghiệp đối với hoạt động thực tập của người học. Hiện nay, Nhà trường cũng chưa có quy định nào về vấn đề này nên hoàn toàn áp dụng theo nội dung do khoa xây dựng.

2. Việc xây dựng công cụ đo lường để đánh giá hoạt động thực tập nghề nghiệp của người học nghề

Thực trạng nêu trên cho thấy, hoạt động thực tập nghề nghiệp của học sinh, sinh viên Nhà trường đang để ngỏ cho các khoa, bộ môn chủ động quản lý và chủ yếu là hoạt động thực tập tốt nghiệp, việc đánh giá cũng do các khoa, bộ môn chủ động thực hiện và chưa có khung pháp lý rõ ràng, vì vậy, cần có quy định để các đơn vị thực hiện và công tác quản lý của nhà trường được thống nhất. Bên cạnh đó, Nhà trường đang hướng tới mục tiêu phát triển thành trường chất lượng cao. Tiêu chuẩn 3 tiêu chí 3 để đánh giá trường chất lượng cao quy định: “Thời gian đào tạo thực hành, thực tập tại doanh nghiệp chiếm ít nhất 20% tổng thời gian khóa học”. Tiêu chuẩn này được đánh giá đối với 100% các chương trình đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng đang có người học của Nhà trường (không tính chương trình đào tạo có đối tượng tuyển sinh THCS dưới 18 tuổi). Như vậy, một chương trình đào tạo trình độ cao đẳng với tổng thời gian khóa học từ 2,5 năm đến 3 năm với khối lượng đào tạo 2.000 giờ thì có ít nhất 400 giờ người học phải được tham gia thực hành, thực tập tại doanh nghiệp. Thời lượng 400 giờ thực hành, thực tập tương đương 10 tuần (với thời gian thực hành, thực tập là 8 giờ/ngày) hoặc 20 tuần (với thời gian thực hành, thực tập là 4 giờ/ngày). Đối với chương trình chất lượng cao, phải có tối thiểu 30% thời lượng chương trình để người học thực hành, thực tập tại doanh nghiệp. Do đó, việc ban hành quy định về hoạt động thực hành, thực tập nghề nghiệp của học sinh, sinh viên Nhà trường là hết sức cần thiết.

Quá trình thực hành, thực tập tại doanh nghiệp là quá trình người học được tiếp cận với thực tế, vận dụng kiến thức, kỹ năng đã học vào thực tế hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Doanh nghiệp là nơi sử dụng lao động, cũng là nơi đánh giá sự phù hợp giữa chất lượng đào tạo của Nhà trường với yêu cầu của người sử dụng lao động đối với lao động qua đào tạo. Thực tập cũng đồng thời là quá trình tiếp nhận kiến thức, công nghệ mới để thay đổi nội dung đào tạo của Nhà trường. Do đó, cần phải có sự tham gia đánh giá của doanh nghiệp tiếp nhận học sinh, sinh viên thực hành, thực tập đối với quá trình thực tập của các em thông qua những quy định cụ thể như tiêu chuẩn, điều kiện của người được doanh nghiệp phân công hướng dẫn thực hành, thực tập, nội dung đánh giá của doanh nghiệp, trọng số điểm đánh giá của doanh nghiệp trong điểm môn học,v.v..).

Nhà trường không có quy định cụ thể về Thực tập tốt nghiệp nên có thể hiểu là Quy chế đào tạo đang xác định Thực tập tốt nghiệp là một môn học như các môn học khác nhưng chưa có quy định về cách tính điểm môn học trong Quy chế đào tạo, không thực hiện việc tổ chức thi và chấm thi như các môn học khác. Điều 12 Quy chế thi của Nhà trường quy định:

“Điều 12. Quy định bài tập lớn, tiểu luận

1. Bài tập lớn, tiểu luận dùng để đánh giá người học thi kết thúc môn học, mô-đun, học phần do Bộ môn xây dựng, Trưởng khoa phê duyệt. Trưởng khoa chịu trách nhiệm trước Hiệu trưởng về chất lượng của bài tập lớn, tiểu luận.

5. Cách đánh giá, cho điểm bài tập lớn, tiểu luận do Bộ môn xây dựng thông qua hướng dẫn chấm/mẫu phiếu, nộp về phòng Thanh tra – Khảo thí và ĐBCL (kèm Danh mục đề tài/chủ đề) trước khi tổ chức cho HSSV báo cáo hoặc theo kế hoạch thi của Phòng Quản lý Đào tạo 3 ngày.”

Như vậy, Quy chế thi của Nhà trường còn đang để trống quy định quản lý về hình thức bảo vệ kết quả thực tập theo chuyên đề.

Theo Điều 12 của Quy chế thi thì cách đánh giá, cho điểm bài tập lớn, tiểu luận do các Bộ môn chủ động xây dựng. Việc xây dựng hướng dẫn chấm hoặc mẫu phiếu chấm của Bộ môn phải bám sát mục tiêu môn học để việc đánh giá hoạt động thực tập của người học gắn bó chặt chẽ với chuẩn đầu ra của ngành, nghề đào tạo.

3. Kiến nghị

3.1. Đối với khoa, bộ môn

Người tham luận xin đưa ra một số ý kiến đối với việc đánh giá hoạt động thực tập nghề nghiệp của người học của khoa, bộ môn như sau:

- Lựa chọn, sử dụng công cụ đánh giá hoạt động thực hành, thực tập của người học phù hợp để đánh giá sát với chuẩn đầu ra của môn học và ngành, nghề đào tạo. Người tham luận đề xuất một công cụ tham khảo là Rubric.

Rubric là một công cụ đánh giá/chấm điểm, được xây dựng bởi giảng viên (có thể có sự tham gia của sinh viên) để hỗ trợ việc đánh giá chi tiết một sản phẩm hoặc một hoạt động học tập. Sử dụng Rubric có thể: Giúp công khai công cụ đánh giá của giảng viên, với các tiêu chí cụ thể để phân biệt các mức độ thành tích trong học tập; Giúp người học biết được những kỳ vọng của giảng viên về học tập; nhận ra các điểm mạnh, yếu trong quá trình học tập, từ đó xây dựng cách thức và kế hoạch cải tiến[i]. Rubric đang là công cụ được nhiều trường đại học, cao đẳng và cả các trường phổ thông lựa chọn để làm công cụ đánh giá học tập. Rubric cũng là công cụ cần được sử dụng trong đánh giá học tập theo yêu cầu của Bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng chương trình đào tạo của AUN-QA (ASEAN University Network - Quality Assurance: Bộ tiêu chuẩn đảm bảo chất lượng chung của mạng lưới các trường đại học hàng đầu của khu vực Đông Nam Á-AUN[ii], được ban hành vào năm 2004).

Có thể thiết kế Rubric để dùng chung cho một loại hình hoạt động học tập (VD: Thực tập tại cơ sở) hoặc một hoạt động cụ thể của một môn học (VD: Thiết kế mạng điện trong môn học Điện dân dụng). Có 2 loại Rubric chính: Rubric định lượng/phân tích (Analytical rubric) và Rubric định tính/tổng hợp (Holistic rubric). Trong đó, Rubric định lượng/phân tích cung cấp các mô tả chi tiết của mỗi tiêu chí ở mỗi mức trên thang đánh giá, còn Rubric định tính/tổng hợp cung cấp mô tả tổng hợp ứng với mỗi mức trên thang đánh giá. Như vậy, Rubric phù hợp với cả đánh giá về định lượng và định tính. Khi thiết kế phiếu đánh giá theo Rubric, người thiết kế phải bám sát chuẩn đầu ra, dựa trên cơ sở chuẩn đầu ra để xác định các tiêu chí đánh giá[iii].

- Có thể áp dụng Rubric để đánh giá các hoạt động học tập khác, các môn học, mô-đun, học phần khác trong chương trình đào tạo. Nhà trường đang hướng tới mục tiêu trở thành trường chất lượng cao, với chất lượng đào tạo tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4 vào năm 2030. Việc từng bước sử dụng các công cụ đo lường đạt chuẩn khu vực ASEAN để đánh giá các hoạt động đào tạo và các hoạt động của Nhà trường là cơ sở để tiến tới đạt được các mục tiêu đó một cách bền vững.

- Phải có sự tham gia đánh giá của doanh nghiệp vào hoạt động thực tập của người học. Khi xây dựng công cụ đo lường để đánh giá người học thực tập tại doanh nghiệp, khoa cần có sự thống nhất các tiêu chí đánh giá với doanh nghiệp vì doanh nghiệp chính là người kiểm nghiệm sự phù hợp giữa chất lượng đào tạo của Nhà trường và yêu cầu của thị trường lao động. Đồng thời, khoa phải gửi công cụ đánh giá cho doanh nghiệp ngay từ đầu đợt thực tập để doanh nghiệp có thể tham gia đánh giá học sinh, sinh viên thực tập theo đúng các tiêu chí.

3.2. Đối với Nhà trường

Một số kiến nghị với Nhà trường để quản lý và nâng cao chất lượng hoạt động thực hành, thực tập của người học tại doanh nghiệp:

- Ban hành quy định quản lý hoạt động thực hành, thực tập tại doanh nghiệp để tạo hành lang pháp lý cho hoạt động thực hành, thực tập của HSSV toàn trường, trên cơ sở, đó các khoa đào tạo nghề xây dựng nội dung thực hành, thực tập và đánh giá chuyên môn, phòng Quản lý đào tạo, phòng Thanh tra - Khảo thí và Đảm bảo chất lượng có cơ sở thực hiện nhiệm vụ tổ chức, quản lý công việc theo chức năng.

- Bổ sung quy định về đánh giá kết quả học phần, mô-đun, môn học cho hình thức “bảo vệ kết quả thực tập theo chuyên đề”.

- Ký kết hợp đồng liên kết đào tạo với các doanh nghiệp để thực hiện hợp tác, gắn kết với doanh nghiệp trong đào tạo. Đối với hoạt động thực hành, thực tập của người học, hợp đồng liên kết đào tạo với doanh nghiệp là cơ sở để quy định trách nhiệm của mỗi bên đối với việc hướng dẫn và đánh giá hoạt động thực hành, thực tập của người học. Đối với doanh nghiệp, hợp đồng liên kết đào tạo là cơ sở pháp lý để doanh nghiệp được hưởng các ưu đãi về chính sách khi tham gia đào tạo nghề.

(Lô Thị Phương Châm)

 

[i] PGS. TS. Lê Văn Hảo, 2019, Thiết kế và sử dụng Rubric trong đánh giá học tập.

[ii] Đây là bộ tiêu chuẩn với các quy tắc chất lượng khắt khe, có tiêu chí cụ thể, rõ ràng, tập trung đánh giá những điều kiện để đảm bảo chất lượng đào tạo của toàn bộ chương trình đào tạo. Bộ tiêu chuẩn AUN đánh giá toàn diện chương trình đào tạo từ nhiều khía cạnh như chuẩn đầu ra, khung chương trình, đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất, công tác đảm bảo chất lượng, kết nối giữa nhà trường, sinh viên, và doanh nghiệp v.v… với 18 tiêu chuẩn và 74 tiêu chí. Chuẩn AUN đã được công nhận và trở thành sự lựa chọn hàng đầu bởi các trường đại học trong khu vực Đông Nam Á.

[iii] PGS. TS. Lê Văn Hảo, 2019, Thiết kế và sử dụng Rubric trong đánh giá học tập.