27/02/2023

Cách trích dẫn văn bản pháp luật và điều luật trong văn bản pháp luật

Trong môi trường pháp lý, người viết phải dẫn chiếu căn cứ pháp lý để chứng minh, bảo vệ quan điểm của mình. Căn cứ pháp lý thường là các điều khoản nằm trong các văn bản pháp luật, ví dụ: Hiến pháp, Bộ luật, luật, Nghị quyết của Quốc hội… Như chúng ta đã biết, Việt Nam có một hệ thống văn bản pháp luật đồ sộ do nhiều chủ thể ban hành từ Hiến pháp, Bộ luật, luật đến các Nghị định của Chính phủ, Thông tư của các bộ ngành…

Mỗi văn bản pháp luật lại bao gồm nhiều phần, chương, mục, điều, khoản, điểm; chưa kể nhiều văn bản lại trải qua nhiều lần sửa đổi, bổ sung, thay thế do sự thay đổi của quan hệ xã hội mà nó điều chỉnh. Do vậy, để người khác đồng tình với quan điểm của mình, đòi hỏi người hành nghề luật phải trích dẫn cụ thể “địa chỉ” quy định là căn cứ pháp lý bảo vệ cho quan điểm đó.

Việc trích dẫn tài liệu nói chung, trích dẫn điều luật nói riêng đối với học sinh, sinh viên ngành luật, người hành nghề luật, trong quá trình học tập và viết pháp lý còn quan trọng hơn thế. Tuy nhiên, liệu chúng ta đã biết cách trích dẫn điều luật trong văn bản pháp luật một cách đúng chuẩn? Trong khuôn khổ bài viết này chúng ta sẽ tìm hiểu Cách trích dẫn văn bản pháp luật và điều luật trong văn bản pháp luật.

Thứ nhất: Cách trích dẫn văn bản pháp luật

Khi trích dẫn văn bản lần đầu, người viết phải trích dẫn đầy đủ, cụ thể:

- Khi trích dẫn văn bản là bộ luật, luật, pháp lệnh, chúng ta phải ghi đầy đủ tên loại văn bản, tên gọi của văn bản và số, ký hiệu văn bản. Ví dụ: Căn cứ Bộ luật Dân sự số 91/2015/QH13.

- Khi trích dẫn các loại văn bản khác (Nghị quyết, Nghị định, Thông tư), người viết phải ghi đầy đủ tên loại văn bản; số, ký hiệu văn bản; ngày, tháng, năm ban hành văn bản; tên cơ quan, người có thẩm quyền ban hành văn bản và tên gọi của văn bản.

Ví dụ 1: Căn cứ Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐTP ngày 05 tháng 05 năm 2017 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn một số quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 192 Bộ luật Tố tụng dân sự số 92/2015/QH13 về trả lại đơn khởi kiện, quyền nộp đơn khởi kiện lại vụ án

Ví dụ 2: Căn cứ Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình.

Ví dụ 3: Căn cứ Thông tư 01/2020/TT-NHNN ngày 13 tháng 3 năm 2020 của Ngân hàng nhà nước Việt Nam quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (Covid – 19)

- Đối với lần trích dẫn tiếp theo, người viết chỉ cần trích dẫn tên loại và số, ký hiệu của văn bản đó. Ví dụ: Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐTP; Nghị định số 167/2013/NĐ-CP; Thông tư 01/2020/TT-NHNN…

- Đối với văn bản pháp luật sửa đổi, bổ sung, người viết cần trích dẫn cả văn bản bị sửa đổi, bổ sung và văn bản sửa đổi, bổ sung. Ví dụ: Căn cứ Nghị định số 78/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 9 năm 2015 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 108/2018/NĐ-CP ngày 23 tháng 8 năm 2018.

Người viết cần lưu ý rằng, khi trích dẫn văn bản đã được sửa đổi, bổ sung, không được trích dẫn văn bản hợp nhất (ví dụ: không trích dẫn “căn cứ Văn bản hợp nhất số 902/VBHN-BKHĐT ngày 12 tháng 02 năm 2019 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hợp nhất Nghị định về đăng ký doanh nghiệp). Về bản chất, văn bản hợp nhất không phải là văn bản quy phạm pháp luật; việc hợp nhất nhằm giúp người dân dễ dàng theo dõi quy định của pháp luật để thực hiện. Do đó, người viết phải dẫn đúng tên văn bản chứa đựng điều khoản cần trích dẫn.

Thứ hai: Cách trích dẫn điều luật

- Trường hợp trích dẫn đến điều, khoản, điểm thì người viết không phải xác định rõ phần, chương, mục, tiểu mục có chứa điều, khoản, điểm đó.

- Trường hợp trích dẫn đến khoản, điểm thì người viết phải xác định rõ khoản, điểm thuộc điều nào của văn bản đó.

- Trường hợp viện dẫn phần, chương, mục, tiểu mục, điều, khoản, điểm của một văn bản cụ thể thì viết hoa chữ cái đầu của phần, chương, mục, tiểu mục, điều.

Ví dụ 1: Căn cứ điểm a khoản 2 Điều 103 Mục 5 Chương XII Phần I của Bộ luật Hình sự.

Ví dụ 2: Theo quy định tại điểm a Khoản 1 Điều 24 Tiểu mục 1 Mục 1 Chương III của Nghị quyết số 351/2017/UBTVQH14.

- Trường hợp trích dẫn đến phần, chương, mục, tiểu mục, điều, khoản, điểm của một văn bản thì người viết phải viện dẫn theo thứ tự từ nhỏ đến lớn và tên của văn bản; nếu trích dẫn đến khoản, điểm khác trong cùng một điều hoặc từ mục, tiểu mục, điều này đến mục, tiểu mục, điều khác trong cùng một chương của cùng một văn bản thì không phải xác định tên của văn bản nhưng phải trích dẫn cụ thể.

Trên đây là một số cách trích dẫn văn bản pháp luật và điều luật trong văn bản pháp luật, có tham khảo quy định tại Nghị định số 30/2020/NĐ-CP của Chính phủ về công tác văn thư.