17/04/2013

Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp Tỉnh - Vai trò và tác động đối với sự phát triển kinh tế địa phương

Để đánh giá khả năng cạnh tranh của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam hợp tác cùng Dự án Sáng kiến cạnh tranh Việt Nam (là dự án do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ tài trợ) đã đưa ra chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh hay PCI (viết tắt của Provincial Competitiveness Index). Đây là chỉ số đánh giá và xếp hạng chính quyền các tỉnh, thành của Việt Nam về chất lượng điều hành kinh tế và xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho việc phát triển doanh nghiệp dân doanh. Chỉ số này được công bố thí điểm lần đầu tiên vào năm 2005 cho 42 tỉnh, thành. Từ lần thứ hai, năm 2006 trở đi, tất cả các tỉnh, thành Việt Nam đều được đưa vào xếp hạng, đồng thời các chỉ số thành phần cũng được tăng cường thêm.

Chỉ số PCI tập trung vào việc đánh giá các lĩnh vực điều hành kinh tế thuộc thẩm quyền của chính quyền tỉnh, thành phố ở Việt Nam. PCI được xem là một công cụ chính sách, hướng tới thay đổi thực tiễn. Để xây dựng PCI, VCCI tiến hành khảo sát doanh nghiệp tại các tỉnh, thành phố theo phương pháp chọn mẫu phân tổ. Mỗi năm, có khoảng gần 10.000 doanh nghiệp trả lời điều tra PCI. Chỉ số PCI được đánh giá thông qua 10 chỉ số thành phần (với thang điểm 100) như sau:

  • Gia nhập thị trường
  • Tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất
  • Tính minh bạch
  • Chi phí thời gian
  • Chi phí không chính thức
  • Tính năng động của lãnh đạo tỉnh
  • Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp
  • Đào tạo lao động
  • Thiết chế pháp lý
  • Cải cách hành chính (năm 2012)

Lễ công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh  năm 2012

Theo thống kê của các nhóm nghiên cứu PCI, việc tăng một điểm của chỉ số Tính minh bạch trong PCI sẽ giúp tăng 13% số doanh nghiệp trên 1.000 dân, 17% đầu tư bình quân đầu người và 62 triệu đồng lợi nhuận trên mỗi doanh nghiệp. Cải thiện một điểm trong chỉ số Đào tạo lao động giúp tăng 30% số doanh nghiệp trên 1.000 dân, 47% đầu tư bình quân đầu người và 58 triệu đồng lợi nhuận trên mỗi doanh nghiệp.

PCI được đánh giá hết sức khách quan và công bằng nên đã được các địa phương và các doanh nghiệp hết sức quan tâm ủng hộ. Việc đánh giá PCI của các địa phương giúp các địa phương tự đánh giá và tạo nên những bước đột phá để thúc đẩy sự cải thiện môi trường đầu tư địa phương, giúp các doanh nghiệp phát triển ổn định và bền vững. Đối với chính quyền các tỉnh, thành phố, PCI là sự phản ánh về năng lực điều hành của chính quyền và là một động lực cải cách quan trọng đối với môi trường kinh doanh cấp tỉnh. Ban đầu, chỉ số chưa được áp dụng rộng rãi và có nhiều địa phương còn phản đối. Sau 8 năm áp dụng, các địa phương đã dần chấp nhận và coi việc cải thiện thứ tự trong bảng xếp hạng PCI là mục tiêu hoạt động quan trọng của các cấp lãnh đạo trong tỉnh. Đối với các doanh nghiệp, PCI là sự phản ánh của các doanh nghiệp dân doanh về môi trường kinh doanh địa phương, là kênh thông tin tham khảo tin cậy, là một trong những căn cứ quan trọng khi quyết định đầu tư vào địa phương.

          Đối với tỉnh Thái Nguyên, trong bảng xếp hạng PCI năm 2011, Thái Nguyên đứng thứ 57. Bước sang năm 2012, Thái Nguyên đã tạo nên bước đột phá khi xếp thứ 17 (tăng 30 bậc) và nằm trong nhóm đầu (những địa phương có chỉ số PCI ở mức rất tốt). Đây là kết quả những nỗ lực của lãnh đạo cấp tỉnh để cải thiện môi trường đầu tư địa phương. Thái Nguyên đã được VCCI trao thưởng về những thành tích vượt bậc đó. Bảng xếp hạng PCI năm 2012 cũng phản ánh một số nỗ lực đáng kể của các tỉnh như Long An, Lào Cai … nhưng cũng cho thấy sự tụt hạng đáng kể của Đà Nẵng và một số tỉnh vẫn còn ở mức thấp như Tuyên Quang, Cao Bằng.

          Thực tế cho thấy, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh có vai trò và tác động không nhỏ trong việc phản ánh sự hấp dẫn của môi trường đầu tư các địa phương. PCI vừa là tiếng nói của các doanh nghiệp dân doanh, vừa là động lực cải cách của chính quyền địa phương trong bối cảnh có sự phân cấp quản lý mạnh mẽ từ trung ương đến địa phương như hiện nay. Đối với nền kinh tế Việt Nam, việc nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế phải bắt đầu từ việc nâng cao khả năng cạnh tranh của các tỉnh, thành phố. Điều đó có ảnh hưởng không nhỏ tới sự phát triển của nền kinh tế trong giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay.
Ths. Phạm Thanh Phương - Trưởng khoa Quản trị