11/03/2022

Chức năng, nhiệm vụ của Phòng Thanh tra - Khảo thí và Đảm bảo chất lượng

1. Chức năng

Phòng Thanh tra - Khảo thí và Đảm bảo Chất lượng có chức năng tham mưu giúp Hiệu trưởng thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra trong phạm vi quản lý của Hiệu trưởng; tham mưu cho Hiệu trưởng về công tác khảo thí; tham mưu cho Hiệu trưởng công tác bảo đảm chất lượng giáo dục nghề nghiệp trong phạm vi Nhà trường.

2. Nhiệm vụ

a) Công tác thanh tra

- Tham mưu cho Hiệu trưởng ban hành quy định về công tác thanh tra của Nhà trường theo quy định của pháp luật;

- Xây dựng chương trình, kế hoạch thanh tra, kiểm tra hằng năm (theo năm học) trình Hiệu trưởng phê duyệt và tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch đã được phê duyệt. Thực hiện kiểm tra đột xuất theo chỉ đạo của Hiệu trưởng;

- Tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách và chấp hành pháp luật giáo dục và giáo dục nghề nghiệp, việc thực hiện pháp luật liên quan đến tổ chức, hoạt động của các đơn vị, tổ chức và cá nhân thuộc trường;

- Làm đầu mối giúp Hiệu trưởng phối hợp với các cơ quan, tổ chức, đơn vị liên quan về công tác thanh tra, kiểm tra;

- Theo dõi, tổng hợp tình hình công tác thanh tra, kiểm tra; báo cáo định kỳ và đột xuất công tác thanh tra, kiểm tra theo yêu cầu của Hiệu trưởng và cấp trên;

- Giúp Hiệu trưởng thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Thực hiện báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo quy định;

- Tham mưu giải quyết các phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo trong Nhà trường theo quy định của pháp luật;

- Kiểm tra, rà soát các văn bản triển khai thực hiện pháp luật giáo dục nghề nghiệp của Nhà trường;

- Thực hiện quản lý, lưu trữ hồ sơ về công tác thanh tra theo đúng quy định.

b) Công tác khảo thí

- Tham mưu cho Hiệu trưởng ban hành các văn bản quy định về công tác khảo thí theo quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo phù hợp với thực tế Nhà trường; theo dõi, kiểm tra việc thực hiện các văn bản có liên quan đến công tác khảo thí của các đơn vị, cá nhân trong Nhà trường;

- Chủ trì, phối hợp với các khoa, tổ bộ môn xây dựng ngân hàng đề thi; thực hiện quản lý ngân hàng đề thi; tổ chức sao in đề đảm bảo an toàn, bảo mật, theo quy định;

- Tham mưu, chỉ đạo và tổ chức chấm thi; lưu trữ, bảo quản hồ sơ về công tác khảo thí theo đúng quy định;

- Tổng hợp số lượng đề thi, số lượng bài chấm thi của các khoa theo năm học.

c) Công tác đảm bảo chất lượng               

- Tham mưu cho Hiệu trưởng ban hành các văn bản quy định về công tác đảm bảo chất lượng giáo dục theo quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo; theo dõi và kiểm tra việc thực hiện các văn bản này tại các đơn vị trong Nhà trường;

- Tham mưu xây dựng và vận hành hệ thống đảm bảo chất lượng; xây dựng kế hoạch, mục tiêu, chính sách chất lượng và các công cụ, tiêu chuẩn đánh giá chất lượng để thực hiện công tác bảo đảm chất lượng của Nhà trường;

- Tham mưu xây dựng kế hoạch công tác tự đánh giá chất lượng giáo dục nghề nghiệp, tự đánh giá chất lượng chương trình đào tạo hằng năm; đề xuất kế hoạch cải tiến chất lượng sau tự đánh giá; hướng dẫn, theo dõi và kiểm tra việc thực hiện các điều kiện đảm bảo chất lượng, cải tiến chất lượng ở các đơn vị trong Nhà trường;

- Tham mưu cho Hiệu trưởng xây dựng kế hoạch khảo sát ý kiến của các bên liên quan về chương trình đào tạo, hoạt động đào tạo; công tác phục vụ giảng dạy, học tập; tình hình việc làm của người học sau khi tốt nghiệp;

- Tham mưu cho Hiệu trưởng xây dựng kế hoạch tổ chức các khóa tập huấn cho cán bộ quản lý, nhà giáo, viên chức trong Trường về công tác đảm bảo chất lượng.

- Hằng năm, báo cáo kết quả hoạt động tự đánh giá chất lượng của Nhà trường về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo (đối với chương trình đào tạo giáo viên); quản lý dữ liệu, lưu trữ hồ sơ đảm bảo chất lượng theo quy định.

d) Các nhiệm vụ khác

- Quản lý nhà giáo, viên chức, người lao động thuộc phòng theo sự phân công của Hiệu trưởng;

- Xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho nhà giáo, viên chức, người lao động; đề xuất kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ về thanh tra, khảo thí, đảm bảo chất lượng cho nhà giáo, viên chức và người lao động thuộc phòng;

- Tổ chức đánh giá cán bộ quản lý, giảng viên, viên chức, người lao động trong phòng và tham gia đánh giá cán bộ quản lý trong Nhà trường theo quy định hiện hành;

- Quản lý cơ sở vật chất của phòng theo quy định hiện hành;

- Thực hiện chế độ báo cáo theo quy định của Hiệu trưởng;

- Thực hiện các nhiệm vụ khác do Hiệu trưởng và các Phó Hiệu trưởng phân công phù hợp chức năng, nhiệm vụ của Phòng.