03/03/2014

Công tác hộ tịch tại phường Thịnh Đán

Hộ tịch là những sự kiện cơ bản xác nhận tình trạng nhân thân của một con người từ khi sinh ra đến khi chết. Các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân và quyền nhân thân của con người đã được Hiến pháp năm 2013 và Bộ luật Dân sự năm 2005 qui định để xác định sự kiện hộ tịch như quyền được khai sinh; quyền được khai tử; quyền được kết hôn; quyền ly hôn; quyền nhận, không nhận cha, mẹ, con; quyền thay đổi họ tên; quyền xác định lại dân tộc…

Đăng ký và quản lý hộ tịch là lĩnh vực quan trọng của đời sống xã hội, có ý nghĩa thiết thực đối với đời sống của nhân dân. Trong thời gian vừa qua, với sự phân cấp thẩm quyền mạnh mẽ, cùng với cải cách hành chính và cải cách tư pháp đã làm cho công tác hộ tịch ở cơ sở đạt kết quả cao. Điều đó góp phần làm tốt công tác quản lý nhà nước về dân số, phản ánh được thực trạng dân số. Từ đó cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền có thể đưa ra những chính sách đúng đắn và hợp lý về dân số.

Thịnh Đán là một phường thuộc thành phố Thái Nguyêntỉnh Thái Nguyên. Năm 2004, phường được thành lập với có diện tích 616,18 ha (6,2 km²) và dân số là 7,866 người, mật độ dân số đạt 1,276.6 người/km². Phường nằm ở khu vực trung tâm địa lý của thành phố và có vị trí địa lý: phía đông giáp phường Tân Lập; phía tây giáp xã Quyết Thắng; phía nam giáp xã Thịnh Đức; phía bắc giáp phường Tân Thịnh và xã Quyết Thắng.

Trong thời gian vừa qua, công tác hộ tịch của phường luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của lãnh đạo Ủy ban nhân dân Phường Thịnh Đán và sự hướng dẫn về chuyên môn của Phòng Tư pháp, thành phố Thái Nguyên. Nhìn chung, công tác hộ tịch được thực hiện tốt, hiệu quả đăng ký hộ tịch ngày càng đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân. Ủy ban nhân dân Phường Thịnh Đán đã tích cực cải cách thủ tục hành chính và thực hiện cơ chế “một cửa” trong lĩnh vực đăng ký và quản lý hộ tịch. Phường đã tổ chức triển khai đưa Nghị định 158/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 của Chính phủ về đăng ký và quản lý hộ tịch vào cuộc sống, với những quy định mang tính cải cách mạnh mẽ, sâu rộng và khá triệt để về thẩm quyền, trình tự, thủ tục, thời gian giải quyết đăng ký hộ tịch, tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc giải quyết đăng ký hộ tịch cho người dân, đồng thời đảm bảo hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác hộ tịch tại địa phương. Trên cơ sở đó, công tác đăng ký hộ tịch của Phường Thịnh Đán dần đi vào nề nếp. Về thẩm quyền, Ủy ban nhân dân phường có thẩm quyền đăng ký khai sinh; khai tử; kết hôn; giám hộ; nuôi con nuôi; nhận cha, mẹ, con; thay đổi, cải chính, bổ sung hộ tịch cho người dưới 14 tuổi. Như vậy, thẩm quyền của Ủy ban nhân dân phường đã có sự chuyển giao mạnh mẽ và hợp lý hơn so với giai đoạn trước năm 2005. Về thủ tục giấy tờ trong đăng ký hộ tịch đã được đơn giản hóa phù hợp với chủ trương loại bỏ cơ chế xin cho, chuyển một số hoạt động tư pháp sang cơ chế dịch vụ công. về hình thức các biểu mẫu hộ tịch có sự thay đổi, các biểu mẫu trước đây có tên là “Đơn” nay đổi thành “Tờ khai” thể hiện sự bình đẳng giữa người có yêu cầu đăng ký và cơ quan có thẩm quyền đăng ký hộ tịch. Các thủ tục, biểu mẫu hộ tịch, thời hạn và lệ phí giải quyết được Ủy ban nhân dân phường Thịnh Đán niêm yết công khai, minh bạch, rõ ràng tại địa điểm tiếp công dân của bộ phận một cửa tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc đăng ký hộ tịch.

Tuy nhiên, công tác đăng ký và quản lý hộ tịch tại Ủy ban nhân dân phường Thịnh Đán còn tồn tại một số hạn chế cả về nguyên nhân chủ quan và khách quan như: Các sự kiện hộ tịch phát sinh trên địa bàn phường chưa được đăng ký kịp thời, còn nhiều trường hợp đăng ký khai sinh, khai tử quá hạn hoặc chưa được đăng ký; Nhận thức của người dân đối với công tác hộ tịch còn hạn chế; Điều kiện cơ sở vật chất còn thiếu, chưa được trang bị đầy đủ và đồng bộ; Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho người dân chưa được quan tâm đúng mức; Công chức Tư pháp - Hộ tịch còn thiếu các kỹ năng nghiệp vụ.

Nhằm khắc phục những hạn chế về công tác đăng ký và quản lý hộ tịch, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

Thứ nhất, tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn phường Thịnh Đán, đặc biệt là triển khai Nghị định 158/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 của Chính phủ về đăng ký và quản lý hộ tịch để cán bộ và nhân dân hiểu rõ vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác đăng ký và quản lý hộ tịch.

Thứ hai, tăng cường sự chỉ đạo, giám sát của lãnh đạo Ủy ban nhân dân phường Thịnh Đán và sự chỉ đạo về chuyên môn của Phòng Tư pháp, thành phố Thái Nguyên. Xác định việc đăng ký, quản lý hộ tịch là một nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội cần được quan tâm chu đáo. Cần trang bị đầy đủ cơ sở vật chất để tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ và nhân dân thực hiện việc đăng ký và quản lý hộ tịch.

Thứ ba, cán bộ Tư pháp - Hộ tịch cần phải thường xuyên nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, có phẩm chất đạo đức tốt, trau dồi các kỹ năng để thực hiện tốt công tác đăng ký và quản lý hộ tịch trên địa bàn phường Thịnh Đán.

Thứ tư, cần ứng dụng công nghệ thông tin vào trong công tác đăng ký và quản lý hộ tịch. Đây là cơ sở dữ liệu quan trọng trong việc quản lý nhà nước về hộ tịch và quản lý nhà nước trên các lĩnh vực khác.

Việc thực hiện đồng bộ các giải pháp trên sẽ góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác đăng ký và quản lý hộ tịch trên địa bàn phường Thịnh Đán, góp phần tích cực trong việc xây dựng và phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh của phường Thịnh Đán trong thời gian tới.

(Kết quả đi thực tế ở cơ sở của tác giả)

 Trịnh Thị Thoa - Giảng viên khoa Luật