24/07/2013

Đào tạo theo hệ thống tín chỉ - Một sản phẩm của cơ chế thị trường

Bài viết của đồng chí Nguyễn Công Dương - Bí thư Đảng Ủy - Hiệu Trưởng nhà Trường.

Câu chuyện đào tạo theo tín chỉ không còn mới lạ với nhiều trường đại học và cao đẳng ở Việt Nam hiện nay. Nhưng để hiểu cặn kẽ bối cảnh ra đời, vai trò, những ưu điểm và bản chất của hình thức đào tạo này thì không phải ai cũng rõ. Ở phạm vi bài viết này, tôi đưa ra một cách tiếp cận dưới cái nhìn của cơ chế thị trường để bạn đọc có thể dễ dàng nhìn rõ hơn bản chất, mục tiêu, cách thức thực hiện, những ưu việt của nó, từ đó có thể đưa ra các giải pháp tổ chức thực hiện phù hợp với mỗi nhà trường.

          Có thể khẳng định: “Phương thức đào tạo theo học chế tín chỉ ở các trường đại học, cao đẳng là một sản phẩm của cơ chế thị trường”. Để lý giải điều này chúng ta chỉ cần trả lời câu hỏi: Hình thức đào tạo theo tín chỉ là gì? Sự khác biệt của nó so với hình thức đào tạo cũ (đào tạo theo niên chế) ở đâu? Mục tiêu của đào tạo theo học chế tín chỉ? Khi áp dụng thì những ai được lợi? Muốn được lợi khi sử dụng nó thì ta phải làm gì?

          Ai cũng dễ dàng trả lời hệ thống đào tạo theo tín chỉ là một phương thức đào tạo được thiết kế mềm dẻo, cho phép người học tích luỹ dần khối lượng kiến thức được đo bằng khối lượng tín chỉ. Khi tích luỹ đủ khối lượng tín chỉ theo quy định của mỗi nhà trường thì người học yêu cầu nhà trường cấp cho một giấy chứng nhận được gọi là bằng tốt nghiệp.

          Sự “mềm dẻo” trong quá trình tích luỹ kiến thức của người học chính là khác biệt cơ bản của hình thức đào tạo này so với hình thức đào tạo theo niên chế. Và sự “ mềm dẻo” đó cũng là ưu điểm nổi bật trong việc thu hút người học, giữ chân người học, cho phép người học được học những gì cần học, muốn học, học kỹ hơn, học để có kết quả tốt hơn, qua đó tạo ra động cơ đích thực cho việc học tập của mỗi HSSV và làm tăng số lượng HSSV thực học ở mỗi nhà trường.

          Chúng ta cùng tưởng tượng ra bối cảnh cuối thế kỷ 19, khi hàng loạt các trường tư ở Mỹ và một số nước tư bản phát triển khác đang lâm vào cảnh thiếu người học trầm trọng (Vì nhiều nguyên nhân: số lượng quy mô các trường đại học cao đẳng tăng, người học ưu tiên tìm kiếm việc làm, điều kiện kinh tế, sức khoẻ của người học..), để thu hút tối đa lượng người vào học, “người ta” đã đưa ra một quy trình đào tạo hết sức mềm dẻo vừa học vừa nghỉ (học chậm tiến độ) hoặc học nhanh hơn (học vượt tiến độ) vừa đi làm vừa đi học, mở rộng khoảng thời gian học trong ngày (từ 7h – 21h30’ hàng ngày), học cả ngày nghỉ (thứ Bảy và Chủ nhật) vẫn được coi là học chính quy tập trung, thời gian hoàn thành khoá học có thể được kéo dài gấp nhiều lần thời gian học bình thường. Người học lúc này thực sự là “khách hàng”, là “thượng đế” của mỗi nhà trường.

          Sự mềm hoá của quy trình đào tạo còn được thể hiện: cho phép sinh viên tự chọn một số môn (học phần) mình thích, hoặc phù hợp với công việc sau này của mình để làm việc hoặc học lại để được điểm cao hơn (học cải thiện) kể cả khi đã đủ điều kiện nhận bằng tốt nghiệp, sinh viên vẫn có thể xin học lại một số học phần để có thể nhận bằng tốt nghiệp với loại tốt hơn.

          Việc cho phép sinh viên được lựa chọn thầy, chọn lớp cũng là một sự mềm dẻo tích cực. Điều này bắt buộc giáo viên phải đầu tư, chuyên tâm để nâng cao chất lượng bài giảng, ứng xử với người học tận tình hơn, chu đáo hơn, như vậy chất lượng đào tạo của nhà trường ngày một nâng cao hơn. Và ở đây, người học cũng được coi như thượng đế đối với từng giáo viên và cán bộ nhà trường.

Việc khuyến cáo các nhà trường nên áp dụng phương pháp giảng dạy tích cực khi áp dụng hình thức đào tạo theo tín chỉ: giảm thời gian lên lớp (giảm khoảng 30%); tăng thời gian tự học ở nhà của HSSV; giảm thời gian học lý thuyết, tăng thời gian thực hành thực tập tại phòng thực hành, hoặc cơ sở… là một mũi tên nhắm tới nhiều đích: Nội dung bài giảng sinh động hơn, thực tế hơn, người học chủ động hơn, nắm chắc kiến thức hơn, sâu hơn, và nhà trường giảm bớt được chi phí phải trả cho giáo viên đứng lớp.

          Như trên phân tích chúng ta thấy được việc áp dụng quy trình đào tạo mềm dẻo đã đem lại những cơ hội lớn cho người học đồng nghĩa với số lượng người học ở các trường sẽ tăng lên. Ở khía cạnh khác ta cũng thấy việc giảm thời gian lên lớp, tăng thời gian tự học, cho phép sinh viên được quyền học lại nhiều lần, học đổi sang học phần khác, học cải thiện… làm tăng số lần sinh viên phải nộp học phí cho nhà trường.

Như vậy ngoài lợi ích đối với người học thì lợi ích đích thực khi áp dụng hình thức đào tạo theo học chế tín chỉ với phương pháp dạy học tích cực đã làm gia tăng đáng kể nguồn thu cho mỗi nhà trường, đó là điều kiện tiên quyết để mỗi nhà trường tồn tại và phát triển! Do vậy, đào tạo theo học chế tín chỉ thực sự là một sản phẩm trí tuệ của nền kinh tế thị trường.