03/03/2014

Đào tạo thực tế - Một giải pháp hiệu quả trong việc chuyển giao kinh nghiệm nghề nghiệp

Một trong những yêu cầu được đề cao trong quá trình tuyển dụng là đòi hỏi người xin việc phải có kinh nghiệm thực tế. Vậy kinh nghiệm là gì? Tại sao khi tuyển dụng các nhà tuyển dụng thường yêu cầu kinh nghiệm? Làm thế nào để sinh viên mới ra trường đáp ứng được yêu cầu của các nhà tuyển dụng?

Một trong những yêu cầu được đề cao trong quá trình tuyển dụng là đòi hỏi người xin việc phải có kinh nghiệm thực tế. Vậy kinh nghiệm là gì? Tại sao khi tuyển dụng các nhà tuyển dụng thường yêu cầu kinh nghiệm? Làm thế nào để sinh viên mới ra trường đáp ứng được yêu cầu của các nhà tuyển dụng?


Theo giải thích của từ điển Việt nam. Kinh là từng trải, nghiệm là chứng thực. Sự hiểu biết do đã từng trải công việc, đã thấy được kết quả khiến cho có thể phát huy được mặt tốt và khắc phục được mặt chưa tốt.
Để đáp ứng tốt nhất yêu cầu cho một vị trí việc làm các nhà tuyển dụng cần một người có kinh nghiệm bởi hai lý do: Thứ nhất, với một người có kinh nghiệm họ sẽ phát huy được mặt tốt, khắc phục được mặt chưa tốt và thực hiện công việc một cách cách có hiệu quả. Thứ hai, tận dụng được các mối quan hệ mà người tuyển dụng đã có để mở rộng thị phần, nâng cao khả năng cạnh tranh, nắm bắt được thế mạnh của đối thủ cạnh tranh….
Tùy theo từng vị trí công việc mà yêu cầu về kinh nghiệm được đề cao theo lý do thứ nhất, lý do thứ hai hoặc cả hai. Thông thường với một sinh viên mới ra trường thì yêu cầu thứ nhất sẽ được chọn. Tức là các ứng viên tìm việc phải có khả năng làm tốt được công việc được giao, như vậy nhà tuyển dụng sẽ không mất thời gian để đào tạo lại.
Tuy nhiên để có kinh nghiệm thì không nhất thiết phải trải qua mà hoàn toàn có thể học được. Hơn thế trong cuộc sống và công việc có nhiều việc không thể và không nên trải qua vì nếu trải qua thì sẽ phải trả giá rất đắt hoặc không thể sửa chữa. Có thể lấy ví dụ như một chàng trai muốn biết tác hại của ma túy, anh ta sẽ phải đọc qua sách vở về tác hại của ma túy và nhìn nhận tác hại đó qua những con nghiện chứ anh ta không thể thử nghiện để rồi không thể cai nghiện. Hoặc trong công việc chúng ta có thể hỏi những người đã từng làm về công việc đó, những khó khăn thường gặp phải và biện pháp khắc phục đã được thực hiện, những thành công và cả những thất bại để khi gặp phải các tình huống tương tự chúng ta đã có thể sẵn sàng xử lý thành công. Như vậy, không phải cứ sống lâu rồi lên lão làng, cứ làm nhiều mới có kinh nghiệm mà kinh nghiệm thực tế hoàn toàn có thể học được từ sự chuyển giao của các thế hệ đi trước.
Với một sinh viên khi vừa mới cầm tấm bằng tốt nghiệp trên tay thì yêu cầu về kinh nghiệm thật không dễ, nhưng sinh viên có thể thuyết phục nhà tuyển dụng bởi kinh nghiệm đã được học từ các thế hệ đi trước.

Trong mỗi chương trình đạo tạo của các trường đều có học phần thực tập để gắn kết giữa lý thuyết và thực tiễn. Thực tập giúp sinh viên không chỉ vận dụng được các kiến thức đã học trong trường mà còn giúp sinh viên trải nghiệm thực tế, từ đó đúc rút kinh nghiệm cho bản thân. Tuy nhiên, hiện nay thực trạng sinh viên không đi thực tập hoặc thực tập không có hiệu quả, quá trình thực tập và viết báo cáo thực tập mang tính hình thức, sao chép diễn ra tương đối phổ biến. Thực trạng này khiến cho sinh viên không những không có được kinh nghiệm mà còn lãng phí cả khoảng thời gian thực tập. Vì vậy, song song với việc thực hành trên phòng thực hành, trong quá trình thực tập các em sinh viên nên theo học các lớp đào tạo ngắn hạn thực tế. Với mong muốn được rút ngắn khoảng cách giữa lý thuyết và thực tiễn, tạo điều kiện để các em sinh viên chuẩn bị ra trường được gặp gỡ trao đổi, học tập kinh nghiệm với những chuyên gia trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, Khoa Tài Chính trường CĐ Kinh tế Tài chính Thái Nguyên kết hợp với Ngân hàng TMCP An Bình – Chi nhánh Thái Nguyên thực hiện “Chương trình đào tạo nghiệp vụ ngân hàng thực tế” theo các vị trí công việc tuyển dụng cụ thể như giao dịch viên, ngân quỹ, chuyên viên tín dụng, chuyên viên quản lý tín dụng, chuyên viên quan hệ khách hàng do chính các chuyên viên trong ngân hàng nhữn người đang làm, đã từng làm ở các vị trí đó trực tiếp đào tạo ….Thông qua chương trình các em sẽ có cơ hội được thực hành các nghiệp vụ trong thực tế, bắt tay chỉ việc theo các công việc cụ thể, các kỹ năng cần bổ sung để đáp ứng được yêu cầu công việc. Đây chính là một cơ hội giúp các em có được những kinh nghiệm quý báu, tạo hành trang vững chắc bước vào thi tuyển trong các ngân hàng.

Như vậy, thông qua đào tạo thực tế sinh viên không chỉ được trau dồi thêm kiến thức mà còn giúp các em tích lũy được kinh nghiệm từ các thế hệ đi trước. Có thể nói đây là một giải pháp hữu hiệu giúp sinh viên có được sự chuyển giao kinh nghiệm nghề nghiệp nhằm đáp ứng tốt nhất yêu cầu của công việc trong tương lai.  

Th.s Hà Thị Hường

Phó trưởng Khoa Tài chính