21/03/2021

Đẩy mạnh công tác đào tạo trình độ trung cấp nghề cho học sinh tại Trung tâm GDNN-GDTX

                           ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC ĐÀO TẠO TRÌNH ĐỘ TRUNG CẤP NGHỀ

                                      CHO HỌC SINH TẠI CÁC TRUNG TÂM GDNN- GDTX

                                                                      ThS. Nguyễn Thanh Bình – Phó trưởng phòng Quản lý đào tạo

I. Đặt vấn đề

Đào tạo nghề kết hợp với giáo dục văn hóa phổ thông là một hướng đi phù hợp đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp hiện nay. Trường Cao đẳng Kinh tế - Tài chính Thái Nguyên trong những năm vừa qua đã thực hiện liên kết đào tạo với các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên để đào tạo các ngành/nghề có thế mạnh của Nhà trường và đáp ứng nhu cầu xã hội. Sự phối hợp này có ý nghĩa quan trọng đối với việc đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao cho các địa phương, mang lại lợi ích cho người học và tiếp tục gia tăng quy mô và uy tín đào tạo của Nhà trường trong giai đoạn hiện nay.

II. Nội dung bài viết

Trường Cao đẳng Kinh tế - Tài chính Thái Nguyên là trường cao đẳng công lập trực thuộc UBND Tỉnh Thái Nguyên. Trải qua hơn 43 năm xây dựng và phát triển, với nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực trình độ cao cho con em các dân tộc thuộc tỉnh Thái Nguyên và các tỉnh miền núi phía Bắc. Trong những năm vừa qua Nhà trường không ngừng mở rộng quy mô và ngành nghề đào tạo phù hợp với nhu cầu của xã hội, bên cạnh những ngành nghề truyền thống có thế mạnh của trường như Kế toán, Tài chính ngân hàng, Quản trị kinh doanh, Pháp luật, Nhà trường còn mở rộng thêm các khối ngành thuộc lĩnh vực thương mại, dịch vụ, công nghệ, kỹ thuật...

Hiện nay, Nhà trường đang đào tạo 10 nghề trình độ cao đẳng và 17 nghề trình độ trung cấp bao gồm các nghề thuộc lĩnh vực thuộc thế mạnh truyền thống như Kế toán, Tài chính - ngân hàng; Quản trị kinh doanh, dịch vụ pháp lý cho đến các ngành/nghề xã hội có nhu cầu cao thuộc lĩnh vực công nghệ, điện tử, thương mại, dịch vụ, văn phòng và du lịch.  Song song với đào tạo dài hạn, Nhà trường còn tổ chức đào tạo ngắn hạn cấp chứng chỉ nghề - nâng bậc nghề cho các nghề đào tạo hiện có của Nhà trường. Mở rộng hợp tác quốc tế trong đào tạo nghề là một trong những mặt mạnh của Trường, hiện nay Nhà trường luôn có từ 800 đến 1000 sinh viên quốc tế đến từ các nước Lào, Campuchia, Thái Lan đến trường học tập.

Thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TW ngày 05/12/2011 của Bộ chính trị về tăng cường phân luồng học sinh sau trung học cơ sở (THCS); Công văn số 2258/BGDĐT-GDCN ngày 05/4/2013 của Bộ giáo dục và Đào tạo về việc phối hợp giữa cơ sở đào tạo trung cấp chuyên nghiệp với trung tâm giáo dục thường xuyên trong tổ chức đào tạo trung cấp chuyên nghiệp; Thông tư số 29/2017/TT-BLĐTBXH ngày 15/12/2017 quy định về việc liên kết tổ chức thực hiện chương trình đào tạo và Kế hoạch số 86/KH-UBND ngày 19/06/2019 của UBNN tỉnh Thái Nguyên về thực hiện đề án giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025.

Mô hình 9+ là sự kết hợp học văn hóa trung học phổ thông (THPT) với đào tạo nghề đã được triển khai tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên (GDNN- GDTX) và được xem là hướng đi hiệu quả trong tháo gỡ nút thắt phân luồng học sinh sau THCS và đáp ứng kịp thời nhu cầu bức thiết của xã hội về đào tạo nguồn nhân lực có trình độ tay nghề cho học sinh.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực cho tỉnh với nhiệm vụ được Ủy ban nhân dân tỉnh giao, trong những năm qua Trường Cao đẳng Kinh tế - Tài chính Thái Nguyên đã phối hợp chặt chẽ với các Trung tâm GDNN-GDTX các huyện, thị xã trong tỉnh như: Trung tâm GDNN-GDTX huyện Định Hóa, Phổ Yên, Đồng Hỷ,... đào tạo chương trình trung cấp nghề cho học sinh. Sau khi kết thúc chương trình trung học phổ thông các em có thêm bằng Trung cấp nghề, lợi thế quan trọng nhất đó là các em học sinh tốt nghiệp THCS học tại các trung tâm GDNN-GDTX trong tỉnh được học những ngành nghề đào tạo hiện có của trường ngay tại các trung tâm đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực tại các huyện trong tỉnh. Các em được học các kiến thức chuyên môn, kỹ năng, kinh nghiệm, thực hành ngay tại các trung tâm. Khi ra trường các em  đã có sẵn những kinh nghiệm cần thiết cho công việc của mình. Ra trường, các em có thể tham gia ngay vào thị trường lao động. Ngoài ra các em có thể học liên thông lên Cao đẳng hoặc Đại học theo quy định của Bộ Giáo dục và đào tạo. Nếu lựa chọn học hình thức học này các em sẽ tiết kiệm đươc một khoản kinh phí không nhỏ cho gia đình và có cơ hội để tìm những việc làm phù hợp sau khi tốt nghiệp Trung học phổ thông.

Từ năm 2018 đến nay, Trường Cao đẳng kinh tế tài chính Thái Nguyên đã thu hút được nhiều học sinh tham gia học nghề tại các TTGDNN- GDTX trong tỉnh một số nghề của trường có số học sinh đăng ký tham gia học đông như: Kỹ thuật chế biến món ăn, Tiếng Hàn Quốc, Kỹ thuật điện tử viễn thông, Kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí, thương mại điện tử, công nghệ thông tin. Kết quả học tập hàng năm của học sinh học tại các Trung tâm có tỷ lệ học đạt yêu cầu trên 90%, trong đó tỷ lệ học sinh khá, giỏi trên 70%. Để có được những kết quả trên, trong quá trình đào tạo nghề tại các Trung tâm GDNN-GDTX, Nhà trường đã thực hiện một số nội dung như sau:

Thứ nhất, có sự phối hợp chặt chẽ giữa Nhà trường với các trung tâm GDNN-GDTX trong công tác đào tạo như: Xây dựng kế hoạch đào tạo, cử giáo viên tham gia giảng dạy, chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học … đáp ứng yêu cầu đào tạo.

Thứ hai, chương trình đào tạo được xây dựng phù hợp với năng lực của học sinh và điều kiện tổ chức hoạt động dạy và học tại các Trung tâm, triển khai và thực hiện theo đúng tiến độ.

Thứ ba, đội ngũ giáo viên có trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, tinh thần trách nhiệm và kinh nghiệm được phân công giảng dạy tại các trung tâm tạo hứng thú cho học sinh trong quá trình học tập.

Thứ tư, đa dạng hóa các ngành nghề đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội và người học được Nhà trường quan tâm kịp thời góp phần thu hút nhu cầu của người học.

Bên cạnh những mặt thuận lợi trên, Trong quá trình tổ chức đào tạo nghề tại các Trung tâm còn gặp một số hạn chế như sau:

Một là, một số học sinh còn chưa xác định được ý nghĩa của việc học nghề nên còn nghỉ học, bỏ tiết…

Hai là, ngành nghề đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp tại các Trung tâm cố định theo giấy phép Đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp trong khi nhu cầu học nghề của học sinh lại thay đổi theo từng năm gây khó khăn trong việc hướng nghiệp cho học sinh.

Trong thời gian tới, thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-TW ngày 25/10/2017 của BCH trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh đã phê duyệt đề án sáp nhập trường Cao đẳng sư phạm Thái Nguyên vào trường Cao đẳng Kinh tế - Tài chính Thái Nguyên và đổi tên thành trường Cao đẳng Thái Nguyên. Với sự thay đổi trên trường Cao đẳng Thái Nguyên sau sáp nhập sẽ trở thành một trường Cao đẳng đào tạo đa ngành đáp ứng nguồn nhân lực cho tỉnh Thái Nguyên, khu vực và quốc tế.

Với nhiệm vụ được giao để đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực cho tỉnh, Nhà trường định hướng một số nội dung trong tâm dưới đây:

(1) Tiếp tục mở rộng quy mô, mở thêm các ngành nghề đào tạo Tỉnh có nhu cầu như: Kỹ thuật chế biến món ăn, Kỹ thuật máy lạnh và điều hóa không khí. Điện công nghiệp và dân dụng, Công nghệ may và thời trang…

(2) Đổi mới, xây dựng chương trình và kế hoạch đào tạo khoa học, giảm lý thuyết tăng thực hành nghề nghiệp cho học sinh. Tăng cường đầu tư trang thiết bị hiện đại phục vụ việc thực hành, dạy nghề tại trường và tại các Trung tâm đào tạo nghề.

(3) Ổn định cơ cấu về ngành, nghề tại các trung tâm để đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp theo đúng quy định hiện hành của Tổng cục giáo dục nghề nghiệp. Bên cạnh đó, Tham mưu cho các cấp chính quyền, cấp ngành có những chính sách đầu tư và hỗ trợ về đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các trung tâm GDNN-GDTX.

(4) Đẩy mạnh liên kết với các đơn vị sử dụng lao động và trung tâm giới thiệu việc làm của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Nguyên để hỗ trợ cho học sinh, sinh viên năm cuối tìm kiếm việc làm sau khi tốt nghiệp.

Đào tạo nghề kết hợp với giáo dục văn hóa PTTH là hướng đi không chỉ mang lại ý nghĩa to lớn đối với phát triển nhân lực của địa phương mà còn giúp cho mỗi học sinh cơ hội tiếp cận nghề nghiệp sớm để tham gia thị trường lao động sau khi tốt nghiệp THPT và tạo điều kiện để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp mở rộng quy mô đào tạo. Chính vì vậy, việc liên kết chặt chẽ giữa Nhà trường và các Trung tâm GDNN-GDTX thông qua hoạt động đào tạo tại chỗ với sự tham gia của đội ngũ nhà giáo có trình độ, tay nghề cao sẽ góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Đảng bộ Trường Cao đẳng Kinh tế - Tài chính Thái Nguyên lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 – 2025.

III. Tài liệu tham khảo

[1]. Chỉ thị số 10-CT/TW ngày 05/12/2011 của Bộ chính trị về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, củng cố kết quả phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở, tăng cường phân luồng học sinh sau trung học cơ sở và xóa mù chữ cho người lớn.

[2]. Công văn số 2258/BGDĐT-GDCN ngày 05/4/2013 của Bộ giáo dục và Đào tạo về việc phối hợp giữa cơ sở đào tạo trung cấp chuyên nghiệp với trung tâm giáo dục thường xuyên trong tổ chức đào tạo trung cấp chuyên nghiệp.

[3]. Thông tư số 29/2017/TT-BLĐTBXH ngày 15/12/2017 quy định về việc liên kết tổ chức thực hiện chương trình đào tạo.

[4]. Kế hoạch số 86/KH-UBND ngày 19/06/2019 của UBNN tỉnh Thái Nguyên về thực hiện đề án giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025.

[5]. Nghị quyết số 19/NQ-TW ngày 25/10/2017 của BCH trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.

 

PROMOTE TRAINING ACTIVITIES FOR STUDENTS AT CENTERS FOR VOCATIONAL EDUCATION - CONTINUING EDUCATION

Nguyen Thanh Binh - Deputy Head of Training Management Department

 

Summary

In recent years, Thai Nguyen College of Economics and Finance has linked with the Centers for Vocational Education - Continuing Education of the districts to provide vocational training combined with high school education. This activity is meaningful to the development of local human resources and brings benefits to learners as well as expanding the scale of training of the institution. In order to continue improving human resource training activities for Thai Nguyen province, the institution needs to perform a number of key tasks such as: expand the training scale, the training professions/occupations; Renovate, develop training programs and plans in a scientific way; Coordinate with Centers for Continuing Education and Vocational Education to stabilize the structure of the training professions as well as advise the authorities at all levels to support the investment in facilities and equipment for training at these centers; promote links with employers and job placement centers to support students after graduation