17/06/2021

Đẩy mạnh khai thác các giá trị văn hóa ẩm thực trong phát triển du lịch ở Việt Nam

Đẩy mạnh khai thác giá trị văn hóa ẩm thực trong phát triển du lịch

            ĐẨY MẠNH KHAI THÁC CÁC GIÁ TRỊ VĂN HÓA ẨM THỰC TRONG PHÁT TRIỂN DU LỊCH Ở VIỆT NAM

                                                                                                                   ThS. Nguyễn Thị Kim Dung

                                                                                                                   Khoa Quản trị kinh doanh và du lịch

Trong xu thế phát triển đa dạng của nhu cầu du lịch, ẩm thực không còn chỉ đóng vai trò là yếu tố hỗ trợ, phục vụ cho nhu cầu của khách về ăn uống đơn thuần mà đã trở thành mục đích của các chuyến du lịch. Trong bối cảnh đó, vấn đề khai thác các giá trị của văn hóa ẩm thực để phát triển du lịch được các cơ quan quản lý quan tâm đặc biệt. Bài viết đề cập đến vai trò của văn hóa ẩm thực trong phát triển du lịch, cũng như các cách thức khai thác giá trị của văn hóa ẩm thực để thu hút du khách. Trên cơ sở khái quát về thực trạng của hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch, tác giả đề xuất định hướng và giải pháp để đẩy mạnh khai thác các giá trị của văn hóa ẩm thực nhằm thu hút khách du lịch đến với Việt Nam.

    Vai trò của văn hóa ẩm thực trong phát triển du lịch

Ẩm thực tạo thêm dấu ấn đối với du khách về điểm đến

Trong ẩm thực ẩn chứa những giá trị văn hóa phi vật thể cốt lõi của điểm đến và thông qua việc thưởng thức chúng, du khách có thể khám phá, cảm nhận rõ nét bản sắc văn hóa chính thống của người dân địa phương. Khi có cơ hội thưởng thức các món ăn mới lạ và hấp dẫn trong chuyến đi của mình, du khách sẵn sàng đón nhận, bởi lẽ đó là một trong những hoạt động trải nghiệm thú vị nhất gắn với tâm lý và sinh hoạt hàng ngày của mỗi con người. Bên cạnh các yếu tố có thể làm thỏa mãn nhu cầu khách như thời tiết, dịch vụ lưu trú, phong cảnh tham quan… thì ẩm thực góp phần gia tăng đáng kể giá trị cho chuyến đi của khách du lịch cũng như tạo dựng hình ảnh tốt đẹp về điểm đến đó. 

Ẩm thực là một yếu tố tạo sức hút quan trọng trong hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch

Hoạt động xúc tiến du lịch không chỉ là việc cung cấp thông tin đơn thuần mà cần phải có nhiều nội dung khác nhau để tạo ra một hệ thống các hoạt động mang tính tổng hợp tác động đến tâm lý, kích thích tính tò mò và kích thích nhu cầu của các khách du lịch tiềm năng. Thông tin tuyên truyền du lịch được khách du lịch quan tâm rất đa dạng, cụ thể là khách sạn, điểm du lịch, cảnh quan, các phương tiện vận chuyển, điều kiện giao thông, và một yếu tố không thể thiếu đó là ẩm thực (thể hiện qua danh mục các món ăn). Như vậy, thông tin về vấn đề ăn uống không kém phần quan trọng vì thực tế có rất nhiều khách du lịch coi đó là thú vui không thể thiếu trong chuyến đi của mình. Chính gì vậy, việc đưa kèm hình ảnh bắt mắt, hấp dẫn của những món ăn hay đồ uống đặc trưng của địa phương cùng với lời giới thiệu khơi gợi ham muốn thưởng thức của du khách cũng sẽ góp phần tạo một sức hút rất lớn đối với du khách khi họ tìm hiểu thông tin về các điểm du lịch.

    Thực trạng khai thác giá trị văn hóa ẩm thực trong du lịch Việt Nam

Sử dụng các hình ảnh về văn hóa ẩm thực trong xúc tiến du lịch để tăng sức hấp dẫn đối với du khách. Các giá trị của văn hóa ẩm thực Việt Nam đang được tích cực đẩy mạnh quảng bá trên các kênh truyền hình trong nước và quốc tế thông qua các chương trình trải nghiệm ẩm thực theo từng vùng miền, cùng với sự tham gia của các diễn viên, ca sĩ, những người nổi tiếng. Bên cạnh truyền hình, mạng Internet cũng đang là kênh quảng bá rất hiệu quả. Các website và mạng xã hội phổ biến như Facebook, Instagram, Youtube… là các kênh truyền thông có mức độ lan tỏa cao, mang lại hiệu quả tích cực trong thời gian ngắn ẩy mạnh quảng bá văn hóa ẩm thực và du lịch ẩm thực Việt Nam nói chung và từng vùng miền nói riêng. Tuy nhiên, việc quảng bá ẩm thực Việt Nam hiện nay vẫn còn tồn tại nhiều điểm hạn chế. Đến nay, các chương trình truyền hình trong nước thường giới thiệu ẩm thực qua các chương trình văn hóa ẩm thực hoặc các chương trình dạy nấu ăn trên truyền hình, chưa thực sự có sự gắn kết với du lịch hoặc truyền thông ẩm thực như một sản phẩm du lịch cần trải nghiệm. Đối với các kênh truyền hình quốc tế, do kinh phí quảng bá lớn, đến nay chúng ta hầu như chưa có chiến dịch truyền thông bài bản và quy mô nào về ẩm thực và du lịch ẩm thực trên các kênh truyền hình lớn của thế giới như CNN, BBC. Các kênh truyền thông trên mạng internet chưa được khai thác một cách hiệu quả.

Quy hoạch xây dựng các tuyến Phố ẩm thực hay Chợ đêm ở các điểm du lịch. Chợ đêm hay các tuyến Phố ẩm thực luôn là điểm đến hấp dẫn du khách tại các điểm du lịch. Việc phát triển các mô hình này góp phần không nhỏ vào việc tăng tính hấp dẫn của điểm đến, đồng thời còn giúp tận dụng tối đa thời gian và chi tiêu của du khách tại điểm đến. Mô hình này đang rất phát triển ở các điểm đến du lịch của Việt Nam như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Lạt, Phú Quốc, Hội An…Mặc dù Chợ đêm hay Phố ẩm thực là mô hình rất hay, đã được áp dụng thành công trên nhiều quốc gia thế giới như Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan…Tuy nhiên, việc vận dụng mô hình này ở Việt Nam đang gặp phải rất nhiều những vấn đề tồn tại, chúng đang khiến các Chợ Đêm hay Phố Ẩm thực trở nên “nhạt”. Nhạt vì hàng hóa, món ăn ở chợ nào cũng như chợ nào, hao hao giống nhau, không thể hiện được sắc thái riêng của từng vùng miền. Nhạt vì hàng hóa kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái, chủ yếu vẫn là hàng Trung Quốc giá rẻ, chất lượng kém. Nhạt vì cách bán hàng chưa hấp dẫn. Những người bán hàng ở Chợ đêm nước ngoài họ nghĩ ra rất nhiều cách biểu diễn pha chế hay chế biến món ăn, thậm chí là các màn ảo thuật, hay cách trang trí quầy hàng khác nhau để thu hút khách, tạo sự phấn khích cho khách hàng. Nhưng ở Việt Nam, những người bán hàng ở phố ẩm thực hay chợ đêm mới chỉ nghĩ họ là người bán hàng, mà chưa nhận thức được mình là người làm du lịch. Vậy nên, rất nhiều chợ đêm ở Việt Nam không khác gì chợ thường, chỉ khác về thời điểm họp chợ. Một vấn đề nữa cũng hết sức báo động ở các Phố ẩm thực hay Chợ đêm hiện nay là vấn đề vệ sinh và an toàn thực phẩm. Việc kiểm soát nguồn nguyên liệu, chất lượng thực phẩm của các hộ kinh doanh tại Phố ẩm thực chưa được thực hiện đồng bộ và chặt chẽ. Vì vậy, để tạo sức cạnh tranh, và chạy theo lợi nhuận, nhiều cửa hàng nhập các nguyên liệu giá rẻ, không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng. Đây là vấn đề mà du khách cực kỳ lo ngại khi lựa chọn hàng hóa ở Chợ đêm hay Phố ẩm thực. 

Các giải pháp nhằm phát đẩy mạnh khai thác giá trị của văn hóa ẩm thực trong phát triển du lịch ở Việt Nam

Cùng với một nền văn hóa lâu đời, mang những sắc thái độc đáo, riêng có không hề lẫn được với bất kỳ quốc gia nào trên thế giới, văn hóa ẩm thực Việt Nam luôn được du khách đánh giá cao về hương vị cũng như giá trị dinh dưỡng, thành phần món ăn ít mỡ, nhiều rau xanh, gia vị phong phú, có phương pháp chế biến đa dạng. Đó chính là lý do mà một chiến lược gia hàng đầu thế giới, người được mệnh danh là “cha đẻ” của marketing hiện đại, ông Philip Kotler, trong một chuyến công tác đến Việt Nam đã đưa ra gợi ý: Việt Nam nên là bếp ăn của thế giới. Ðiều này cho thấy, Việt Nam có đầy đủ điều kiện và thế mạnh để phát triển thương hiệu du lịch quốc gia một cách bền vững thông qua ẩm thực.

Giải pháp về quy hoạch phát triển du lịch: Như đã phân tích ở trên, tiềm năng phát triển du lịch ẩm thực ở Việt Nam là rất lớn và hầu như vùng miền nào cũng có nét văn hóa ẩm thực đặc sắc riêng. Tuy nhiên không vì thế mà có thể phát triển du lịch tràn lan. Bởi như vậy có thể dẫn tới sự trùng lắp của các sản phẩm du lịch ở các địa phương. Bên cạnh đó, sự phát triển du lịch thiếu quy hoạch còn để lại nhiều tác động tiêu cực khác như sư ô nhiễm môi trường, sự xuống cấp của các giá trị văn hóa-lịch sử…Vì vậy, phải có sự quy hoạch tổng thể và chi tiết để có thể phát triển lâu dài du lịch ẩm thực. Trước hết, cần có sự phối hợp giữa các cơ quan quản lí về du lịch, chính quyền địa phương, các chuyên gia về ẩm thực và các đơn vị kinh doanh lĩnh vực chế biến và cung cấp đồ ăn, thức uống trong việc rà soát, kiểm tra, đánh giá các yếu tố, điều kiện cho sự phát triển của du lịch ẩm thực Việt Nam. Trên cơ sở những đánh giá đó, quy hoạch thành những vùng, điểm du lịch ẩm thực mang đặc trưng riêng những vẫn đảm bảo hài hòa trong bức tranh tổng thể của du lịch Việt Nam.

Giải pháp phát triển cơ sở vật chất kĩ thuật: Trong việc đầu tư vào phát triển các cơ sở kinh doanh ăn uống và các làng nghề ẩm thực, khu phố ẩm thực… Nhà nước nên có sự khuyến khích các cơ sở kinh doanh tận dụng môi trường, không gian văn hóa tự nhiên của địa phương để khách hàng có thể thưởng thức các món ăn, đồ uống trong chính không gian tự nhiên, theo đúng lối ăn truyền thống của địa phương. Qua đó, giúp du khách có thể cảm nhận được hết hương vị cũng như cái hồn của món ăn, đồ uống. Với việc kết hợp với các yếu tố văn hóa như vậy sẽ làm tăng thêm giá trị cho các cơ sở kinh doanh này. 

Giải pháp tuyên truyền, nâng cao nhận thức, rèn luyện kỹ năng về du lịch ẩm thực cho người dân địa phương: Cần tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cộng đồng dân cư, các đơn vị kinh doanh cũng như chính quyền địa phương về giá trị văn hóa ẩm thực của dân tộc và lợi ích của việc phát triển của du lịch ẩm thực, giúp họ nhận thức được vai trò, ý nghĩa của bản thân trong phát triển văn hóa ẩm thực và du lịch địa phương mình. Đồng thời, rèn luyện các kỹ năng giao tiếp, ứng xử, kỹ năng tổ chức các hoạt động du lịch gắn liền với văn hóa ẩm thực địa phương để có thể phát huy một cách tốt nhất những giá trị bản địa, mang lại những nét đặc sắc riêng cho từng điểm đến du lịch. Hình thức tuyên truyền có thể thông qua các phương tiện truyền thông, qua các lớp bồi dưỡng tập trung hoặc tổ chức các chuyến tham quan, học hỏi những mô hình hay…Tùy theo từng đối tượng để lựa chọn hình thức tuyên truyền cho phù hợp.

Giải pháp về thị trường: Các đối tượng du khách khác nhau sẽ có những đòi hỏi khác nhau về sản phẩm du lịch cũng như sản phẩm ẩm thực. Vì vậy, việc xác định đúng đối tượng khách hàng, thiết kế các sản phẩm ẩm thực phù hợp với từng đối tượng du khách là hết sức quan trọng.

 Trước hết, các doanh nghiệp cùng chủ thể quản lí nhà nước về du lịch nên có sự  đầu tư vào việc nghiên cứu đặc điểm và thị hiếu tiêu dùng của từng đối tượng khách, từ đó xây dựng các sản phẩm du lịch ẩm thực phù hợp với nhu cầu của từng nhóm đối tượng khách hàng theo độ tuổi, sở thích hay đặc điểm hành vi. 

Thứ hai: Đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá văn hóa ẩm thực Việt Nam tới bạn bè quốc tế bằng nhiều hình thức khác nhau như tổ chức các lễ hội ẩm thực, xây dựng website chuyên về ẩm thực và du lịch ẩm thực. Tăng cường quảng bá và truyền thông ẩm thực và du lịch ẩm thực Việt Nam trên các website và mạng xã hội phổ biến như Facebook, Instagram, Youtube…. Mở rộng mạng lưới các nhà hàng mang đậm phong cách Việt ra nước ngoài, liên kết với các hãng lữ hành trong và ngoài nước để quảng bá về ẩm thực Việt Nam.

Thứ ba: Xây dựng đa dạng các kênh phân phối sản phẩm du lịch ẩm thực tới các đối tượng khách du lịch, bao gồm cả kênh phân phối trực tiếp từ các Ban quản lý các điểm du lịch đến du khách thông qua đa dạng các hình thức chào bán và kênh phân phối gián tiếp thông qua hoạt động bán tour của các công ty lữ hành trong và ngoài nước. 

Ban hành hệ thống chính sách quản lí thống nhất, đầy đủ về tổ chức hoạt động cũng như quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm của các cơ sở cung ứng dịch vụ ẩm thực tại các điểm du lịch.

Tại mỗi vùng du lịch, chính quyền địa phương cần có chính sách phát triển rõ ràng đối với du lịch ẩm thực, cần đẩy mạnh khuyến khích đầu tư, lựa chọn và phê duyệt những dự án gắn liền với bản sắc văn hóa ẩm thực địa phương, có tính kết nối với nhiều sản phẩm du lịch trong vùng, đảm bảo tính khả thi cao và mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng. Để quản lý tốt được việc vệ sinh an toàn thực phẩm tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ ẩm thực, cần có một cơ chế pháp lý chặt chẽ, đủ tính răn đe để nâng cao ý thức của người kinh doanh. Cùng với đó là một đội ngũ nhân lực thực hiện kiểm tra công tác vệ sinh an toàn thực phẩm một cách thường xuyên, liên tục, kết hợp nhằm phát hiện sớm những biểu hiện mất vệ sinh an toàn thực phẩm tại các điểm kinh doanh để có các biện pháp ngăn ngừa và xử lý kịp thời.

Du lịch ẩm thực hiện đang là một xu hướng lớn trên thế giới. Du lịch ẩm thực mở ra những cơ hội lớn để thúc đẩy kinh tế địa phương, của điểm đến, của quốc gia. Đây cũng là một hướng đi mới đầy triển vọng cho Du lịch Việt Nam. Với những đánh giá và giải pháp nhằm đấy mạnh khai thác các giá trị văn hóa ẩm thực trong phát triển du lịch, tác giả hy vọng sẽ góp thêm những gợi ý hữu ích cho chính quyền địa phương tại các điểm du lịch để khai thác tốt thế mạnh vốn có này, đóng góp vào sự phát triển của ngành du lịch quốc gia.


 

                                              PROMOTE THE EXPLOITATION OF CULINARY CULTURAL VALUES 

                                                                        IN TOURISM DEVELOPMENT IN VIETNAM

                                                                         Nguyen Thi Kim Dung - Faculty of Business Administration and Tourism

 

Summary

In the trend of diverse development of tourism demand, cuisine no longer only plays the role of a supporting factor, serving the needs of guests for mere dining, but has become the purpose of travel. In that context, the issue of exploiting the values of culinary culture for tourism development is of special interest to management agencies. The article mentions the role of culinary culture in tourism development, as well as ways to exploit the value of culinary culture to attract tourists. On the basis of an overview of the current situation of tourism promotion activities, the author proposes orientations and solutions to promote the exploitation of the values of culinary culture to attract tourists to Vietnam.