21/03/2021

Đẩy mạnh số hóa ngân hàng, cơ hội từ đại dịch Covid -19

                                 ĐẨY MẠNH SỐ HÓA NGÂN HÀNG, CƠ HỘI ĐẾN TỪ ĐẠI DỊCH COVID-19

                                                                               ThS. Nguyễn Thị Nguyên – Khoa Tài Chính

 

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp trên phạm vi toàn cầu, ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế thế giới và Việt Nam, nhiều ngành nghề trong đó có cả ngành ngân hàng đang đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số để sẵn sàng biến thách thức thành thời cơ. Giao dịch trực tuyến thay vì giao dịch trực tiếp là lựa chọn của phần đông dân số để bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng cũng như hưởng ứng lời kêu gọi phòng chống dịch Covid của chính phủ. Vì vậy, đẩy mạnh chuyển đổi ngân hàng số sẽ là cứu cánh và là hướng đi tất yếu cho các ngân hàng trước ảnh hưởng lâu dài và phức tạp của đại dịch Covid-19.

  Dịch Covid -19 khởi phát từ tháng 12 năm 2019 tại Trung Quốc, đến nay đã lan ra toàn cầu với quy mô và tốc độ chưa từng có. Tính đến tháng 02/2021 dịch bệnh xuất hiện và lây lan ở 219 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tại Việt Nam, dịch Covid-19 chính thức được ghi nhận từ đầu tháng 2/2020. Song, tác động lớn nhất của dịch bệnh này đến kinh tế - xã hội nói chung, hoạt động của các doanh nghiệp và hệ thống ngân hàng thương mại nói riêng là vào tháng 3, tháng 4 năm 2020 khi cả nước thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp cách ly xã hội theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ. Việc kinh doanh của các doanh nghiệp gặp khó khăn, đình trệ đã tác động tiêu cực và trực tiếp đến hoạt động cho vay của ngân hàng, dư nợ tín dụng tăng trưởng chậm. Cùng với đó, theo chỉ đạo của Chính phủ, các ngân hàng thương mại đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng từ dịch Covid-19. Hàng loạt các mức lãi suất cơ bản được Ngân hàng Nhà nước điều hành giảm từ 17/3/2020. Nguồn thu nhập của các ngân hàng không những chịu ảnh hưởng từ sự giảm sút của hoạt động tín dụng, mà nguồn thu phí cũng bị ảnh hưởng tiêu cực khi mọi giao dịch trong nền kinh tế bị chậm lại.

Tuy nhiên, dịch Covid-19 cũng có tác động tích cực nhất định đối với ngành Ngân hàng, cụ thể là đã thúc đẩy nhận thức chuyển đổi số ngành Ngân hàng sớm hơn từ 3 đến 5 năm, đặt các hệ thống ngân hàng Việt Nam trước yêu cầu bắt buộc phải chuyển đổi số để tồn tại và phát triển. Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường, nhu cầu sử dụng các dịch vụ trực tuyến để ngăn ngừa dịch bệnh lây lan chính là đòn bẩy để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) trong xã hội, giúp các ngân hàng thêm động lực triển khai nhanh, mạnh và ráo riết hơn các dịch vụ ngân hàng trên nền tảng số. Việc số hóa từ văn bản, thủ tục, phương thức làm việc, phương thức giao dịch trong nội bộ ngân hàng cũng như với khách hàng qua giai đoạn dịch bệnh này được xem là việc làm hết sức cấp thiết.

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra đã tác động hầu hết đến tất cả các lĩnh vực Công nghệ tài chính. Việc các ngân hàng phải đón đầu hoặc là đi theo công nghệ số là điều tất yếu nếu không sẽ nhanh chóng bị lạc hậu và bị đào thải. Thay vì tập trung mở rộng mạng lưới như mô hình ngân hàng truyền thống với chi phí đầu tư lớn, nhân sự và chi phí vận hành cao, độ trễ cho sinh lời kéo dài…thì chuyển đổi sang ngân hàng số là bước đột phá để ngân hàng đổi mới toàn diện về quy trình cung cấp sản phẩm dịch vụ, đổi mới hệ thống kênh phân phối, mở rộng danh mục sản phẩm, cung cấp dịch vụ cho phạm vi khách hàng rộng lớn hơn với chi phí thấp hơn, hiệu quả cao hơn.

Ngân hàng số (Digital Banking) là một hình thức ngân hàng số hóa tất cả những hoạt động và dịch vụ ngân hàng truyền thống. Theo đó, mọi giao dịch ngân hàng đều được thực hiện qua internet trên các thiết bị di động hoặc máy tính. Tất cả những gì bạn có thể làm ở các chi nhánh, phòng giao dịch ngân hàng giờ đây đã được số hóa và tích hợp vào một ứng dụng ngân hàng số duy nhất. Khách hàng hoàn toàn có thể chủ động giao dịch mọi lúc mọi nơi mà không cần phụ thuộc vào thời gian và địa điểm của các hệ thống ngân hàng. Khách hàng không phải đến chi nhánh hay phòng giao dịch ngân hàng, chỉ cần vài thao tác đơn giản, trong vài phút có thể thực hiện mọi giao dịch trực tuyến: Thanh toán; chuyển tiền; vay ngân hàng; gửi tiết kiệm; nộp tiền vào tài khoản; quản lý tài khoản, quản lý thẻ; tham gia các sản phẩm đầu tư, bảo hiểm...Đi đầu trong các dịch vụ ngân hàng số hiện nay phải kể đến các ngân hàng như: MB bank, Vietcombank, Bản Việt, TP bank, VP bank…và cuộc chạy đua chuyển đổi ngân hàng số đang trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết, bởi việc đi đầu xu hướng chính là tạo lợi thế, sự khác biệt lớn cho các ngân hàng Việt Nam.

Việt Nam được đánh giá là thị trường nhiều tiềm năng cho phát triển ngân hàng số với 96,5 triệu dân, cơ cấu dân số trẻ (người trưởng thành chiếm khoảng 70%), đồng thời 72% dân số sở hữu Smartphone, 130 triệu thuê bao di động, 64 triệu người dùng Internet (chiếm 67% dân số). Dân số trẻ có lợi thế năng động, nhạy bén với công nghệ và cởi mở với các phương tiện thanh toán mới. Thêm vào đó, dịch bệnh Covid-19 đã làm thay đổi thói quen thanh toán của nhiều người và thúc đẩy sự phát triển của các phương thức TTKDTM nhanh hơn. Từ chỗ đến tận nơi để mua sắm, khách hàng chuyển sang thanh toán online qua ngân hàng điện tử, qua thẻ hoặc ví điện tử…Do vậy, chuyển đổi ngân hàng số sẽ là bước đi tắt đón đầu trong kinh doanh để các ngân hàng nâng cao khả năng cạnh tranh, gia tăng doanh thu, tăng năng suất lao động và tạo khả năng phát triển đột phá so với đối thủ. Tuy nhiên, chuyển đổi ngân hàng số đòi hỏi đầu tư lớn, đồng bộ từ nguồn lực tài chính, trang thiết bị công nghệ hiện đại đến đào tạo cán bộ, nhân viên thông thạo thuần thục với các nghiệp vụ, kể cả nhân viên bảo trì và vận hành hệ thống mạng, đòi hỏi sự phối hợp của các lĩnh vực có liên quan: Thương mại điện tử, hành chính điện tử, chính phủ điện tử. Bên cạnh đó, việc tạo lập môi trường pháp lý và chính sách đầy đủ nhằm hoàn thiện và phát triển các giải pháp công nghệ tài chính, phù hợp với nhu cầu thị trường và khuôn khổ pháp luật đang đặt ra có tính cấp bách. Đặc biệt, việc hoàn thiện các hành lang pháp lý để đảm bảo an ninh, an toàn thông tin, dữ liệu khách hàng là vô cùng quan trọng trong công tác quản lý dữ liệu lĩnh vực ngân hàng nhằm thúc đẩy các hoạt động TTKDTM an toàn và hạn chế rủi ro xảy ra cho khách hàng khi tham gia sử dụng các dịch vụ công nghệ ngân hàng số.

Có thể nói đẩy mạnh số hóa ngân hàng là chiến lược phù hợp với xu hướng số hóa lĩnh vực tài chính, ngân hàng trên toàn thế giới và là yêu cầu tất yếu của đại bộ phận khách hàng trước những ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch Covid-19. Trải nghiệm các dịch vụ ngân hàng thông qua giao dịch trực tuyến là giải pháp vừa an toàn vừa tiết kiệm thời gian, chi phí cho khách hàng trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay. Các ngân hàng cần nắm bắt xu hướng nhu cầu trên thị trường để sẵn sàng “biến nguy thành cơ” chuyển đổi từ mô hình ngân hàng truyền thống sang việc ứng dụng công nghệ số vào hoạt động ngân hàng. Việc số hóa ngân hàng cần thực hiện đồng bộ nhằm hướng đến mục tiêu cuối cùng là đem lại sự hài lòng cho khách hàng đồng thời tạo đà tăng trưởng nhanh và nhảy vọt cho ngành ngân hàng thời kỳ hậu Covid-19.

Tài liệu tham khảo:

[1] Hà Anh (2020), Chuyển đổi số ngành ngân hàng trong bối cảnh bất định “biến nguy thành cơ”, mục Kinh tế tại website dangcongsan.vn ngày 12/12/2020.

[2] Đỗ Doãn (2020), Số hóa ngân hàng bán lẻ: Cơ hội tăng trưởng mạnh hậu Covid -19, mục Tiền tệ - Bảo hiểm tại website thoibaotaichinhvietnam.vn ngày 26/11/2020.

[3] TS. Đặng Hà Giang, Tác động của dịch Covid-19 đến hoạt động kinh doanh của các ngân hàng thương mại Việt Nam, mục Ngân hàng tại website tapchitaichinh.vn ngày 18/11/2020.

[4] Minh Khôi (2020), Số hóa ngân hàng thêm cơ hội bứt tốc, mục Tài chính – Tiền tệ tại website thoibaonganhang.vn ngày 04/05/2020.

[5] PGS.TS. Đỗ Hoài Linh (2020), Ảnh hưởng của dịch bệnh Covid -19 đối với hoạt động ngân hàng Việt Nam – Những khó khăn và giải pháp, mục Tin tức kinh tế vĩ mô tại website tapchinganhang.gov.vn ngày 06/05/2020.

 [6] Lê Nhã Yến (2020), Ngân hàng số là gì? 6 ngân hàng số lớn nhất tại Việt Nam năm 2021, mục Ngân hàng tại website infofinance.vn ngày 26/8/2020.

 

 

 

              STRENGTHENING BANKING DIGITALIZATION, OPPORTUNITIES FROM COVID-19 PANDEMIC

Nguyen Thi Nguyen – Faculty of Finance

 

Summary

          The Covid -19 pandemic outbroke in December 2019 in China, and has spread globally with an unprecedented scale and speed. As of February 2021, the disease appeared and spread in 219 countries and territories. In Vietnam, the Covid-19 epidemic was officially recognized from the beginning of February 2020. The difficult and stagnant business of enterprises had a negative and direct impact on the bank's lending activities, the slow growth of credit balance. The bank's revenue source is not affected by the decrease of the signal of operation, but the fee revenue is also affected negatively when all transactions in the economy slow down.
          In the context of the complicated and unpredictable Covid-19 epidemic, the need to use online services to prevent the spread of epidemics is a lever to promote non-cash payments in society, help banks to add motivation to implement faster, more strongly and more aggressively banking services on digital platforms. Instead of focusing on expanding the network like a traditional banking model with large investment costs, high personnel and operating costs, long delay for profit ... The transition to digital banking is a breakthrough for banks to comprehensively innovate the process of providing products and services, renovate the distribution channel system, expand the product portfolio, provide services to a wider customer range with lower costs and higher efficiency.
          It can be said that promoting banking digitization is a strategy in line with the trend of digitizing the financial and banking sectors worldwide and is an indispensable requirement of the majority of customers before the serious effects of Covid-19 pandemic. The digitization of the bank needs to be done synchronously, investing in infrastructure, facilities, and human resources and completing the legal corridor towards the ultimate goal of bringing customer satisfaction and creating the rapid growth for the banking industry in the post-Covid-19 era.