21/03/2021

Đề xuất góp ý nâng cao chất lượng công tác giảng dạy môn Giáo dục chính trị

                   MỘT SỐ ĐỀ XUẤT GÓP PHẦN NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG CÔNG TÁC GIẢNG DẠY

    MÔN GIÁO DỤC CHÍNH TRỊ Ở TRƯỜNG CAO ĐẲNG KINH TẾ - TÀI CHÍNH THÁI NGUYÊN HIỆN NAY

                                                                                       Giảng viên: Trần Thanh Loan

                                                                                       Đơn vị: Khoa Lý luận chính trị

 

Giảng dạy môn Giáo dục chính trị là một bộ phận rất quan trọng trong công tác giáo dục nói chung và giáo dục nghề nghiệp nói riêng. Học sinh, sinh viên không chỉ cần kiến thức chuyên môn vững vàng mà cần phải có những phẩm chất chính trị, đạo đức, kỹ năng và lý tưởng sống cao đẹp. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay việc giảng dạy môn Giáo dục chính trị tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên nói chung cũng như trường Cao đẳng Kinh tế - Tài chính Thái Nguyên nói riêng đang gặp rất nhiều khó khăn: Về nội dung và chương trình giảng dạy; về phương pháp và phương tiện dạy học; đặc biệt là về tư tưởng, nhận thức của người học… Bài viết chủ yếu sử dụng phương pháp phân tích, tổng hợp rút ra những thuận lợi, khó khăn và đề xuất một số giải pháp góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập môn Giáo dục chính trị trong nhà trường hiện nay.

1. Đặt vấn đề

   Thực hiện theo hướng dẫn của Thông tư số 24/2018/TT-BLĐTBXH, ngày 06 tháng 12 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về giảng dạy môn Giáo dục chính trị hệ trung cấp và để giúp học sinh hệ trung cấp của nhà trường hiểu rõ về chính trị, giác ngộ về chính trị để chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, để trở thành người công dân tốt, người lao động tốt có ích cho xã hội. Chính vì vậy,việc tìm ra các giải pháp phù hợp góp phần nâng cao chất lượng và tạo được kết quả như mong đợi có ý nghĩa rất quan trọng.

2. Nội dung

2.1. Một số khó khăn trong công tác giảng dạy môn Giáo dục chính trị ở trường Cao đẳng Kinh tế - Tài chính Thái Nguyên hiện nay

                            Giảng viên Khoa Lý luận tham gia Hội thảo khoa học nâng cao chát lượng giảng dạy

                                                  các môn Lý luận chính trị tại Đại học Thái Nguyên

Công tác giảng dạy môn học Giáo dục chính trị luôn được lãnh đạo Trường Cao đẳng Kinh tế - Tài chính Thái Nguyên quan tâm và tạo mọi điều kiện như tạo điều kiện cho giáo viên tham gia tập huấn, tham gia các hội thảo khoa học…. Bản thân khoa chuyên môn là Khoa Lý luận chính trị cũng đã không ngừng đổi mới, nâng cao hiệu quả giảng dạy của môn học như thay đổi phương pháp giảng dạy để giảm tải nội dung hàn lâm, đặc biệt là tổ chức cho học sinh, sinh viên các lớp tham gia các buổi thực tế tại các địa điểm di tích lịch sử để bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho người học.

Tuy có nhiều thuận lợi xong việc dạy và học môn Giáo dục chính trị ở trường Cao đẳng Kinh tế - Tài chính Thái Nguyên hiện nay còn nhiều khó khăn:

Trước hết là khó khăn trong nội dung hợp nhất khi thực hiện giảng dạy môn học

Việc giảng dạy và học tập môn học bị rút ngắn thời gian đã gây khó khăn cho việc tiếp cận kiến thức giáo dục chính trị chuyên sâu cũng như khó khăn cho việc giảng dạy đạt hiệu quả như mong muốn: Nội dung giảm, thời gian giảm gây ra việc nhiều nội dung quan trọng của các môn học trước đây giờ chỉ được đề cập chưa đầy đủ. Việc cắt giảm nội dung và thời lượng môn học gây ra khó khăn lớn cho việc bố trí giảng viên giảng dạy sao cho đúng chuyên ngành được đào tạo và bảo đảm chất lượng đào tạo.

Khó khăn từ phía người học

Đề học tốt môn Giáo dục chính trị, đòi hỏi người học phải có kiến thức khoa học xã hội. Tuy nhiên, trong những năm gần đây lớp trẻ ít quan tâm đến các môn học xã hội dẫn tới lỗ hổng về kiến thức xã hội ở bậc phổ thông là một lực cản để các em sinh viên tiếp thu kiến thức. Cũng không chỉ khó khăn xuất phát từ tâm lý lứa tuổi, mà còn xuất phát từ chính hoàn cảnh, đặc điểm vùng miền. Nhiều các em xác định học nghề để có cái nghề, có thể nhanh chóng đi làm kiếm tiền cho nên nhiều em nhất là vùng dân tộc thiểu số đang học tập tại trường vẫn còn tâm lý e dè, ngại tiếp cận với cái mới, trình độ hiểu biết còn hạn chế, năng lực thể hiện bản thân còn chưa cao dẫn đến quá trình học diễn ra chậm không đạt được chất lượng như mong muốn.

Như vậy, khó khăn trong quá trình dạy và học môn Giáo dục chính trị xuất phát từ nhiều yếu tố, từ nội dung, phương pháp đến vai trò của người dạy và người học…chính vì vậy, việc tìm ra những giải pháp nhằm khắc phục những khó khăn này có ý nghĩa vô cùng quan trọng.

2.2. Một số đề xuất góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy môn Giáo dục chính trị ở trường Cao đẳng Kinh tế - Tài chính Thái Nguyên hiện nay

Hiện nay, việc nâng cao chất lượng, đổi mới phương pháp giảng dạy môn Giáo dục chính trị nhằm thu hút người học là một vấn đề được quan tâm của Nhà trường nói chung và Khoa Lý luận chính trị nói riêng. Do vậy, bản thân là một giảng viên của khoa Lý luận chính trị, trực tiếp tham gia vào quá trình giảng dạy, tôi mạnh dạn đề xuất một số giải pháp sau:

Thứ nhất, về phía Nhà trường: cần tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc bồi dưỡng, tập huấn của  giảng viên giảng dạy các môn giáo dục chính trị.

Với mục tiêu hướng nghiệp, tập trung đào tạo chuyên môn ở các trường nghề, tuy nhiên việc giảng dạy môn học Giáo dục chính trị có vai trò rất quan trọng trong công tác giáo dục của Nhà trường, môn học đóng vai trò là nền tảng đầu tiên trong việc rèn luyện đạo đức, nhân cách cho người học. Do vậy, để nâng cao chất lượng công tác giảng dạy nói chung và môn học Giáo dục chính trị nói riêng, rất mong từ phía lãnh đạo nhà trường, phòng đào tạo tạo điều kiện hơn nữa cho các giảng viên tham gia các lớp học tập nâng cao trình độ chuyên môn, tham gia các lớp tham quan thực tế để làm phong phú thêm cho bài giảng. Nhà trường cũng cần quan tâm đến định mức giảng dạy có quá cao so với thời lượng của môn học, với một môn đặc thù là nhiều kiến thức rộng và đòi hỏi chuyên sâu.

Thứ hai, về phía giảng viên trực tiếp giảng dạy cần không ngừng đổi mới phương pháp dạy và học môn Giáo dục chính trị

Khi phân phối chương trình chủ yếu là mục tiêu hướng nghiệp. Chính vì vậy, để có những tiết giảng sinh động, đem lại hứng thú và phát huy tính sáng tạo của người học thì nên: Tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên môn, hội thảo theo chuyên đề, có thể mở câu lạc bộ để tham gia sinh hoạt nhóm vừa tạo động lực cho các em tìm hiểu kiến thức và vừa rèn luyện khả năng thuyết trình, tự tin cho học sinh, sinh viên… Đồng thời, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về chủ nghĩa Mác – Lênin, về đường lối, chiến lược của Đảng, về những vấn đề quan trọng trong thực tiễn của đất nước và thế giới, từ đó mới có thể tạo cho sinh viên lòng ham mê, thấy được những giá trị to lớn của môn giáo dục chính trị và áp dụng vào cuộc sống của bản thân.

          Đặc biệt, nắm bắt được tâm lý người học là sợ dài, sợ khô khan, tâm lý không hứng thú đối với môn học, do vậy đối với người giảng dạy cũng luôn phải đổi mới phương pháp truyền tải của mình để không rơi vào lý thuyết suông, vận dụng linh hoạt kiến thức liên ngành vào giảng dạy.

          Đối với người học: Cần thay đổi phương pháp học thuộc sang phương pháp tìm nội dung chính, tìm từ khóa để triển khai nội dung. Người học cũng cần xác định nhiệm vụ của mình trước khi thành nghề thì phải phải trau dồi đạo đức, thái độ, niềm tin với sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhà nước.

3. Kết luận

Giảng dạy môn Giáo dục chính trị có một vai trò quan trọng trong công tác giáo dục nói chung và đào tạo nghề nói riêng, chính vì vậy để nâng cao chất lượng giảng dạy môn học này thì cần kết hợp nhiều giải pháp cả về phía người dạy và người học.

Định hướng nghề nghiệp có vai trò quan trọng, chính vì vậy cần phải đổi mới cả về nội dung và phương pháp giảng dạy theo hướng tiếp cận năng lực nghề nghiệp để từ đó vừa đem lại hiệu quả cho môn học, vừa tạo ra hứng thú cho người học.

Đổi mới, nâng cao chất lượng giảng dạy môn Giáo dục chính trị luôn là vấn đề được quan tâm, đây chính là nhiệm vụ được xác định lâu dài, không thể ngày một, ngày hai mà phải từng bước, nhìn nhận và tìm ra phương hướng cụ thể phù hợp để góp phần đưa môn học này lấy lại vị trí, lấy lại vai trò là môn học tiên phong, tiền đề cho các môn học khác.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Dự thảo ban hành kèm theo Thông tư số 24/2018/TT-BLĐTBXH, ngày 06 tháng 12 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

2. Đào Duy Quát (2004), “Về công tác tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam”, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

 

SOME RECOMMENDATIONS TO IMPROVE THE TEACHING QUALITY OF POLITICAL EDUCATION AT THAI NGUYEN COLLEGE OF ECONOMICS AND FINANCE

Tran Thanh Loan

Faculty of Political Theory

Summary

Teaching Political Education is a very important part of education in general and vocational education in particular. The things that students need to have are not only solid professional knowledge but also the political qualities, ethics, skills and good ideals of life. However, in the current period, vocational education institutions in Thai Nguyen province in general as well as Thai Nguyen College of Economics and Finance in particular are facing a lot of difficulties in teaching Political Education in terms of the content and curriculum; teaching methods and facilities and especially the learners' ideology and perception ... The article mainly uses analytical and synthesis methods to give out the advantages and disadvantages and proposes some solutions to improve the quality of teaching and studying Political Education in the college today