18/04/2013

Giải pháp chỉ đạo để tăng cường cơ sở vật chất nhằm nâng cao chất lượng đào tạo

Đối với các cơ sở đào tạo nói chung và trường Cao đẳng Kinh tế - Tài chính nói riêng, chất lượng đào tạo quyết định sự tồn tại và phát triển bền vững. Ngoài các yếu tố như nội dung chương trình đào tạo, hệ thống giáo trình, sách tham khảo hay đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên giảng dạy thì yếu tố cơ sở vật chất cũng có vai trò hết sức quan trọng. Một nhà trường có đầy đủ các yếu tố nêu trên nhưng cơ sở vật chất nghèo nàn, lạc hậu, không theo kịp sự phát triển của xã hội thì sẽ không thể có được một chất lượng đào tào tốt nhất. Do đó, việc tăng cường cơ sở vật chất, trang bị các phương tiện giảng dạy và học tập hiện đại trong trường học sẽ góp phần đào tạo nên đội ngũ lao động có chất lượng, đáp ứng tốt yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong xu thế hội nhập hiện nay.

Xuất phát từ yêu cầu thực tế đó, Trường Cao đẳng Kinh tế - Tài chính Thái Nguyên luôn xác định việc tăng cường cơ sở vật chất là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo. Ban Giám hiệu đã kịp thời nắm bắt thực trạng cơ sở vật chất của nhà trường, từng bước khắc phục khó khăn, đưa ra những giải pháp chỉ đạo nhằm tăng cường cơ sở vật chất, góp phần đảm bảo và nâng cao chất lượng đào tạo.

Trong quá trình đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, nhà trường luôn nhận được sự quan tâm, ủng hộ của Bộ Giáo dục và Đào tạo, của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh, của Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Nguyên, sự hỗ trợ, giúp đỡ của các ban, ngành, các đơn vị doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Nhờ vậy, nhà trưởng đã không ngừng xây dựng mới và nâng cấp cơ sở hạ tầng, cụ thể:

       - Năm 2011, UBND tỉnh Thái Nguyên phê duyệt xây dựng cơ sở vật chất đưa vào sử dụng gồm khu nhà 7 tầng ký túc xá với diện tích gần 4.050m2 với tổng giá trị quyết toán 17.170.346.000 đồng.

       - Năm 2012, UBND tỉnh Thái Nguyên phê duyệt xây dựng cơ sở vật chất gồm nhà thư viện có diện tích 3.045m2 với tổng giá trị quyết toán 12.287.704.000 đồng, gồm các hạng mục:

+ Phòng mượn và kho sách thư viện được trang bị hệ thống máy vi tính cài đặt phần mềm quản lý thư viện phục công tác quản lí bạn đọc, danh mục đầu sách và tra cứu trực tuyến.

+ Phòng thực hành tin học với 300 máy tính nối mạng LAN

+ Phòng đọc tự chọn có diện tích 500m2 với hơn 2000 đầu sách, báo.

+ Các phòng thực hành gồm: sàn giao dịch chứng khoản ảo, phòng thực hành ngân hàng ảo, phòng thực hành kế toán.

Tuy nhiên, đứng trước nhu cầu mở rộng quy mô đào tạo, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị của nhà trường vẫn còn thiếu thốn, phần nào chưa đáp ứng được đầy đủ nhu cầu dạy và học, cụ thể:

- Tỉ lệ diện tích phòng học/sinh viên và tỉ lệ diện tích phòng làm việc/cán bộ, giảng viên chưa đạt chuẩn;

- Kinh phí đầu tư trang thiết bị phục vụ công tác giảng dạy, học tập còn chưa đáp ứng nhu cầu thực tế. Đặc biệt, trang thiết bị dành cho các phòng thực hành cần nguồn kinh phí đầu tư lớn và đòi hỏi phải thường xuyên nâng cấp trong khi nguồn ngân sách đầu tư còn hạn hẹp.


Trung tâm Thông tin Thư viện

Xuất phát từ thực trạng trên, Đảng ủy, Ban Giám hiệu trường Cao đẳng Kinh tế - Tài chính Thái Nguyên đưa ra một số giải pháp chỉ đạo tăng cường cơ sở vật chất nhằm nâng cao chất lượng đào tạo như sau:

Thứ nhất, tham mưu, đề xuất với các cấp lãnh đạo tăng cường hỗ trợ cơ sở vật chất cho nhà trường nhằm đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh Thái Nguyên và các tỉnh lân cận.

Thứ hai, đánh giá, kiểm tra thực tế, lập kế hoạch đầu tư cơ sở vật chất trang thiết bị cho từng năm học; chỉ đạo các đơn vị trong trường căn cứ chức năng, nhiệm vụ đề xuất bổ sung các trang thiết bị cần thiết phục vụ công việc.

Thứ ba, chỉ đạo thực hiện tốt công tác quản lý, khai thác và sử dụng có hiệu quả các trang thiết bị phục vụ nhiệm vụ chuyên môn. Nhà trường thành lập Ban quản lý tài sản - thiết bị, có đầy đủ hồ sơ, sổ sách thống kê, kiểm tra tài sản định kỳ hàng quý, hàng năm. Bên cạnh đó, nhà trường giao trách nhiệm quản lý,  sử dụng và bảo quản tài sản cho từng đơn vị; hàng tháng kiểm tra, báo cáo, sửa chữa, bảo dưỡng kịp thời.

Thứ tư, khai thác các nguồn kinh phí từ dự án của nước ngoài, các chương trình mục tiêu của Chính phủ, sự hợp tác hỗ trợ của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, cân đối từ việc tiết kiệm chi để bổ sung cơ sở vật chất, thiết bị kỹ thuật nhằm phục vụ tốt công tác đào tạo của nhà trường.

Như vậy, việc thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, đúng đắn đã tạo được sự ủng hộ của các cấp, các ngành, sự đồng thuận, đoàn kết nhất trí của toàn thể cán bộ, giảng viên trong việc quyết tâm xây dựng nhà trường kiểu mẫu, khang trang, hiện đại, đáp ứng được yêu cầu đào tạo trong thời kỳ mới./.

Nông Thị Huyền - Phòng Kế hoạch Tài chính