21/03/2021

Giáo dục nghề nghiệp trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0

                                  GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆP TRONG BỐI CẢNH

                                                CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP 4.0

                                                                             TS. Phạm Thị Thanh Phương

                                                                            Khoa Quản trị kinh doanh và Du lịch

 

Cách mạng công nghiệp 4.0 là đỉnh cao của cuộc cách mạng công nghiệp, tạo ra những thay đổi to lớn trong các lĩnh vực như trí thông minh nhân tạo, robot, phương tiện độc lập, mạng internet, công nghệ sinh học…. Điều này tác động sâu rộng tới mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế xã hội trong đó có giáo dục nghề nghiệp. Trong bối cảnh những ngành thâm dụng lao động sẽ giảm sút, một số nghề nghiệp truyền thống sẽ mất đi, người lao động đòi hỏi phải có kỹ năng tốt, khả năng thích ứng cao và sẵn sàng đáp ứng các điều kiện lao động trong hoàn cảnh mới. Vì vậy, hoạt động giáo dục nghề nghiệp của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong nước cũng phải có những thay đổi tích cực để thích ứng với những tác động của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 hiện nay. Phòng học ảo, thiết bị ảo, giáo viên ảo… sẽ là những xu hướng trong giáo dục nghề nghiệp.

Hiện nay, theo quyết định của Chính phủ, giáo dục nghề nghiệp thống nhất một cơ quan chủ quản là Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Toàn bộ các trường cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp đang trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo từ năm 2017 sẽ chịu sự quản lý của Tổng cục dạy nghề. Tuy nhiên, Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn quản lý hệ thống các trường Trung cấp, Cao đẳng và các khoa sư phạm. Việc thay đổi sự quản lý Nhà nước đáp ứng những kỳ vọng về chính sách quản lý nhà nước nhằm thúc đẩy giáo dục nghề nghiệp phát triển với những đặc thù riêng để tạo ra nguồn lao động có tay nghề cao đáp ứng những đòi hỏi của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Trong Đề án hội nhập quốc tế về giáo dục và dạy nghề đến năm 2020 theo Quyết định số 2448/QĐ-TTg ngày 16-12-2013 của Thủ tướng Chính phủ đã xác định: “Đến năm 2020, phát triển một số cơ sở GDĐH và dạy nghề đạt trình độ tiên tiến trong khu vực và thế giới; đổi mới nội dung, chương trình đào tạo và dạy nghề tiếp cận nền giáo dục tiên tiến của các nước; tiến tới công nhận văn bằng, chuyển đối tín chỉ và kỹ năng nghề giữa Việt Nam và các nước ASEAN và các nước khác trên thế giới...”. Tuy nhiên, đến giai đoạn hiện tại, mục tiêu này vẫn chưa đạt được như kỳ vọng của Chính phủ. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp vẫn đang trong quá trình tìm chỗ đứng cho riêng mình với bài toán nan giải về tuyển sinh để đáp ứng mục tiêu tồn tại. Mặc dù nhận thức xã hội về học nghề đã có bước thay đổi căn bản song chất lượng đầu vào của các trường nghề vẫn còn thấp. Mặc khác, đội ngũ giáo viên đang trong quá trình hoàn thiện về tiêu chuẩn đối với chức danh nhà giáo cơ sở giáo dục nghề nghiệp và còn yếu về kỹ năng nghề. Vì vậy, để đáp ứng những yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, giáo dục nghề nghiệp cần tập trung vào các nội dung sau

Việc đổi mới giáo dục nghề nghiệp đầu tiên phải xuất phát từ chính đổi mới  trong hoạt động đào tạo. Ứng dụng  công nghệ thông tin là yêu cầu tất yếu trong đào tạo, tiếp đó là hoàn thiện việc xây dựng các bài giảng điện tử đáp ứng nhu cầu đa dạng của người học. Phòng học ảo, thiết bị ảo, giáo viên ảo cần được đưa vào trong xây dựng bài giảng và các chương trình đào tạo. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng cần thiết phải thiết lập thư viện điện tử, các chương trình đào tạo trực tuyến. Mặt khác, chương trình đào tạo phải hết sức linh hoạt để người học có thể liên thông ở trình độ cao hơn và kể cả liên thông giữa các nghề có liên quan trực tiếp với nhau.

Bên cạnh đó, đào tạo phải gắn kết với nhu cầu của các doanh nghiệp, chứ không phải giải quyết bài toán tuyển sinh tạm thời để đáp ứng nhu cầu của cơ sở giáo dục nghề nghiệp hiện tại. Các nghề đào tạo có thể là những nghề xã hội đang có nhu cầu và cả những nghề nghiệp được dự báo tương lai sẽ cần. Việc thu hẹp khoảng cách giữa đào tạo nghề và thực tế tại các doanh nghiệp là vấn đề còn tồn tại trong giai đoạn hiện nay.

Đối với người học, việc đánh giá mang tính truyền thống phải được thay đổi bằng việc đánh giá kỹ năng và sự sáng tạo. Người học cần được coi là trung tâm trong hoạt động đào tạo. Việc này không phải mới nhưng việc coi người học là trung tâm chưa được thực hiện một cách triệt để trong bối cảnh đào tạo hiện nay.

Vấn đề then chốt nhất của đổi mới giáo dục nghề nghiệp trong cách mạng công nghiệp 4.0 là năng lực và trình độ của đội ngũ nhà giáo. Hiện nay, đội ngũ nhà giáo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đang trong giai đoạn chuyển đổi từ giảng dạy lý thuyết, áp dụng phương pháp giảng dạy truyền thống sang giảng thực hành, lấy người học làm trung tâm. Việc chọn lựa nhà giáo có đủ năng lực và kỹ năng nghề để đáp ứng những đổi mới trong phương thức, phương pháp dạy nghề hiện đại không phải là vấn đề đơn giản. Công cuộc đổi mới giáo dục nghề nghiệp trước tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 còn đòi hỏi cả những nỗ lực từ phía bộ máy quản trị nhà trường với những thay đổi tích cực để tăng cường khả năng cạnh tranh và đáp ứng những đòi hỏi từ phía các doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay.

Có thể nói, giáo dục nghề nghiệp đóng vai trò quyết định trong việc đào tạo và cung ứng cho thị trường lao động những lao động có trình độ, tay nghề cao đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp. Giáo dục nghề nghiệp cần có những bước đi vững chắc và cần được quan tâm thích đáng để có thể phát triển trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, góp phần vào sự phát triển kinh tế đất nước. Trong đó, các giải pháp nền tảng mang tính chất quyết định nằm ở đội ngũ nhà giáo và hạ tầng công nghệ trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

 

Tài liệu tham khảo:

1. Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 17/4/2020 của Chính phủ về chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

2. Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 28/5/2020 về việc đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia.

3. Nguyễn Hữu Bắc (2020), Nâng cao chất lượng GDNN tiếp cận trình độ các nước trong khu vực và quốc tế, Tạp chí Lao động và Xã hội, số 628, tr 20.

 

4. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (2018), Nhanh chóng bước lên con tàu 4.0, báo Tuổi trẻ, số 187, ngày 14/7/2018, tr 7.

 

PROFESSIONAL EDUCATION IN THE CONTEXT OF

INDUSTRIAL REVOLUTION 4.0


Pham Thi Thanh Phuong - Faculty of Business Administration and Tourism


 

Summary

          It can be said that vocational education plays a decisive role in training and providing the labor market with highly qualified and skilled workers to meet the needs of enterprises. Vocational education needs firm steps and proper attention to be able to develop in the industrial revolution 4.0, contribute to the economic development of the country. In particular, the decisive fundamental solutions lie in the contingent of teachers and technology infrastructure in vocational education institutions