17/06/2021

Hợp tác quốc tế - Xu hướng tất yếu của giáo dục chuyên nghiệp

Hợp tác quốc tế - Xu hướng của giáo dục chuyên nghiệp

                               HỢP TÁC QUỐC TẾ - XU HƯỚNG TẤT YẾU CỦA GIÁO DỤC CHUYÊN NGHIỆP

                                                                                                             Phạm Thanh Tùng- Khoa Quốc tế

                                                                                 

Bước vào thế kỷ 21, Việt Nam đang từng bước hội nhập và hòa mình vào xu hướng toàn cầu hóa - hội nhập quốc tế trên mọi lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội. Bên cạnh những thành tựu đã đạt được thì một trong những vấn đề bất cập gây cản trở trong việc phát triển, cạnh tranh kinh tế quốc tế, tìm kiếm việc làm, chính là chất lượng nguồn lao động. Bài viết tập trung phân tích vai trò của hợp tác quốc tế trong giáo dục chuyên nghiệp – yếu tố hiện được xem là xu thế, giải pháp để nâng cao chất lượng việc làm, đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao trong thời đại mới.

1. Đặt vấn đề

Xu hướng quốc tế hóa giáo dục không chỉ tạo ra sự cạnh tranh gay gắt giữa khối các trường chuyên nghiệp tại Việt Nam, mà còn phải cạnh tranh với các trường đại học ở nước ngoài như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc... các quốc gia được biết đến như những thị trường xuất khẩu giáo dục tiềm năng. Trong tình hình khó khăn hiện nay, khi có quá nhiều các trường đại học và sự quan tâm của xã hội giành cho đào tạo nghề còn chưa được cao, dẫn đến những khó khăn nhất định cho các trường Cao đẳng, trung cấp nghề nói chung và trường Cao đẳng Thái Nguyên nói riêng có thể tuyển sinh được và đặc biệt là thu hút được các sinh viên đến từ các quốc gia lân cận như Lào, Campuchia, Thái Lan… Điều này đặt ra yêu cầu các trường chuyên nghiệp phải gấp rút nghiên cứu, phát triển các chương trình đào tạo mới, các ngành nghề mới cũng như nâng cao chất lượng đào tạo đạt chuẩn quốc tế, xây dựng được hệ thống chuẩn đầu ra nghề nghiệp cũng như các tiêu chí đi kèm khác nhằm đáp ứng các nhu cầu việc làm của xã hội cho các em học sinh, sinh viên khi ra trường thì mới có thể tồn tại và phát triển lâu dài trong tương lai. Hiện nay, hợp tác quốc tế đóng vai trò quan trọng trong giáo dục thời đại mới, là xu hướng tất yếu của giáo dục chuyên nghiệp. 

2. Nội dung

2.1. Hợp tác quốc tế định hướng sự phát triển của giáo dục chuyên nghiệp theo hướng hiện đại, tiếp cận nền giáo dục đại học tiên tiến trong khu vực và trên thế giới.

Với sự xích lại gần hơn giữa các quốc gia trong thời đại ngày nay, vai trò của giáo dục là cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao để Việt Nam có thể thích ứng, tồn tại và phát triển ở môi trường cạnh tranh khốc liệt. Thông qua hoạt động hợp tác quốc tế, đặc biệt là với các đối tác lâu đời của trường Cao đẳng Thái Nguyên là Đại học Hagoromo, Học viện I-Seifu tại Nhật Bản hay Đại học Daegu Catholic tại Hàn Quốc… chúng ta có thể rút ra các kinh nghiệm quý giá trong việc đổi mới tư duy, phương thức quản lý giáo dục, lựa chọn phương hướng, cải tiến hệ thống, đồng thời rút ngắn khảng cách, nâng cao chất lượng giáo dục dạy nghề nhằm đáp ứng được các nhu cầu bức thiết về việc làm cho các em sinh viên là đối tượng dân tộc thiểu số khó khăn trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, đặc biệt là các em lưu học sinh nước CHDCND Lào và Vương quốc Campuchia với các trường cao đẳng, Trung cấp nghề khác hay thậm chí các trường Đại học. Ngoài ra, về mặt thực tiễn, các hoạt động này cũng tạo điều kiện cho trường Cao đẳng Thái Nguyên có điều kiện phát triển bền vững, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng cho nhu cầu phát triển đất nước. 

2.2. Hợp tác song phương và đa phương – cùng phát triển

 Tiến hành hợp tác quốc tế thông qua các hoạt động cụ thể như: các chương trình, dự án hợp tác đào tạo, hợp tác nghiên cứu khoa học, trao đổi văn hóa... Thông qua các hoạt động này, bản thân trường Cao đẳng Thái Nguyên có thể cập nhật các tiến bộ khoa học công nghệ thông qua các chương trình nghiên cứu chung, liên kết với các đối tác nước ngoài để từng bước chuẩn hóa các chương trình đào tạo và đổi mới phương pháp giảng dạy, đổi mới tư duy, phương thức quản lý giáo dục, lựa chọn phương hướng và cải tiến hệ thống, quy trình đào tạo, các cán bộ giảng viên của nhà trường có nhiều hơn các cơ hội được học tập và nâng cao trình độ tại những nước có trình độ giáo dục hàng đầu trong khu vực.

2.3. Giao lưu văn hóa luôn giúp tăng cường hội nhập quốc tế

Hiện nay, trong trường Cao đẳng Thái Nguyên đang có hơn 1000 lưu học sinh Lào và Campuchia đang học tập và sinh sống trong khu vực Ký túc xá của nhà trường, hằng năm thông qua các học bổng của chính phủ và các chính sách ưu đãi riêng, nhà trường vẫn đón hàng trăm em lưu học sinh từ Lào và Campuchia sang nhập học. Vì vậy, nhu cầu giao lưu trao đổi văn hóa giữa các nước là vô cùng quan trọng, Nhà trường thường xuyên tổ chức các hoạt động giao lưu văn văn nghệ, ẩm thực để tìm hiểu về văn hóa cũng như tổ chức tết Bunpimay của Lào và Chol Chanm Thmay của Campuchia cho các em lưu học sinh đang học tập tại trường, đây là một cơ hội lớn cho chính các em học sinh, sinh viên Việt Nam có thể giao lưu và hiểu biết hơn về một trong những nét văn hóa đặc sắc của các nước bạn là láng giềng với Việt Nam.

2.4. Hợp tác quốc tế mang lại những lợi ích tích cực đối với sự phát triển của trường Cao đẳng Thái Nguyên nói riêng và hệ thống giáo dục chuyên nghiệp nói chung. 

 Đối với sinh viên và giảng viên, hợp tác quốc tế mang lại cơ hội to lớn trong việc tiếp cận nhanh chóng với nguồn tri thức quốc tế khổng lồ cũng như cơ hội vàng để nâng cao trình độ ngoại ngữ. Các bên đều có cơ hội nâng cao năng lực quản lý, học hỏi trình độ chuyên môn của đội ngũ giảng viên của đối tác, thúc đẩy cải tiến cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng đào tạo và vị thế trên thị trường quốc tế. Ở một khía cạnh to lớn hơn, đó là hợp tác về giáo dục cũng góp phần không nhỏ trong việc tăng cường mối quan hệ ngoại giao giữa các quốc gia với nhau, bên cạnh đó còn là những nhiệm vụ chính trị mà nhà trường được tỉnh Thái Nguyên giao khi tiếp nhận các em lưu học sinh đến từ nước CHDCND Lào và Vương quốc Campuchia.

3. Kết luận

Giáo dục trong thời đại hội nhập – toàn cầu hóa, nền giáo dục Việt Nam nói chung và bản thân trường Cao đẳng Thái Nguyên nói riêng, ngoài việc tập trung vào các hoạt động truyền thống là đào tạo và nghiên cứu khoa học, thì hợp tác quốc tế được xem là yếu tố cần thiết để có thể bắt kịp xu hướng phát triển của giáo dục thế giới, tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, nâng cao năng lực cạnh tranh trong thị trường việc làm gắn với phát triển nền kinh tế thị trường trong giai đoạn hiện nay./.

                  INTERNATIONAL COOPERATION - NECESSARY TREND OF PROFESSIONAL EDUCATION

                                                                                                          Pham Thanh Tung - Faculty of Foreign Affairs

Summary

Entering the 21st century, Vietnam is gradually integrating into the trend of globalization - international integration in all fields of life, economy and society. Besides the achievements, one of the inadequacies that hinders the development, international economic competition, job seeking, is the quality of the labor force. The article focuses on analyzing the role of international cooperation in professional education - which is currently considered as a trend and the solution to improve job quality and meet high-quality human resources in the new era.