23/04/2014

Hướng đi mới trong chương trình thực tập tốt nghiệp năm nay

“Thực tập” theo Từ điển tiếng Việt nghĩa là tập làm trong thực tế để vận dụng và củng cố kiến thức lý thuyết, trau dồi thêm về nghiệp vụ, tích lũy kiến thức thực tế. Trong các trường Đại học, Cao đẳng, Trung cấp chuyên nghiệp…thực tập tốt nghiệp là khâu cuối trong chương trình đào tạo, đây được coi là một khâu quan trọng trong quá trình đào tạo, giúp sinh viên củng cố và vận dụng kiến thức đã được trang bị trong thời gian học tập tại trường vào các vấn đề thực tiễn

Th.s Nguyễn Kiều Uyên – Trưởng khoa Tài chính

NCS Nguyễn Thị Thu Huyền – Trưởng Bộ môn TCDN - Khoa Tài chính

“Thực tập” theo Từ điển tiếng Việt nghĩa là tập làm trong thực tế để vận dụng và củng cố kiến thức lý thuyết, trau dồi thêm về nghiệp vụ, tích lũy kiến thức thực tế. Trong các trường Đại học, Cao đẳng, Trung cấp chuyên nghiệp…thực tập tốt nghiệp là khâu cuối trong chương trình đào tạo, đây được coi là một khâu quan trọng trong quá trình đào tạo, giúp sinh viên củng cố và vận dụng kiến thức đã được trang bị trong thời gian học tập tại trường vào các vấn đề thực tiễn. Với tầm quan trọng như vậy nên các trường đào tạo chuyên nghiệp luôn dành thời gian thích đáng cho giai đoạn thực tập này nhưng nói chung hiệu quả của việc thực tập tốt nghiệp nói chung chưa cao.

Quy trình thực tập của sinh viên các trường Cao đẳng, Đại học cơ bản thường được thực hiện như sau:

Bước 1: Giáo viên hướng dẫn đề cương, kết cấu báo cáo thực tập và giới thiệu một số chuyên đề thực tập.

Bước 2: Sinh viên tự đi liên hệ thực tập.

Bước 3: Sinh viên đăng ký tên đơn vị thực tập và thực hiện thực tập tại đơn vị thực tập dưới sự hướng dẫn của giáo viên

 Bước 4: Sinh viên hoàn thiện báo cáo thực tập có thể là luận văn hoặc đề án tốt nghiệp. Kết cấu đề cương báo cáo thường gồm các nội dung chính như sau:

Phần 1. Cơ sở lý luận của vấn đề nghiên cứu

Phần 2. Thực trạng của vấn đề nghiên cứu tại đơn vị thực tập

Phần 3. Một số giải pháp nhằm hoàn thiện vấn đề nghiên cứu

 Bước 5: Tổ chức chấm báo cáo và bảo vệ luận văn, đề án.

Phương pháp thực tập này có một số ưu điểm nhất định, như sinh viên được tự do chọn đơn vị thực tập, chuyên đề thực tập; không bị ràng buộc về thời gian; chấp hành tốt nội quy, quy chế tại đơn vị thực tập; có ý thức học hỏi CBCNV tại đơn vị thực tập; nộp báo cáo tiến độ thực tập kịp thời; nộp báo cáo thực tập tôt nghiệp đúng thời gian quy định…Tuy nhiên, trên thực tế quá trình thực tập lại diễn ra một cách hình thức bộc lộ nhiều nhược điểm như:

Thứ nhất, sinh viên phải tự liên hệ đơn vị thực tập

Đây là vấn đề nan giải đối với phần lớn các sinh viên, đặc biệt là những sinh viên mà gia đình ở nông thôn, nơi có ít doanh nghiệp hoạt động; gia đình và bản thân không có mối quan hệ với doanh nghiệp nên phải đi lại rất nhiều mới được tiếp nhận thực tập vào một đơn vị nào đó.

Thứ hai, về kết cấu báo cáo thực tập tốt nghiệp

Với kết cấu báo cáo như trên, hầu hết sinh viên chỉ cần sao chép báo cáo thực tập của sinh viên các khóa trước, các sinh viên ngoài trường có đơn vị thực tập tương đối phù hợp với mình để xin xác nhận, thậm chí còn download trên mạng rồi xin xỏ một đơn vị nào đó xác nhận có thực tâp tại đơn vị rồi nộp báo cáo là thở phào nhẹ nhõm.

Thứ ba, về  nhận thức của sinh viên trong giai đoạn thực tập

Hầu hết sinh viên có nhận thức nghiêm túc, xác định đi thực tập là “Vì ngày mai lập nghiệp” để làm việc tốt sau khi ra trường . Bên cạnh đó, có những sinh viên chưa có nhận thức đúng đắn cộng với sự lười biếng thì không ít sinh viên sử dụng thời gian thực tập để đi chơi, đi làm ăn buôn bán kiếm tiền hoặc đơn giản là… ngồi ở nhà.

Thứ tư, về kết quả thực tập

Sau quá trình thực tập, ngoài cuốn Báo cáo Thực tâp tốt nghiệp sao chép hoặc xào xáo theo nguồn nguyên liệu có sẵn thì sinh viên hầu như không có sự thay đổi lớn về chất; sinh viên vẫn không biết làm gì và làm từ đâu, làm như thế nào mà hoàn toàn thụ động, thiếu tư duy sáng tạo, thiếu các kỹ năng làm việc cần thiết, kỹ năng xử lý tình huống.

Thứ năm, về đơn vị nhận sinh viên thực tập

Trong thực tế, các đơn vị nhận sinh viên thực tập chủ yếu là để giải quyết và cải thiện các mối qua hệ, rất ít đơn vị nhiệt tình hướng dẫn sinh viên thực tập đúng chuyên môn, chuyên nghành, còn có tâm lý sinh viên làm “quẩn chân”, “chưa biết gì”, mặt khác doanh nghiệp cũng đang rất bận giải quyết các công việc kinh doanh của mình nên phần lớn họ chỉ cho sinh viên thực tập làm các công việc hành chính đơn thuần hoặc “điếu đóm”, không cho hoặc hạn chế sinh viên tiếp cận các tài liệu của doanh nghiệp, điều đó ảnh hưởng không nhỏ tới kết quả và chất lượng thực tập của sinh viên.

Thứ sáu, về giáo viên hướng dẫn

Những năm trước, do số lượng sinh viên lớn, số giảng viên có kinh nghiệm có thể hướng dẫn thực tập chưa nhiều nên một giảng viên phải hướng dẫn nhiều sinh viên. Điều này hạn chế sự quan tâm hướng dẫn cho sinh viên; trong quá trình thực tập nếu sinh viên có vướng mắc gì thì phải tự liên hệ với giáo viên hướng dẫn, từ đó dẫn tới tâm lý e ngại, không dám liên hệ với giáo viên mà nhờ người làm hoặc tìm đủ cách để có báo cáo cho xong.

Việc thực tập như vậy nên thời gian thực tập của sinh viên không đảm bảo, chất lượng, hiệu quả thực tập chưa cao tuy trong thời gian thực tập đó, sinh viên phải nộp đề cương chuyên đề theo tiến độ Nhà trường quy định nhưng trong thực tế sinh viên thường sao chép, download trên mạng hoặc nhờ người làm ...;giáo viên hướng dẫn đọc, chấm (không có vấn đáp) nên khó đánh giá chất lượng thực tập thực tế của từng sinh viên và không kiểm soát được kết quả thực hiện.

Thực trạng thực tập như vậy ảnh hưởng lớn đến chất lượng đào tạo của nhà trường, làm cho các đơn vị không muốn nhận sinh viên mới ra trường vì phải đào tạo lại các sinh viên này.

Để khắc phục những nhược điểm trên, dưới sự lãnh đạo của Ban giám hiệu nhà trường, khoa Tài chính đã đổi mới kế hoạch thực tập cho sinh viên chuyên ngành Tài chính doanh nghiệp theo hướng thực hành những nội dung đã học vào công việc thực tế của doanh nghiệp. Chương trình thực tập tốt nghiệp có sự tham gia của các chuyên gia tài chính cao cấp của Trung tâm đào tạo và tư vấn tài chính  thuộc Công ty TNHH Thái Nguyên Xanh hướng dẫn sinh viên thực tập theo  bài tập mô phỏng thị trường với tiêu đề “ THỰC TẬP TỐT NGHIỆP NGHIỆP VỤ TÀI CHÍNH DOANH NGHIỆP”.

Tổng thời gian thực tập 8 tuần, sinh viên được thực tập tại trường 6 tuần và đi thực tập ở cơ sở 2 tuần. Với mục tiêu chủ yếu giải quyết các vấn đề mang tính ứng dụng, tổng hợp về kiến thức tài chính đã được trang bị trong nhà trường theo tình huống thực tế của doanh nghiệp. Qua đó từng bước thúc đẩy phương pháp học tập thụ động sang học chủ động tự giải quyết vấn đề; kỹ năng làm việc theo nhóm; làm việc độc lập; xử lý tình huống cho sinh viên. Đồng thời đây cũng là đợt thực tập thí điểm để Khoa rút kinh nghiệm về cách thức tổ chức đợt thực tập, về năng lực giáo viên, về phương pháp làm việc để hướng dẫn sinh viên các khóa sau thực tập tốt hơn.

Trong chương trình thực tập, sinh viên tự lựa chọn ngành nghề và loại hình doanh nghiệp làm tình huống thực tập. Sau đó sinh viên sẽ tìm hiểu những vấn đề cơ bản về công ty ( chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức, thực trạng hoạt động kinh doanh ... để phát hiện các vấn đề cần giải quyết và đề xuất phương hướng, biện pháp giải quyết vấn đề).

Điểm mới nhất trong chương trình thực tập năm nay đó là sinh viên sẽ đóng vai trò như một thành viên chính thức của một doanh nghiệp và phải thực hiện nghiêm túc mọi nội quy, quy định của doanh nghiệp như: Tuân thủ thời gian làm việc, làm việc theo kế hoạch, có trách nhiệm với công việc được giao, tạo mối quan hệ thân thiện, hòa nhã với mọi người trong doanh nghiệp .... qua đó, sinh viên sẽ tự rèn cho mình thái độ, tác phong làm việc hiệu quả hơn vào thực tế sau này.

(Hình ảnh sinh viên đóng vai Công ty  sản xuất trong chương trình thực tập tốt nghiệp)

Hơn nữa, trong kế hoạch thực tập năm nay, sinh viên phải tự xây dựng kế hoạch tài chính cho Doanh nghiệp mà mình lựa chọn và đặc biệt là các em sẽ phải bảo vệ kết quả thực tập trước Hội đồng đánh giá kết quả thực tập, gồm đại diện Khoa, các nhà đầu tư, chủ Doanh nghiệp và ngân hàng.

(Hình ảnh hoạt động sản xuất của các Công ty giả định trong chương trình thực tập tốt nghiệp)

Kết quả đạt được trong chương trình thực tập tốt nghiệp:

- Sinh viên lập được kế hoạch chiến lược tài chính và phân tích tính khả thi của kế hoạch tài chính, từ đó sinh viên tiếp cận gần hơn với nghề tài chính trong Doanh nghiệp thực tế.

- Sinh viên rất hài lòng với chương trình thực tập tốt nghiệp vì sinh viên đã được thử sức mình trong kinh doanh bằng tiền thật do chính các thành viên trong Công ty góp vốn.

- Sinh viên rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm trong kinh doanh

- Không khí tham gia thực tập của sinh viên rất háo hứng, sôi nổi

- Sinh viên được trải nghiệm thực tế, cảm nhận được sự thất bại, sự “đau đớn” trong kinh doanh.

- Nâng cao khả năng thuyết trình, khả năng đàm phán, khả năng làm việc nhóm cho sinh viên.

            Với sự đổi mới học phần tốt nghiệp thực tập như trên, sinh viên sẽ có cơ hội được thực hành các nghiệp vụ về Tài chính Doanh nghiệp; đóng vai vào  các vị trí trong ngân hàng, bổ sung các kỹ năng cần thiết để đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng. Đây chắc chắn là  một cơ hội tốt để các em sinh viên có được những kinh nghiệm quý báu chuẩn bị cho các kỳ tuyển dụng sau khi tốt nghiệp ra trường.