12/12/2023

KHẢO SÁT CÁC BÊN LIÊN QUAN – YÊU CẦU CẦN THIẾT ĐỂ ĐẢM BẢO CHẤT LƯỢNG CƠ SỞ GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆP

Với quan điểm xem giáo dục như một dịch vụ, việc đánh giá chất lượng dịch vụ qua ý kiến của khách hàng, trong đó khách hàng trọng tâm là người học (HSSV) đang trở nên hết sức cần thiết và đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng một cách thực chất. Kết quả khảo sát, phân tích dữ liệu, báo cáo phản hồi của các bên liên quan là cơ sở để Nhà trường có kế hoạch đưa ra các chính sách chất lượng nhằm cải tiến các hoạt động của Trường.

Đánh giá vai trò quan trọng của hoạt động khảo sát các bên liên quan, đồng thời thực hiện quy chế dân chủ trong Nhà trường, nhằm góp phần nâng cao tinh thần và ý thức trách nhiệm của cán bộ, nhà giáo, viên chức trong thực hiện chức trách, công việc được giao từ đó góp phần xây dựng và phát triển “văn hóa chất lượng” trong Nhà trường. Hoạt động khảo sát các bên liên quan được Nhà trường xây dựng kế hoạch chi tiết và thực hiện một cách nghiêm túc, khoa học.

Hai nhóm bên liên quan được xác định và quan tâm nhiều nhất vì liên quan đến nhà trường bao gồm học sinh - sinh viên (bên trong) và nhà sử dụng lao động (bên ngoài). Học sinh - sinh viên là người trực tiếp sử dụng dịch vụ của Nhà trường và không nằm ngoài mục đích đáp ứng được những phẩm chất, năng lực mà người sử dụng lao động mong muốn ở họ. Do đó, việc phân tích ý kiến phản hồi được cung cấp bởi học sinh, sinh viên và người sử dụng lao động là cần thiết, giúp nhà trường duy trì và nâng cao chất lượng.

Bên cạnh đó, nhà trường còn cần phải quan tâm đến ý kiến phản hồi từ các bên liên quan khác như: Đội ngũ quản lý, giảng viên, cựu sinh viên, các tổ chức xã hội nghề nghiệp… Các bên liên quan bên trong và bên ngoài, có những ảnh hưởng khác nhau đến hoạt động của trường.

Trong những năm qua, trường Cao đẳng Thái Nguyên tổ chức triển khai 7 hoạt động lấy ý kiến các bên liên quan. Cụ thể như sau:

  1. Lấy ý kiến phản hồi về hoạt động giảng dạy của nhà giáo.
  2. Lấy ý kiến phản hồi về khóa học
  3. Lấy ý kiến phản hồi về công tác kiểm tra, đánh giá kết quả học tập.
  4. Lấy ý kiến phản hồi về hoạt động của thư viện.
  5. Lấy ý kiến phản hồi:
  • Về chất lượng, hiệu quả các hoạt động tư vấn, ngoại khóa, hỗ trợ việc làm cho người học;
  • Về chế độ, chính sách, khen thưởng đối với người học;
  • Về điều kiện sinh hoạt và học tập tại kí túc xá;
  • Về điều kiện hoạt động, tập luyện văn hóa, thể thao, tham gia các hoạt động xã hội của người học.
  1. Lấy ý kiến phản hồi tình hình việc làm, thu nhập; chất lượng đào tạo; mức độ đáp ứng yêu cầu công việc của người học đã tốt nghiệp.
  2. Lấy ý kiến nhà tuyển dụng về người lao động là người học đã tốt nghiệp của Trường.

Năm học 2023-2024, Nhà trường triển khai thêm 2 hoạt động lấy ý kiến bao gồm:

  1. Lấy ý kiến phản hồi về chất lượng, mức độ đáp ứng của cơ sở vật chất, trang thiết bị, hệ thống công nghệ thông tin, phòng thực hành phục vụ hoạt động đào tạo; môi trường tâm lý, xã hội và cảnh quan của cơ sở giáo dục.
  2. Lấy ý kiến cán bộ quản lý, nhà giáo, viên chức, người lao động về hoạt động đào tạo; về cơ sở vật chất, môi trường làm việc; về chế độ, chính sách; công tác đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá, phân loại, bổ nhiệm cán bộ quản lý, nhà giáo, viên chức, người lao động.

Với các hoạt động lấy ý kiến các bên liên quan của Nhà trường sẽ giúp cho giảng viên có thêm kênh thông tin để có thể tự điều chỉnh hoạt động giảng dạy, hoàn thiện, phát huy năng lực giảng dạy về chuyên môn, tác phong sư phạm; Nâng cao tinh thần trách nhiệm của giảng viên trong việc thực hiện nhiệm vụ giảng dạy, mục tiêu đào tạo nhằm đảm bảo chất lượng giáo dục của Nhà trường.

Bên cạnh đó, hoạt động lấy ý kiến các bên liên quan cũng giúp cho học sinh, sinh viên tăng cường tinh thần trách nhiệm trong học tập và rèn luyện bản thân. Đảm bảo lợi ích cho người học, tạo điều kiện để người học phản ánh tâm tư, nguyện vọng, được thể hiện chính kiến về hoạt động giảng dạy của giảng viên.

Ý kiến nhà tuyển dụng về chất lượng học sinh, sinh viên tốt nghiệp giúp đánh giá được mức độ đáp ứng yêu cầu công việc của người học từ các chương trình đào tạo nhất định, mức độ phù hợp của chương trình đào tạo với nhu cầu của thị trường lao động.

Đối với Nhà trường, hoạt động lấy ý kiến phản hồi các bên liên quan giúp Nhà trường có thêm thông tin phản hồi từ các bên liên quan để có những biện pháp nhằm cải tiến, nâng cao chất lượng các hoạt động của Nhà trường, ngày càng đáp ứng nhu cầu của người học và xã hội; Đáp ứng yêu cầu của công tác bảo đảm chất lượng trong Nhà trường. Giúp định hướng và xác định chuẩn chất lượng cho từng hoạt động; bên cạnh đó có cơ hội xem xét lại toàn bộ hoạt động của nhà trường một cách có hệ thống để từ đó điều chỉnh các hoạt động theo một chuẩn mực nhất định.

Hoạt động lấy ý kiến của các bên liên quan cũng là một phần trong việc cam kết về chất lượng đào tạo mà Nhà trường mang lại cho người học và các bên liên quan khác như: Nhà tuyển dụng, xã hội. Kết quả triển khai hoạt động lấy ý kiến các bên liên quan cung cấp cho các bên liên quan những thông tin kịp thời, chính xác để xác nhận chất lượng đào tạo của cơ sở giáo dục, từ đó có cơ sở lựa chọn được các dịch vụ phù hợp, tạo cơ sở xây dựng văn hoá chất lượng cho Nhà trường.

Trong bối cảnh hiện nay, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp muốn tự nâng cao chất lượng của mình để cạnh tranh với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp khác thì công tác tổ chức khảo sát các bên liên quan để cải tiến, nâng cao chất lượng chương trình đào tạo và cơ sở giáo dục là yêu cầu cần thiết. Đồng thời đây cũng là công tác cung cấp minh chứng khách quan để phục vụ công tác kiểm định chất lượng theo yêu cầu./.

Tin bài: Phòng Thanh tra - Khảo thí và ĐBCL