27/07/2023

Làng Quê đang biến mất

Làng quê cổ điển Bắc Bộ với những rặng tre như đường biên bao bọc lấy làng. Nối mỗi nhà với con đường làng là một cái ngõ. Toàn thể kiến trúc trong làng đều toát lên tính nền nếp, kỷ luật về bố cục và điều quan trọng hơn là nó khiến con người luôn giữ được cảm giác bình an. Giờ đây, do quá trình đô thị hóa lây lan, làng cứ bị xé nhỏ thành nhiều mảnh. Làng quê bị bê tông hóa nhanh đến chóng mặt với quá trình phá nát không gian còn chóng mặt hơn. Tạ Duy Anh chỉ tên hiện tượng này bằng một bài bình luận "Làng quê đang biến mất". Bài viết này cũng được dùng làm nhan đề cho một cuốn sách cùng tên.

Nói một cách dễ hiểu nhất thì Chúng ta đang cùng nhau đồng loạt bỏ mặc cho làng quê yêu dấu biến mất với một sự vô cảm đáng sợ và như vậy sẽ biến mất phần không gian đặc sắc nhất của văn hóa Việt. Có những thứ mất đi sẽ lấy lại được chỉ cần kiên nhẫn và chịu khó tốn kém nhưng có những thứ mất là mất luôn, là ra đi vĩnh viễn. Những chăn chở, sót xa và cả tiếc nuối khi những thứ đẹp đẽ đang mất dần, ngòi bút của Tạ Duy Anh khiến người đọc phải ưu tư và suy nghĩ.

Sự vô cảm không chỉ khiến làng quê biến mất, một lối sống vô cảm đang hiện diện dưới nhiều hình thức khác nhau. Ví như câu chuyện cướp bia từ một chiếc xe gặp nạn giữa ban ngày ở vòng xoay Tam Hiệp, Biên Hòa, Đồng Nai, bất chấp mọi lời van xin của lái xe. Tạ Duy Anh bình luận: Chúng ta có cả một kho hàng những lời dạy bảo về đạo đức sống mà tổ tiên để lại. Toàn những lời vàng ý ngọc về tính thật thà, lòng cưu mang nhau khi hoạn nạn, tinh thần chia ngọt sẻ bùi lúc tai ương giặc giã. Với những hành động phản cảm xảy ra ở Biên Hòa người viết đặt câu hỏi: Điều gì tệ hại đang ngự trị trong tâm hồn cộng đồng và vì sao nó không gặp những trở ngại mạnh mẽ từ những kháng thể hình thành bởi văn hóa? Xấu hổ và nhục nhã trước cảnh tượng hôi bia cho dù chỉ đọc và xem qua clip nhưng còn xấu hổ lớn hơn khi thấy đồng bào mình bị đánh chết thể thảm vì tội ăn trộm chó mà những người ra tay mạnh nhất phần nhiều không phải là người trực tiếp bị mất chó. Rõ ràng là trong xã hội Việt Nam đã có hiện tượng tính mạng con người bị coi rẻ, đây mới tực sự là điều đáng sợ. Nhìn hiện tượng dưới góc độ văn hóa, Tạ Duy Anh chỉ ra căn nguyên của hiện tượng là hệ quả của quá trình phát triển có quá nhiều chuẩn mực bị lệch hoặc bỏ qua, thêm vào đó là sự cảnh báo về mất lòng tin của xã hội vào pháp luật. Họ tự giải quyết lấy những việc đáng ra chỉ pháp luật mới được phép can thiệp.

Gói trọn trong cuốn sách là 66 bài bình luận xã hội cùng có chung một thông điệp mang tính cảnh báo về nguy cơ băng hoạt đạo đức, nhân cách và thói vô cảm đang lan tràn như một cỗ xe xuống dốc không phanh.

Cuốn sách do Nhà xuất bản Hội Nhà văn và Công ty Cổ phần Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam phát hành năm 2014.

Sách hiện có tại Thư viện cơ sở 2, mời bạn đọc tìm đọc và cảm nhận về cuốn sách.