27/03/2023

Lịch sử lập pháp của pháp luật hình sự Việt Nam về hình phạt bổ sung từ năm 1945 đến năm 1999

ThS. Bùi Thanh Phương - Giảng viên bộ môn Pháp luật

1. Giai đoạn từ năm 1945 đến năm 1985

Đây là giai đoạn từ khi bắt đầu xây dựng nền móng pháp luật hình sự của Nhà nước được bắt đầu định hình và phát triển từ những quan niệm pháp luật hình sự nền móng dân chủ kiểu mới khác hoàn toàn với chế độ cũ pháp luật của chế độ thực dân phong kiến. Trong giai đoạn này trong khi chưa xây dựng được kịp thời hệ thống pháp luật hình sự được chia thành hai giai đoạn nhỏ:

1.1.Giai đoạn từ năm 1945 đến năm 1955

Trong giai đoạn này hệ thống pháp luật hình sự Việt Nam đang quá trinh đi những bước đi lập pháp đầu tiên thể hiện tư tưởng mới, nên bên cạnh việc xóa bỏ một bộ phận các đạo luật hình sự thời kỳ thực dân phong kiến mang tính đà đạp nhân quyền của công dân thuộc địa. Nhà nước Việt Nam mới đã quyết định vẫn tạm thời giữ lại một số đạo luật hình sự, trong đó có chế định hình phạt bổ sung của chế độ cũ với việc đưa vào đó nội dung giai cấp mới.

Thứ nhất, theo quy định Sắc lệnh số 47 ngày 10/10/1945 do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký về việc tạm thời áp dụng các đạo luật. Cho đến khi ban hành những bộ luật pháp duy nhất cho toàn cõi nước Việt Nam, các luật lệ hiện hành ở Bắc, Trung và Nam bộ vẫn tạm thời giữ nguyên như cũ, nếu những luật lệ ấy không trái với những điều thay đổi ấn định trong sắc lệnh này. Từ nay đến khi ban hành những bộ luật pháp duy nhất nói trên, những điều sửa đổi cần kíp sẽ do sắc lệnh ban bố sau. Bộ "Luật hình An Nam" ban bố tại Bắc bộ do Dụ ngày 25 tháng 8 năm 1921 và Nghị định của nguyên Toàn quyền Đông Dương ngày 2 tháng 12 năm 1921 cùng những Dụ và Nghị định sửa đổi bộ luật ấy sẽ thi hành trong toàn cõi Bắc bộ kể cả Hà Nội và Hải Phòng. Bộ "Hoàng Việt Hình luật" ban bố tại Trung bộ do Dụ ngày 3 tháng 7 năm 1933 và Nghị định của nguyên Toàn quyền Đông Dương ngày 4 tháng 7 năm 1933 cũng những Dụ và Nghị định sửa đổi Bộ luật ấy sẽ thi hành trong toàn cõi Trung bộ kể cả Đà Nẵng. Bộ hình luật pháp tu chỉnh do sắc lệnh ngày 31 tháng 12 năm 1912 cùng những sắc lệnh sửa đổi sắc lệnh ấy vẫn thi hành ở Nam bộ. Những điều khoản trong các luật lệ cũ được tạm giữ lại do sắc luật này, chỉ thi hành khi nào không trái với nền độc lập của nước Việt Nam và chính thể dân chủ cộng hoà. Do đó, các hình phạt bổ sung vẫn có hiệu lực tạm thời. Các bổ túc hình hay còn gọi là hình phạt bổ sung trong các Bộ luật Hình sự đó là: tịch thu tài sản (tịch thu toàn sản hoặc lưu sứ, quản thúc, câu thúc thân thể, niêm yết tên tuổi phạm nhân nơi công cộng. Sau Cách mạng Tháng Tám thành công, Nhà nước công nông non trẻ đã tiến hành tích cực hoạt động pháp hình sự nói riêng hình phạt bổ sung. Chỉ trong gần bốn tháng năm 1945 và năm 1946, Nhà nước ta đã ban hành một loạt các văn bản quy phạm pháp luật hình sự, đáp ứng yêu cầu giữ vững chính quyền nhân dân, góp phần xây dựng và phát triển lực lượng, chuẩn bị sẵn sàng bước vào cuộc kháng chiến lâu dài của cả nước.

Thứ hai, Nhà nước đã tiến hành xây dựng nền móng của pháp luật hình sự thể hiện bản chất ưu việt của chế độ dân chủ nhân dân bằng việc ban hành các văn bản pháp luật hình sự, mà chủ yếu là các sắc lệnh để kịp thời bảo vệ các thành quả của cách mạng.

Pháp luật hình sự thời kỳ toàn quốc kháng chiến. Ngày 19-12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, chống thực dân Pháp xâm lược. Từ ngày đó đến ngày 20-7-1954, nhân dân ta đã tiến hành cuộc kháng chiến ròng rã 3.227 ngày đêm đầy gian khổ, hy sinh và đã giành được thắng lợi, đánh đổ chủ nghĩa thực dân cũ của Pháp ở Đông Dương. Các hình phạt được quy định trong thời kỳ này được chia làm hai loại: các hình phạt chính và các hình phạt phụ. Các hình phạt chính bao gồm:  Phạt tiền; tù có thời hạn; Tù chung thân và Tử hình. Các hình phạt phụ bao gồm: 1) Tịch thu tài sản; 2) Tước quyền công dân; 3) Phạt tiền; 4) Quản thúc.

Pháp luật hình sự trong thời kỳ này là công cụ quan trọng để phục vụ các nhiệm vụ của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và bọn tay sai. Để phục vụ kháng chiến, Nhà nước ta đã quy định nghĩa vụ kháng chiến và ban hành Sắc lệnh số 200-SL ngày 8-7-1948, Sắc lệnh số 93-SL ngày 22-5-1950, Sắc lệnh số 106-SL ngày 15-6-1950, Điều lệ tạm thời số 184-TTg ngày 14-7-1952 trừng trị nghiêm khắc những người đào nhiệm, không tuân lệnh làm nghĩa vụ kháng chiến, nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ dân công. Trong đó, những Sắc lệnh này quy định về hình phạt bổ sung. Sắc lệnh số 133-SL ngày 20-1-1953 trừng trị những tội phạm đến an toàn nhà nước, đối nội và đối ngoại. Sắc lệnh này đã tổng kết được thực tiễn đấu tranh chống bọn phản động, việt gian bán nước, quy định 12 tội phạm cụ thể, đề ra nguyên tắc xử lý có tính chất phân hóa của Nhà nước, mà sau này các Bộ luật Hình sự năm 1985, 1999 đã kế thừa.

Từ năm 1948, thực dân Pháp thực hiện chủ trương tăng cường hoạt động do thám, gián điệp, gây tổn thất cho một số cơ quan, đơn vị mất cảnh giác. Trước tình hình đó, Nhà nước ta đã ban hành Sắc lệnh số 146-SL ngày 2-3-1948 xử lý nghiêm khắc những người phạm tội gián điệp, phạm tội phản bội Tổ quốc: "Các Tòa án quân sự và Tòa án binh khi xử một vụ gián điệp hay phản quốc bắt buộc phải tuyên, ngoài hình phạt chính theo luật hiện hành, hình phạt phụ là tịch thu một phần hay tất cả gia sản của các phạm nhân. Bên cạnh hoạt động đấu tranh chống thực dân Pháp cùng bọn tay sai, phản động, Nhà nước ta còn hết sức chú trọng việc giữ gìn trật tự an toàn xã hội trong kháng chiến, đặc biệt, Nhà nước ta đã ban hành Sắc lệnh số 168-SL ngày 14-4-1948 về tội đánh bạc, trong đó quy định những người nào đánh bạc hay dự vào các cuộc chơi nói trên sẽ bị phạt tù từ một năm đến ba năm và áp dụng hình phạt bổ sung phạt bạc từ 5.000đ đến 50.000đ. Bao nhiêu đồ đạc cần thiết nơi đánh bạc, các dụng cụ dùng vào việc đánh bạc, tiền nong bắt được trên bàn hay chiếu đều bị tịch thu. Ngoài ra các bị can còn có thể bị quản thúc từ 1 năm đến 5 năm.

Tuy nhiên, trong thời kỳ này, có thể thấy số lượng văn bản được ban hành tương đối lớn, với nội dung ngày càng phong phú, mang tính chất thời chiến, đáp ứng kịp thời các yêu cầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Tuy nhiên, hình phạt bổ sung được ban hành trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật hình sự đơn hành, nên dẫn tới khó khăn trong việc thống nhất áp dụng pháp luật.

 1.2. Giai đoạn từ năm 1955 đến năm 1985

Trong thời kỳ từ năm 1955 đến năm 1985 này, chưa có văn bản nào quy định riêng về hệ thống hình phạt bổ sung, nhưng căn cứ vào các văn bản quy phạm pháp luật hình sự đã được ban hành và được hệ thống trong chương 3, phần I của cuốn hệ thống hóa luật lệ về hình sự (tập I) do Tòa án nhân dân tối cao xuất bản (Hà Nội – 1975) thì hệ thống hình phạt bao gồm:

A) Các hình phạt chính:

- Tử hình;

- Tù chung thân;

- Tù có thời hạn (từ sáu tháng đến 20 năm);

- Cảnh cáo.

B) Các hình phạt vừa là hình phạt chính, vừa là hình phạt phụ:

- Quản chế (từ 1 năm đến 5 năm);

- Phạt tiền.

C) Các hình phạt phụ:

- Tước một số quyền công dân: quyền làm việc trong các cơ quan nhà nước, quyền phục vụ trong các lực lượng vũ trang nhân dân, quyền đảm nhiệm cương vị phụ trách trong các tổ chức chính trị, kinh tế, xã hội.

- Tịch thu tài sản (một phần hoặc toàn bộ).

- Cư trú bắt buộc và cấm cư trú (từ 1 đến 5 năm).

- Cấm thực hành một số nghề nghiệp nhất định hoặc cấm đảm nhiệm chức vụ có liên quan trực tiếp đến tài sản xã hội chủ nghĩa (từ 2 năm đến 5 năm).

Trong giai đoạn từ năm 1955 đến năm 1985, để chính thức hóa việc chấm dứt áp dụng luật lệ của chế độ cũ, hình phạt bổ sung cũng có sự thay đổi cho giai đoạn từ năm 1945 đến năm 1955 theo hướng mà Thông tư số 19-VHH ngày 30-6-1955 của Bộ Tư pháp đã khẳng định: "Chính sách trừng trị trong chế độ dân chủ nhân dân khác nhau về căn bản với chính sách trừng trị của chế độ trước... Sau khi miền Bắc đã được hoàn toàn giải phóng, chúng ta không thể thừa nhận di sản pháp lý cũ, và các luật lệ cũ không thể là cơ sở pháp lý cho các Tòa án nhân dân để định tội trong bất cứ trường hợp nào”.

Trong giai đoạn này hình phạt bổ sung được từng bước hoàn thiện, chẳng hạn, Pháp lệnh trừng trị các tội phản cách mạng do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành ngày 30/10/1967 đã phân chia rõ ràng giữa hình phạt chính với hình phạt phụ, mà bản chất pháp lý của nó chính là hình phạt bổ sung. Điều 18 của Pháp lệnh đã quy định 5 loại hình phạt phụ được áp dụng với các tội phản cách mạng, đó là: tước những quyền lợi của công dân, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, quản chế, cư trú bắt buộc và cấm cư trú, trong đó có 3 hình phạt phụ mới: quản chế, cư trú bắt buộc, cấm cư trú. Trong số các hình phạt bổ sung nêu trên, hình phạt tước những quyền lợi của công dân đã có sự hoàn thiện đáng kể về nội dung và thời hạn áp dụng, trước đây hình phạt này chỉ được quy định chung chung, không nêu rõ nội dung, thời hạn áp dụng thì ở Pháp lệnh này, nội dung và thời hạn áp dụng hình phạt đã được quy định rõ là người bị kết án bị tước từ 2 năm đến 5 năm những quyền lợi của công dân như sau: Quyền bầu cử và ứng cử; quyền làm việc trong biên chế nhà nước và trong các tổ chức của lực lượng vũ trang nhân dân; quyền đảm nhiệm cương vị phụ trách trong các tổ chức chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội.

Tại Pháp lệnh trừng trị các tội xâm phạm tài sản Xã hội chủ nghĩa và Pháp lệnh trừng trị các tội xâm phạm tài sản riêng của công dân được Uỷ ban thường vụ Quốc hội ban hành ngày 21/10/1970 đã quy định các hình phạt phụ sau: cấm đảm nhiệm những chức vụ có liên quan trực tiếp đến tài sản Xã hội chủ nghĩa từ 02 năm đến 05 năm; phạt tiền; quản chế, cư trú bắt buộc, cấm lưu trú ở một số địa phương nhất định từ 01 năm đến 05 năm; tịch thu một phần hay là toàn bộ tài sản. Trong số các hình phạt phụ trên, cấm đảm nhiệm những chức vụ có liên quan trực tiếp đến tài sản Xã hội chủ nghĩa từ 02 năm đến 05 năm là một loại hình phạt mới được quy định.

Hệ thống hình phạt bổ sung được quy định tản mạn trong các văn bản quy phạm pháp luật khác nhau rất khó tra cứu và áp dụng trong thực tế áp dụng pháp luật.

Theo tác giả đánh giá thì có thể nhận xét rằng: hệ thống hình phạt bổ sung được quy định tản mạn trong các văn bản quy phạm pháp luật khác nhau rất khó tra cứu và áp dụng trong thực tế áp dụng pháp luật. Chủ yếu được thể chế hóa văn bản dưới luật, tính pháp điển hóa không cao. Tuy nhiên, hệ thống pháp luật trong giai đoạn này từng bước được hoàn thiện theo hướng xây dựng pháp điển cao, tạo tiền đề cho giai đoạn phát triển tiếp theo 1985 đến năm 1990.

1.2. Giai đoạn từ năm 1985 đến năm 1999

Với Đại thắng mùa Xuân năm 1975, miền Nam được hoàn toàn giải phóng, nước nhà được thống nhất, dưới sự lãnh đạo của Đảng cả nước bước vào thời kỳ quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội. Trong quá trình thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ IV, V, nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, đã giành được những thành tựu quan trọng trên một số lĩnh vực, cải biến được một phần cơ cấu của nền kinh tế – xã hội, tạo ra những cơ sở đầu tiên cho sự phát triển mới.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đó, chúng ta đã gặp phải nhiều khó khăn và khuyết điểm như chủ quan duy ý chí, duy trì quá lâu mô hình kinh tế quan liêu, bao cấp nên không thực hiện được mục tiêu đã đề ra là ổn định một cách cơ bản tình hình kinh tế – xã hội và đời sống nhân dân. Pháp chế xã hội chủ nghĩa chậm được tăng cường; pháp luật, kỷ cương bị buông lỏng. Mặt khác, các văn bản quy phạm pháp luật hình sự đơn hành không thể hiện được toàn diện, đầy đủ chính sách hình sự của Đảng và Nhà nước ta. Chính vì vậy, việc ban hành Bộ luật Hình sự là vấn đề có tính tất yếu khách quan và cấp thiết, có ý nghĩa góp phần thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đáp ứng yêu cầu đó, ngày 27-6-1985, tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa VII, đã thông qua Bộ luật Hình sự, có hiệu lực từ ngày 1-1-1986 (sau đây gọi tắt là Bộ luật Hình sự năm 1985).

Bộ luật Hình sự năm 1985 đã kế thừa và phát triển những thành tựu của luật hình sự Việt Nam, nhất là từ Cách mạng tháng Tám, tổng kết kinh nghiệm đấu tranh phòng, chống tội phạm trong thời gian trước năm 1985 và dự báo được tình hình tội phạm trong thời gian tới. Quy định hình phạt được áp dụng đối với người phạm tội, Nhà nước mong muốn đạt được những kết quả nhất định, đó chính là mục đích của hình phạt. Trong Bộ luật Hình sự năm 1985, mục đích của hình phạt đã chính thức được ghi nhận tại Điều 20: "Hình phạt không chỉ nhằm trừng trị người phạm tội mà còn nhằm cải tạo họ trở thành người có ích cho xã hội, có ý thức tuân theo pháp luật và các quy tắc của cuộc sống xã hội chủ nghĩa, ngăn ngừa họ phạm tội mới. Hình phạt còn nhằm giáo dục người khác tôn trọng pháp luật, đấu tranh chống và phòng ngừa tội phạm". Việc Bộ luật Hình sự năm 1985 chính thức ghi nhận mục đích của hình phạt là để phân biệt với mục đích trả thù, làm đau đớn về thể xác, hạ thấp nhân phẩm của người phạm tội của hình phạt trong chế độ phong kiến, tư bản.

Điều 21 Bộ luật Hình sự năm 1985 quy định hệ thống hình phạt bao gồm các loại hình phạt chính và các loại hình phạt bổ sung  theo một trật tự tăng dần từ nhẹ đến nặng.

Các hình phạt chính gồm có: cảnh cáo; phạt tiền; cải tạo không giam giữ, cải tạo ở đơn vị kỷ luật của quân đội; tù có thời hạn; tù chung thân; tử hình.

Các hình phạt bổ sung gồm có: cấm đảm nhiệm những chức vụ, làm những nghề hoặc công việc nhất định; cấm cư trú; quản chế; tước một số quyền công dân; tước danh hiệu quân nhân; tịch thu tài sản; phạt tiền, khi không áp dụng là hình phạt chính.

Việc quy định hình phạt bổ sung trong luật hình sự có tác dụng hỗ trợ cho hình phạt chính, tạo cơ sở pháp lý để cá thể hóa hình phạt trong thực tiễn áp dụng, nhằm đạt được hiệu quả cao nhất theo mục đích của hình phạt.

Các biện pháp tư pháp được quy định trong Bộ luật Hình sự năm 1985 bao gồm: tịch thu vật và tiền bạc trực tiếp liên quan đến tội phạm (Điều 33); trả lại tài sản, sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại, buộc công khai xin lỗi (Điều 34); bắt buộc chữa bệnh (Điều 35); buộc phải chịu thử thách (Điều 61); đưa vào trường giáo dưỡng (Điều 62).

Việc áp dụng các biện pháp tư pháp có tác dụng hỗ trợ cho hình phạt và trong một số trường hợp, được áp dụng thay thế cho hình phạt, nó có ý nghĩa nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo đảm lợi ích và sự an toàn chung của xã hội.

Bộ luật Hình sự năm 1985 quy định về hình phạt bổ sung thật sự là công cụ sắc bén của Nhà nước ta để bảo vệ những thành quả của cách mạng, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân, chống mọi hành vi phạm tội, giáo dục mọi người dân ý thức tôn trọng và tuân theo pháp luật. Lần đầu tiên, ở nước ta đã có quy định rõ ràng, đầy đủ về hình phạt bổ sung làm cơ sở pháp lý đầy đủ không tản mạn khi áp dụng hình phạt bổ sung; quy định một hệ thống hình phạt bổ sung tương đối đầy đủ và hoàn chỉnh, thể hiện chính sách hình sự nhân đạo của Đảng và Nhà nước ta. Đó là chính sách trừng trị kết hợp với khoan hồng, giáo dục kết hợp với trừng trị; trừng trị bọn chủ mưu, cầm đầu, phạm tội nhiều lần, phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng, bọn thoái hóa, biến chất; khoan hồng đối với những người lần đầu tiên phạm tội không nghiêm trọng, thật thà hối cải, tự nguyện khắc phục hậu quả, lập công chuộc tội.

Từ sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng, sự nghiệp đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo đã giành được những thành tựu quan trọng trên nhiều lĩnh vực. Đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước đã có nhiều khởi sắc, được nhân dân ta và bạn bè quốc tế đánh giá cao. Tuy nhiên, trong quá trình chuyển đổi cơ chế, bên cạnh những mặt tích cực, mặt trái nền kinh tế thị trường cũng đã làm nảy sinh nhiều vấn đề tiêu cực, trong đó tình hình tội phạm diễn biến phức tạp. Trong tình hình đó, Bộ luật Hình sự năm 1985, dù đã được sửa đổi, bổ sung 4 lần, nhưng còn nhiều điểm bất cập cần phải được sửa đổi, bổ sung một cách toàn diện, nhằm đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới. Những bất cập chủ yếu của Bộ luật Hình sự năm 1985. Điều 26 Bộ luật Hình sự năm 1999 đã đưa ra định nghĩa pháp lý của khái niệm hình phạt: "Hình phạt là biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất của Nhà nước nhằm tước bỏ hoặc hạn chế quyền, lợi ích hợp pháp của người phạm tội". Đây là bước tiến bộ so với Bộ luật Hình sự năm 1985.

Bộ luật Hình sự năm 1999 đã bổ sung hình phạt trục xuất với tính chất vừa là hình phạt chính, vừa là hình phạt bổ sung để đa dạng hóa các hình thức xử lý đối với người nước ngoài phạm tội.

Bộ luật Hình sự năm 1999 đã bỏ hình phạt chính cải tạo ở đơn vị kỷ luật của quân đội được quy định trong Bộ luật Hình sự năm 1985, vì thực chất cải tạo ở đơn vị kỷ luật của quân đội là buộc người bị kết án phải chấp hành án tại một cơ sở đặc biệt là đơn vị kỷ luật của quân đội, mà điều này trái với bản chất của hình phạt cải tạo không giam giữ là cải tạo ở cộng đồng, không cách ly người bị kết án khỏi cộng đồng. Bộ luật Hình sự năm 1999 cũng đã bỏ hình phạt bổ sung tước danh hiệu quân nhân được quy định trong Bộ luật Hình sự năm 1985.

Khác với quy định tại Điều 23 Bộ luật Hình sự năm 1985, Điều 30 Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định rõ hơn những trường hợp nào, thì hình phạt tiền được áp dụng là hình phạt chính, những trường hợp nào, thì áp dụng hình phạt bổ sung. Điều luật còn quy định mức phạt tiền tối thiểu là một triệu đồng; điều này là cần thiết để thể hiện tính nghiêm khắc hơn của chế tài hình sự so với các chế tài hành chính, kinh tế....