12/03/2014

Một số điểm khác nhau giữa hình thức đào tạo theo niên chế và theo tín chỉ

Đào tạo theo hệ thống tín chỉ được áp dụng lần đầu tiên vào năm học 1993-1994 tại trường Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh. Cho đến nay, hình thức đào tạo này đã được thực hiện rộng rãi tại các trường đại học và cao đẳng trên toàn quốc. Không nằm ngoài xu thế chung đó, Trường Cao đẳng Kinh tế - Tài chính Thái Nguyên cũng đã bước đầu triển khai thực hiện các công việc để chuyển đổi hình thức đào tạo theo niên chế sang đào tạo theo hệ thống tín chỉ.

Hình thức đào tạo theo tín chỉ sẽ được chính thức áp dụng bắt đầu từ khóa 10 hệ cao đẳng. Để việc chuyển đổi hình thức đào tạo của nhà trường được thuận lợi và thành công, đồng thời phát huy được những ưu điểm vốn có của hình thức đào tạo theo tín chỉ đòi hỏi mỗi giảng viên, sinh viên, các nhà quản lý đào tạo của nhà trường phải thực sự hiểu biết về hình thức đào tạo này. Trong khuôn khổ phạm vi của bài viết này, tác giả xin đưa ra một số ý kiến trao đổi về sự khác nhau trong phương pháp dạy và học giữa hai hình thức đào tạo theo niên chế và theo tín chỉ.

Thứ nhất, về phương pháp giảng dạy: Hình thức đào tạo theo niên chế ít nhấn mạnh đến vai trò trung tâm của người học. Toàn bộ các kiến thức của môn học được giảng viên trình bày một cách tuần tự và đầy đủ trên lớp. Vì vậy, thời gian giảng dạy trên lớp được bố trí với thời lượng lớn, còn thời gian tự học của sinh viên ít. Giảng viên sử dụng các phương pháp giảng dạy sao cho sinh viên chủ yếu làm việc tại lớp, chính vì vậy, sinh viên chưa tích cực tự học, tự nghiên cứu và thường thụ động trong quá trình tiếp thu kiến thức. Còn hình thức đào tạo theo tín chỉ đặt ra yêu cầu lấy người học làm trung tâm, giảng viên chỉ là người hướng dẫn. Giảng viên sẽ phải xây dựng một đề cương chi tiết môn học, trong đó chỉ rõ các công việc mà giảng viên và sinh viên phải làm trong mỗi giờ học ở trên lớp và thời gian tự nghiên cứu của sinh viên. Trên lớp, giảng viên không cần thiết phải trình bày tất cả các vấn đề của môn học một cách tuần tự như đào tạo theo niên chế mà chỉ đóng vai trò là người nêu vấn đề, hướng dẫn sinh viên cách giải quyết vấn đề (thông qua việc nghiên cứu tài liệu, làm việc nhóm, thảo luận,...) và kiểm tra, đánh giá sinh viên nhận thức vấn đề đó như thế nào. Phương pháp giảng dạy mà giảng viên áp dụng phải nâng cao tính tự học tự nghiên cứu của sinh viên, chính vì vậy mà thời lượng học trên lớp được rút ngắn so với hình thức đào tạo theo niên chế đồng thời tăng thời lượng tự học của sinh viên.

Thứ hai, về phương pháp học tập: Đối với hình thức đào tạo theo niên chế, kế hoạch học tập chung cho mỗi học kỳ được nhà trường xây dựng sẵn và sinh viên thực hiện theo kế hoạch học tập đó. Chính vì vậy, sinh viên không cần đăng ký kế hoạch học tập, không cần quan tâm lựa chọn môn học và xây dựng tiến độ học tập riêng. Trước khi lên lớp, không đặt nặng yêu cầu sinh viên đọc tài liệu. Sinh viên chủ yếu tiếp thu những kiến thức được thầy cô truyền đạt trên lớp. Khi về nhà, sinh viên học lại các kiến thức đã được học trên lớp, từ đó làm cho quá trình học của sinh viên trở nên thụ động, không kích thích khả năng tự học, tự nghiên cứu tài liệu của sinh viên. Còn đối với hình thức đào tạo theo tín chỉ, sinh viên cần đăng ký kế hoạch học tập cho cả học kỳ, phải biết lựa chọn môn học và tiến độ học tập sao cho phù hợp với sở thích, năng lực và hoàn cảnh riêng. Trước khi lên lớp, sinh viên bắt buộc phải đọc trước tài liệu ở nhà thì mới tiếp thu được các kiến thức trên lớp vì giảng viên không giảng giải cặn kẽ tất cả các nội dung trên lớp. Sinh viên cần phải tự học, tự nghiên cứu, làm việc nhóm nhiều hơn ngoài thời gian lên lớp.

Hiện nay, sinh viên của nhà trường đang quen với phương pháp dạy và học của hình thức đào tạo theo niên chế, vì vậy, để có thể học tốt được theo hình thức tín chỉ, sinh viên cần phải chú ý một số vấn đề sau:

- Tìm hiểu và nắm bắt được đầy đủ các quy chế về đào tạo theo tín chỉ do Bộ Giáo dục và Đào tạo và do nhà trường ban hành (cụ thể là Quy chế đào tạo đại học và cao đẳng hệ chính quy theo hệ thống tín chỉ được ban hành kèm theo Quyết định số 43/2007/QĐ-BGDĐT ngày 15 tháng 8 năm 2007 và Thông tư số 57/2012/TT-BGDĐT ngày 27  tháng 12 năm 2012 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế 43, quy định về công tác cố vấn học tập cho sinh viên cao đẳng hệ chính quy, quy định đào tạo cao đẳng hệ chính quy theo học chế tín chỉ tại trường cao đẳng kinh tế tài chính Thái Nguyên,...).

- Chủ động theo dõi thời khóa biểu chung của nhà trường, lựa chọn các môn học có thời lượng phù hợp với bản thân cho mỗi học kỳ dưới sự tư vấn của cố vấn học tập.

- Thay đổi phương pháp học tập cho phù hợp với hình thức đào tạo theo tín chỉ. Trước khi lên lớp phải nghiên cứu trước tài liệu ở nhà theo sự hướng dẫn của giảng viên. Trên lớp tích cực nghe giảng, hăng hái phát biểu ý kiến, mạnh dạn đưa ra quan điểm của cá nhân đối với mỗi vấn đề mà giảng viên đưa ra. Trong quá trình học có vấn đề gì thắc mắc cần phải trao đổi ngay với nhóm học tập hoặc với giảng viên để được làm rõ. Sinh viên phải giành thời gian tự học nhiều hơn, không chỉ đọc giáo trình mà còn phải đọc các tài liệu có liên quan đến bài giảng.  

Việc chuyển đổi hình thức đào tạo từ niên chế sang tín chỉ là việc làm tất yếu của nhà trường phù hợp với xu thế của giáo dục hiện đại. Nhận thức được sự khác nhau trong phương pháp dạy và học giữa hai hình thức đào tạo theo niên chế và theo tín chỉ là một vấn đề hết sức cần thiết để nhà trường có thể nhanh chóng chuyển đổi thành công từ hình thức đào tạo theo niên chế sang  đào tạo theo tín chỉ. Hi vọng một số ý kiến trao đổi của bài viết sẽ đem lại cho bạn đọc thông tin hữu ích về hình thức đào tạo theo tín chỉ.

Th.s Vũ Thị Thu - Phó trưởng khoa Kế toán