21/03/2021

Một số giải pháp trong phòng chống bạo lực gia đình

                                     MỘT SỐ GIẢI PHÁP TRONG PHÒNG, CHỐNG BẠO LỰC GIA ĐÌNH

                                                                                                    ThS. Ngô Thị Bích Ngọc

                                                                                                     Giảng viên Khoa Luật

Theo Báo cáo Điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019 cho thấy, cứ 03 phụ nữ thì có gần 02 phụ nữ (gần 63%) bị một hoặc hơn một hình thức bạo lực thể xác, tình dục, tinh thần và bạo lực kinh tế cũng như kiểm soát hành vi do chồng gây ra trong cuộc đời và gần 32% phụ nữ bị bạo lực hiện thời (trong 12 tháng qua). Theo thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, chỉ tính riêng trong tháng 4-2020 (thời gian thực hiện giãn cách xã hội), Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 đã tiếp nhận 750 cuộc gọi đề nghị trợ giúp, trong đó hơn 200 cuộc cần sự can thiệp về bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em và những vấn đề liên quan đến sang chấn tâm lý. Có thể nói bạo lực gia đình ảnh hưởng sâu sắc tới đời sống vật chất, đời sống tinh thần và sức khỏe, tính mạng của các thành viên trong gia đình, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, làm xói mòn những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, ảnh hưởng tới sự phát triển chung của toàn xã hội.

Gia đình là tế bào của xã hội, là tập hợp những người gắn bó với nhau do hôn nhân, quan hệ huyết thống hoặc quan hệ nuôi dưỡng, làm phát sinh các quyền và nghĩa vụ giữa họ với nhau. Gia đình có thể bao gồm nhiều thế hệ cùng nhau sinh sống như: ông bà, cha mẹ, con cháu, … và mỗi con người là một thực thể có đặc điểm tính cách, nhận thức, nhu cầu sinh hoạt, thói quen khác nhau. Cũng vì thế mà mâu thuẫn giữa các thành viên trong gia đình là không tránh khỏi, bằng cách này hay cách khác mà người ta đã sử dụng bạo lực để giải quyết, buộc thành viên khác trong gia đình phải làm theo mong muốn của mình. Bạo lực gia đình có thể tồn tại ở bất cứ đâu, từ gia đình khá giả, giàu có cho đến gia đình nghèo không có điều kiện về kinh tế, từ gia đình ở thành thị đến gia đình ở nông thôn, miền núi; từ người có trình độ văn hóa thấp cho đến những người có trình độ văn hóa cao.

1. Khái niệm bạo lực gia đình và các hình thức bạo lực gia đình

Khoản 2 Điều 1 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007 có ghi nhận: “Bạo lực gia đình là hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, kinh tế đối với thành viên khác trong gia đình”. Thực hiện hành vi bạo lực gia đình cũng vi phạm quy định của Hiến pháp về quyền con người, vi phạm quy định của Luật Bình đẳng giới, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Trẻ em. Xét về hình thức thực hiện, bạo lực gia đình gồm: bạo lực về thể chất, bạo lực về tinh thần, bạo lực về kinh tế, bạo lực về tình dục. Bạo lực về thể chất là hành vi ngược đãi, đánh đập thành viên gia đình, làm tổn thương tới sức khỏe, tính mạng của họ. Bạo lực về tinh thần là những lời nói, thái độ, hành vi làm tổn thương tới danh dự, nhân phẩm, tâm lý của thành viên gia đình. Bạo lực về kinh tế là hành vi xâm phạm tới các quyền lợi về kinh tế của thành viên gia đình (quyền sở hữu tài sản, quyền tự do lao động…). Bạo lực về tình dục là bất kỳ hành vi nào mang tính chất cưỡng ép trong các quan hệ tình dục giữa các thành viên gia đình, kể cả việc cưỡng ép sinh con. Xét về chủ thể thực hiện, bạo lực gia đình gồm: bạo lực giữa người chồng và người vợ, bạo lực giữa cha mẹ với con cái, bạo lực giữa con cháu với ông bà và bạo lực giữa các thành viên khác trong gia đình.

2. Nguyên nhân bạo lực gia đình

Trong thời gian vừa qua, công tác phòng chống bạo lực gia đình được Đảng và Nhà nước quan tâm, chú trọng. Tuy đã đạt được nhiều thành tựu tích cực song với sự phát triển của nền kinh tế thị trường, bạo lực gia đình vẫn còn tồn tại và diễn biến phức tạp hơn. Bạo lực gia đình chủ yếu do nguyên nhân về tâm lý, đạo đức và nhận thức. Định kiến về giới và nhiều tư tưởng cổ hủ, lạc hậu từ lâu đã tồn tại trong tiềm thức của nhiều người dân Việt Nam. Nhiều gia đình mặc định người đàn ông là người trụ cột trong gia đình có quyền quyết định mọi vấn đề của gia đình; người phụ nữ là người “giữ lửa cho gia đình” nên cần nhẫn nhịn để giữ gìn cuộc sống hạnh phúc, phải hứng chịu một vài cái tát hay mắng chửi cũng chẳng sao; cha mẹ có quyền dạy con bằng cách đánh đập, chửi mắng con theo kiểu “thương cho roi, cho vọt, ghét cho ngọt, cho bùi”. Đáng tiếc nhất là ngay cả nhiều nạn nhân của bạo lực gia đình cũng dễ dàng nguôi ngoai sau vài lần khuyên can của người thân trong gia đình, nào là: “chỉ nóng giận nhất thời”, “là đàn ông nên mới thế”… Các thành viên gia đình có sự gắn bó, phụ thuộc về kinh tế như vợ phụ thuộc vào chồng, con cái phụ thuộc vào bố mẹ nên vì lo sợ gián tiếp ảnh hưởng đến bản thân nên nạn nhân thường không lên tiếng, chỉ khi sự việc rất nghiêm trọng ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của mình, nạn nhân mới nhờ pháp luật, chính quyền can thiệp, giúp đỡ. Vì vậy, cho dù thực hiện biện pháp nào đi chăng nữa cũng đều phải nhằm mục đích là thay đổi nhận thức của các thành viên trong gia đình.

3. Giải pháp phòng, chống bạo lực gia đình

Bạo lực gia đình thường không được phát hiện ngay, cách thức thực hiện bạo lực gia đình cũng ngày càng đa dạng. Giải pháp để phòng, chống bạo lực gia đình cần tiến hành đồng bộ.

Thứ nhất là nhanh chóng hoàn thiện văn bản pháp luật - đặc biệt là Luật phòng, chống bạo lực gia đình.

Trước thực trạng Luật phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007 có nhiều hạn chế, bất cập không còn phù hợp, Dự thảo Luật phòng, chống bạo lực gia đình đã được xây dựng và đang trong giai đoạn lấy ý kiến tham gia đóng góp xây dựng Dự thảo. Theo đó, Luật Phòng chống bạo lực gia đình sửa đổi cần hoàn thiện các nội dung như: Làm rõ khái niệm phòng chống bạo lực gia đình và các dạng bạo lực gia đình; quy định cụ thể về nguyên tắc, đối tượng, nội dung, hình thức tuyên truyền phòng ngừa bạo lực gia đình; quy định rõ hơn về hòa giải trong phòng chống bạo lực gia đình; sửa đổi quy định cấm tiếp xúc để bảo vệ nạn nhân bạo lực; bổ sung nội dung quản lý nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình và trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức; bổ sung quy định về khen thưởng, đền bù thiệt hại cho người tham gia công tác phòng, chống bạo lực gia đình; bổ sung quy định khuyến khích xã hội hóa công tác phòng, chống bạo lực gia đình. Đây là nền tảng pháp lý quan trọng nhất để xây dựng gia đình Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và cũng là góp phần nuôi dưỡng nhân cách văn hóa, giáo dục đạo đức, nếp sống văn minh của con người.

Ngoài Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, nhiều văn bản dưới luật mang tính chất triển khai thi hành luật cũng cần thay đổi để phù hợp với thực tiễn. Chẳng hạn như quy định phạt tiền đối với người có hành vi bạo lực gia đình được quy định trong Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình. Mức xử phạt quy định tại các Điều 52, 53, 54, 55 từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng là quá thấp so với điều kiện kinh tế hiện tại của các gia đình Việt Nam. Bên cạnh đó, với những người có điều kiện kinh tế, mức xử phạt quá thấp không đủ sức răn đe, còn với những người có hoàn cảnh kinh tế khó khăn thì áp lực sẽ đè nặng lên cả gia đình. Các thành viên gia đình có mối quan hệ, ràng buộc nhau về kinh tế. Như vậy, việc phạt tiền người có hành vi bạo lực thì nạn nhân ít nhiều sẽ phải gánh chịu, mục đích của biện pháp này sẽ khó đạt được mà có thể thay bằng hình thức xử lý khác hiệu quả hơn như: lao động công ích tại nơi cư trú, thông báo đến nơi làm việc (trong trường hợp người vi phạm có nơi làm việc).

Thứ hai là nâng cao hiệu quả của công tác giáo dục, tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình.

Đối tượng tuyên truyền trong phòng, chống bạo lực gia đình là tất cả các thành viên trong gia đình cả người thực hiện bạo lực và nạn nhân của bạo lực. Người thực hiện bạo lực cần nhận thức hành vi của mình là vi phạm pháp luật, vi phạm chuẩn mực đạo đức được xã hội thừa nhận. Nạn nhân của bạo lực cần nhận thức được quyền được pháp luật bảo vệ về sức khỏe, tính mạng, nhân phẩm; tin tưởng vào chính quyền và pháp luật, bỏ qua định kiến xã hội lạc hậu.

Ngoài ra, cũng cần mở rộng tuyên truyền pháp luật về phòng chống bạo lực gia đình tại nơi làm việc, nơi cư trú, giáo dục cho học sinh, sinh viên trong nhà trường để tất cả đều nhận biết về các dạng bạo lực gia đình. Bởi thực tế cho thấy, nhiều người nghĩ việc nói xấu nhau, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhau, đánh nhau, chửi nhau là chuyện bình thường trong các gia đình; đã là chồng, là cha mẹ, là anh chị thì được quyền làm thế. Nội dung giáo dục, tuyên truyền về bình đẳng giới, về quyền của con người, về quyền của trẻ em,… Hình thức giáo dục, tuyên truyền cần được chú trọng hơn, không chỉ thực hiện cho phong phú, đa dạng mà cần đầu tư cho hình thức nào đem lại hiệu quả thực sự. Với sự phát triển của khoa học công nghệ, mạng xã hội như facebook, zalo, Instagram ngày càng phổ biến, có nhiều người dùng ở nhiều lứa tuổi, tầng lớp trong xã hội nên có tầm ảnh hưởng sâu rộng và có sức lan truyền nhanh chóng. Thiết nghĩ, các cơ quan nhà nước có thể tạo lập các tài khoản trên mạng xã hội để thực hiện tuyên truyền, đưa các tin về bạo lực gia đình để cộng đồng mạng chia sẻ thì cũng là một trong những biện pháp rất hữu hiệu.

Giáo dục, tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình là một trong những biện pháp không đạt được kết quả ngay lập tức nhưng về lâu dài, nó là biện pháp mang tính nhân văn sâu sắc bởi nét đặc trưng là làm thay đổi tâm lý, tư tưởng, hành vi của con người.

Thứ ba là đào tạo, bồi dưỡng được đội ngũ làm công tác phòng chống bạo lực gia đình có đủ kiến thức, năng lực, khả năng giáo dục, tuyền truyền phổ biến pháp luật

Theo thống kê của Vụ Gia đình thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thì gần như không có cán bộ, công chức được đào tạo trong lĩnh vực gia đình mà chỉ có kinh nghiệm trong lĩnh vực gia đình. Tính trung bình mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có 2,86 cán bộ, công chức thực hiện công tác gia đình. Đội ngũ cộng tác viên gia đình thôn, xóm, tổ dân phố chủ yếu là kiêm nhiệm, trình độ hạn chế, bình quân độ tuổi thường cao, phụ cấp ít ỏi hoặc không có phụ cấp khiến mạng lưới cộng tác viên gia đình hoạt động không ổn định, thay đổi thường xuyên, ảnh hưởng đến chất lượng công tác gia đình ở cơ sở. Vì vậy, đội ngũ này cần được thay đổi căn bản: Tăng số lượng cán bộ, công chức chuyên trách; tăng mức phụ cấp để nâng cao trách nhiệm của họ; đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng vận động, giáo dục và tuyên truyền pháp luật.

Thứ tư là nâng cao chất lượng công tác hòa giải phổ biến kỹ năng xử lý tình huống cho các nạn nhân bị bạo lực gia đình.

Hòa giải phải thực sự làm thay đổi nhận thức của người có hành vi bạo lực chứ không chỉ là sự hòa giải nhất thời. Người làm công tác hòa giải cần phải có kiến thức, kinh nghiệm trong lĩnh vực gia đình, ngoài ra nên lựa chọn người có uy tín tại nơi cư trú, người có uy tín trong dòng họ. Nhiều vụ bạo lực sau khi được phát hiện, hòa giải lại có nguy cơ tái diễn nhưng diễn ra ở mức độ tinh vi hơn. Vì vậy, cần quan tâm, sát sao hơn với các gia đình mới xảy ra bạo lực; phổ biến kỹ năng cần thiết để nạn nhân bạo lực gia đình tự bảo vệ mình như: nhận biết các dạng bạo lực gia đình, gọi tới số điện thoại khẩn cấp của người đáng tin cậy, ghi nhận lại bằng chứng bạo lực gia đình, tìm đến chuyên gia tư vấn tâm lý, ứng xử khi chồng hoặc cha mẹ nóng giận, biết thủ tục tố cáo khi bị bạo hành.

Bạo lực gia đình là hành vi cố ý của các thành viên trong gia đình gây ảnh hưởng đến thế chất, tinh thần tới các thành viên khác, gây xói mòn giá trị truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam, ảnh hưởng đến sự tiến bộ của xã hội. Phòng, chống bạo lực gia đình không phải chuyện có thể thực hiện được ngay và triệt để mà cần có thời gian giáo dục, tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức của dân trí, cần có sự phối hợp của tất cả các cấp, các ngành, của cả xã hội.

Tài liệu tham khảo

1. Quốc hội - Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013.

2. Quốc hội - Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007

3. Quốc hội - Dự thảo Luật phòng, chống bạo lực gia đình sửa đổi

4. Chính phủ - Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình năm 2013.

5. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tổng cục thống kê - Báo cáo Điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019.

 

SOME SOLUTIONS IN THE PREVENTION OF DOMESTIC VIOLENCE

Ngo Thi Bich Ngoc

                                                                                 Law Faculty

Summary

Domestic violence means an intentional act of any family member causing harm or having the potential to cause physical, mental or economic harm to another family member. Domestic violence can exist anywhere, from wealthy families to poor families with no economic conditions, from families in urban areas to families in rural and mountainous areas; from people with low educational level to people with high education. The prevention of domestic violence is highly paid attention by the Party and the State. This has achieved many positive achievements, but with the development of the society, domestic violence still exists and becomes more complicated than ever. Therefore, Vietnam needs to step up a number of measures to prevent domestic violence such as: completing legal documents, especially the Law on Domestic Violence Prevention and Control; improving the effectiveness of educating and propagandizing the law on domestic violence prevention; training and fostering a team in charge of domestic violence prevention who have sufficient knowledge, capacity and ability to educate and propagandize the law; improving the quality of mediation and propagandizing case-handling skills for the victims of domestic violence