01/12/2022

Một số quy định pháp luật về chuyển đổi vị trí công tác

Chuyển đổi vị trí công tác nhằm chủ động phòng ngừa tham nhũng trên cơ sở đảm bảo phù hợp với chuyên môn nghiệp vụ của từng cán bộ, công chức viên chức. Chuyển đối vị trí công tác cũng có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao chất lượng hoạt động công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; khắc phục tâm lý chủ quan, thỏa mãn, trì trệ khi công tác ở một vị trí, một địa bàn; góp phần tạo điều kiện cho cán bộ, công chức, viên chức có điều kiện tiếp xúc với nhiều công việc, ở những lĩnh vực khác nhau, có kiến thức toàn diện đáp ứng yêu cầu công tác trong hiện tại và tương lai.

Việc chuyển đổi vị trí công tác thực hiện theo Điều 24, 25, 26 của Luật Phòng, chống tham nhũng; Điều 36, 37, 38, 39 Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 01/7/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng:

- Về đối tượng chuyển đổi vị trí công tác: Theo quy định tại Khoản 1 Điều 25 của Luật Phòng, chống tham nhũng, đối tượng phải chuyển đổi vị trí công tác là người có chức vụ, quyền hạn làm việc tại một số vị trí liên quan đến công tác tổ chức cán bộ, quản lý tài chính công, tài sản công, đầu tư công, trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân khác. Chính phủ quy định cụ thể danh mục vị trí công tác phải định kỳ chuyển đổi (Phụ lục kèm theo Nghị định 59/2019/NĐ-CP ngày 01/7/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng).

- Về thời hạn định kỳ chuyển đổi: Tại Khoản 2, Điều 25 của Luật Phòng, chống tham nhũng thì thời hạn chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức là từ 02 năm (đủ 24 tháng) đến 05 năm (đủ 60 tháng) theo đặc thù của từng ngành, lĩnh vực.

- Về phương thức chuyển đổi vị trí công tác: Chuyển đổi vị trí công tác cùng chuyên môn, nghiệp vụ từ bộ phận này sang bộ phận khác trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; giữa các lĩnh vực, địa bàn được phân công theo dõi, phụ trách, quản lý hoặc giữa các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong phạm vi quản lý của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chính quyền địa phương. Chuyển đổi vị trí công tác được thực hiện bằng văn bản điều động, bố trí, phân công nhiệm vụ đối với người có chức vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật.

- Về quy trình thực hiện: Chuyển đổi vị trí công tác có danh mục các vị trí cần phải chuyển đổi và có kế hoạch chuyển đổi cụ thể của từng cơ quan, tổ chức, đơn vị và phải được công khai trong cơ quan, tổ chức, đơn vị. Kế hoạch chuyển đổi vị trí công tác phải nêu rõ mục đích, yêu cầu, trường hợp cụ thể phải chuyển đổi vị trí công tác, thời gian thực hiện chuyển đổi, quyền, nghĩa vụ của người phải chuyển đổi vị trí công tác và biện pháp tổ chức thực hiện.Người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện theo định kỳ hằng năm đối với người có chức vụ, quyền hạn theo thẩm quyền quản lý cán bộ.

 - Về quy định cụ thể danh mục vị trí công tác và thời hạn định kỳ chuyển đổi: Chính phủ đã giao thẩm quyền cho Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ quy định cụ thể danh mục và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác trong cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và thuộc phạm vi quản lý theo ngành, lĩnh vực tại chính quyền địa phương. Danh mục vị trí công tác phải định kỳ chuyển đổi theo Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 59/2019/NĐ-CP, gồm 02 nhóm công việc với 119 vị trí công tác, cụ thể:

(1) Quản lý ngân sách, tài sản trong cơ quan, đơn vị (Phân bổ ngân sách; kế toán; mua sắm công);

(2) Trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc (Tổ chức cán bộ; tài chính, ngân hàng; công thương; xây dựng; giao thông; y tế; văn hóa - thể thao và du lịch; thông tin và truyền thông; tài nguyên và môi trường; nông nghiệp và phát triển nông thôn; đầu tư và ngoại giao; tư pháp; lao động - thương binh và xã hội; khoa học và công nghệ; giáo dục và đào tạo; quốc phòng; công an; thanh tra và phòng, chống tham nhũng).

 - Trường hợp chưa thực hiện việc chuyển đổi vị trí công tác: bao gồm 08 trường hợp cụ thể chưa thực hiện việc chuyển đổi vị trí công tác, đó là: Người đang trong thời gian bị xem xét, xử lý kỷ luật; người đang bị kiểm tra, xác minh, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử; người đang điều trị bệnh hiểm nghèo được cơ quan y tế có thẩm quyền xác nhận; người đang đi học tập trung từ 12 tháng trở lên, người đang biệt phái; phụ nữ đang trong thời gian mang thai hoặc nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi; nam giới đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi do vợ mất hoặc trong trường hợp khách quan khác (đây là quy định mở, nhằm tạo cơ sở pháp lý để các cơ quan, tổ chức, đơn vị có thể xem xét áp dụng các trường hợp khách quan khác xảy ra trong thực tiễn chưa thực hiện việc chuyển đổi vị trí công tác).

- Chuyển đổi vị trí công tác trong trường hợp đặc biệt: Đối với cơ quan, tổ chức, đơn vị chỉ có một vị trí trong danh mục định kỳ chuyển đổi mà vị trí này có yêu cầu chuyên môn, nghiệp vụ khác với các vị trí còn lại của cơ quan, tổ chức, đơn vị đó thì việc chuyển đổi do người đứng đầu cơ quan cấp trên trực tiếp lập kế hoạch chuyển đổi chung. Không thực hiện chuyển đổi vị trí công tác đối với người có thời gian công tác còn lại dưới 18 tháng cho đến khi đủ tuổi nghỉ hưu.

Có thể nhận thấy Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 và Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 01/7/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng đã có những quy định chặt chẽ về việc chuyển đổi vị trí công tác của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị so với các quy định pháp luật trước đó. Vì vậy, các cơ quan, tổ chức, đơn vị có được hành lang pháp lý cụ thể để áp dụng và thực hiện phù hợp với tình hình thực tiễn, đáp ứng được yêu cầu phòng, chống tham nhũng.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Quốc hội (2018), Luật Phòng, chống tham nhũng.
  2. Nghị định số số 59/2019/NĐ-CP ngày 01/7/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng.