17/06/2021

Một số tư tưởng của Hồ Chí Minh và ý nghĩa đổi mới giáo dục ở Việt Nam

Tư tưởng Hồ Chí Minh và ý nghĩa đổi mới giáo dục ở Việt Nam

                 MỘT SỐ TƯ TƯỞNG VỀ GIÁO DỤC CỦA HỒ CHÍ MINH VÀ Ý NGHĨA ĐỐI VỚI GIÁO DỤC Ở VIỆT NAM

                                                              TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY

                                                                                                                        Th.S. Lại Thị Loan

                                                                                                                        Giảng viên Khoa Lý luận chính trị

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến công tác giáo dục thế hệ trẻ nói chung, công tác dạy học nói riêng. Người đã khai sinh một nền giáo dục mới, toàn dân, toàn diện với kỳ vọng phải “đưa dân tộc Việt Nam trở thành một dân tộc thông thái”, sánh vai cùng bạn bè quốc tế. Bằng các phương pháp nghiên cứu, phân tích, tổng hợp, tác giả đã đưa ra một số quan điểm tiêu biểu của Hồ Chí Minh về giáo dục như vị trí, vai trò của giáo dục; nội dung giáo dục là toàn diện; phương pháp giáo dục là phải gắn lý luận với thực tiễn, học đi đôi với hành. 

Trong hệ thống tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người đặc biệt quan tâm phát triển sự nghiệp giáo dục của đất nước. Người đã có những chỉ dẫn hết sức quý báu về mục tiêu, nhiệm vụ, nội dung và phương pháp giáo dục... nhằm phát triển một nền giáo dục toàn diện. Những chỉ dẫn đó không chỉ có giá trị trực tiếp chỉ đạo công tác giáo dục của đất nước thời đó, mà vẫn còn nguyên giá trị định hướng, soi đường cho công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo của nước ta hiện nay.

Trước hết, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh vai trò quan trọng của giáo dục. Trong thư gửi các học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định nền giáo dục mới sẽ “đào tạo các em nên những người công dân hữu ích cho nước Việt Nam, một nền giáo dục làm phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của các em” . Theo Hồ Chí Minh, nền giáo dục mới phải thực hiện dạy và học theo hướng phục vụ Tổ quốc và nhân dân. Vai trò này được Chủ tịch Hồ Chí Minh diễn đạt là: Học để làm việc, để làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự đoàn thể, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại. Từ đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng việc dạy và học phải xuất phát từ nhu cầu của thực tiễn cuộc sống, nói chuyện tại Đại hội Giáo dục phổ thông toàn quốc (23/3/1956), Người động viên các thầy, cô giáo: Dạy và học cần phải theo nhu cầu của dân, của Nhà nước. Thầy dạy tốt, trò học tốt, cung cấp đủ cán bộ cho nông nghiệp, công nghiệp, cho các ngành kinh tế và văn hóa. 

 Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng giáo dục phải có tính toàn diện. Người nhắn nhủ việc giáo dục gồm có: thể dục, trí dục, mỹ dục, đức dục. Cả bốn nội dung trên của giáo dục được Chủ tịch Hồ Chí Minh khái quát lại trong hai chữ “tài” và “đức”. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong giáo dục, kiến thức là rất cần thiết, nhưng Người cũng chỉ ra rằng, đạo đức đóng vai trò quan trọng không kém. Bên cạnh tài thì đức là một nhân tố quan trọng để tập hợp, động viên lực lượng thực hiện mọi công việc của đất nước, của nhân loại. Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên khích lệ, động viên giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục phải bồi dưỡng cho thế hệ trẻ tình cảm tốt đẹp, trước hết là tình thương yêu gia đình, bạn bè, đồng chí, quý trọng thầy cô giáo, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào, hình thành ý thức kỷ luật, ý thức tập thể, lối sống thật thà, khiêm tốn, trung thực, giản dị, biết xử sự theo tinh thần “mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người” và thói quen thực hành đời sống mới. Đồng thời, nhà trường phải bảo đảm cho thế hệ trẻ dần dần làm chủ kho tàng kiến thức văn hoá của loài người, trau dồi cho mình một vốn hiểu biết về khoa học, kỹ thuật cơ bản, thiết thực, vững chắc, có thể vận dụng vào thực tế và rèn luyện kỹ năng, thói quen lao động thực hành. 

 Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng phương pháp giáo dục. Người nhấn mạnh, muốn học tập có kết quả tốt thì phải có phương pháp giáo dục đúng đắn. Với Hồ Chí Minh, cách mạng cũng là giáo dục và giáo dục thực sự góp phần không nhỏ trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng con người. Vì lẽ vậy, dù là thầy giáo Nguyễn Tất Thành ở trường Dục Thanh (Phan Thiết), thầy giáo Nguyễn Ái Quốc ở lớp Huấn luyện chính trị Quảng Châu (Trung Quốc) hay Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người khai sinh nền quốc học nhân dân, khai sáng cho dân tộc Việt Nam cũng chỉ là một. Đó là nhà nhà giáo dục thực tiễn, luôn thống nhất giữa tư tưởng và hành động, nhất quán thực hiện chiến lược trồng người: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người” . Ngay từ những ngày còn dạy học ở Trường Dục Thanh (Phan Thiết), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chú ý áp dụng phương pháp giáo dục: Học phải suy nghĩ, học phải liên hệ với thực tế, phải có thí nghiệm và thực hành. Học với hành phải kết hợp với nhau. Theo Người, học phải gắn với hành, học mà không hành, không áp dụng vào thực tế khác nào chiếc hòm đựng đầy sách, hành mà không học thì hành không trôi chảy. 

Thấm nhuần lời dặn của Người về giáo dục, Đảng ta đã có nhiều quyết sách cho giáo dục, liên quan đến giáo dục; trong đó, xác định rõ: “Giáo dục trở thành quốc sách hàng đầu”; thực hiện “nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đổi mới nội dung, giải pháp dạy và học, hệ thống trường lớp và hệ thống quản lý giáo dục”; triển khai “giáo dục cho mọi người”, “cả nước thành một xã hội học tập”, v.v... Nhà nước ta đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm tạo hành lang pháp lý đầy đủ thúc đẩy giáo dục phát triển. Điển hình là ban hành Hiến pháp năm 2013, Luật Giáo dục năm 2005, Luật Dạy nghề năm 2006, Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014,  Luật Giáo dục đại học năm 2012; ban hành các cơ chế, chính sách về đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục; về phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở; về cơ hội tiếp cận giáo dục cho đồng bào dân tộc thiểu số và các đối tượng chính sách; về đảm bảo bình đẳng giới trong giáo dục và đào tạo,…

Mặc dù ra đời cách đây nhiều thập kỷ, nhưng tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục vẫn rất có ý nghĩa đối với sự nghiệp phát triển giáo dục của nước ta hiện nay. Chúng ta không chỉ tìm thấy trong tư tưởng của Người những gợi ý để tháo gỡ các vướng mắc cụ thể về vai trò, nội dung của giáo dục…, mà còn có thể học được từ đó phương pháp luận giải quyết vấn đề của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Các phương pháp này rất gần với những gì đang được nói tới hiện nay như mục tiêu của giáo dục là đào tạo con người Việt Nam phát triển toàn diện, có đạo đức, tri thức, sức khoẻ, thẩm mỹ và nghề nghiệp, trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và CNXH; hình thành và bồi dưỡng nhân cách, phẩm chất và năng lực của công dân, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; hoạt động giáo dục phải được thực hiện theo nguyên lý học đi đôi với hành, giáo dục kết hợp với lao động sản xuất, lý luận gắn liền với thực tiễn, giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội,…Tư tưởng giáo dục Hồ Chí Minh đã trở thành đường lối, chính sách giáo dục của Đảng và Nhà nước ta. Giáo dục luôn được khẳng định là "quốc sách hàng đầu", là "động lực của sự phát triển đất nước". Theo đó, mỗi bậc học từ mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, đại học và trên đại học,v.v.. cần được học và hành theo chương trình, nội dung phù hợp với từng đối tượng, “gắn với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Đồng thời, tăng cường các nguồn lực đầu tư và hội nhập quốc tế trong giáo dục, đào tạo gắn với tiến bộ khoa học - công nghệ thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 và nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. 

Tiếp thu những giá trị trong tư tưởng của Người về giáo dục, trường Cao đẳng Kinh tế - Tài chính Thái Nguyên đã và đang có những chương trình đào tạo thiết thực nhằm giáo dục học sinh, sinh viên một cách toàn diện. Đối tượng chủ yếu hướng đến là học sinh sinh viên với nhiều chương trình học tập vừa rèn luyện thể lực và trí tuệ. Đan xen dạy kiến thức lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ và thể chất, quốc phòng. Các hoạt động đoàn thanh niên, hội sinh viên rất sôi nổi nhằm phát huy tính chủ động, hội nhập và sáng tạo của sinh viên. Tất cả đều nhằm mục tiêu giáo dục học sinh, sinh viên một cách toàn diện cả đức, trí, thể, mỹ - những giá trị tốt đẹp của con người. Trong giai đoạn hiện nay, Nhà trường rất chú trọng tuyển sinh và mở các mã ngành mới phù hợp với xu thế của thời đại, đào tạo theo nhu cầu của người học, nhu cầu của nền kinh tế thị trường. Để gắn liền giữa học lí thuyết và thực hành, nhà trường đã đầu tư cơ sở vật chất trang thiết bị hiện đại như: phòng học hiện đại, máy tính, internet, thư viện, phòng thực hành chuyên môn, có nhà đa năng, phòng tập thể dục thể hình, sân bóng… Có thể khẳng định rằng, tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục mãi mãi soi đường cho chúng ta trong sự nghiệp đổi mới, đào tạo những thế hệ người Việt Nam xây dựng đất nước dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Đảng Cộng sản Việt Nam (2016), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng TW Đảng, Hà Nội, tr.114-115.

[2] Giáo trình Tư tưởng Hồ Chí Minh (2009), Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

[3] Hồ Chí Minh (2000), Toàn tập, tập 4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

[4] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 11, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự Thật, Hà Nội.

HO CHI MINH’S THOUGHTS ON EDUCATION AND THEIR MEANINGS TOWARDS EDUCATION IN VIETNAM IN THE                                                                                 PRESENT PERIOD

                                                                                                                   Lai Thi Loan

                                                                                                                   Faculty of Political Theory

Summary

When being alive, President Ho Chi Minh was very interested in the education of the young generation in general and teaching work in particular. He fathered a new, all-people and comprehensive education with the expectation of "turning the Vietnamese people into a wise nation", standing shoulder to shoulder with other countries. By using the methods of research, analysis and synthesis, the author has given some typical views of Ho Chi Minh on education such as the position and role of education; comprehensive educational content; the education method of associating theory with practice and learning with practice.