05/03/2014

Nâng cao chất lượng thực tập tốt nghiệp cho sinh viên trường Cao đẳng Kinh tế - Tài chính Thái Nguyên

Thực tập tốt nghiệp là một khâu quan trọng trong quá trình đào tạo sinh viên ở các trường chuyên nghiệp nói chung và các trường cao đẳng khối ngành kinh tế nói riêng, giúp sinh viên củng cố và bổ sung những kiến thức lý thuyết đã học trên lớp, nâng cao kỹ năng giải quyết các vấn đề trong thực tế, xây dựng mối quan hệ khăng khít giữa nhà trường và các doanh nghiệp trên địa bàn theo phương châm "Đào tạo những gì xã hội cần". Bồi dưỡng cho sinh viên lòng yêu nghề, năng lực công tác thực tế để họ nhạy bén và năng động hơn khi trong quá trình công tác thực tế sau này.

Nhận thức được tầm quan trọng của quá trình thực tập tốt nghiệp đối với sinh viên, trường Cao đẳng kinh tế tài chính Thái Nguyên đã xây dựng kế hoạch thực tập tổng quát cho sinh viên và kế hoạch chi tiết cho từng đợt thực tập. Nhà trường để sinh viên chủ động liên hệ cơ sở thực tập phù hợp với điều kiện học tập và sinh hoạt nhưng vẫn quản lý và kiểm tra sinh viên trong suốt quá trình thực tập bằng các biện pháp hữu hiệu để quá trình thực tập thực sự trung thực và đạt kết quả cao nhất, những biện pháp có thể kể đến:

Một là, xây dựng lịch trình nộp báo cáo thực tập cụ thể theo thời gian: phổ biến nội quy thực tập tốt nghiệp trước thời gian thực tập, sinh viên liên hệ cơ sở thực tập, chọn tên đề tài thực tập, viết nhật ký thực tập, thực tập tổng quát, nộp đề cương chi tiết, và cuối cùng là nộp báo cáo thực tập, giáo viên hướng dẫn thực tập trực tiếp phụ trách quản lý các nội dung trên.

Hai là, tổ chức các môn học mang tính thực hành như "Thực hành kế toán", các giao dịch trên sàn giao dịch chứng khoán, ngân hàng ảo để giúp sinh viên tiếp cận với số liệu và tình huống thực tế trước khi quá trình thực tập bắt đầu

Ba là, tổ chức chấm điểm độc lập giữa hai giáo viên để đánh giá kết quả thực tập

Bốn là, tổ chức hỏi vấn đáp thực tập tốt nghiệp để đánh giá tính trung thực và hiểu biết của sinh viên trong quá trình thực tập

Năm là, yêu cầu viết "Nhật ký thực tập" trong quá trình thực tập tại đơn vị ...

Với những yêu cầu đặt ra như trên đã tạo động lực cho đại đa số sinh viên phấn đấu hoàn thành kế hoạch thực tập nhằm đạt yêu cầu cao nhất, khiêm tốn học hỏi các cán bộ công nhân viên nơi đến thực tập, nghiêm chỉnh chấp hành các nội quy nơi thực tập, đồng thời báo cáo quá trình thực tập cho giáo viên hướng dẫn đúng thời gian.

Bên cạnh những mặt tích cực trên, trong quá trình thực tập sinh viên trường ta nói riêng cũng như đại đa số sinh viên các trường kinh tế nói chung cũng gặp không ít khó khăn và hạn chế trong quá trình thực tập.

Trước hết là khâu liên hệ thực tập, số sinh viên hộ khẩu thành phố, gia đình có mối quan hệ quen biết các cơ quan, doanh nghiệp thì việc liên hệ thực tập gặp nhiều thuận lợi. Ngược lại số sinh viên ở các huyện hoặc tỉnh khác thì việc liên hệ thực tập gặp không ít khó khăn, nhiều khi phải nhờ vả, chạy vạy mới có được một chỗ thực tập tốt

Tiếp đến là nhận thức trong quá trình thực tập, mặc dù đại đa số sinh viên đến thời điểm sắp ra trường đã xác định được động cơ đúng đắn là phải tích lũy kiến thức thực tế đã ra sức nỗ lực trong quá trình thực tập, lấp đi các lỗ hổng còn trống về kiến thức, nhưng bên cạnh đó cũng không ít sinh viên lại chỉ coi trọng con dấu xác nhận của nơi thực tập, coi thường quá trình nghiên cứu thực tế nên dẫn đến tình trạng "ngồi bệt, học bệt" hay "thực tập trên giấy" thậm chí sao chép máy móc các chuyên đề năm trước ... Điều này làm cho quá trình thực tập tốt nghiệp không phát huy được tác dụng như mong đợi, thậm chí lại dẫn đến những mặt tiêu cực do quá trình này mang lại.

Bên cạnh đó lại có một tình trạng phổ biến diễn ra, đó là các đơn vị doanh nghiệp khi tiếp nhận sinh viên thực tập lại không nhiệt tình giúp đỡ, chỉ bảo sinh viên công việc thực tế đúng chuyên ngành, lại giao cho sinh viên các công việc hành chính đơn thuần, họ quá coi trọng tính bảo mật của số liệu của đơn vị mình. Điều này khiến các sinh viên gặp không ít khó khăn trong việc hoàn thành chuyên đề thực tập, sinh viên buộc phải tự chế biến số liệu, thực tế đó dẫn đến chất lượng thực tập không những không cao mà đẩy sinh viên đến sự mất tự tin và bước đầu có các gian dối trong học tập.

"Nói không với đạo tạo Đại học và cao đẳng không đạt chuẩn" đó là tâm huyết của Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã nhấn mạnh "Các trường đại học, cao đẳng có thêm kinh phí đào tạo nhưng phải chấm dứt tình trạng đạo tạo không sử dụng được. Bộ sẽ bắt đầu một chương trình ba năm thực hiện mục tiêu này... giáo dục học sẽ thực hiện cuộc vận động nói không với đào tạo không đạt chuẩn và không đáp ứng được như cầu xã hội, giáo dục Việt Nam phải có chuyển biến lớn về chất lượng và khả năng đáp ứng nhu cầu xã hội, những cơ sở đào tạo không đạt chuẩn, không đáp ứng được nhu cầu sử dụng của xã hội sẽ không tăng quy mô đào tạo..."

Có thể thấy thực trạng của quá trình thực tập tốt nghiệp của sinh viên kinh tế nói chung và sinh viên trường ta nói riêng có những mặt trái không phù hợp với định hướng giáo dục của Nhà nước. Vậy phải làm sao để phát huy mặt tích cực, hạn chế mặt tiêu cực của quá trình thực tập tốt nghiệp, làm sao để duy trì phương châm của trường ta dành cho sinh viên: "Mục tiêu của các bạn là mong muốn của chúng tôi" và duy trì phương châm của nhà trường dành cho xã hội là: "Đào tạo những gì xã hội cần"? Đó là một bài toán khó mà nhiều năm nay chúng ta vẫn đi tìm lời giải mà vẫn chưa có được một đáp án tối ưu và vẫn còn là trăn trở của cán bộ giảng viên nhà trường.

Là một khoa mũi nhọn của nhà trường, số lượng sinh viên chuyên ngành kế toán chiếm trên 70% sinh viên toàn trường, khoa kế toán mạnh dạn đưa ra một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng thực tập tốt nghiệp cho sinh viên trong kỳ thực tập đang tới gần

Một là, tuyên truyền nhận thức cho sinh viên trước khi đi thực tập về tầm quan trọng của việc liên hệ thực tập nghiêm túc tại các đơn vị, điều này là nền tảng cho các nghiên cứu thực tế để đi đến kết quả là báo cáo thực tập trung thực và đạt chất lượng, đồng thời đây là cơ hội có một không hai để sinh viên tiếp cận thực tế để mở rộng cơ hội việc làm cho sinh viên sau này. Các em cần loại bỏ tư tưởng đáng phê phán "copy luận văn", "thực tập trên giấy" và các tiêu cực khác liên quan đến kỳ làm báo cáo thực tập

Hai là, quản lý nghiêm khắc thời gian thực tập của các em, đưa ra thời gian biểu chặt chẽ về thời gian nộp nhật ký thực tập, thời gian nộp đề cương chi tiết và thời gian nộp báo cáo,... phải có hình thức khiển trách thích đáng khi các báo cáo nộp sai về thời gian, không đảm bảo chất lượng, đặc biệt là tình trạng sao chép báo cáo thực tập các khóa trước.

Ba là, giáo viên hướng dẫn có thể liên hệ với các cơ sở thực tập để kiểm tra quá trình thực tập của sinh viên mình nếu giáo viên nhận thấy những điểm bất hợp lý trong quá trình thực tập

Bốn là, việc đánh giá kết quả thực tập cần thực hiện chặt chẽ giống như chấm thi các môn học khác, đề cao hơn nữa nguyên tắc độc lập trong đánh giá kết quả theo phương châm: giáo viên hướng dẫn tận tình, giáo viên phê bình nghiêm khắc, giáo viên chấm điểm chuẩn xác.

Trên đây là một số giải pháp nâng cao chất lượng của quá trình thực tập cho sinh viên, hi vọng rằng với sự nỗ lực của nhà trường, với sự nhận thức đúng đắn của sinh viên và sự ủng hộ của các đơn vị thực tập, quá trình thực tập tốt nghiệp thực sự trở thành một chiếc cầu nối cho sinh viên bước tiếp những chặng đường tương lai của sự nghiệp học tập và xây dựng đất nước.

Ths. Dương Thu Hà - Giảng viên  Khoa kế toán