29/06/2023

Người thầy tận tâm vì nghệ thuật

Gương mẫu, tâm huyết, đa tài, hết mình vì sự nghiệp giáo dục - đây là những nhận xét của đồng nghiệp và sinh viên về thầy giáo Nguyễn Gia Bảy - Trường Cao đẳng Thái Nguyên.

Gương mẫu, tâm huyết, đa tài, hết mình vì sự nghiệp giáo dục - đây là những nhận xét của đồng nghiệp và sinh viên về thầy giáo Nguyễn Gia Bảy - Trường Cao đẳng Thái Nguyên. Người thầy với mái tóc bạc phơ và nụ cười luôn nở trên môi mỗi khi đến lớp. Đồng nghiệp và sinh viên khâm phục lòng nhiệt huyết, lòng yêu nghề, khát khao vươn lên trong công việc, tâm huyết dạy dỗ bao thế hệ sinh viên trở thành những thầy cô giáo giỏi, có ích cho xã hội. Mọi người đều tin tưởng và đánh giá cao sự đam mê nghệ thuật, nhiệt tình, sáng tạo và làm việc có trách nhiệm của thầy.

Cố gắng vẽ với niềm đam mê

Thầy Nguyễn Gia Bảy đam mê mỹ thuật và sớm bộc lộ năng khiếu hội họa từ nhỏ. Thầy quyết định tiếp tục sự nghiệp của mình: năm 1982, thầy thi vào trường Cao đẳng Sư phạm Nhạc họa Trung ương. Hai mươi năm sau, thầy mới có cơ hội hoàn thành chương trình học đại học tại trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Năm 2013, thầy chính thức nhận bằng Thạc sĩ Mỹ thuật tạo hình. Từ năm 2001, thầy là hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên, là hội viên Chi hội mỹ thuật tỉnh Thái Nguyên. Đến hiện nay hơn 10 năm thầy làm Chi hội trưởng - Chi hội Mỹ thuật tỉnh Thái Nguyên.

Các tác phẩm hội hoạ của thầy rất đa dạng chất liệu: tranh sơn dầu; tranh lụa, tranh sơn mài; tranh acrylic; tranh khắc gỗ; điêu khắc... nội dung tranh về con người, cuộc sống, thiên nhiên và tham gia nhiều triển lãm mỹ thuật uy tín. Năm 2022 tác phẩm: “915 - Bất tử” (tác phẩm điêu khắc chất liệu Composite) đã tham dự triển lãm Mỹ thuật khu vực III (Tây Bắc – Việt Bắc). Năm 2023 tác phẩm gốc “915 - Bất tử”  đã được hiến tặng cho Ban quản lý Khu Di tích Lịch sử Quốc gia TNXP Đại đội 915. Mới đây nhất, bức tranh Acrylic “Đồng đội” đã đoạt giải B - Giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm VHNT, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

 

Họa sĩ Nguyễn Gia Bảy và Nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh trao tặng tác phẩm điêu khắc

“915 – Tượng đài bất tử” cho Ban Quản lý Khu Di tích.

Không chỉ đam mê hội họa và giảng dạy trên bục giảng, thầy truyền cảm hứng viết lời cho một số ca khúc được phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam như: Dấu chân anh lính biên phòng; Mãi mãi tự hào hát lên Việt Nam ơi;  Sáng ngời ý chí Việt Nam...

Trong lúc “lướt” Facebook, tôi bắt gặp một video ca nhạc do thầy giáo Nguyễn Gia Bảy đăng trên trang cá nhân của mình với nội dung “Tổ quốc tôi chống dịch như chống giặc, mỗi phường xã là một pháo đài, mỗi người dân là một chiến sĩ”. Nhấn nút play trên màn hình, những giai điệu hành khúc, tiết tấu vui tươi, sôi nổi theo, hùng tráng nhịp 2/4 cùng những ca từ ý nghĩa: “Cùng chung tay đẩy lùi Co vit Co ro na”, “Sáng ngời ý chí Việt Nam”…  lời bài hát khiến tôi xúc động. Đây là ca khúc "Sáng ngời ý chí Việt Nam"  do thầy Bảy sáng tác nhằm mục đích cổ vũ, động viên mọi người trong cuộc chiến chống dịch COVID-19.

Chia sẻ về cảm hứng sáng tác ca khúc “Sáng ngời ý chí Việt Nam”, thầy Bảy cho biết qua xem báo chí đưa tin về công tác phòng chống dịch, thầy biết dịch COVID-19 còn nhiều khó khăn. "Tôi nghĩ mình phải làm gì đó để thắp lên ngọn lửa tinh thần chống dịch cho mọi người. Ý tưởng sáng tác ca khúc ra đời như một món quà tinh thần dành cho mọi người, giúp họ thêm vững tin trước đại dịch", thầy Bảy chia sẻ.

Tác phẩm “Đồng đội”

Đưa hoạt động tạo hình tới trẻ Mầm non

Ngay từ bậc học mầm non, giáo dục nghệ thuật đã được chú trọng nhằm giúp trẻ phát triển thể chất, tình cảm, hiểu biết thẩm mĩ, hình thành các yếu tố đầu tiên của nhân cách. Hiểu được vai trò và ý nghĩa của hoạt động tạo hình với trẻ, trong quá trình truyền đạt kiến thức cho giáo viên Mầm non tương lai, thầy luôn có triết lý giáo dục “Tôi cảm thấy có trách nhiệm phải làm mọi thứ có thể để cải thiện bản thân và chia sẻ kiến thức của mình với đồng nghiệp để cùng làm tốt hơn công việc của một giáo viên”.

Là Trưởng bộ môn Nghệ thuật, Khoa Sư phạm, Trường Cao đẳng Thái Nguyên. Thầy từng tâm sự: Tôi luôn đặt tâm lý của mình vào vị trí của một sinh viên để dạy sinh viên ngành mầm non từ nét cơ bản, bố cục đến xây dựng  hình ảnh, các nguyên tắc về tạo mảng khối, tạo không gian, nguyên tắc sử dụng màu sắc màu… Kết hợp các bài học cơ bản với trải nghiệm sáng tạo: làm Đồ dùng - Đồ chơi cho trẻ mầm non; hướng dẫn cách thức trang trí môi trường hoạt động ở trường mầm non; học phương pháp tổ chức tạo hình cho trẻ mầm non... Tất cả đều là những bài học đơn giản nhưng gần gũi, phù hợp với tư duy của trẻ chứ không quá cầu toàn hay khuôn mẫu trong đào tạo hàn lâm.

Giờ học tạo hình của lớp Cao đẳng Mầm non K19S3

Trong 36 năm làm nghề dạy học, thầy luôn nỗ lực hết mình để hoàn thành tốt công việc. Không chỉ giảng dạy ở trường, thầy còn là cốt cán chuyên môn của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thái Nguyên. Ngoài ra, thầy còn dạy mỹ thuật cho các em tại Trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh Thái Nguyên, để tạo cơ hội tốt hơn cho các em rèn luyện sự tự tin, phát triển hòa nhập với các trẻ em khác.

Họa sĩ Nguyễn Gia Bảy và các bạn nhỏ tại Trung tâm Trẻ khuyết tật tỉnh Thái Nguyên

Thầy cũng là một trong những tác giả tham gia biên soạn bộ sách Mĩ thuật bậc Tiểu học theo định hướng phát triển năng lực đã được triển khai đưa vào dạy đại trà trong cả nước từ năm học 2020-2021. Đồng thời, thầy được giao nhiệm vụ tập huấn dạy học Mĩ thuật cho giáo viên và cán bộ quản lý nhiều tỉnh/thành phố trong cả nước.

Những thành công mà thầy đạt được trong hoạt động nghệ thuật và giáo dục là nền tảng, động lực để thầy phấn đấu, làm tốt hơn trong sự nghiệp “Trồng người”. Với thầy, học tập và làm theo tư tưởng tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là bằng những việc làm cụ thể trong công việc cũng như trong cuộc sống. Đó là những gì mà tôi và các đồng nghiệp trong trường đã nhìn thấy và cảm nhận được từ thầy Nguyễn Gia Bảy - giảng viên của Trường Cao đẳng Thái Nguyên xứng đáng là một tấm gương sáng cho chúng tôi học tập./.

Một số tác phẩm của thầy và sinh viên Cao đẳng Mầm non:

Thầy cô khoa Sư phạm chung vui cùng thầy Bảy tại triển lãm Mỹ thuật “Sắc màu Việt Bắc”

Dự án “Sự sáng tạo của những viên sỏi” 

Sản phẩm dự án khởi nghiệp của sinh viên Cao đẳng Mầm non

Sinh viên Mỹ thuật K23- Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam thực tập tại khoa Sư phạm