27/03/2023

Nhãn hiệu âm thanh - Điểm mới nổi bật của Luật Sở hữu trí tuệ

Ngày 16/6/2022, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ số 07/2022/QH15 (sau đây gọi là Luật SHTT năm 2005, sửa đổi bổ sung năm 2022), có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2023. Với hơn 100 điều được sửa đổi, bổ sung, Luật SHTT năm 2005, sửa đổi bổ sung năm 2022 đã điều chỉnh nhiều nội dung, bổ sung nhiều điểm mới về bảo hộ nhãn hiệu; trong đó một nội dung nổi bật, lần đầu tiên được đưa vào đó là quy định về bảo hộ nhãn hiệu âm thanh.

Theo các quy định trước đây tại Điều 4  của Luật SHTT 2005 sửa đổi năm 2009 và năm 2019 (Sau đây gọi là “Luật SHTT 2005”) thì “Nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hoá, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau”; tại khoản 1 Điều 72 của Luật này thì chỉ bảo hộ nhãn hiệu “Là dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, kể cả hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều mầu sắc”. Tuy nhiên, tại Luật SHTT năm 2005, sửa đổi bổ sung năm 2022 lần đầu tiên dấu hiệu âm thanh (dấu hiệu không nhìn thấy được) được quy định và trở thành đối tượng được bảo hộ nhãn hiệu. Cụ thể, tại khoản 1, Điều 72 của Luật SHTT năm 2005, sửa đổi bổ sung năm 2022 đã bổ sung dấu hiệu âm thanh vào trong điều kiện chung về bảo hộ nhãn hiệu như sau: “Nhãn hiệu là dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc hoặc dấu hiệu âm thanh thể hiện được dưới dạng đồ họa”

Tiếp theo tại Khoản 2 Điều 105 Luật SHTT năm 2005, sửa đổi bổ sung năm 2022, quy định chi tiết về mẫu nhãn hiệu thì “Nếu nhãn hiệu là âm thanh thì mẫu nhãn hiệu phải là tệp âm thanh và bản thể hiện dưới dạng đồ họa của âm thanh đó”

Có thể thấy, nhãn hiệu âm thanh được tạo ra từ các dấu hiệu là âm hưởng, được nhận biết bằng thính giác thay vì thị giác như nhãn hiệu truyền thống. Tuy nhiên, nhãn hiệu âm thanh vẫn có chức năng tương tự của một nhãn hiệu theo quy định, có khả năng phân biệt và giúp người tiêu dùng phân biệt hàng hoá, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau. Thực tế cho thấy, với sự phát triển tối ưu của khoa học - công nghệ và nhu cầu xã hội, các dấu hiệu âm thanh thực tế đã ra đời với các nội dung đa dạng, phong phú, đảm nhận được chức năng giúp người tiêu dùng có thể nhận diện được các sản phẩm của những doanh nghiệp nào sản xuất. Tức là, dấu hiệu âm thanh có thể đáp ứng được các chức năng của một nhãn hiệu.

Việc chấp nhận bảo hộ nhãn hiệu âm thanh là hoàn toàn phù hợp với những cam kết trong Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mà Việt Nam đã tham gia và được Nghị quyết số 72/2018/QH14 ngày 12/11/2018 của Quốc hội phê chuẩn, cụ thể tại Khoản 8 Điều 18 của CPTPP quy định: “Không Bên nào được yêu cầu, như một điều kiện để được đăng ký, là dấu hiệu phải nhìn thấy được, cũng như không Bên nào được từ chối đăng ký một nhãn hiệu chỉ với lý do rằng dấu hiệu cấu thành nhãn hiệu đó là âm thanh”.

Tuy nhiên, Luật SHTT năm 2005, sửa đổi bổ sung năm 2022 quy định nhãn hiệu âm thanh được “thể hiện được dưới dạng đồ họa” đằng sau “dấu hiệu âm thanh” lại là điều cần bàn thêm. Quy định này có thể hiểu rằng “dấu hiệu âm thanh” sẽ có hai loại là “dấu hiệu âm thanh thể hiện được dưới dạng đồ họa” và “dấu hiệu âm thanh không thể hiện được dưới dạng đồ họa”. Quy định việc “thể hiện được dưới dạng đồ họa” theo sau “dấu hiệu âm thanh” thiết nghĩ chỉ nên là phương án lựa chọn của người nộp đơn chứ không nên là yêu cầu bắt buộc. Bởi lẽ, “dấu hiệu âm thanh” là một dấu hiệu không thể được nhận biết được bằng thị giác, do đó yếu tố then chốt là nên đưa ra các quy định về hình thức để thể hiện nhãn hiệu âm thanh đó (tương tự như mẫu nhãn hiệu đối với nhãn hiệu có thể nhận biết được bằng thị giác). Ngoài ra, làm thế nào để xác định việc “sử dụng” nhãn hiệu âm thanh trong thực tế cũng là một vấn đề chưa được làm rõ. Vốn có tính “vô hình” nên nhiều trường hợp nhãn hiệu âm thanh không thể gắn kèm với sản phẩm như nhãn hiệu thông thường, chẳng hạn như khó có thể gắn âm thanh lên một gói kẹo, gói bánh... Trên thế giới mỗi quốc gia sẽ có một quy định khác nhau, chẳng hạn như ở Anh chấp việc sử dụng nhãn hiệu âm thanh trong quảng cáo được coi là chứng cứ để đánh giá tính phân biệt, trái lại, ở Đức quy định phải thể hiện rõ nhãn hiệu trên sản phẩm, bao bì hoặc các bản thuyết minh kèm theo.

Bên cạnh đó, về quy trình đăng ký nhãn hiệu, đối với nhãn hiệu âm thanh, do được quy định bởi tính đặc biệt của loại dấu hiệu này, nên hồ sơ đăng ký nhãn hiệu cần phải được đầu tư chuẩn bị, pháp luật cần có những hướng dẫn cụ thể về quy trình đăng ký (chẳng hạn, file âm thanh được định dạng như thế nào (MP3, MP4, WAV, hay WMA…) dung lượng tối đa là bao nhiêu, bản đồ họa yêu cầu thể hiện các nốt nhạc ra sao, có cần thiết được mô phỏng cụ thể bằng một văn bản hay không…) Mà điều này chưa được thể hiện rõ ràng trong các quy định của Luật SHTT năm 2005, sửa đổi bổ sung năm 2022.

Như vậy có thể thấy rằng Nhãn hiệu âm thanh là một trong những điểm mới nổi bật của Luật SHTT năm 2005, sửa đổi bổ sung năm 2022. Tuy nhiên các quy định về nhãn hiệu âm thanh còn chưa thực sự đầy đủ, rõ ràng, hi vọng trong thời gian tới các cơ quan làm luật của Việt Nam sẽ ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành cụ thể để là căn cứ pháp lý chính xác hướng dẫn các tổ chức, cá nhân có nhu cầu bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu âm thanh.

(Đỗ Huyền Trang)