16/06/2016

Phụ nữ, cuộc sống và con đường học vấn

Trong cái nắng gay gắt và tiếng ve nhức nhối của buổi trưa hè tháng 6, tôi ái ngại nhìn em bước vào lớp với đôi chân sưng phù và cái bụng bầu khệ nệ vì đã đến tháng thứ 7 của thai kỳ. Em là Hứa Thị Bê, học sinh lớp Trung cấp Luật K3651L1, người đã khiến tôi bị ám ảnh suốt những ngày dạy học ở đây cho đến khi kết thúc chuyến công tác trở về trường. Ngồi với đồng nghiệp, kể chuyện về em mà hình ảnh còn hiện rõ trong tâm trí tôi, một bà mẹ bầu với dáng ngồi học cần mẫn, chăm chú và đầy quyết tâm.

Ở lớp K3651L1 này, có thật nhiều tấm gương về sự nỗ lực vượt khó để tiếp tục con đường học vấn, nhưng với tôi, không chỉ là một người giảng viên, tôi còn là một người phụ nữ, một người mẹ với hai lần “vượt cạn”, tôi thấu hiểu sâu sắc sự vất vả, mệt mỏi và khó khăn của Bê. Em kể: Chồng em là bộ đội chuyên nghiệp, công tác xa nhà, vài tuần đến một tháng mới về thăm vợ con được một lần, mỗi lần được 1, 2 ngày, con gái lớn năm nay bước vào lớp một. Vậy là em vừa phải chăm con, dạy con học, vừa làm ăn kinh tế, vừa phải tự chăm sóc bản thân, thay chồng lo công việc “đối nội, đối ngoại” với hai bên gia đình chu toàn; lần sinh con gái đầu, chồng em cũng phải ở đơn vị làm nhiệm vụ, không kịp về để cùng em đón con trong tiếng khóc chào đời. Ai đã từng trải qua những tháng ngày đầy âu lo, mệt mỏi, khó khăn, vất vả ấy của phụ nữ mới thực sự thấu hiểu nỗi gian truân này. Vậy mà cuối buổi sáng khi tôi vừa kết thúc bài giảng, em bước lên với dáng vẻ khá mệt mỏi, xin phép tôi chiều nay cho em nghỉ để đi khám thai, bác sĩ nói em bị tăng huyết áp và nồng độ protein trong nước tiểu cao nên phải theo dõi chặt chẽ, khám thường xuyên. Tôi bảo: Em mệt thì cứ nghỉ ngơi đi, sức khỏe của em và bé con là quan trọng nhất vào lúc này. Nhưng em nói: “Em không muốn nghỉ cô ạ, em chỉ xin nghỉ chiều nay để đi khám thôi, nghỉ học em thấy tiếc vì nghỉ một buổi là hôm sau em đã thấy khó tiếp thu kiến thức và khó làm bài tập, bài kiểm tra rồi”. Đúng như lời nói, sáng hôm sau lại thấy cái dáng đi lặc lè như con gấu bước vào lớp, tôi hỏi thăm tình hình hôm qua đi khám thế nào, em nói bác sĩ bảo huyết áp tăng, chắc tại hôm qua trời nóng quá nên em hơi mệt. Mệt là thế, khó khăn, vất vả là thế nhưng ngồi học trong lớp rất nghiêm túc, chăm chú, hôm trả bài kiểm tra đầu tiên của môn Luật Hình sự vẫn được điểm 9; kết quả học tập năm học vừa qua khá cao: điểm trung bình chung học kỳ I và II là 7,58 và 7,26 điểm. Không kêu than, không phàn nàn, không coi mình được ưu tiên hơn những người khác, chính vì thế mà tôi lại càng quý và thương em hơn! Vượt hơn 100km đường đèo dốc để lên đây, quả thực là khá mệt, nhưng nhìn thấy em và nghĩ về em, tôi thấy sự vất vả của mình cũng chẳng thấm gì so với sự nỗ lực của em và những học sinh khác trong lớp. Trong lòng thấy day dứt, rưng rưng, nể phục, cảm động..., nhiều cảm xúc đan xen, khó tả!

            Khi tôi ngồi bên cửa sổ viết những dòng này, ngoài trời đang mưa. Những hạt mưa khiến tôi lại nhớ ngày xưa khi còn sống, bà nội tôi hay kể chuyện chị nọ, bác kia trong làng, rồi bà lại thở dài đọc câu ca dao quen thuộc: “Thân em như hạt mưa sa. Hạt vào đài các, hạt ra ruộng cày”. Dẫu bây giờ cuộc sống có hiện đại hơn, người phụ nữ có bớt lam lũ hơn, được gia đình, xã hội cảm thông và chia sẻ nhiều hơn nhưng để đảm đương cả công việc gia đình và công việc xã hội, họ vẫn phải cố gắng gấp đôi, gấp ba lần nam giới. Vì thế, tôi nghĩ ở thời nào, người phụ nữ cũng là những người vất vả nhất trong nhà và thiệt thòi ngoài xã hội.

Phụ nữ ở miền sơn cước này còn vất vả nhiều lắm nhưng lại luôn nhẫn nhịn, chịu thương, chịu khó như học sinh Bê của tôi. Tôi ước gì chồng em và nhiều người đàn ông khác hiểu được những thông điệp này để thêm trân quý và yêu thương, chia sẻ nhiều hơn nữa với những lo toan đời thường của những người phụ nữ, bằng cách này hay cách khác. Để những người phụ nữ có tinh thần cầu tiến, ham học hỏi như Bê có điều kiện và thời gian trau dồi thêm kiến thức, nâng cao vị thế của người phụ trong xã hội, ổn định cuộc sống gia đình và đóng góp công sức xây dựng quê hương.

GV. Bùi Thị Lập