17/07/2014

Quyền con người, quyền công dân - Những điểm mới của Hiến pháp năm 2013

Khái niệm quyền con người lần đầu tiên được tổ chức Liên Hợp Quốc chính thức thừa nhận vào năm 1948 với sự kiện ra đời của Tuyên ngôn toàn thế giới về quyền con người. Trong đó, quyền con người được khẳng định là “những bảo đảm pháp lý toàn cầu có tác dụng bảo vệ các cá nhân và các nhóm chống lại những hành động hoặc sự bỏ mặc làm tổn hại đến nhân phẩm, những sự được phép và tự do cơ bản của con người”. Như vậy, quyền con người – dù được nhìn nhận dưới góc độ nào đều được hiểu là những quyền tự nhiên cơ bản của con người, không thể bị tước đoạt, chiếm giữ bởi bất cứ ai và bất cứ thế lực nào.

Ở khía cạnh khác, quyền công dân là khái niệm luôn gắn liền với khái niệm nhà nước, với chính thể có khả năng bảo đảm thực hiện và tôn trọng các quyền đó. Do vậy, trong mối quan hệ giữa công dân với nhà nước – các quyền cơ bản của công dân luôn được xác định bởi chế định quốc tịch. Theo đó, chỉ những người mang quốc tịch của một quốc gia mới được hưởng các quyền công dân mà pháp luật quốc gia đó quy định và thừa nhận. Từ đó có thể khẳng định, quyền con người là khái niệm có nội hàm rộng hơn quyền công dân.

Tại Việt Nam, Hiến pháp năm 2013 được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 6 thông qua vào ngày 28/11/2013. Hiến pháp năm 2013 đã khẳng định sự kế thừa có chọn lọc những giá trị bất biến về quyền con người, quyền công dân được ghi nhận trong các Tuyên ngôn về nhân quyền quốc tế và các bản Hiến pháp của Nhà nước Việt Nam trước đây. Trong nhiều nội dung mới được ghi nhận, lần đầu tiên, vấn đề quyền con người đã được Hiến pháp đề cập một cách trực tiếp, tách bạch và không đồng nhất với quyền công dân.

Để tìm hiểu rõ hơn khái niệm quyền con người, quyền công dân và những điểm mới về quyền con người, quyền công dân trong Hiến pháp năm 2013 so với các bản Hiến pháp trước đây, trân trọng kính mời Quý bạn đọc tìm đọc bài viết "Quyền con người, quyền công dân - Những điểm mới của Hiến pháp năm 2013" của tác giả Hoàng Minh Hà đăng tải trên Tạp chí Dân chủ và Pháp luật số định kỳ (64 trang) tháng 5/2014.

Trích Nguồn Báo điện tử: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật