31/03/2015

Tác dụng lấy phiếu trưng cầu ý kiến của HSSV

Tác dụng, ý nghĩa, mục đích việc lấy phiếu trưng cầu ý kiến của HSSV đối với hoạt động giảng dạy của Giảng viên trong trường.

TÁC DỤNG CỦA VIỆC  LẤY Ý KIẾN PHẢN HỒI TỪ SINH VIÊN VỀ HOẠT ĐỘNG GIẢNG DẠY CỦA GIẢNG VIÊN

            Lấy ý kiến phản  hồi từ người học về hoạt động giảng dạy của giảng viên là chủ trương của Bộ Giáo dục –Đào tạo, đang được thực hiện rộng rãi tại các trường đại học và cao đẳng trên toàn quốc. Tại Trường Cao đẳng Kinh tế - Tài chính Thái Nguyên công tác này được chuẩn bị chu đáo và triển khai theo một lộ trình khoa học, trên tình thần dân chủ nhưng vẫn bảo đảm truyền thống tôn sư trọng đạo. Việc lấy ý kiến sinh viên sẽ được tiến hành mỗi học kỳ đối với các môn học đã kết thúc và đã công bố điểm. Các giảng viên được sinh viên góp ý sẽ được trực tiếp nghiên cứu thông tin để rút kinh nghiệm, cải tiến phương pháp và nội dung bài giảng của mình để nâng cao chất lượng giảng dạy.

Mục đích của hoạt động này được Bộ Giáo dục- Đào tạo xác định là

1. Góp phần thực hiện Quy chế dân chủ trong cơ sở giáo dục đại học; xây dựng đội ngũ giảng viên có phẩm chất đạo đức, lương tâm nghề nghiệp và trình độ chuyên môn cao, phương pháp và phong cách giảng dạy tiên tiến, hiện đại.

2. Tạo thêm kênh thông tin giúp giảng viên điều chỉnh hoạt động giảng dạy; nâng cao tinh thần trách nhiệm của giảng viên trong việc thực hiện mục tiêu đào tạo của cơ sở giáo dục đại học.

3. Tăng cường tinh thần trách nhiệm của người học với quyền lợi, nghĩa vụ học tập, rèn luyện của bản thân; tạo điều kiện để người học được phản ánh tâm tư, nguyện vọng, được thể hiện chính kiến về hoạt động giảng dạy của giảng viên.

             Trước khi triển khai việc lấy ý kiến phản hồi của sinh viên về phương pháp giảng dạy của giảng viên, Nhà trường  đã gặp khó khăn không ít từ sự phản ứng của đội ngũ giảng viên, khi cho rằng đây là việc làm ảnh hưởng đến uy tín của người thầy trên bục giảng, là không phù hợp với truyền thống tôn sư trọng đạo của Việt Nam. Một số người quan tâm đến tính hữu ích của vấn đề thì băn khoăn ở khía cạnh khác: Liệu đây có là dịp để những sinh viên học hành chưa tốt, bị điểm kém, bị phê bình, sẽ có cơ hội nói xấu thầy, đổ lỗi cho thầy?...Rất nhiều e ngại, thậm chí lo lắng, về một sự dân chủ quá mức có thể làm tổn hại những giá trị truyền thống đáng quý. Song, chỉ sau một thời gian, Nhà trường đều nhận ra rằng, một bộ phận giảng viên có phản ứng gay gắt đều do thiếu tự tin vào năng lực của chính mình, hoặc là tư duy còn nặng ở phương pháp giáo dục truyền thống “thầy đặt đâu, trò ngồi đấy”, chỉ có thầy cô giáo mới có quyền đánh giá sinh viên. Những giảng viên giỏi và tâm huyết thường muốn biết công sức, khả năng mà họ bỏ ra được sinh viên nhìn nhận ở mức độ như thế nào. Cho tới nay, đa số giảng viên của nhà trường đều đã theo guồng vận hành chung để cải thiện thực trạng dạy và học.Tuy nhiên việc tiến hành lấy ý kiến phản hồi của người học lại không đơn giản. Khó khăn lớn nhất vẫn là từ phía sinh viên. Ngay từ khi còn học ở phổ thông, các em vẫn quen với lối học thụ động, chưa biết làm chủ kiến thức, nhất nhất “một chữ cũng thầy, nửa chữ cũng thầy”, Thầy bảo sao,  trò nghe vậy. Một số học sinh bị thầy xếp vào hạng “vô lễ” chỉ vì dám tranh cãi về một chi tiết nào đó trong bài giảng của thầy. Một bộ phận sinh viên khác lại có thái độ học tập chây lười, chỉ thích được học với những thầy cô dễ dãi, dạy ít cho điểm cao. Có những sinh viên  lại ỷ vào cán bộ lớp, cho việc đánh giá của cá nhân mình không quan trọng nên đánh giá đại khái qua loa.

Với sự chuẩn bị chu đáo và có lộ trình khoa học, tại hội nghị Giảng viên, Ban giám hiệu nhà trường đã phổ biến chủ trương và lắng nghe ý kiến trao đổi cũng như những băn khoăn của giảng viên trong trường. Những lo lắng về khả năng vi phạm truyền thống tôn sư trọng đạo đã được đại diện Ban Giám hiệu giải tỏa bằng những giải thích về sự vận động và tính thích nghi của các giá trị văn hóa, cũng như sự biến đổi của chúng cho phù hợp với hoàn cảnh hiện tại, theo đòi hỏi nhu cầu khách quan của xã hội. Tôn sư trọng đạo ngày nay không bắt buộc rằng mọi lời của thày luôn phải là những “khuôn vàng thước ngọc” và sinh viên chỉ biết có vâng theo một cách thụ động. Người thầy ngày nay đóng vai trò người hướng dẫn, dẫn dắt và khuyến khích những ý tưởng cá nhân của học trò. Sinh viên ngày nay tích cực và mạnh dạn trình bày quan điểm riêng của mình tại các hội thảo khoa học; tham gia tranh luận sôi nổi trong các cuộc thảo luận. Những điều đó luôn được các thày tạo điều kiện phát triển, chứ không áp đặt các em nhất nhất phải theo các khuôn mẫu cứng nhắc đã được học.

Một số giảng viên băn khoăn rằng, những thầy giảng dạy nghiêm túc, đòi hỏi nghiêm khắc, cho điểm không “rộng tay” thì thường bị sinh viên không hài lòng, sẽ dễ bị các em nhận xét thiếu thiện chí. Điều này cũng đã được giải tỏa trong hội nghị. Bởi lẽ: Sinh viên đương nhiên không thích bị thầy cô cho điểm kém. Nhưng nếu những điểm kém đó là do lỗi từ phía sinh viên , còn thầy cô đánh giá theo thang điểm chính xác, theo các tiêu chí rõ ràng, công khai và công bằng với cả lớp, thì chắc chắn sinh viên sẽ phải “tâm phục khẩu phục”, không thể đổ lỗi cho thầy.

Tuy nhiên có thể có trường hợp thầy cô đánh giá khách quan và công bằng, nhưng quá chặt chẽ, khiến cho có tới cả một nửa lớp, hoặc 2/3, thậm chí cả 3/4 lớp bị điểm dưới trung bình, thì rõ ràng các thầy cô cần xem xét lại. Rất có thể nội dung môn học đã được thiết kế quá nặng so với chương trình; hoặc thầy cô đặt yêu cầu quá cao so với thực tế đầu vào của trường. Khi đó giảng viên cần thiết kế lại môn học cho phù hợp với thực lực sinh viên của trường.

Tóm lại, ý kiến phản hồi của sinh viên sẽ là một kênh thông tin tham khảo để giảng viên nhìn nhận lại quá trình giảng dạy của mình, và có những điều chỉnh (nếu cần) để nâng cao chất lượng bài giảng.

Với sự định hướng rõ ràng của Ban giám hiệu  và hướng dẫn chu đáo của phòng Khảo thí & ĐBCL, sau thời gian  hiện chủ trương của Bộ Giáo dục –Đào tạo, việc tiến hành lấy  ý kiến sinh viên về hoạt động giảng dạy của giảng viên nhà trường đã không còn nhận sự phản ứng gay gắt từ đội ngũ giảng viên  như những ngày đầu, mà còn minh chứng khá rõ ràng cho sự chuyển biến về chất. Trong quản lý chất lượng hiện đại, triết lý hướng đến khách hàng đang đóng vai trò chủ đạo. Từ chỗ xác định: Đánh giá chất lượng dịch vụ giáo dục qua ý kiến của khách hàng - trong đó khách hàng trọng tâm - người học là hết sức cần thiết; Ban giám hiệu nhà trường đã giao công việc lấy ý kiến phản hồi của người học cho Phòng khảo thí và đảm bảo chất lượng. Trong đợt khảo sát học kỳ II năm học 2013-2014 vừa qua, nhà trường đã tiến hành khảo sát ý kiến sinh viên về công tác giảng dạy của 147 giảng viên ở 7 khoa và giảng viên kiêm chức. Các bước được tiến hành như sau: Thông báo về kế hoạch thực hiện chung; Lập danh sách giảng viên, danh mục các môn học trong học kỳ, tổng số lớp học đối với mỗi môn học mà giảng viên đang giảng dạy; Xác định quy mô tối thiểu số người học tham gia đánh giá đối với mỗi môn học; Tổ chức để người học thực hiện trên phiếu; Thu phiếu, phân loại phiếu và xử lý số liệu thống kê; Sử dụng kết quả thống kê; Thực hiện chế độ lưu trữ. Nhằm bảo đảm cho hoạt động này không gây ảnh hưởng (nếu có) tới sinh viên, việc lấy ý kiến sinh viên sẽ được triển khai với những môn học đã hoàn thành và công bố điểm trên lớp. 

Nội dung phiếu khảo sát được xây dựng trên cơ sở thực tiễn của Trường và công văn hướng dẫn của Bộ giáo dục và đào tạo đã được Nhà trường phê duyệt.

Tính khách quan trong quy trình tổ chức đánh giá giảng viên của Trường Cao đẳng Kinh tế - Tài chính Thái Nguyên còn thể hiện ở việc, các lãnh đạo, cán bộ quản lý tham gia giảng dạy cũng được đánh giá tương tự như với giảng viên; Kết quả sau khi xử lý phiếu thăm dò sẽ được chuyển lên Ban giám hiệu nhà trường, phòng Tổ chức cán bộ và các khoa, đơn vị có giảng viên được đánh giá. Theo đó những giảng viên được sinh viên khen ngợi đánh giá tốt sẽ là những tấm gương để các thầy cô học tập. Những giảng viên được sinh viên góp ý sẽ giúp kinh nghiệm, cải tiến phương pháp và nội dung bài giảng của mình để nâng cao chất lượng giảng dạy. Những hoạt động này sẽ trở thành những hoạt động dân chủ thường xuyên, giúp nhà trường có thêm thông tin tham khảo để đánh giá chính xác hơn chất lượng đào tạo của mình, ngày càng hoàn thiện nội dung và chương trình đào tạo, củng cố thương hiệu để đáp ứng tốt hơn yêu cầu ngày càng tăng cao của xã hội.

Tóm lại công tác lấy ý kiến phản hồi từ sinh viên về hoạt động giảng dạy của giảng viên là một kênh thông tin tham khảo quan trọng để giảng viên nhìn nhận lại quá trình giảng dạy của mình và có những điều chỉnh phù hợp để cải tiến phương pháp và nội dung bài giảng để nâng cao chất lượng giảng dạy. Bên cạnh đó hoạt động này còn giúp tăng cường tinh thần trách nhiệm của người học với quyền lợi, nghĩa vụ học tập , rèn luyện của bản thân. Tạo điều kiện để người học phản ánh tâm tư, nguyện vọng, được thể hiện chính kiến về hoạt động giảng dạy của giảng viên.