21/03/2021

Tăng cường gắn kết với doanh nghiệp trong công tác đào tạo HSSV ngành Kế Toán

TĂNG CƯỜNG GẮN KẾT VỚI DOANH NGHIỆP TRONG CÔNG TÁC

ĐÀO TẠO HỌC SINH SINH VIÊN NGÀNH KẾ TOÁN

TRƯỜNG CAO ĐẲNG KINH TẾ TÀI CHÍNH – THÁI NGUYÊN

Th.S. Nguyễn Thị Thanh Mai – Khoa Kế toán

1. Đặt vấn đề

Việt Nam đang trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế một cách sâu rộng đem đến cho Việt Nam sự tự do thương mại, tự do chuyển dịch lao động trong khu vực… Đứng trước xu hướng này, nguồn nhân lực các ngành nghề nói chung và nhân lực ngành Kế toán nói riêng tại Việt Nam đang phải đối mặt với không ít thách thức. Để đáp ứng nguồn nhân lực kế toán cho thị trường lao động thời kỳ hội nhập, đòi hỏi Việt Nam cần phải hướng đến đội ngũ nhân lực kế toán có chuyên môn tốt, có kinh nghiệm, có kỹ năng cần thiết và và thích ứng được với môi trường làm việc. Tăng cường gắn kết với Doanh nghiệp trong công tác đào tạo được xem là yêu cầu quan trọng của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nói chung và trường Cao đẳng Kinh tế - Tài chính Thái Nguyên nói riêng.

2. Thực trạng của việc gắn kết với Doanh nghiệp trong công tác đào tạo HSSV ngành Kế toán trường Cao đẳng Kinh tế - Tài chính Thái Nguyên

Các Doanh nghiệp khi sử dụng nguồn nhân lực mới ra trường thường là thiếu kinh nghiệm thực tế phải mất một thời gian tiếp cận và đào tạo thêm ở môi trường của Doanh nghiệp mới có thể nắm bắt và đáp ứng những yêu cầu đòi hỏi của công việc. Với thời lượng học tập nhất định, người học chỉ mới nhận những kiến thức, nền tảng cơ sở về chuyên môn, nếu thời lượng thực hành, thực tập không nhiều và không kịp với những thay đổi bên ngoài thì khoảng cách với thực tế là rất lớn. Nhận thấy được điều đó, thời gian qua, Khoa Kế toán đã chủ động kết nối với một số doanh nghiệp, nhà tuyển dụng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên để liên hệ cho các em HSSV được thực tập thực tế và tìm cơ hội việc làm. Hiện Khoa đã kết nối được với một số doanh nghiệp như Công ty TNHH SX Cơ khí và Thương mại Phú Thành, Công ty cổ phần Hải Hiền Thái Nguyên, Doanh nghiệp tư nhân Hà Xuyến, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Hoàng Kim… Qua quá trình làm việc với các Doanh nghiệp, Khoa đã thu được nhiều kết quả khả quan. Cụ thể như sau:

Giới thiệu việc làm cho HSSV: Bước đầu Khoa Kế toán đã giới thiệu các vị trí việc làm tại các Doanh nghiệp mà Khoa đã kết nối để mở rộng đầu ra cho các em sau khi tốt nghiệp. Khoa cũng đã tổ chức các buổi tư vấn, tuyển sinh, hướng nghiệp, kết nối việc làm với mục tiêu mang đến cho HSSV nhiều hơn cơ hội được trải nghiệm thực hành, thực tập, rút ngắn khoảng cách với các cơ sở sử dụng lao động.

Nội dung thực hành gắn liền với thực tế của Doanh nghiệp: Các nội dung thực hành, thực tập được xây dựng trên phòng kế toán ảo dựa vào mô hình thực tế tại Doanh nghiệp. Các giảng viên đã chủ động lên kế hoạch và giảng dạy một cách đầy đủ, bài bản.

                         Sinh viên được Khoa giới thiệu việc làm tại Công ty TNHH SX Cơ khí và Thương mại Phú Thành

 

Tăng cường công tác nghiên cứu thực tế cho giảng viên: Vào đầu mỗi năm học, theo chủ trương của Nhà trường, 100% giảng viên của Khoa đã đăng ký kế hoạch thực tập tại cơ sở ít nhất 4 tuần để cập nhật, nâng cao kỹ năng thực hành. Trong quá trình thực tập tại các Doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, các giảng viên đã được tiếp cận với các bộ chứng từ, sổ sách kế toán thực tế và sử dụng các phần mềm kế toán khác nhau, việc này đã góp phần giúp giảng viên nâng cao kiến thức thực tế vận dụng vào công tác giảng dạy, bên cạnh đó còn tăng mối gắn kết với các Doanh nghiệp, tìm kiếm cơ hội tuyển dụng cho HSSV và giới thiệu nguồn nhân lực tiềm năng cho Doanh nghiệp.

Tích cực chủ động đổi mới chương trình đào tạo: Trong quá trình xây dựng Chương trình đào tạo ngành Kế toán, Nhà trường đã mời sự tham gia đóng góp ý kiến của các Doanh nghiệp. Qua đó, Nhà trường đã tiếp cận được những thông tin, lắng nghe được yêu cầu của nhà tuyển dụng, từ đó kịp thời cải tiến, đổi mới chương trình, điều chỉnh phương pháp và hình thức đào tạo cho phù hợp với yêu cầu mà các doanh nghiệp đặt ra đối với người học.

Những khó khăn trong việc gắn kết với Doanh nghiệp trong công tác đào tạo HSSV ngành Kế toán:

Khoa Kế toán đã xây dựng được mối quan hệ với các Doanh nghiệp, nhưng phần lớn sự hợp tác giữa Khoa với Doanh nghiệp vẫn mang tính nhỏ lẻ. Sự tham gia của Doanh nghiệp vào hoạt động dạy nghề còn hạn chế; chưa có cơ chế, chính sách thu hút Doanh nghiệp tham gia đào tạo. Bên cạnh đó, vấn đề về thời gian, thủ tục hành chính, kinh phí cũng là khó khăn, thách thức cho Khoa khi tiếp cận Doanh nghiệp để thuyết phục Doanh nghiệp hợp tác.

Nguyên nhân dẫn đến sự gắn kết với doanh nghiệp trong công tác đào tạo chưa thật sự hiệu quả do trong thời gian qua việc hợp tác với Doanh nghiệp còn chưa có chiều sâu. Khoa Kế toán mới chỉ dừng lại ở việc kết nối HSSV với Doanh nghiệp, giới thiệu việc làm cho các em và giúp Doanh nghiệp về lĩnh vực chuyên môn, cũng như hỗ trợ các em trong quá trình làm việc tại Doanh nghiệp. Nhiều đơn vị sử dụng lao động, doanh nghiệp nói riêng, đã chỉ ra những tồn tại của HSSV sau tốt nghiệp về khả năng hợp tác, kĩ năng làm việc nhóm, khả năng sử dụng ngoại ngữ cũng như những thiếu sót về nghiệp vụ, kiến thức thực tiễn công việc của HSSV khi tuyển dụng.

Nhà trường chưa có chính sách cụ thể để phát triển và duy trì mối gắn kết giữa Nhà trường và Doanh nghiệp. Thiếu sự kết nối giữa Nhà trường và Doanh nghiệp cũng là một nguyên nhân khiến cho mối gắn kết giữa hai bên còn lỏng lẻo, chưa chặt chẽ. Bên cạnh đó, đối tượng học sinh của Nhà trường đa số các em còn trong độ tuổi phổ thông, sống xa nhà, không có phương tiện nên việc đi lại đến các Doanh nghiệp là một trở ngại khá lớn.

3. Một số giải pháp để tăng cường việc gắn kết với Doanh nghiệp trong công tác đào tạo HSSV ngành Kế toán trường Cao đẳng Kinh tế - Tài chính Thái Nguyên

Thứ nhất, đổi mới và tăng cường công tác quản lý của Nhà trường trong việc xây dựng mối gắn kết bền vững giữa Nhà trường và Doanh nghiệp. Nhà trường cần có chính sách, cơ chế phối hợp chặt chẽ để thúc đẩy sự kết hợp giữa Khoa Kế toán và Doanh nghiệp, quy định rõ trách nhiệm và quyền lợi của hai bên. Bên cạnh đó, Nhà trường cũng nghiên cứu thêm các chính sách hỗ trợ HSSV trong quá trình thực tế tại Doanh nghiệp.

Thứ hai, tăng cường hơn về mối quan hệ giữa Nhà trường với các Doanh nghiệp có cựu sinh viên của Nhà trường làm việc. Nhà trường nên tạo cơ chế để những cựu sinh viên đang làm việc tại Doanh nghiệp liên hệ thường xuyên với Khoa, có thể tổ chức những buổi hội thảo trao đổi kinh nghiệm giữa lý thuyết với thực tiễn. Đây là cầu nối vững chắc giữa Khoa và Doanh nghiệp, rất hiệu quả, rất thiết thực. Qua sự liên kết này, Khoa sẽ cải tiến chương trình đào tạo theo từng thời điểm sao cho phù hợp với nhu cầu của Doanh nghiệp.

Thứ ba, nghiên cứu nội dung các nghiệp vụ kinh tế phát sinh thực tế tại Doanh nghiệp. Hoạt động này giúp Khoa nắm bắt nhu cầu và các góp ý của doanh nghiệp về chương trình, nội dung đào tạo. Từ đó cập nhật, bổ sung các nội dung nghiệp vụ mới từ phía doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Khoa cũng phải tìm hiểu và triển khai sâu rộng tới cán bộ giảng viên và HSSV các phương pháp quản lý từ Doanh nghiệp để HSSV nắm được như một thói quen, khi các em tốt nghiệp có thể nhanh chóng thích ứng môi trường làm việc.

Nhà trường cũng nên tăng cường xây dựng mối quan hệ giữa Nhà trường và các Hiệp hội Doanh nghiệp như Hội Doanh nhân trẻ, Hội Nữ doanh nhân, các hiệp hội ngành nghề…, một mặt Nhà trường đẩy mạnh quảng bá các sản phẩm khoa học của cán bộ giảng viên trong trường đến Doanh nghiệp. Mặt khác, các Doanh nghiệp có thể xác định nhu cầu và đặt hàng với Nhà trường về những yêu cầu trong đào tạo nhân lực. Bên cạnh đó, Khoa Kế toán hiện nay mới chỉ liên kết được với các Doanh nghiệp trong địa bàn tỉnh Thái Nguyên, việc tham gia vào các Hiệp Hội sẽ giúp Khoa có có cơ hội mở rộng mối quan hệ với nhiều Doanh nghiệp ngoài tỉnh.

Thứ tư, tổ chức thăm quan, thực hành thực tập tại doanh nghiệp cho giảng viên và HSSV. Mục đích của hoạt động này là để giúp các em HSSV được tham gia trực tiếp vào chu trình sản xuất, kinh doanh của đơn vị nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng, rèn luyện ý thức, tác phong công nghiệp, ngoài ra doanh nghiệp có thể tuyển chọn được nhân sự giỏi ngay trong quá trình HSSV thực tập.

Thứ năm, phối hợp với Doanh nghiệp tổ chức các chương trình tuyển dụng nhân sự. Hoạt động này sẽ đem lại cho HSSV những thông tin thời cuộc trực tiếp và chính xác, được gặp gỡ, tiếp xúc, tham gia phỏng vấn, ứng tuyển vào các Doanh nghiệp, từ đó tìm được việc làm phù hợp ngay khi tốt nghiệp. Bên cạnh đó, Khoa Kế toán cũng có các giảng viên đã và đang làm kế toán cho các Doanh nghiệp sẽ liên kết với các Doanh nghiệp để cho các em được làm thực tế và giới thiệu việc làm cho các em sau khi ra trường.

Thứ sáu, tổ chức các buổi trao đổi chuyên đề, hội thảo định hướng nghề nghiệp, bồi dưỡng kỹ năng mềm, đẩy mạnh sáng tạo và khởi nghiệp cho HSSV có sự tham gia của các Doanh nghiệp, nhà tuyển dụng vào quá trình xây dựng chương trình đào tạo cũng như trực tiếp truyền dạy kỹ năng tay nghề cho HSSV. Doanh nghiệp chia sẻ các kiến thức, kỹ năng mà nhà tuyển dụng yêu cầu đối với các ứng viên tương lai giúp HSSV hiểu hơn về nghề nghiệp, có được phương pháp học tập và động lực phấn đấu.

Ngoài ra, Nhà trường có thể mời các nhà quản lý Doanh nghiệp có uy tín tham gia hội đồng nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học ở những lĩnh vực có liên quan để tăng cường sự tham gia của Doanh nghiệp vào quá trình đánh giá kết quả nghiên cứu ứng dụng của Nhà trường.

Thứ bảy, phối hợp với doanh nghiệp xây dựng và triển khai chương trình đào tạo trước tuyển dụng. Hai bên sẽ phối hợp lựa chọn và đào tạo sinh viên trên cơ sở bổ sung kiến thức và kỹ năng thực tế của doanh nghiệp vào chương trình đào tạo. HSSV sẽ đáp ứng được yêu cầu công việc ngay khi tốt nghiệp, Doanh nghiệp tuyển được nguồn nhân lực chất lượng cao mà không phải đào tạo lại.

Thứ tám, phối hợp cùng thiết kế chương trình đào tạo, tổ chức đào tạo ngắn hạn theo yêu cầu doanh nghiệp. Trên thực tế có rất nhiều nhân viên Kế toán làm việc ở các Doanh nghiệp nhưng chưa được đào tạo bài bản có nhu cầu học những lớp ngắn hạn để nâng cao trình độ chuyên môn. Đây chính là cơ hội giúp giảng viên Nhà trường cọ sát với thực tế, tiếp cận thực tế, nâng cao năng lực xây dựng chương trình đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp, đồng thời góp phần cải tiến nội dung đào tạo sát với thực tiễn.

3. Kết luận

Có thể nói, gắn kết với Doanh nghiệp trong công tác đào tạo HSSV ngành kế toán được coi là một trong các giải pháp trọng tâm để đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp của Khoa Kế toán. Vì vậy, để đào tạo nghề cho HSSV không thể chỉ trông vào nỗ lực của Nhà trường mà rất cần sự vào cuộc tham gia của các Doanh nghiệp, có thể coi đây là một mắt xích quan trọng. Việc Doanh nghiệp hợp tác với Nhà trường giúp mở ra cơ hội cho HSSV có cơ hội được tiếp cận công nghệ, thực hành tay nghề với những kiến thức được tiếp thu. Vì vậy, xây dựng và củng cố mối gắn kết bền vững giữa Nhà trường và Doanh nghiệp trong việc phát triển nguôn nhân lực là yêu cầu cấp bách, là nhiệm vụ bắt buộc và là đòi hỏi của xã hội. Nhà trường và Doanh nghiệp cần phải có những giải pháp đồng bộ và tối ưu nhằm xây dựng và phát triển mối gắn kết bền vững này.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Đức Vượng, Thực trạng và giải pháp phát triển nhân lực VN. Kỷ yếu Hội thảo quốc tế cùng doanh nghiệp vượt qua thử thách – Quản lý đôi mới và sáng tạo trong doanh nghiệp vừa và nhỏ (ICECH 2014).

2. Nguyễn Minh Phong, “Hợp tác giữa các trường đại học và doanh nghiệp – Góc nhìn từ  người trong cuộc”, Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế- xã hội Hà Nội.

3. Trần Văn Quyền, “Mô hình hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp trong nghiên cứu khoa học, đào tạo và sử dụng nhân lực nhằm nâng cao năng lực tiếp cận thực tế”, Hội thảo khoa học trường Đại học Lạc Hồng, 2019.        

 

TÓM TẮT BÀI VIẾT

Trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0, yếu tố cốt lõi của việc xây dựng hệ thống giáo dục đó là đào tạo gắn liền với yêu cầu thực tiễn, đào tạo đáp ứng tốt hơn nhu cầu của xã hội. Phát triển mô hình đào tạo gắn kết giữa cơ sở giáo dục (Nhà trường) với Doanh nghiệp được xem là yêu cầu quan trọng được đặt ra. Trên cơ sở nghiên cứu sự gắn kết với Doanh nghiệp trong công tác đào tạo HSSV ngành Kế toán trường Cao đẳng Kinh tế - Tài chính Thái Nguyên, từ đó đề xuất một số giải pháp nhằm tăng cường hơn nữa mối quan hệ, gắn kết giữa Nhà trường và Doanh nghiệp để đào tạo nâng cao kỹ năng nghề cho HSSV nói chung và ngành kế toán nói riêng, nhằm đảm bảo HSSV ra trường đáp ứng yêu cầu của đơn vị tuyển dụng cũng như yêu cầu của sự phát triển kinh tế - xã hội và giải quyết việc làm.

 

                                      STRENGTHENING THE LINK BETWEEN ENTERPRISE

   AND THAI NGUYEN COLLEGE OF ECONOMICS AND FINANCE IN TRAINING ACCOUNTING STUDENTS

 

                                                                                              Nguyen Thi Thanh Mai

                                                                                               Accounting Faculty

Summary

In the context of Industrial Revolution 4.0, the core element of building an education system is training associated with practical demands to meet the needs of the society. Developing a training model linking educational institutions with enterprises is considered as an important requirement. Based on the research on the connection with enterprises in the training of accounting students at Thai Nguyen College of Economics and Finance, a number of solutions are proposed to further strengthen the relationship and link between the College and enterprises to improve vocational skills for students in general and the accounting students in particular to ensure that after graduating, students can meet requirements of the recruitment agency as well as requirements of economic and social development and job creation