17/12/2022

Tham luận Công tác chuyển đổi số Trường Cao đẳng Thái Nguyên

1. Tổng quan về Chuyển đổi số Trường Cao đẳng Thái Nguyên

Ngày nay chúng ta đã và đang sống và làm việc trong thời đại bùng nổ cuộc cách mạng 4.0 thời đại công nghệ số. Trong bối cảnh chuyển đổi số của nước nhà, đã và đang tiếp tục xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, ngày 07/3/2019 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/ 2019 về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển chính phủ điện tử giai đoạn 2019 – 2020, định hướng 2025 khẳng định: “Hoàn thiện nền tảng chính phủ điện tử nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước và chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp, phát triển chính phủ điện tử dựa trên dữ liệu và dữ liệu mở hướng tới chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số; bảo đảm an toàn thông tin và an ninh mạng”.

Ngày 31/12/2020 Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên đã ban hành Nghị quyết số 01-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên về Chương trình chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030;

Ngày 20/04/2021ban hành kế hoạch 80/KH-UBND của UNND Tỉnh Thái Nguyên về việc thực hiện Chương trình Chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030;

Như vậy việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chuyển đổi số nói chung và tại Trường Cao đẳng Thái Nguyên nói riêng nhằm nâng cao chất lượng quản trị nhà trường, số hóa và qui trình hóa các công tác quản lý trong giáo dục và đào tạo là một xu thế phù hợp với yêu cầu khách quan của thời đại mới, thời đại của khoa học và công nghệ.

Trường Cao đẳng Thái Nguyên đã và đang từng bước thực hiện việc chuyển đổi số trong quản trị, quản lý nhà trường, kết quả đạt được rất khả quan, năm 2022 nhà trường đã thực hiện thành công việc liên thông văn bản lên trục liên thông văn bản của tỉnh Thái Nguyên, trục liên thông văn bản Quốc gia. Thiết lập và xây dựng thành công Hệ thống học tập trực tuyến  MS Teams trên nền tảng Microsoft cho gần 3000 học sinh, sinh viên và hơn 300 cán bộ, giảng viên với gần 100 lớp học, thiết lập nền tảng đồng bộ hệ thống thư điện tử và các dịch vụ công nghệ thông tin nhằm phục vụ công tác chuyển đổi số.

 Xây dựng thành công và đưa vào hoạt động Hệ thống Quản lý văn bản nội bộ; Phân hệ Quản lý cơ sở vật chất; Phân hệ Quản lý học sinh, sinh viên; hệ thống thư điện tử với tên miền riêng tnc.edu.vn cho toàn bộ công chức, viên chức, người lao động và học sinh, sinh viên của nhà trường. Đây là đầu mối quan trọng để phát triển ứng dụng phục vụ công tác chuyển đổi số của nhà trường.

Bên cạnh những thành công bước đầu về công tác chuyển đổi số thì Trường Cao đẳng Thái Nguyên cũng gặp rất nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, máy móc, thiết bị máy tính chưa đồng bộ, cấu hình thấp, đường truyền Internet có dung lượng nhỏ, bố trí phân tán độc lập, hệ thống mạng LAN chưa được thiết lập tại cơ sở 1 (đang kết nối chia sẻ LAN riêng lẻ theo từng đơn vị).

Hệ thống thông tin, dữ liệu được lưu trữ riêng lẻ, độc lập theo các đơn vị trong nhà trường, chưa thực hiện việc chuẩn hóa dữ liệu, kiểu lưu trữ dữ liệu và dữ liệu chưa được chia sẻ theo chức năng để dùng chung trong toàn nhà trường.

2. Giải pháp trong chuyển đổi số Trường Cao đẳng Thái Nguyên

- Cần sự vào cuộc đồng bộ của tất cả các đơn vị, cá nhân và học sinh, sinh viên trong nhà trường.

- Cần sự quan tâm, động viên và chỉ đạo cụ thể, chi tiết từ Ban gám hiệu, từ các lãnh đạo các đơn vị.

- Lựa chọn phù hợp các giải pháp đồng bộ dữ liệu dùng chung, phân quyền lưu trữ và khai thác dữ liệu một cách khoa học, tập trung. 

 - Cần có các văn bản hướng dẫn và qui định trong công tác chuyển đổi số cụ thể cho từng công việc, từng đơn vị.

- Chuẩn hóa hệ thống dữ liệu các danh mục dùng chung trong nhà trường.

- Cần sự kết nối và chia sẻ dữ liệu trong nền tảng số giữa các đơn vị.

- Nghiên cứu ứng dụng các nền tảng và giải pháp hữu dụng về an toàn thông tin, bảo mật dữ liệu.

- Cần tập huấn nâng cao kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin trong công tác chuyển đổi số cho cán bộ giảng viên trong nhà trường.

3. Đề xuất phương thức thực hiện công tác chuyển đổi số tại Trường Cao đẳng Thái Nguyên

- Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin để xây dựng, sử dụng dữ liệu lớn, tập trung từ nguồn cơ sở dữ liệu hoạt động của các khoa, phòng, trung tâm trong nhà trường.

- Khai thác thế mạnh của công nghệ thông tin trong việc khai thác thế mạnh của mạng internet. Thực hiện việc triển khai tài liệu số hóa và khai thác trên không gian mạng đã và đang là xu thế tất yếu.

- Cần có sự quan tâm chỉ đạo của Đảng ủy, Ban giám hiệu, lãnh đạo các đơn vị nhà trường trong công tác chuyển đổi số, mong muốn mỗi cán bộ quản lý, giảng viên trong nhà trường luôn tích cực góp phần vào việc số hóa tài liệu, tăng cường lưu trữ điện tử, lưu trữ đám mây.

- Đẩy mạnh phát triển Thư viện số, nghiên cứu, phát triển và thực hiện hiệu quả công tác giáo dục kết hợp, phát huy tính tự chủ, tự học của người học.

- Xây dựng hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị, hệ thống mạng Internet và giải pháp công nghệ để triển khai thực hiện đồng bộ tại Nhà trường

- Xây dựng và cấp kinh phí để nghiên cứu và thực hiện thiết kế các phân hệ phần mềm cho công tác chuyển đổi số của Nhà trường.

Trường Cao đẳng Thái Nguyên là một cơ sở giáo dục, đào tạo nghề của Tỉnh Thái Nguyên cũng không đứng ngoài nhiệm vụ chuyển đổi số cho ngành giáo dục của Tỉnh. Hiện nay Trường Cao đẳng Thái Nguyên đã từng bước thực hiện việc chuyển đổi số và đã thu được kết quả khả quan.

ThS. Đỗ Hoàng Hải - TRUNG TÂM THÔNG TIN - THƯ VIỆN