17/01/2013

(Theo báo Lao Động) Nên tạm hoãn thực hiện thông tư 55 trong đào tạo liên thông?

Cả tuần nay, không chỉ những sinh viên đang học hệ đào tạo liên thông mà cả bậc phụ huynh cũng "nháo nhào" khi báo chí nói về Thông tư 55 của Bộ GDĐT, với những quy định “siết” đầu ra của hệ đào tạo này.
Trong khi người dân cần miếng cơm manh áo vẫn đang cố nuôi mình bằng việc chắt góp để mong con mình có tấm bằng đại học để công ăn việc làm ổn định. Những con người chạy chọt để lấy bằng đại học là 1 lẽ nhưng trong đó Có những con người đáng để mình khâm phục bằng con đường học liên thông! Đại học không phải là con đường duy nhất nhưng có ai tuyển dụng người không có bằng đại học? – Đây là một thực tế mà bạn đọc có địa chỉ email Hoasaobang_hml[a]@yahoo.com cũng như nhiều bạn đọc khác đã lên tiếng về quy định mới về đào tạo liên thông của Bộ Giáo dục Đào tạo.

Trước tình hình này, nhiều bạn đọc đã bày tỏ mong muốn Bộ GDĐT tạm hoãn thực hiện thông tư 55 đối với đào tạo liên thông.

Bạn đọc Đức Anh (a_luganoswitz[a]@yahoo.com.vn) kiến nghị: Trước tình hình này tôi xin 1 lần nữa đưa ra kiến nghị để Bộ GDĐT suy xét: Trường hợp 1: Tạm hoãn thực hiện thông tư 55 cho đến khi khóa SV cao đẳng nhập học năm 2012 ra trường và thi liên thông (2016). Trường hợp 2: Tổ chức kỳ thi liên thông quốc gia với các nhóm ngành, thi môn chuyên ngành do Bộ ra đề. Theo tôi, đây là phương án khả thi nhất, vừa đảm bảo quyền lợi người học vừa thể hiện sự tiên tiến trong phương pháp tuyển sinh, đảm bảo đầu vào. Thời điểm thực hiện 2014. Mong quý Bộ xem xét kỹ vì thế hệ tương lai nước nhà và cũng vì chính uy tín của bộ.

Đồng quan điểm trên, bạn đọc Tuấn (phong_tran78[a]@yahoo.com) phản hồi: “Tôi cũng nghĩ Bộ GD nên tạm hoãn để SV khóa 2012 ra trương. Nhiều em SV cao đẳng tôi quen đang rất lo lắng trước thông tư mới của bộ và một số em đã quyết định nghỉ học ôn thi lại. Thật sự quá lãng phí thời gian và tiền bạc của các em ấy”.

Vào thời buổi cơ chế thị trường cán cân “thầy-thợ” đã bị ngành GDĐT làm nghiêng lệch. Nhưng đã đến thời kỳ của công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì “thợ” đôi khi lại cần hơn cả “thầy”. Ai cũng nhìn thấy Bộ GDĐT “siết” đầu vào, “chỉnh” liên thông là cần thiết và dù muộn vẫn còn hơn. Thông tư 55 của bộ cũng không “quên” quyền lợi của người đang theo học hệ đào tạo này (Điều 22 - quy định ban hành kèm theo Thông tư 55).