17/04/2013

Thị trường chứng khoán - Thị trường của thông tin và lòng tin

Trên thế giới, thị trường chứng khoán được ra đời cách đây hơn 200 năm, đánh dấu bởi thỏa thuận Buttonwood thành lập thị trường chứng khoán New York (NYSE), được ký kết bởi 24 nhà môi giới (brocker) và thương gia (merchant) ngày 17/5/1972 tại phố Wall. Từ hình thức thủ công ban đầu là các thương gia gặp nhau hàng ngày tại phố Wall để giao dịch cổ phiếu và trái phiếu...

   Đến nay, với sự xuất hiện của các công ty chứng khoán và sự phát triển của công nghệ thông tin, nhà đầu tư có thể ở bất cứ đâu trên thế giới vẫn có thể theo dõi và ra quyết định đầu tư vào các mã chứng khoán quan tâm. Thị trường chứng khoán đã phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ, hiện tại hầu hết các quốc gia trên thế giới đều có thị trường chứng khoán. Thị trường này đã nhanh chóng trở thành một kênh huy động vốn chính thức và thiết yếu của doanh nghiệp.

Tại Việt Nam, thị trường chứng khoán ra đời muộn hơn rất nhiều, ngày 28/7/2000, phiên giao dịch đầu tiên mới được thực hiện. Đến nay, thị trường đã có 13 năm tồn tại, tuy nhiên, đó cũng là cả một quá trình phát triển với nhiều thăng trầm. Nhiều nhà đầu tư kiếm được trở thành đại gia, thành tỷ phú từ thị trường chứng khoán, nhưng cũng có không ít các nhà đầu tư khuynh gia bại sản, vướng vào vòng pháp lý. Vậy nguyên nhân là từ đâu?

Thị trường chứng khoán là tấm gương phản ánh tức thì và nhanh nhạy nhất đối với các biến động của nền kinh tế, độ nhạy của các chính sách vĩ mô cũng như vi mô. Trong thời đại ngày nay, thông tin chính là sức mạnh, là của cải, tiền bạc cho người biết sử dụng thông tin. Trên thị trường chứng khoán có rất nhiều loại thông tin: thông tin thực và ảo. Việc phân tích và sử dụng thông tin như thế nào sẽ chỉ ra bạn là nhà đầu tư thông thái hay chỉ là một nhà đầu tư nghiệp dư. Đối với các thị trường phát triển và chuyên nghiệp, các nhà đầu tư nhỏ lẻ sẽ ít khi trực tiếp tham gia vào thị trường, vì họ làm việc trong nhiều lĩnh vực khác, có tiền nhàn rỗi nhưng không đủ thời gian để lúc nào cũng theo dõi thị trường và thông tin thị trường. Họ có cách làm thông minh hơn là ủy thác số tiền vào một quỹ đầu tư, ở đó có những người dành toàn bộ thời gian cho việc nghiên cứu và phân tích về các thông tin thị trường và đưa ra quyết định đúng đắn.

Nếu ai quan tâm và theo dõi biến động của thị trường chứng khoán sẽ thấy ngay việc thông tin ảnh hưởng như thế nào tới thị trường. Đối với các nước có nền kinh tế phát triển, sự minh bạch thông tin là khá cao do họ đã có thời gian phát triển và minh bạch hóa thị trường. Mặt khác, các công ty chứng khoán và những nhà môi giới chuyên nghiệp luôn có cách tiếp cận thông tin và kiểm tra tính chính xác của thông tin trước khi ra quyết định đầu tư. Tuy nhiên, cùng là thông một thông tin, nhưng việc đánh giá, phân tích thông tin lại mang tính chủ quan và quyết định sự thành bại của việc đầu tư. Điều đó tạo ra sự khác biệt giữa nhà đầu tư tài năng như Warren Buffet, Peter Lynch hay George Soros,…và những người còn lại.

Song chính yếu tố thông tin lại tạo ra một hiệu ứng mạnh hơn, đó là niềm tin đối với thị trường. Nổi bật nhất gần đây là mức giảm giá kỷ lục của chỉ số Công nghiệp Dow Jones của Mỹ, giảm hơn 700 điểm trong một phiên khi Nghị viện nước này không thông qua gói cứu trợ (TARP) vốn được các nhà đầu tư kỳ vọng sẽ mang lại sự giải cứu cho thị trường và thông tin một trong những ngân hàng lớn nhất của Mỹ là Lehman Brothers tuyên bố phá sản. Từ năm 2008, cả thế giới lâm vào khủng hoảng kinh tế do nợ công, do sự đổ vỡ của bong bóng bất động sản, hoạt động yếu kém của các ngân hàng đầu tư và thương mại,… thì thị trường lại càng nhạy cảm với các thông tin kinh tế, các động thái của các chính phủ trong việc giải cứu nền kinh tế. Cứ mỗi lần Standard and Poor’s, Moody’s và Fitch hạ thấp xếp hạng tín nhiệm của quốc gia nào đó, thì không chỉ bản thân thị trường chứng khoán quốc gia đó có đợt điều chỉnh mạnh mà hầu hết các thị trường liên quan đều có điều chỉnh. Lý do rất đơn giản, chúng ta đang sống trong một thế giới có mối liên kết toàn cầu và mức độ ảnh hưởng lẫn nhau rất cao. Hầu như các nước đều đầu tư vốn và tài sản vào nước khác, đều trở thành chủ nợ hoặc con nợ của nước khác.

Ở Việt Nam, thị trường chứng khoán còn non trẻ, cơ quan quản lý đã nỗ lực để yêu cầu minh bạch hóa thông tin, nhưng thông tin không phải lúc nào cũng rõ ràng. Tuy nhà nước đã có nhiều biện pháp liên quan tới vấn đề yêu cầu các doanh nghiệp niêm yết phải công bố thông tin, nhưng do các hình thức phạt quá nhẹ và phần đa là hành chính nên việc vi phạm công bố thông tin diễn ra thường xuyên và phổ biến vì với việc không công bố này, bản thân những người liên quan có thể kiếm lời lớn gấp trăm, gấp ngàn lần số tiền phạt phải nộp. Các doanh nghiệp Việt Nam lại luôn có kiểu làm đẹp số liệu, dù cho số liệu được kiểm toán nhưng độ tin cậy của các thông tin công bố cũng không cao. Hơn nữa, nhà đầu tư nhỏ lẻ ở Việt Nam lại thiếu tính chuyên nghiệp, phần đa là tự đầu tư cho dù hiểu biết về thị trường hạn chế, thông tin mù mờ. Điều này dẫn đến tình trạng nhiều người đầu tư bằng lòng tin: tin vào bạn bè, người thân, tin vào chuyên gia tư vấn của mình mà không biết cách hoặc không có cách kiểm chứng độ chính xác của thông tin. Chính vì vậy, các thông tin chính thống được công bố lại không có giá trị bằng những thông tin “vỉa hè”, mà họ coi là loại tin mật, đáng giá. Đây chính là cơ hội tốt cho các đối tượng đầu cơ tung tin làm nhiễu loạn thị trường.

Với tiềm lực tài chính tương đối, việc “làm giá cổ phiếu” đối với các nhà đầu tư hoàn toàn không khó. Trường hợp thứ nhất là dựa vào việc biết trước thông tin: Chỉ cần có trong tay vài chục tỷ, có mối quan hệ với chân rết bên trong một doanh nghiệp, biết được doanh nghiệp đó sắp có thương vụ tốt, các nhà đầu tư có thông tin sẽ đi trước đón đầu mua gom cổ phiếu, cùng với việc dùng đòn bẩy tài chính mà các công ty chứng khoán cấp cho nhà đầu tư làm tăng thêm năng lực tài chính cho nhà đầu tư. Với số vốn tương đối này, hoạt động thu gom cổ phiếu khôn khéo của các nhà đầu tư đẩy cổ phiếu đó lên giá liên tục trong nhiều phiên. Điều này đã thu hút sự chú ý và làm theo của một số nhà đầu tư khác (chỉ do tin rằng chắc chắn có tin tốt nên giá mới tăng và cứ đầu tư sẽ có lãi). Sau đó, khi thông tin về thương vụ kia chính thức được công bố, các nhà đầu tư nhỏ lẻ thấu hiểu nguyên nhân mới lao vào đầu tư. Lúc này các nhà đầu cơ âm thầm rút khỏi thị trường. Hệ quả là với nguồn cung khá dồi dào ở mức giá thấp, giá cổ phiếu lao đầu đi xuống. Người chịu thiệt thòi cuối cùng chính là các nhà đầu tư nhỏ lẻ, kém nhanh nhạy về thông tin và không biết cắt lỗ kịp thời. Trường hợp khác là “biến không thành có”: Việc làm giá này chủ yếu diễn ra ở các mã cổ phiếu có vốn hóa thị trường nhỏ (còn gọi là các mã penny) vì việc làm giá không cần quá nhiều tiền. Một nhóm các nhà đầu tư, cũng chỉ với số vốn vài chục tỉ, cùng với đòn bẩy tài chính của công ty chứng khoán, liên tục tiến hành hoạt động thu mua một vài mã penny. Mức giá đặt của họ luôn là giá trần hoặc giá ATC (giá giao lịch cuối phiên) để đẩy giá thị trường lên trần liên tục. Khi tạo thành hiệu ứng lòng tin của thị trường vì mã chứng khoán lên trần liên tục trong 5-10 phiên, hầu như tất cả các nhà đầu tư đều truyền tai nhau việc mã cổ phiếu đó sẽ được “đánh lên” (làm giá lên tới mức giá nào đó) hoặc doanh nghiệp sẽ có thông tin tốt. Hành động mua vào để không đánh mất cơ hội là lẽ đương nhiên. Khi này, nhóm nhà đầu tư tạo sóng kia cũng sẽ lặng lẽ rút khỏi thị trường. Và cái giá của việc đầu tư bằng niềm tin này là thị trường giảm giá liên tục, số phiên giảm sàn thậm chí còn nhiều hơn số phiên tăng trần. Chỉ những nhà đầu tư nào tỉnh táo mới không lao theo thị trường khi mà không hề thấy thông tin gì khả quan. Tuy nhiên, với tỷ suất lợi nhuận quá cao (sàn HOSE là 5%/phiên, HNX tối đa là 7%/phiên, hiện tại là 7% và 10%/phiên) thì khó có nhà đầu tư nào đủ tỉnh táo để không lao theo thị trường. Vì lòng tham, nhiều khi dù biết đó là hình thức làm giá của các đại gia chứng khoán, nhưng các nhà đầu tư vẫn rỉ tai nhau chuyện mã nào đang được “đánh lên” và sẽ được “đánh lên” tới giá bao nhiêu để lao theo với hy vọng vẫn vớt vát được thêm vài phiên tăng điểm. Tuy nhiên, họ bị lừa ở chỗ là các đội làm giá không bao giờ đánh lên tới cái giá mà họ tuyên truyền. Rõ ràng các nhà đầu tư khôn ngoan thì phải biết đặt niềm tin vào đúng chỗ và lọc thông tin một cách chính xác.

Đó là tác động của yếu tố thông tin và lòng tin trong việc ảnh hưởng tới giá của các mã cổ phiếu riêng biệt. Còn trên quy mô lớn, yếu tố thông tin và lòng tin tác động tới toàn thị trường trên nhiều phương diện khác nhau. Sự tác động tích cực từ chính sách khuyến khích phát triển thị trường chính khoán đã làm cộng hưởng lòng tin của nhà đầu tư vào thị trường, tạo ra sự tăng điểm ngoạn mục giai đoạn 2005 - 2007 sau 5 năm giao dịch èo uột. Năm 2005, VN-Index tăng gấp đôi, đạt 300 điểm. Năm 2006 tăng hơn 2,5 lần, VN-Index đạt 800 và đạt đỉnh vào đầu 2007 (VN-Index đạt hơn 1.100 điểm). Khi đó các nhà đầu tư tin tưởng rằng cứ đầu tư là sẽ có lãi nên họ huy động mọi nguồn vốn có thể (vay mượn bạn bè, người thân, ngân hàng,…) Chỉ với vài tỉ tiền chứng khoán ban đầu, các nhà đầu tư có thể dễ dàng cầm cố vào ngân hàng, lấy tiền ra mua tiếp chứng khoán, số chứng khoán mua được này lại được đưa vào ngân hàng cầm cố để vay ra,…

Đây là một rủi ro bong bóng và được các chuyên gia kinh tế cảnh báo nhưng các nhà đầu tư đã không để tâm tới cảnh báo này. Cho tới khi Nhà nước nhanh chóng ra các chính sách để hạ nhiệt thị trường, trong đó, tác động mạnh nhất là chính sách quy định zoom giới hạn hoạt động cho vay kinh doanh chứng khoán với các ngân hàng thương mại. Chính sách này ngay lập tức đã có tác động mạnh tới thị trường. Hậu quả tất yếu là thị trường điều chỉnh giảm trong thời gian dài. Sau 103 phiên giao dịch năm 2008, VN-Index mất gần 60% số điểm, quay về mức 550 điểm. Cộng hưởng với tình hình kinh tế trong nước và thế giới gặp nhiều khó khăn, thị trường đã đi xuống thảm hại mà đến nay vẫn chưa phục hồi được. Trên thị trường chứng khoán, hàng trăm đại gia đã khuynh gia bại sản. Nhưng theo lý thuyết trò chơi, người mất thì phải có người được. Và thực tế cho thấy, vẫn có nhiều nhà đầu tư thu bộn tiền nhờ việc biết chắt lọc thông tin, gia nhập và rút lui khỏi thị trường một cách hợp lý.

Có thể thấy, thông tin đối với các hoạt động kinh doanh nói chung là rất quan trọng, đối với hoạt động kinh doanh chứng khoán lại là ưu tiên hàng đầu. Chỉ với một thông tin, trong một ngày, nhà đầu tư đã có thể kiếm được hàng tỉ đồng lợi nhuận hay mất đi một số tương tự. Chính vì vậy, là sinh viên ngành kinh tế, đặc biệt là với các sinh viên có đam mê lĩnh vực kinh doanh chứng khoán, việc luôn bám sát các thông tin kinh tế, chính trị cũng như văn hóa – xã hội là điều tối cần thiết. Việc tự trau dồi kiến thức và khả năng tư duy phân tích thông tin không phải là khó. Ban đầu chỉ là việc xem xét các thông tin và tác động, hệ quả của các loại thông tin đó lên thị trường. Sau đó là tới việc vận dụng kiến thức đã học, tự nghiên cứu xem vấn đề sâu xa và tác động của thông tin mà các nhà quản lý muốn hướng tới, phản ứng của thị trường, của nền kinh tế đối với các loại thông tin đó như thế nào. Việc thực hành thường xuyên sẽ giúp bản thân mỗi sinh viên mài sắc tư duy phân tích nhận định các vấn đề. Đây là một lợi thế lớn của người làm kinh tế, và chắc chắn những sinh viên có tư duy kinh tế tốt sẽ thành công bất kể trên lĩnh vực hoạt động nào./.
                                          Ths. Nguyễn Thị Thu Hiền - Khoa Tài chính