28/02/2023

TÍCH CỰC THAM GIA HOẠT ĐỘNG NGHIÊN CÚU KHOA HỌC, THAM GIA THAM LUẬN HỘI THẢO KHOA HỌC CẤP TRƯỜNG

THỰC TRẠNG XÂY DỰNG VÀ SỬ DỤNG CÔNG CỤ ĐO LƯỜNG

TRONG KIỂM TRA, ĐÁNH GIÁ NGƯỜI HỌC,

ĐÁP ỨNG MỤC TIÊU, CHUẨN ĐẦU RA CỦA CÁC HỌC PHẦN

THUỘC BỘ MÔN LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ

 

                                         GVC.Nguyễn Thị Bích Liên- khoa Môn chung

 

ĐẶT VẤN ĐỀ

          Cùng với sự phát triển của khoa học – công nghệ và quá trình toàn cầu hóa, yếu tố con người ngày càng có vai trò quyết định đến sự phát triển của một quốc gia. Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã xác định “Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao…” là một trong ba đột phá chiến lược của đất nước trong nhiệm kỳ 2021 – 2025, cùng với đổi mới về kinh tế, chính trị, văn hóa, cần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo gắn với nhu cầu của xã hội và yêu cầu xây dựng, phát triển đất nước trong tình hình mới.

          Nghị quyết 29-NQ/TƯ ngày 4.11.2013 của BCH TƯ Đảng khóa XI đã xác định một trong những nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới là: “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ các yếu tố cơ bản của giáo dục, đào tạo theo hướng coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực của người học”. Điều này có nghĩa, không chỉ đổi mới về chương trình, nội dung, phương pháp dạy và học, mà còn phải đổi mới căn bản hoạt động kiểm tra - đánh giá (KT - ĐG) đối với người học trong các cơ sở giáo dục, đảm bảo trung thực, khách quan.

          KT – ĐG không phải là vấn đề mới trong lý luận và thực tiễn dạy học, nhưng KT – ĐG theo định hướng phát triển năng lực người học dựa trên chuẩn đầu ra (CĐR) là vấn đề mới mẻ và phức tạp, vừa là yêu cầu, vừa là giải pháp có ý nghĩa quan trọng để đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo trong các cơ sở giáo dục hiện nay. Cùng với đổi mới về chương trình và nội dung đào tạo, các nhà trường phải đổi mới, cải tiến về hình thức, phương pháp và công cụ đo lường trong KT – ĐG đối với người học. Điều này trước hết cần xuất phát từ nhận thức, trách nhiệm và năng lực của mỗi giảng viên và tổ chuyên môn phụ trách môn học/học phần. Với ý nghĩa đó, trong phạm vi bài viết này, tôi xin mạnh dạn chia sẻ những hiểu biết và suy nghĩ của mình về việc xây dựng và sử dụng công cụ KT – ĐG trong dạy học các học phần thuộc bộ môn Lý luận chính trị với đối tượng là sinh viên ngành Giáo dục Mầm non tại trường Cao đẳng Thái Nguyên.

NỘI DUNG

1.Chuẩn đầu ra và đánh giá theo chuẩn đầu ra

CĐR là yêu cầu tối về kiến thức, kỹ năng, thái độ và trách nhiệm nghề nghiệp mà người học đạt được sau khi hoàn thành chương trình đào tạo (CTĐT), được cơ sở giáo dục cam kết với người học và xã hội, được công bố công khai cùng với các điều kiện đảm bảo thực hiện. Các chuẩn này đưa vào mục tiêu đào tạo và được cụ thể hóa ở từng môn học/học phần trong CTĐT.

Đánh giá (ĐG) theo CĐR là cách ĐG kết quả học tập của người học được thiết kế phù hợp với mức độ đạt được của CĐR. Xu hướng KT – ĐG hiện nay không chỉ ĐG về kiến thức mà còn nhằm phát triển năng lực người học. Trong thực tế, có nhiều hình thức và phương pháp KT – ĐG với nhiều công cụ khác nhau được sử dụng trong quá trình dạy học, mỗi công cụ có những ưu – nhược điểm riêng. Do vậy, để ĐG chính xác kết quả học tập và năng lực của người học, mỗi môn học/học phần cần xây dựng được công cụ KT – ĐG phù hợp, công việc này phải thực hiện theo quy trình (Phụ lục 1). Đối với các môn học lý thuyết như bộ môn Lý luận chính trị, tổ chuyên môn cần tổ chức xây dựng nội dung ĐG, đề thi/kiểm tra và hình thức KT – ĐG theo khung ĐG thang Blooms với mục tiêu 3 bậc (Đã thực hiện trong các năm học vừa qua).

2. Thực trạng việc xây dựng và sử dụng công cụ đo lường trong KT – ĐG kết quả học tập của sinh viên, đáp ứng mục tiêu và CĐR của các học phần thuộc bộ môn Lý luận chính trị ở trường Cao đẳng Thái Nguyên

2.1. Những thuân lợi và khó khăn

- Thuận lợi:

+ Tổ chuyên môn luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng ủy, BGH trong công tác giảng dạy và bồi dưỡng

+ Giảng viên bộ môn đều có trình độ đạt chuẩn và trên chuẩn, có phẩm chất chính trị tốt, có tinh thần trách nhiệm cao trong công tác chuyên môn

+ Nhà trường có cơ sở vật chất và nguồn học liệu đầy đủ, tạo điều kiện thuận lợi quá trình dạy và học bô môn

- Khó khăn:

+ Các học phần thuộc bộ môn Lý luận chính trị có tính đặc thù so với các môn học khác trong CTĐT (nằm trong phần kiến thức đại cương, bắt buộc của CTĐT; Kiến thức môn học có tính trừu tượng cao, nội dung nặng tính hàn lâm, khó hiểu, khó nhớ; luôn gắn với thực tiễn và có vai trò quan trọng trong công tác giáo dục tư tưởng chính trị, hình thành nhân cách cho người học….)

+ Phần lớn sinh viên, nhất là sv năm thứ nhất chưa có phương pháp học tập phù hợp, chưa có nhiều kiến thức thực tiễn

2.2. Những việc đã làm được trong xây dựng và sử dụng công cụ KT – ĐG kết quả học tập môn học của sinh viên CĐMN

          Một là, tham gia tập huấn về phát triển CTĐT giáo viên Mầm non do Nhà trường tổ chức (CĐSP); góp ý xây dựng khung CTĐT và CĐR của CTĐT (PLO) ngành Giáo dục Mầm non

          Hai là, trực tiếp thực hiện việc xây dựng Đề cương các học phần thuộc bộ môn Lý luận chính trị theo CĐR của CTĐT, trong đó đã xác định rõ:

+ Mục tiêu của học phần - CO (mục tiêu về kiến thức, kỹ năng, năng lực tự chủ và chịu trách nhiệm)

+ CĐR của học phần (CLO) và CĐR của chương/bài (LLO)

+ Mức đóng góp của học phần cho CĐR của CTĐT

+ Nhiệm vụ của sinh viên trong học tập học phần

+ Hình thức ĐG, phương pháp ĐG và hệ số điểm; trọng số giữa điểm ĐG quá trình và ĐG kết quả (điểm thi kết thúc học phần)

+ Các tiêu chí ĐG, Rubic ĐG và thang điểm tương ứng

Đặc biệt, ở phần nội dung chi tiết các chương/bài, chúng tôi đã xác định chuẩn đạt đươc, hình thức và phương pháp dạy học được áp dụng, những nội dung cho sinh viên tự học, nội dung thảo luận, ôn tập và bài tập. Vừa đảm bảo tính thống nhất trong quá trình giảng dạy của giảng viên, vừa giúp sinh viên chủ động, tích cực trong học tập môn học.

Ba là, áp dụng các phương pháp dạy học tích cực (làm việc nhóm, dạy học theo trạm…) với các kỹ thuật dạy học (khăn trải bàn, mảnh ghép, sơ đồ tư duy…) nhằm phát huy tính chủ động, sáng tạo trong học tập môn học của sinh viên

Bốn là, thực hiện ĐG theo CĐR của học phần (ĐG thường xuyên, ĐG quá trình) bằng các hình thức và các công cụ KT – ĐG phù hợp

Với đặc thù bộ môn, chúng tôi sử dụng các công cụ như danh sách điểm danh, sổ theo dõi học phần (theo dõi ý thức học tập của sinh viên), bài thảo luận, bài tập, bài báo cáo, bài kiểm tra, bài thi

Với nội dung, từng  chương/bài trong mỗi học phần, chúng tôi thiết kế những công cụ khác nhau

Ví dụ:

  • Ở học phần Đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam, sau khi học xong Chương 2: Đường lối đấu tranh giành chính quyền 1930 – 1945

+ Với nội dung Chủ trương phát động Tổng khởi nghĩa, có thể xây dựng công cụ KT – ĐG dưới dạng Bài tập nhóm (Phụ lục 2)

+ Với nội dung Nguyên nhân thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, ta có thể xây dựng công cụ ĐG dưới dạng Bài kiểm tra (miệng/viết) hay Bài luận

  • Ở học phần Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin 1, sau khi học xong Chương 3: Chủ nghĩa duy vật lịch sử

+ Với nội dung Tính độc lập tương đối của ý thức xã hội, thường chỉ KT – ĐG bằng Bài kiểm tra viết dưới dạng câu hỏi đóng

+ Với nội dung Vai trò lịch sử của quần chúng nhân dân, giảng viên có thể cho những sinh viên học khá làm Bài diễn thuyết/hùng biện về bài học “Lấy dân làm gốc” của Đảng Cộng sản Việt Nam….

2.3. Những hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới

          Bên cạnh những việc đã làm đươc, trong quá trình xây dựng và sử dụng công cụ KT – ĐG người học , chúng tôi nhận thấy còn một số hạn chế sau:

Một là, hình thức kiểm tra và thi kết thúc học phần chủ yếu là tự luận đóng (những năm học trước có 3/5 học phần, chiếm 60%; năm học 2022-2023 có 2/4 học phần, chiếm 50%). Mặc dù có ưu thế thuận lợi cho kiểm tra về mặt kiến thức, nhưng hình thức này khó bao phủ được chương trình và sinh viên dễ quay cóp.

Hai là, công cụ được sử dụng để KT – ĐG chưa phong phú cho nên phần nào hạn chế tính tích cực, tự giác học tập của sinh viên

3. Một số kinh nghiệm

          Từ nghiên cứu, học hỏi và thực tế xây dựng, sử dụng công cụ KT – ĐG sinh viên trong quá trình giảng dạy của đồng nghiệp và bản thân, tôi xin chia sẻ một số kinh nghiệm và giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động KT – ĐG kết quả học tập của người học như sau:

- Trước hết, giảng viên cần nắm được mục tiêu, CĐR của CTĐT; vị trí, vai trò và đóng góp của học phần mình phụ trách trong CTĐT đó

- Xác định chính xác CĐR và mục tiêu của học phần, mục tiêu của từng chương/bài để lựa chọn hình thức ĐG, thiết kế công cụ ĐG (nội dung ĐG, các tiêu chí ĐG…) phù hợp với đặc thù môn học và năng lực của người học

- Kết hợp và sử dụng linh hoạt, sáng tạo nhiều công cụ KT - ĐG; kết hợp ĐG quá trình với ĐG kết quả, ĐG của người dạy với tự ĐG của người học

- ĐG qua phổ điểm của người học để người dạy tự điều chỉnh phương pháp giảng dạy, lựa chọn hình thức ĐG và xây dựng công cụ ĐG phù hợp

- Ngoài sự chỉ đạo, giám sát của Ban Giám hiệu và sự phối hợp với các phòng chức năng, cần có sự chủ động, tích cực của mỗi giảng viên và tổ chuyên môn phụ trách môn học/học phần

4. Đề xuất và khuyến nghị

          Để hoạt động KT – ĐG người học trong nhà trường đạt hiệu quả, đáp ứng mục tiêu, yêu cầu CĐR, tôi có một số đề xuất và khuyến nghị như sau:

  • Thành lập nhóm giảng viên nòng cốt về xây dựng và sử dụng công cụ KT – ĐG người học theo CĐR
  • Triển khai tập huấn rộng rãi cho toàn thể giảng viên về cách thức thực hiện ĐG theo tiêu chí, quy trình xây dựng và sử dụng công cụ đo lường trong KT – ĐG theo CĐR, từng bước triển khai trên diện rộng ở tất cả các môn học, các hệ đào tạo và các ngành học
  • Có thể xây dựng bộ công cụ chung làm tài liệu tham khảo cho giảng viên trong hoạt động KT – ĐG người học ở các học phần khác nhau

 

 

 

KẾT LUẬN

Kiểm tra và đánh giá có quan hệ chặt chẽ với nhau, công tác KT – ĐG kết quả học tập là một khâu rất quan trọng, có ảnh hưởng đến các khâu khác và chất lượng của quá trình dạy học.

Hiệu quả của hoạt động ĐG không chỉ có tác động đối với người học (như Jenkin đã nói: Nếu muốn người học thay đổi cách học thì trước hết thay đổi cách ĐG) mà còn có tác động trở lại đối với người dạy (căn cứ kết quả ĐG để điều chỉnh phương pháp giảng dạy, công cụ ĐG)

Trong dạy học tiếp cận năng lực người học, hoạt động KT – ĐG được thực hiện dựa trên CĐR của từng học phần, góp phần đảm bảo chất lượng CTĐT của một ngành học nói riêng, của một cơ sở giáo dục nói chung. Do vậy, cần có công cụ KT – ĐG phù hợp

KT - ĐG người học có thể sử dụng một hay nhiều hình thức, phương pháp và công cụ khác nhau, đòi hỏi sự chủ động, linh hoạt và sáng tạo của mỗi giảng viên.