17/11/2023

Tình hình kinh tế - xã hội tỉnh thái nguyên 9 tháng đầu năm

Năm 2023 được xác định là năm quan trọng, tạo động lực cho tỉnh Thái Nguyên thực hiện thành công các mục tiêu giai đoạn 2020 - 2025. Từ đầu năm đến nay, với sự đoàn kết, tinh thần vượt khó của hệ thống chính trị và cộng đồng doanh nghiệp, tỉnh nỗ lực hoàn thành mục tiêu tăng trưởng tốt nhất trong năm 2023, thực hiện có hiệu quả những giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế.

Nhiều kết quả tích cực

Trong 9 tháng năm 2023, dù còn gặp nhiều khó khăn, thách thức song dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, sự chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh, sự nỗ lực của các cấp, ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, tình hình kinh tế - xã hội của Thái Nguyên tiếp tục chuyển biến tích cực. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh Thái Nguyên 9 tháng đầu năm nay ước tăng 4,35% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn so với bình quân chung cả nước (ước tăng 4,24% so với cùng kỳ). Đây là nỗ lực rất lớn của toàn Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và đặc biệt là các doanh nghiệp trong tỉnh. Bởi lẽ, 9 tháng qua, tình hình sản xuất - kinh doanh của cả nước cũng như tỉnh Thái Nguyên tiếp tục gặp nhiều khó khăn, do sức chống chịu của các doanh nghiệp bị suy giảm sau thời gian dài ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, tác động của cuộc xung đột Nga - Ukraine, chi phí đầu vào vẫn ở mức cao, thị trường đầu ra khó khăn, đơn hàng giảm

Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp và các ban, ngành, đoàn thể của tỉnh luôn quan tâm, hỗ trợ hoạt động sản xuất - kinh doanh. UBND tỉnh thường xuyên chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương rà soát, nắm bắt và tập trung giải quyết những vướng mắc của doanh nghiệp. Hoạt động đối thoại, gặp mặt doanh nghiệp được quan tâm tổ chức bằng nhiều hình thức, nhằm lắng nghe, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Tỉnh cũng thực hiện nhiều giải pháp khơi thông dòng vốn, thúc đẩy hoạt động đầu tư công…

Bà Nguyễn Thị Vinh, Chủ tịch Hội Nữ doanh nhân tỉnh, Tổng Giám đốc Công ty CP Thương mại Thái Hưng cho biết: Tính đến đầu tháng 10 này, tôi đã được tham gia 7 cuộc đối thoại, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp do Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND, UBND tỉnh và các sở, ban, ngành, địa phương tổ chức. Cùng với đó, các doanh nghiệp cũng được giảm thuế, lãi suất ngân hàng, tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục hành chính… Tôi đánh giá đây là những giải pháp quan trọng góp phần trợ giúp doanh nghiệp trong điều kiện khó khăn như hiện nay.

Trên thực tế, để đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế 4,35%, toàn tỉnh đã nỗ lực rất lớn, tuy nhiên kết quả này chưa đạt như kỳ vọng. Theo đánh giá của các nhà chuyên môn, nguyên nhân là do tăng trưởng kinh tế của Thái Nguyên phụ thuộc rất lớn vào khối doanh nghiệp FDI (đóng góp khoảng 90% giá trị sản xuất công nghiệp, xuất khẩu), nhưng các doanh nghiệp này đang gặp nhiều khó khăn do nhu cầu thế giới sụt giảm, đặc biệt là tại các thị trường vốn là đối tác thương mại lớn như Mỹ, EU... Cụ thể, 9 tháng qua, giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn ước đạt 694,8 nghìn tỷ đồng, tăng 3,68% so với cùng kỳ, bằng 68,1% kế hoạch cả năm. Giá trị xuất khẩu hàng hoá đạt 20,76 tỷ USD, bằng 84,7% so cùng kỳ và bằng 59,3% kế hoạch. Cả 2 chỉ tiêu này chưa đạt tiến độ đề ra.

Với môi trường đầu tư thông thoáng và hấp dẫn, những năm gần đây Thái Nguyên luôn là một điểm sáng toàn quốc về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Đến cuối tháng 9 tỉnh Thái Nguyên đã thu hút thêm 27 dự án FDI cấp mới với tổng số vốn đăng ký đạt 171,1 triệu USD, 10 lượt dự án tăng vốn với số vốn đăng ký đạt 19,53 triệu USD. Các dự án FDI mới bao gồm: Nhà máy kỹ thuật vật liệu mới Hengxin Việt Nam (vốn đầu tư 9,8 triệu USD); Nhà máy sản xuất khí công nghiệp Messer Hải Phòng - Thái Nguyên 3 (vốn đầu tư gần 9,9 triệu USD).

Theo dự báo của các chuyên gia và một số sở, ngành Thái Nguyên, những tháng cuối năm, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, trong đó có khối FDI, thường tăng sản lượng nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường dịp lễ giáng sinh, năm mới trên toàn thế giới. Do đó, dự báo giá trị sản xuất công nghiệp và giá trị xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh sẽ đạt cao hơn mức bình quân chung của 3 quý vừa qua. Đây sẽ là động lực tích cực để nâng tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Tập trung và hành động để hiện thực hóa các mục tiêu phát triển

Mặc dù phải đối diện với không ít thách thức, song nếu biết nắm bắt và chuyển hóa những cơ hội, điều kiện thuận lợi; đồng thời, có những phản ứng chính sách linh hoạt, phù hợp, kịp thời và hiệu quả, thì chắc rằng những mục tiêu đặt ra trong 3 tháng cuối năm vẫn có cơ sở để hoàn thành.

Nhiệm vụ còn lại của 3 tháng cuối năm đòi hỏi các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân Thái Nguyên phải đoàn kết, thống nhất, quyết tâm, nỗ lực lớn nhất mới có thể gặt hái thành quả như mục tiêu kỳ vọng. Nhằm phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất các nhiệm vụ, chỉ tiêu về phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, địa phương nỗ lực, tập trung thực hiện các giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm trong những tháng cuối năm.

Đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thái Nguyên cho biết, toàn tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; chuyển đổi số; tháo gỡ khó khăn, giải quyết “điểm nghẽn” về áp dụng cơ chế, chính sách, quy định pháp luật trong thực tiễn triển khai các nhiệm vụ. Đồng thời triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, khơi thông dòng vốn, thúc đẩy hoạt động sản xuất - kinh doanh; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án…

Đặc biệt, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thì phải quyết liệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đồng hành cùng doanh nghiệp và nhà đầu tư; đồng thời, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy mạnh thu hút đầu tư, huy động tối đa các nguồn lực cho đầu tư phát triển... Muốn vậy, các vấn đề bất cập, phát sinh về thể chế (nhất là vướng mắc liên quan đến đầu tư, đất đai, xây dựng, đấu thầu, phòng cháy, chữa cháy); về đầu tư xây dựng; về sản xuất, kinh doanh... cần được tỉnh tập trung tháo gỡ.

Theo đó, hiện UBND tỉnh đang chủ động kiểm tra, theo dõi nắm chắc tình hình biến động về giá nguyên, nhiên vật liệu, tình hình tiêu thụ điện và hoạt động của doanh nghiệp công nghiệp để tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp phát huy tối đa công suất, gia tăng sản lượng để bù đắp thiếu hụt cho các sản phẩm công nghiệp có sản lượng giảm. Bên cạnh đó, đẩy mạnh các hoạt động thương mại, dịch vụ gắn với phát triển mạnh thị trường trong nước; nâng cao hiệu quả xúc tiến thương mại, đa dạng hóa thị trường, sản phẩm xuất khẩu. Thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp thu ngân sách; đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023. Thực hiện đồng bộ các giải pháp duy trì các chỉ số thành phần có thứ hạng cao và nâng cao các chỉ số thành phần có thứ hạng thấp của các chỉ số PCI, PAR INDEX, PAPI, SIPAS...

Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, thực hiện nhiệm vụ quốc phòng - an ninh; tăng cường bảo đảm an ninh cơ sở, an ninh tôn giáo trên các tuyến, địa bàn trọng điểm, trong khu kinh tế, khu công nghiệp, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động; chủ động xử lý các tình huống, giải quyết kịp thời các vụ việc phức tạp, nổi cộm về an ninh trật tự, không để phát sinh thành điểm nóng…

Trong tất cả các cuộc họp, lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đều rất quyết liệt chỉ đạo, đôn đốc, kiểm điểm các ngành, địa phương nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình, dự án, giải ngân vốn đầu tư công và các nhiệm vụ, chỉ tiêu kinh tế - xã hội. Đây chính là cơ sở để tin tưởng rằng, với sự quyết liệt của lãnh đạo tỉnh và nỗ lực của toàn Đảng bộ, chính quyền, nhân dân, Thái Nguyên sẽ đạt kết quả cao hơn trong những tháng cuối năm, từ đó hoàn thành ở mức cao nhất các nhiệm vụ, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2023./.