18/04/2013

Trao đổi kinh nghiệm về công tác giáo viên chủ nhiệm tại trường Cao đẳng Kinh tế - Tài chính Thái Nguyên

Cuộc đời đi học của mỗi chúng ta có nhiều thầy cô làm chủ nhiệm. Tuy mỗi người có một dấu ấn riêng nhưng giáo viên chủ nhiệm đều phải là người thầy giỏi về chuyên môn, giàu có về kinh nghiệm sống, đồng thời là một nghệ sĩ tâm lý tài năng, xử lý khéo léo các tình huống sư phạm. Họ phải gánh trên vai rất nhiều trọng trách, đóng vai trò làm chiếc cầu nối giữa nhà trường với học sinh và gia đình các em, giữa các giáo viên bộ môn với lớp và học sinh, sinh viên trong lớp.

Trong giai đoạn hiện nay, công tác chủ nhiệm lớp ngày càng đòi hỏi sự dày công của người giáo viên hơn nữa. Trong một xã hội đang phát triển, mặt trái của kinh tế thị trường và sự bùng nổ của công nghệ thông tin đã có nhiều tác động tiêu cực đến quá trình hình thành nhân cách của học sinh, sinh viên. Bên cạnh đó, vì mưu sinh nên không ít phụ huynh đã giao phó hoàn toàn việc giáo dục con cái cho nhà trường. Bởi thế, thầy, cô giáo chủ nhiệm đã trở thành người cha, người mẹ thứ hai của các em. Điều này đòi hỏi các thầy, cô giáo chủ nhiệm phải trau dồi kinh nghiệm, phải tận tâm với nghề và hơn hết, phải quan tâm sâu sắc tới học sinh, sinh viên.

Công tác chủ nhiệm có vai trò hết sức quan trọng, góp phần phát triển nhân cách, định hướng chuẩn mực cho học sinh, sinh viên trước khi các em bước trên con đường lập thân, lập nghiệp. Do vậy, thành quả của sự nghiệp trồng người trong nhà trường nói chung và trong trường Cao đẳng Kinh tế - Tài chính Thái Nguyên nói riêng có sự đóng góp không nhỏ của đội ngũ giáo viên chủ nhiệm.

Trong bài viết này, tôi xin chia sẻ một số kinh nghiệm trong công tác chủ nhiệm tại trường Cao đẳng Kinh tế - Tài chính Thái Nguyên như sau:

Thứ nhất, giáo viên chủ nhiệm vừa là người thầy, vừa là người bạn thân thiết của học sinh, sinh viên. Giáo viên chủ nhiệm phải là người giữ vai trò quan trọng trong việc định hướng phát triển nhân cách của các em. Đồng thời, giáo viên chủ nhiệm chính là người gần gũi, sát sao và kề cận nhất với học sinh, sinh viên của mình. Giáo viên chủ nhiệm phải nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng của học sinh, sinh viên. Điều đó đòi hỏi giáo viên chủ nhiệm phải luôn tạo điều kiện để học sinh, sinh viên bày tỏ những băn khoăn, thắc mắc, những khó khăn trong học tập cũng như trong cuộc sống. Sự khô khan, cứng nhắc, dập khuôn trong công tác quản lý chỉ khiến các em dễ nảy sinh tâm lý chán nản, chống đối, thiếu gắn bó với thầy cô và các bạn dẫn đến sự lệch lạc trong quá trình phát triển nhân cách.

Đối với các lớp ngoài trường, việc nắm bắt về tâm tư, tình cảm của các em sẽ khó khăn hơn so với các lớp ở tại trường. Tuy nhiên, với sự phát triển của hệ thống thông tin và có sự cộng tác hài hòa với giáo viên tại trường cơ sở, giáo viên chủ nhiệm có thể trao đổi thông tin cùng Ban cán sự lớp qua email và website của nhà trường để đưa thông tin cần thiết đến các em. Ngoài ra, giáo viên chủ nhiệm cũng cần thường xuyên trực tiếp đến các lớp này để kịp thời nắm bắt tình hình thực tế tại cơ sở, giải đáp những thắc mắc về chế độ và quyền lợi của các em.

Thứ hai, giáo viên chủ nhiệm phải biết kiên trì, bình tĩnh, kiềm chế và mềm mỏng. Kiên trì trong việc gần gũi, chia sẻ với học sinh, sinh viên để trở thành điểm tựa tinh thần đáng tin cậy cho các em. Bình tĩnh trước mọi tình huống, hoàn cảnh để có cách xử lý chủ động, linh hoạt, phù hợp, đặc biệt lưu ý những hoàn cảnh, những tình huống bất ngờ xuất phát từ những học sinh, sinh viên cá biệt. Kiềm chế và mềm mỏng để hành vi ứng xử của bản thân với học sinh, sinh viên không bị chi phối bởi những cảm xúc nhất thời, tránh lớn tiếng, nặng lời, thóa mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm các em,…

Thứ ba, giáo viên chủ nhiệm cũng cần thẳng thắn nhìn nhận sai lầm hoặc thiếu sót của mình. Điều này đòi hỏi giáo viên chủ nhiệm phải thường xuyên tự kiểm điểm, nhận biết những hạn chế của mình để cố gắng hoàn thiện bản thân. Song song với đó là tinh thần cầu tiến, ham học hỏi. Học hỏi từ sách vở, từ đồng nghiệp, từ cuộc sống xung quanh và từ chính các em học sinh, sinh viên. Chỉ như vậy, giáo viên chủ nhiệm mới có thể truyền thụ niềm đam mê học tập cho học trò.

Thứ tư, giáo viên chủ nhiệm phải thường xuyên sinh hoạt lớp để nắm bắt tình hình chung. Để giờ sinh hoạt được hiệu quả, giáo viên chủ nhiệm cần chú ý:

- Giáo viên chủ nhiệm cần liên tục đổi mới nội dung sinh hoạt, tránh tình trạng lặp đi, lặp lại một nội dung. Điều đó có nghĩa là, giáo viên chủ nhiệm cần đưa vào buổi sinh hoạt những nội dung mang tính thời sự, cấp thiết, liên quan mật thiết tới hoạt động học tập và đời sống hàng ngày của sinh viên. Đồng thời, trong mỗi tiết sinh hoạt giáo viên chủ nhiệm cần tạo ra cái mới để các em sẵn sàng chia sẻ những những trăn trở, cùng bàn bạc, trao đổi và thống nhất để thầy và trò cùng thực hiện.

- Buổi sinh hoạt là hoạt động của tập thể lớp chứ không phải của riêng thầy, cô cùng một số học sinh, sinh viên trong lớp. Do đó, giáo viên chủ nhiệm cần tạo ra không khí sống động để lôi cuốn mọi sinh viên trong lớp tham gia tích cực.

Thứ năm, những cuộc tiếp xúc, trao đổi giữa giáo viên chủ nhiệm với phụ huynh học sinh, sinh viên cần thiết thực, hiệu quả, khéo léo, tế nhị và hết sức chân thành.

- Giáo viên chủ nhiệm cần chủ động liên hệ và tiếp xúc với phụ huynh học sinh, sinh viên, đặc biệt là những gia đình học sinh, sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn, để hiểu. Thông qua đó, giáo viên chủ nhiệm và học sinh, sinh viên sẽ gần gũi, thân thiện hơn; học sinh, sinh viên có thể yên tâm và tự tin hơn trong việc học tập và rèn luyện.

- Giáo viên chủ nhiệm phải thường xuyên trao đổi về thái độ học tập trên lớp và kết quả học tập, rèn luyện của các em với phụ huynh. Mỗi học kỳ, giáo viên phải gửi sổ học tập về cho gia đình và có sự phản hồi từ phía gia đình học sinh, sinh viên. Ngoài ra, giáo viên chủ nhiệm cần cung cấp thêm cho phụ huynh những hiểu biết về khoa học sư phạm để có cách giáo dục con em mình hiệu quả hơn, từ đó phối hợp với giáo viên chủ nhiệm thường xuyên và liên tục.

Thứ sáu, trao đổi kinh nghiệm và học tập lẫn nhau về công tác chủ nhiệm. Với vai trò là giáo viên chủ nhiệm, tôi cùng các đồng nghiệp thường xuyên hỗ trợ, trao đổi và học tập lẫn nhau. Hệ thống sổ sách, hồ sơ quản lý được bổ sung, thiết kế một cách khoa học để công tác chủ nhiệm và công tác quản lý học sinh, sinh viên được thuận tiện, khoa học, tạo niềm tin đối với học sinh, sinh viên cũng như gia đình của các em, góp phần thực hiện thành công nhiệm vụ chung của nhà trường, nhiệm vụ của phòng và của mỗi giáo viên chủ nhiệm. 

Trên đây là một số chia sẻ kinh nghiệm về công tác chủ nhiệm của tôi. Rất mong nhận được sự đóng góp của các đồng nghiệp để bản thân tôi cũng như các giáo viên chủ nhiệm ngày càng làm tốt hơn nhiệm vụ của mình trong nhà trường. Đặc biệt là việc đào tạo tri thức, phát triển nhân cách của các thế hệ học sinh, sinh viên - mục tiêu, nhiệm vụ chính trị quan trọng của nhà trường trên con đường phát triển./.  

Ngô Minh Tuấn - Phòng CTHSSV