19/03/2014

Triển vọng tăng trưởng của ngành du lịch Việt Nam thời kỳ hội nhập quốc tế

Đất nước ta đang trong quá trình hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và thế giới. Nhiều cơ hội phát triển đang đón chờ trong đó có cơ hội lớn cho ngành du lịch Việt Nam. Nhìn ra các nước trong khu vực, mà điển hình là Thái Lan, ngành công nghiệp không khói này đã đóng góp cho quốc gia này khoảng 10% GDP mỗi năm và là ngành kinh tế mũi nhọn giúp Thái Lan tăng trưởng và phát triển kinh tế trong nhiều năm qua.

           Đất nước ta đang trong quá trình hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và thế giới. Nhiều cơ hội phát triển đang đón chờ trong đó có cơ hội lớn cho ngành du lịch Việt Nam. Nhìn ra các nước trong khu vực, mà điển hình là Thái Lan, ngành công nghiệp không khói này đã đóng góp cho quốc gia này khoảng 10% GDP mỗi năm và là ngành kinh tế mũi nhọn giúp Thái Lan tăng trưởng và phát triển kinh tế trong nhiều năm qua.

          Trong bối cảnh các quan hệ song phương và đa phương của Việt Nam ngày càng mở rộng với nhiều lĩnh vực: kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, ngành du lịch Việt Nam có cơ hội mở rộng thị trường ra các nước trong khu vực ASEAN và thế giới. Xu hướng du lịch đang có xu hướng chuyển dần sang các nước Khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nhu cầu du lịch có nhiều thay đổi với xu hướng thiên về các giá trị tự nhiên, văn hóa truyền thống và giá trị sáng tạo, công nghệ cao (tính hiện đại và tiện nghi); du lịch xanh, du lịch bền vững cũng được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Đứng trước những xu thế phát triển đó, ngành du lịch Việt Nam đang có cơ hội mở rộng thị trường để khai thác những giá trị sẵn có. Đó là hệ thống tài nguyên đa dạng, hấp dẫn với địa hình, khí hậu nhiều vẻ tạo nên hệ sinh thái phong phú; hơn 3200 km bờ biển với nhiều bãi biển đẹp như Nha Trang (Khánh Hòa) - được đánh giá là một trong những bãi biển đẹp nhất thế giới, 4.000 đảo ven bờ và hệ thống quần đảo; 54 dân tộc với truyền thống ngàn năm lịch sử tạo nên các giá trị văn hóa đa dạng và hấp dẫn. Những giá trị đó vẫn chưa được khai thác một cách triệt để và có bài bản. Nhiều khu du lịch còn đầu tư theo kiểu tự phát và chưa có quy hoạch tổng thể trong dài hạn. Các quần thể du lịch chưa có sự kết nối với các công ty lữ hành trong nước và quốc tế một cách hiệu quả để thu hút khách du lịch nội địa và quốc tế. Du lịch Việt Nam còn tình trạng "chặt chém" du khách, cơ sở hạ tầng yếu kém, quản lý kém. Nhiều du khách không có ý định quay trở lại điểm du lịch cũ vì ấn tượng xấu với các dịch vụ dành cho du khách.

          Trong khi đó, dự báo khách du lịch quốc tế là 7.500 lượt năm 2015 và 10.500 lượt năm 2020 còn khách du lịch nội dịa tăng bình quân 6,2%/năm. Ước tính tổng thu du lịch 10,3 tỷ USD năm 2015 và 18,5 tỷ USD năm 2020. Du lịch đóng góp khoảng 5% GDP mỗi năm. Để đạt được những con số như vậy, Việt Nam cần đẩy mạnh việc khai thác các giá trị du lịch theo hướng khai thác các giá trị sẵn có trên cơ sở phù hợp với nhu cầu mới của thị trường; chuyển dần thu hút khách du lịch ở thị trường khu vực ASEAN và thế giới. Các giải pháp phải được thực hiện một cách đồng bộ và tập trung vào từng khía cạnh cụ thể: Về các chính sách quản lý du lịch, Nhà nước cần có các chính sách đầu tư cho ngành du lịch, giúp các nhà đầu tư tiếp cận và quảng bá du lịch ở nước ngoài. Về việc nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch, nhà đầu tư cần nâng cao chất lượng các dịch vụ từ khâu ăn uống đến vui chơi giải trí và các dịch vụ khai thác giá trị văn hóa truyền thống nhằm tạo sự khác biệt so với các điểm du lịch khác. Du lịch Việt Nam cần kết hợp với du lịch văn hóa là xu hướng phổ biến trên thế giới hiện nay. Về việc quảng bá du lịch nội địa và thế giới, Việt Nam cũng cần có các chương trình quảng bá hiệu quả thông qua các sự kiện, các công ty lữ hành quốc tế và thiết thực hơn cả là sự quảng bá bởi chính những du khách đã từng đến du lịch ở Việt Nam.

Ths. Phạm Thị Thanh Phương