17/02/2014

Ứng dụng CNTT trong việc thực hiện đào tạo theo tín chỉ

Một trong những phương hướng đổi mới phương pháp dạy học hiện nay là ứng dụng các phương tiện kỹ thuật vào dạy học trong đó có công nghệ thông tin
Năm học 2013 - 2014, trường Cao đẳng Kinh tế - Tài chính Thái Nguyên bắt đầu chuyển đổi sang dạy học theo học chế tín chỉ. Sự chuyển đổi này đã mở ra cho nhà trường một hướng đi mới trong việc dạy và học. Đồng thời, nó cũng yêu cầu tất cả các giảng viên trong nhà trường phải đổi mới phương pháp giảng dạy cho phù hợp để nâng cao hiệu quả, chất lượng đào tạo.
Giải pháp tăng thời gian đào tạo để nâng cao hiệu quả, chất lượng đào đạo trong điều kiện hiện nay là hoàn toàn bị động do lượng thông tin liên tục tăng trong khi thời gian đào tạo bị giới hạn bởi quỹ thời gian hiện có. Muốn nâng cao hiệu quả, chất lượng đào tạo phải đổi mới Hình ảnh một giờ giảng dạy của giảng viên
phương pháp dạy học theo hướng hoạt động hóa người học. Một trong những phương hướng đổi mới phương pháp dạy học hiện nay là ứng dụng các phương tiện kỹ thuật vào dạy học trong đó có công nghệ thông tin
.

1-Tại sao ứng dụng CNTT trong dạy học tín chỉ là cần thiết?

Mỗi phương pháp dạy học đều có những chỗ mạnh và chỗ yếu . Ta cần phát huy chỗ mạnh của phương pháp này để hạn chế chỗ yếu của phương pháp khác. CNTT không những hỗ trợ cho các phương pháp truyền thống mà còn giúp nâng cao hiệu quả của các phương pháp dạy học này. Nếu trước kia người ta nhấn mạnh tới phương pháp dạy sao cho sinh viên nhớ lâu, dễ hiểu bằng cách đọc cho sinh viên ghi chép và giảng viên phải giảng giải khá nhiều, thì nay giảng viên hướng cho sinh viên các phương pháp học chủ động. Như vậy, việc chuyển từ “lấy giảng viên làm trung tâm” sang “lấy sinh viên làm trung tâm” sẽ trở nên dễ dàng hơn.CNTT xóa bỏ ranh giới địa lý trong việc tiếp thu thông tin, tạo điều kiện để người học hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm với nhau trong quá trình học tập.

Có thể nói, CNTT đã mang giáo dục đến với mọi người thay vì mọi người đến với giáo dục. Nếu chúng ta không ứng dụng CNTT vào dạy và học thì đây là một thiệt thòi lớn cho cả giảng viên và sinh viên. Chính vì vậy CNTT mở ra triển vọng to lớn trong việc đổi mới các phương pháp và hình thức dạy học cho tất cả giảng viên trong nhà trường. Những phương pháp dạy học tích cực có nhiều điều kiện để ứng dụng rộng rãi. Các hình thức dạy học như dạy học đồng loạt, dạy theo nhóm, dạy cá nhân cũng có những đổi mới trong môi trường CNTT.
Do sự phát triển của CNTT mà mọi người đều có trong tay nhiều công cụ hỗ trợ cho quá trình dạy học nói chung và phần mềm dạy học nói riêng. Nhờ có sử dụng các phần mềm dạy học này mà sinh viên có thể hoạt động tốt trong môi trường học tập. Phần mềm dạy học được sử dụng ở nhà cũng sẽ nối dài cánh tay của giảng viên tới từng sinh viên thông qua hệ thống mạng internet. Nhờ có máy tính  kết hợp với giáo án điện tử mà việc giảng dạy trở nên sinh động hơn, tiết kiệm được nhiều thời gian hơn so với cách dạy theo phương pháp truyền thống, chỉ cần một vài thao tác trên máy tính, vài giây sau trên màn hình hiện ra ngay nội dung của bài giảng với những hình ảnh, âm thanh sống động thu hút được sự chú ý và tạo hứng thú nơi sinh viên. Thông qua giáo án điện tử, giảng viên cũng có nhiều thời gian đặt các câu hỏi gợi mở tạo điều kiện cho sinh viên hoạt động nhiều hơn trong giờ học.

 Do đó, CNTT trong dạy học có thể coi là công cụ trong môn học như (tính toán, tài liệu), là môn học như ( lập trình và làm việc với các phần mềm), là công cụ hỗ trợ dạy học như (phát hiện xử lý, lưu trữ, trình bày thông tin). Xét ở phương diện nào thì CNTT cũng tác động trực tiếp đến giảng viên đặc biệt là sinh viên. Nó đã làm thay đổi cách sống, cách làm việc, cách học tập, cách tư duy và quan trọng hơn cả là cách ra quyết định của cả thầy và trò.

Vì vậy, mục tiêu cuối cùng của việc ứng dụng CNTT vào dạy học tín chỉ trong nhà trường là nâng cao một bước cơ bản chất lượng học tập cho sinh viên, tạo môi trường giáo dục mang tính tương tác cao, sinh viên được khuyến khích và tạo điều kiện để chủ động tìm kiếm tri thức, sắp xếp hợp lý quá trình tự học, tự rèn luyện của bản thân mình. Tạo điều kiện cho sinh viên hoạt động độc lập với mức độ cao, tách xa thầy giáo trong những khoảng thời gian dài mà vẫn đảm bảo mối liên hệ ngược trong quá trình dạy học.

2. Vai trò của công nghệ thông tin trong dạy học tín chỉ
Trong một thời gian dài trước đây, CNTT trong dạy học được hiểu là công cụ, phương tiện chuyển tải thông tin đến người học như in bài, sao chụp, xem video dạy học,… Thực ra, CNTT không chỉ đơn thuần là các công cụ, phương tiện mà còn là phương pháp sử dụng, ứng dụng phát triển để thực hiện nhiệm vụ giảng dạy.

CNTT tác động trực tiếp đến từng hoạt động của giảng viên, sinh viên, nó có thể coi là công cụ hỗ trợ hiệu quả nhất trong tiết dạy, làm cho tiết học trở nên sinh động, dễ hiểu. Lý thuyết được kết hợp với thực hành giúp cho sinh viên nhớ kiến thức lâu và sâu hơn, giúp việc học trở nên nhẹ nhàng, hiệu quả. CNTT mở ra triển vọng to lớn trong việc đổi mới phương pháp dạy và hình thức học. Những phương pháp dạy học theo cách tiếp cận kiến tạo, dạy học phát hiện và giải quyết vấn đề càng có nhiều điều kiện để ứng dụng rông rãi.

Thông qua việc sử dụng CNTT, sinh viên được làm quen với những thao tác sử dụng máy tính và những phương tiện kỹ thuật khác của công nghệ này. Bản thân sinh viên được trải nghiệm những ứng dụng của tin học trong quá trình dạy học, điều đó có tác dụng gợi động cơ cho việc học tập, phát huy được tính tích cực, chủ động, sáng tạo của sinh viên và kích thích làm cho sinh viên say mê và yêu thích học.

Ngoài các chức năng chủ yếu kể trên, công nghệ thông tin còn đựơc dùng để tạo ra những trò chơi, qua đó sinh viên có thể vừa giải trí vừa học tập. Những trò chơi có thể gây hứng thú, làm giàu hoặc củng cố kiến thức cho học sinh, rèn luyện tốc độ phản ứng, khả năng phán đoán, phát triển năng lực trí tuệ.

Công nghệ thông tin cũng được dùng để lập lịch biểu dạy học, tổ chức kiểm tra, thi tuyển, xây dựng cơ sở dữ liệu để theo dõi tình hình học tập. Ngoài ra công nghệ thông tin còn được dùng như công cụ phục vụ công tác nghiên cứu khoa học và các công tác quản lý trong ngành giáo dục.
3. Lời kết
Về nguyên tắc, CNTT có thể thay thế một số phần công việc của giảng viên trong quá trình dạy học. Có những khi, CNTT thực hiện một chức năng nào đó hơn giảng viên, ví dụ như hình ảnh đồ họa mà CNTT cung cấp chính xác hơn nhiều, đẹp hơn nhiều và sinh động hơn nhiều so với hình vẽ trên bảng của giảng viên; máy chấm bài nhanh hơn nhiều và khách quan hơn so với giảng viên. Tuy nhiên, không phải bất cứ trường hợp nào dùng CNTT thay giảng viên cũng là tối ưu. CNTT là phương tiện tạo thuận lợi cho triển khai phương pháp giảng dạy tích cực chứ không phải là điều kiện đủ của phương pháp này. Không lạm dụng công nghệ nếu chúng không tác động tích cực đến quá trình dạy học. Để một giờ học có ứng dụng CNTT là một giờ học phát huy tính tích cực của sinh viên thì điều kiện tiên quyết là việc khai thác CNTT phải đảm bảo các yêu cầu và tính đặc trưng của phương pháp dạy học tích cực mà giảng viên sử dụng.

Đương nhiên, để sử dụng công nghệ thông tin như công cụ dạy học phát huy được tính tích cực đòi hỏi phải có một sự đầu tư lớn. Hiện nay, các trường cao đẳng, đại học nói chung đều đầu tư, trang bị phòng máy, nối mạng Internet. Một số trường còn trang bị thêm thiết bị ghi âm, chụp hình, quay phim (Camera), máy quét hình (Scanner) và một số thiết bị khác tạo cơ sở hạ tầng CNTT cho giảng viên sử dụng vào quá trình dạy học của mình. Trường Cao đẳng Kinh tế Tài chính Thái Nguyên đã trang bị máy chiếu ở tất cả các phòng học, phòng máy, nối mạng internet cho các văn phòng khoa và Trung tâm thông tin thư viện. Nhà trường đã kịp thời nâng cấp, sửa chữa và trang bị mới các trang thiết bị dạy học. Do đó, nhà trường đã tạo được cơ sở hạ tầng về CNTT giúp cho giảng viên sử dụng trang thiết bị có hiệu quả vào dạy học. Bên cạnh đó, đa số giảng viên trong nhà trường rất tâm huyết với nghề, có tinh thần trách nhiệm trong công việc. Luôn đầu tư trăn trở, học hỏi kinh nghiệm để chất lượng dạy-học ngày được nâng lên.

                                            Ths. Nguyễn Thị Nguyệt - Khoa CNTT