09/01/2023

Văn bản hợp nhất và một số điều cần biết khi sử dụng

Văn bản hợp nhất ra đời giúp người dùng thuận tiện trong việc việc tra cứu điều luật, có thể tìm thấy ngay nội dung mình cần mà không phải so sánh nội dung các văn bản được sửa đổi, bổ sung và văn bản sửa đổi, bổ sung. Việc hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật là việc làm cần thiết và hợp lý.

1. Khái niệm văn bản hợp nhất

Một văn bản được cơ quan có thẩm quyền ban hành, quá trình thực thi do tác động của nhiều yếu tố kinh tế - xã hội mà có những quy định không còn phù hợp nên cơ quan này đã ban hành văn bản khác để sửa đổi, bổ sung một số điều của văn bản hiện hành. Có văn bản được sửa đổi, bổ sung không chỉ một lần mà có thể là nhiều lần. Như vậy, với trường hợp văn bản luật không bị sửa đổi, bổ sung thì chúng ta chỉ phải đọc trên một văn bản đó, nếu có sửa đổi, bổ sung chúng ta phải đọc cùng lúc nhiều văn bản, cái ban hành lần đầu, cái sửa lần hai, cái sửa lần ba… Việc đó gây khó cho người tra cứu, sử dụng văn bản pháp luật. Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã yêu cầu: Văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi, bổ sung phải được hợp nhất với văn bản quy phạm pháp luật được sửa đổi, bổ sung nhằm góp phần bảo đảm hệ thống pháp luật đơn giản, rõ ràng, dễ sử dụng, nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật. Năm 2012, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh Hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật.

Theo Khoản 3 Điều 2 Pháp lệnh Hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật năm 2012 thì: “Văn bản hợp nhất là văn bản được hình thành sau khi hợp nhất văn bản sửa đổi, bổ sung với văn bản được sửa đổi, bổ sung”.

Văn bản hợp nhất là văn bản được hình thành sau khi hợp nhất văn bản sửa đổi, bổ sung với văn bản được sửa đổi, bổ sung, thông qua một quy trình kỹ thuật do Pháp lệnh quy định, nó không làm thay đổi nội dung của văn bản được hợp nhất.

2. Giá trị pháp lý của văn bản hợp nhất

Theo quy định tại Điều 4 Pháp lệnh Hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật năm 2012, văn bản hợp nhất được sử dụng chính thức trong việc áp dụng và thi hành pháp luật. Tuy nhiên, cũng tại Điều luật này quy định việc hợp nhất văn bản không được làm thay đổi nội dung và hiệu lực của văn bản được hợp nhất.

Bên cạnh đó, khác với văn bản hiện hành, văn bản hợp nhất không được thừa nhận là văn bản quy phạm pháp luật theo quy định tại Điều 4 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Như vậy, có thể hiểu văn bản hợp nhất là một loại văn bản có giá trị sử dụng và tham khảo trong quá trình áp dụng, thi hành pháp luật, văn bản hợp nhất không làm thay đổi hiệu lực và giá trị pháp lý của các văn bản được hợp nhất. Cần ghi nhớ, văn bản hợp nhất không phải là một loại văn bản quy phạm pháp luật, không có giá trị pháp luật.

3. Cách tìm kiếm văn bản hợp nhất

Việc hợp nhất văn bản Luật, Bộ Luật với những điều khoản hoặc văn bản hướng dẫn không làm thay đổi đi điều khoản, nội dung hay hiệu lực của văn bản được hợp nhất. Việc hợp nhất này nhằm đảm bảo đưa ra các quy định pháp luật một cách rõ ràng, cụ thể nhất và các nguồn trích dẫn phải đáp ứng điều kiện về hình thức: ngắn gọn, xúc tích, đúng nội dung, đúng lĩnh vực cần tham gia quy định để người đọc dễ dàng tìm kiếm, hiểu và áp dụng vào từng trường hợp cụ thể.

Để người đọc hiểu được văn bản đã sửa đổi, bổ sung tại văn bản pháp luật nào, hiện nay hệ thống pháp luật đang ngày càng hoàn thiện, khi sử dụng hệ thống tra cứu pháp luật của Chính phủ, thông tin sẽ cho ra dưới dạng văn bản đã hợp nhất, còn hiệu lực pháp lý theo quy định pháp luật. Vì vậy, chỉ cần trích dẫn tên văn bản hợp nhất (ví dụ: Văn bản hợp nhất Luật Thi hành án dân sự) mà không cần trích rõ tên các văn bản quy phạm pháp luật đã được sửa đổi, bổ sung trước đó và sửa đổi, bổ sung lần thứ mấy, bởi có những văn bản quy phạm được sửa đổi, bổ sung nhiều lần, trích dẫn ra thì rất dài dòng.

4. Cách trích dẫn điều luật trong văn bản hợp nhất

Văn bản hợp nhất chỉ nhằm mục đích trình bày lại văn bản một cách đơn giản, rõ ràng, dễ sử dụng, nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật. Bản chất nó không phải là văn bản quy phạm pháp luật, không được dùng làm căn cứ.

Trong trường hợp chúng ta nêu, ví dụ “Điều 35. Thẩm quyền thi hành án” thì cần ghi căn cứ là "Luật Thi hành án dân sự năm 2008 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự năm 2015", chứ không phải ghi căn cứ là "Văn bản hợp nhất số 32/VBHN-VPQH năm 2020 hợp nhất Luật Thi hành án dân sự".