12/03/2014

Những kỹ năng sinh viên cần có để hội nhập

Sinh viên trong các trường chuyên nghiệp đều có điều kiện học hành tương đối giống nhau, tuy nhiên bản thân họ cũng có những định hướng riêng khi ra trường như làm việc trong cơ quan nhà nước, làm việc trong các doanh nghiệp hay tự kinh doanh... Khi đã có định hướng như vậy sinh viên sẽ phải chuẩn bị cho mình một hành trang vững chắc bao gồm những kỹ năng về chuyên ngành, tin học, ngoại ngữ. Ngoài những kỹ năng đó hiện nay người ta thường nhắc tới kỹ năng mềm (kỹ năng giao tiếp, thuyết trình; khả năng sáng tạo, tư duy, quan sát; khả năng làm việc nhóm, …), đó là những kỹ năng mà sinh viên không những học trên giảng đường mà phải học ở trong thực tế và biến chúng trở thành thế mạnh cho bản thân.

Học, không đơn thuần chỉ là học kiến thức từ trong sách vở, học kiến thức từ cuộc sống mà sinh viên còn phải biết cách vận dụng chúng như thế nào. Nhằm nâng cao khả năng áp dụng kiến thức vào thực tiễn của sinh viên, trong năm 2013, khoa Kế toán trường Cao đẳng Kinh tế - Tài chính Thái Nguyên đã tổ chức hội thi “Sinh viên kế toán giỏi”. Với đối tượng tham gia dự thi là toàn thể sinh viên khoá 8 chính quy đang học tập tại trường. Các đội thi đã phải trải qua phần thi xoay quanh các nội dung về lĩnh vực kế toán - tài chính, về quá trình hình thành và phát triển của nhà trường, về các vấn đề kinh tế, xã hội …Hội thi đã thành công rực rỡ tuy nhiên còn một số vấn đề đọng lại mà các thầy cô và sinh viên cần phải suy ngẫm, đó là: Sinh viên nắm chắc kiến thức chuyên ngành nên trả lời đầy đủ và chính xác các câu hỏi lý thuyết mà ban tổ chức đưa ra nhưng lại không đủ khả năng để trả lời một cách xác đáng những câu hỏi mang tính thực tiễn; Quá trình thảo luận đưa ra câu trả lời của các nhóm đôi khi còn chưa nhất quán do sự chưa thống nhất quan điểm giữa các thành viên trong nhóm; Một số câu hỏi yêu cầu sinh viên cần có tư duy tổng hợp, sáng tạo và tự tin đưa ra câu trả lời nhưng sinh viên còn thụ động không tự tin đưa ra được câu trả lời; Thí sinh đại diện cho các nhóm trả lời câu hỏi thường không lưu loát và thiếu tự tin.

Nền giáo dục đóng một vai trò rất quan trọng trong việc đào tạo những chủ nhân tương lai của đất nước. Với mục tiêu “ Nâng cao và đổi mới kĩ năng dạy và học” đang đề ra, với trách nhiệm cao cả đáng quý của nghề giáo, ta cần nhìn nhận thực trạng một cách khách quan để đề ra những biện pháp cụ thể có ích hay những phương pháp giảng dạy mới dễ tiếp thu mà ngắn gọn, súc tích hơn. Như qua hoạt động tập thể trên, ta nhận thấy rằng để sinh viên khẳng định được mình trong công việc và cuộc sống sau này cần rèn luyện những kỹ năng sau:

Thứ nhất, làm việc nhóm. Kỹ năng làm việc nhóm là kỹ năng tương tác giữa các thành viên trong một nhóm, nhằm thúc đẩy hiệu quả công việc, phát triển tiềm năng của tất cả các thành viên. Một mục tiêu lớn thường đòi hỏi nhiều người làm việc với nhau, vì thế làm việc nhóm trở thành một định nghĩa quan trọng trong tổ chức cũng như trong cuộc sống. Để rèn luyện kĩ năng này trở nên phổ biến, giảng viên nên giao các bài tiểu luận trên lớp hoặc làm ở nhà về một nội dung, chủ đề nhất định.

Thứ hai, giải quyết vấn đề. Cốt lõi của vấn đề là tìm cách đạt được mục đích khi gặp trở ngại hoặc khi ta chỉ có những điều kiện rất hạn chế để thực hiện mục đích. Sinh viên nên thay đổi suy nghĩ khi gặp vấn đề vì khó khăn, thất bại đôi khi lại là cơ hội để thành công. Kiên trì luyện tập thói quen phân tích vấn đề bằng cách áp dụng các cách thức giải quyết vấn đề hệ thống và sáng tạo. Ngoài ra có thể tham gia sinh hoạt nhóm để lắng nghe, chia sẻ và học hỏi cách nhìn nhận, đánh giá và giải quyết vấn đề từ các bạn khác hoặc tham khảo sách, báo, tạp chí…

Thứ ba, kỹ năng giao tiếp. Đó là một tập hợp những qui tắc, nghệ thuật, cách ứng xử, đối đáp được đúc rút qua kinh nghiệm thực tế hằng ngày giúp mọi người giao tiếp hiệu quả thuyết phục hơn khi áp dụng thuần thục kỹ năng giao tiếp. Kỹ năng giao tiếp cực kì quan trọng và nó là nhân tố thể hiện rõ nhất sự năng động của một sinh viên. Việc sinh viên tham gia các câu lạc bộ Thanh niên, hoạt động Đoàn thanh niên, tham gia các hoạt động mang tính tập thể chính là điều kiện tốt để nâng cao kỹ năng này.

Thứ tư, tư duy phản biện. Tư duy phản biện là kỹ năng suy nghĩ vượt lên trên những phân tích và logic theo lối mòn thông thường. Các giảng viên lên lớp cần khuyến khích các bạn sinh viên bày tỏ quan điểm của mình, thực hiện phương pháp giảng dạy mới lấy người học làm trung tâm. Người giảng viên phải kiểm soát và kích thích sự tích cực chủ động của người học, đưa ra những câu hỏi mở cho sinh viên tự nghiên cứu, trả lời.

Để sinh viên mới ra trường tự tin và làm tốt công việc của mình, sinh viên không chỉ trang bị cho mình kiến thức chuyên ngành mà kiến thức xã hội, khả năng ứng xử, khả năng tiếp cận và giải quyết một vấn đề là điều cần thiết đối với sinh viên. Những điều đó chính là động lực để sinh viên khẳng định được giá trị, vị trí của mình trong cuộc sống. Do đó trong quá trình học tập sinh viên phải thường xuyên trau dồi những kỹ năng cần thiết để có thể hội nhập thành công thị trường lao động trong giai đoạn hiện nay.

Thay đổi phương pháp học tập và giảng dạy sao cho hiệu quả nhất, toàn diện nhất về mọi mặt chính là nguyện vọng và mục tiêu lớn nhất của bao thế hệ giảng viên trường Cao đẳng Kinh tế - Tài chính Thái Nguyên hướng tới trong tương lai. Để đạt được điều đó, chính mỗi chúng ta đều phải có sự nỗ lực, cố gắng trong mọi khía cạnh, giàu lòng nhiệt huyết, xác định được việc đổi mới những tiêu cực của thực tiễn chính là nhiệm vụ rất quan trọng trong công cuộc xây dựng lên một Nhà trường vững mạnh - nơi ươm mầm, nuôi dưỡng niềm tin và ước mơ của mọi thế hệ sinh viên. 

Ths. Nguyễn Quốc Huy - GV khoa Kế toán