12/03/2014

Xây dựng mối quan hệ giữa nhà trường và doanh nghiệp lối đi tạo nên sự phát triển chiều sâu của chất lượng đào tạo

Rút ngắn khoảng cách từ giảng đường tới thực tiễn giúp sinh viên thích ứng nhanh hơn với công việc là yêu cầu cấp bách quyết định đến chất lượng đào tạo và uy tín của mỗi Nhà trường. Nắm bắt được yêu cầu đó, Ban giám hiệu Trường CĐ Kinh tế - Tài chính Thái Nguyên đã chỉ đạo các khoa, bộ môn xây dựng kế hoạch đi thực tế tại các doanh nghiệp để học hỏi kinh nghiệm, đưa kiến thực tế vào các bài giảng tiến tới tư vấn hỗ trợ kịp thời giúp doanh nghiệp quản lý tài chính, kế toán và tư vấn pháp luật hiệu quả góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.

                                 

                                               

Thực tế trong những năm Nhà trường và doanh nghiệp chưa tạo được mối quan hệ gắn kết với nhau. Nhà trường thường dạy những gì mình có, không quan tâm nhiều đến nhu cầu xã hội nên nguồn nhân lực không đáp ứng được đòi hỏi ngày càng gắt gao của cơ chế thị trường, hiện tượng sinh viên tốt nghiệp nhiều nhưng không có việc làm ngày càng nhiều. Nhà trường – nơi được coi là kho tàng chứa kiến thức của nhân loại thì không phát huy được tri thức của nhân loại, cứ nghiên cứu những công trình ít được áp dụng và không mấy thực tiễn. Ngược lại, tại nhiều doanh nghiệp xảy ra tình trạng vừa thiếu lại vừa thừa nhân lực. Thiếu nguồn nhân lực có chất lượng cao đáp ứng được yêu cầu mới, thừa nguồn nhân lực không có khả năng, năng lực yếu. Phía doanh nghiệp khi tiến hành các hoạt động sản xuất kinh doanh thường thực hiện trên cơ sở “lần sờ”. Nghĩa là vừa làm vừa học ít liên hệ với các cơ sở đào tạo, do vậy dẫn đến thực tế là các doanh nghiệp của Việt Nam sức cạnh tranh yếu, khả năng quản lý kém khó thích ứng và khó lường trước những biến cố trong những cuộc cạnh tranh khốc liệt và phải trả giá quá đắt cho những bài học kinh nghiệm của mình. Vì vậy, sự bắt tay để cùng hỗ trợ và phát triển thực sự cần thiết đối với cả Nhà trường và Doanh nghiệp.

Đây là một chủ trương đúng đắn phù hợp với thời đại nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức mới đối với khoa, bộ môn nói chung và từng giảng viên nói riêng. Khó khăn xuất phát từ phía các giảng viên và cả thiện chí hợp tác ở các doanh nghiệp.

Đối với các giảng viên trong các khoa, bộ môn thường vẫn có thói quen là được phân giao việc giảng dạy và thực hiện tốt nhiệm vụ giảng dạy được giao chưa tự mình bươn trải liên hệ thực tiễn nên trước mắt sẽ gặp không ít khó khăn trong việc liên hệ và tạo mối quan hệ với doanh nghiệp. Hơn nữa, đội ngũ giảng viên trong các khoa và bộ môn thường trẻ nên mối quan hệ thường không nhiều, sức ảnh hưởng không lớn nên khó tiếp cận với các chủ doanh nghiệp.

Về thiện chí hợp tác ở các doanh nghiệp. Việc đi thực tế của các giảng viên sẽ gặp không ít những khó khăn do nhiều quan điểm đã tồn tại ở các doanh nghiệp của Việt Nam. Thứ nhất, các doanh nghiệp thường muốn bí mật thông tin nên không muốn tiếp cận với các nhà nghiên cứu như những giảng viên, nếu kế hoạch sản xuất kinh doanh được coi là bài giảng của các thầy cô có thể sẽ bị lộ thông tin kinh doanh và những thông tin nhạy cảm khác đặc biệt là lĩnh vực tài chính, kế toán. Thứ hai, những cán bộ thực hiện các nhiệm vụ trong các doanh nghiệp sẽ không thích tiết lộ các “chiêu” nghề nghiệp hoặc không thích bị người khác “soi” vào công việc mình đang làm. Thứ ba, doanh nghiệp luôn coi những người đến thực tập tại doanh nghiệp thường tạo nên sự phiền nhiễu, không có hiệu quả, mất thời gian, mất việc nên họ không muốn hợp tác.

Đứng trước những khó khăn và thách thức trên làm thể nào để tiếp cận được với doanh nghiệp, để được học thực tế, đem sự nhiệt huyết để vận dụng lý luận giúp tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp sẽ là một câu hỏi lớn đối với tất cả các giảng viên. Để trả lời được câu hỏi trên, thực hiện tốt chủ trương liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp, chúng ta phải gỡ bỏ được những khó khăn, trở ngại theo những giải pháp sau:

Thứ nhất, đối với từng giảng viên. Bản thân mỗi giảng viên phải tự nỗ lực phấn đấu, năng động để xây dựng mối quan hệ bền chặt với các doanh nghiệp. Giữ thái độ học hỏi, cầu thị, sẵn sàng giúp đỡ doanh nghiệp. Bên cạnh đó phải không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, tạo được niềm tin của doanh nghiệp bằng kiến thức và sự nhiệt huyết của mình đem lại lợi ích cho doanh nghiệp để doanh nghiệp luôn sẵn lòng chia sẻ và hợp tác.

Thứ hai, đối với khoa, bộ môn. Để thực hiện tốt việc liên hệ với các doanh nghiệp các khoa cần tăng cường củng cố mối quan hệ, liên hệ giải thích nhu cầu học hỏi, cầu thị kiến thức thực tế và cam kết bí mật thông tin của các doanh nghiệp để giải tỏa tâm lý sợ lộ thông tin ở Doanh nghiệp. Xây dựng lịch làm việc cụ thể và chế tài đối với các giảng viên khi thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu thực tế.

Thứ ba, đối với Nhà trường. Để thực hiện có hiệu quả chủ trương gắn kết giữa giảng dạy và thực tiến các khoa, bộ môn rất cần sự quan tâm chỉ đạo sát sao, sự giúp đỡ của Ban giám hiệu Nhà trường trong việc tạo mối liên hệ và giới thiệu các khoa bộ môn khi liên hệ với các doanh nghiệp. Đồng thời, cần xây dựng chế độ quy đổi hợp lý khi các giảng viên tham gia nghiên cứu thực tế để khuyến khích động viên các giảng viên tích cực sáng tạo hơn nữa trong công việc. Nhà trường nên thành lập một trung tâm hỗ trợ nghề nghiệp nhằm hướng nghiệp cho sinh viên trong và sau khi tốt nghiệp ra trường. Trung tâm này có chức năng tìm đầu ra cho sinh viên, đồng thời mời các doanh nghiệp tham gia làm chuyên gia cố vấn về nghề nghiệp, trên cơ sở đó tìm hiểu những nhu cầu thực tế của doanh nghiệp để đào tạo theo đúng nhu cầu của xã hội.

Xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu của con người ngày càng tăng. Cùng với xu hướng đó là sự đòi hỏi ngày càng cao của người học đối với các giảng viên. Mỗi giảng viên chúng ta không thể dạy cái gì chúng ta có mà phải giảng dạy những gì xã hội cần. Việc xây dựng mối quan hệ bền chặt với các doanh nghiệp sẽ là sự khởi đầu hứa hẹn nhiều thành công của Nhà trường trong thời đại mới. Với sự đoàn kết, nhất trí, chung sức của toàn thể cán bộ giảng viên chúng ta tin tưởng chắc chắn vào một ngày mai tươi sáng, rạng ngời.

                               ThS. Dương Hoa Hiền

                          Trưởng Bộ môn Tài chính công