17/06/2021

Khảo sát các bên liên quan với việc nâng cao chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp

Khảo sát các bên liên quan với việc nâng cao chất lượng đào tạo

                             KHẢO SÁT CÁC BÊN LIÊN QUAN VỚI VIỆC NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG ĐÀO TẠO

                                                     CỦA CÁC CƠ SỞ GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆP

                                                                                                      Nguyễn Thị Thu Hà, Trưởng phòng Thanh tra – Khảo thí

Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (CSGDNN) là đơn vị triển khai hoạt động đào tạo nghề và cung ứng cho xã hội nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu về lao động cho các doanh nghiệp. Trong nhiều năm qua, làn sóng đầu tư diễn ra mạnh mẽ tại nhiều địa phương, đội ngũ các doanh nghiệp không ngừng phát triển. Đặc biệt là, trong thời kỳ mở cửa kinh tế, hội nhập quốc tế và các doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số để nâng cao sức cạnh tranh thì yêu cầu về nhân lực chất lượng cao ngày càng tăng lên. Điều đó cho thấy đây chính là cơ hội đối với các CSGDNN trong việc đổi mới chương trình, phương thức đào tạo theo chiều sâu và đòi hỏi việc tăng cường kết nối với các bên liên quan đặc biệt là doanh nghiệp, nhà tuyển dụng để đáp ứng yêu cầu về đầu đối với người học.

Đào tạo là một quá trình diễn ra liên tục và có sự tham gia của chủ thể và nhiều đối tượng. Trên phương diện quản trị, Nhà trường là chủ thế triển khai đào tạo đối với người học và đầu ra của quá trình đào tạo – người học sau khi tốt nghiệp là các đơn vị sử dụng lao động. 

Đối với chủ thể thực hiện đào tạo: Để triển khai hoạt động đào tạo, mỗi CSGDNN đều có sự lãnh đạo của các cán bộ quản lý và các bộ phận triển khai đào tạo vừa cung cấp trực tiếp dịch vụ đào tạo (thông qua việc giảng dạy của các giáo viên, khoa, bộ môn) và hỗ trợ, phục vụ hoạt động đào tạo thông qua hoạt động bảo đảm các điều kiện để tổ chức giảng dạy thông qua hoạt động của các phòng, ban, trung tâm,… Như vậy, các bên liên quan với tư cách là chủ thể chịu trách nhiệm triển khai hoạt động đào tạo họ chính là người thiết kế tổ chức, xác định các mảng công tác của CSGDNN và tổ chức phối hợp các đơn vị, bộ phận đối với toàn bộ quá trình đào tạo. Tổ chức đào tạo là quá trình có nhiều hoạt động, nhiều khâu với sự tham gia của đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo và nhân viên. Từ việc xây dựng các chương trình đào tạo, tổ chức sắp xếp nhà giáo giảng dạy theo kế hoạch đào tạo, bảo đảm cơ sở vật chất, thiết bị, học liệu và thực hiện đánh giá kết quả học tập, rèn luyện của người học… dựa trên các văn bản, quy định của cơ quan chủ quản và được cụ thể hóa bằng các quy định của CSGDNN. Các hoạt động đào tạo và phục vụ đào tạo diễn ra thường xuyên, do đó, công tác quản lý hàng kỳ luôn thực hiện công tác đánh giá và rút kinh nghiệm gắn với từng mảng công tác, từng nội dung công việc. Do đó, chính các chủ thể thực hiện quá trình đào tạo hiểu biết tình hình thực tế và đưa ra các đánh giá chính xác đối với việc triển khai quá trình đào tạo. Các ý kiến của họ là cơ sở để triển khai các kế hoạch và giải pháp hoàn thiện quá trình đào tạo.

Đối với người học: Đây là đối tượng tiếp nhận toàn bộ các hoạt động học tập, rèn luyện của CSGDNN trong suốt khóa học. Đối với quá trình đào tạo, người học vừa là người thụ hưởng các hoạt động đào tạo nhưng đồng thời kết quả khóa học của người học được tích lũy và hình thành năng lực của người học sẽ phản ánh chất lượng đào tạo của mỗi CSGDNN. Các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo với cách tiếp cận lấy người học là trung tâm bao gồm: đổi mới nội dung chương trình, phương pháp giảng dạy thậm chí là phương thức đào tạo phù hợp với người học và mang lại lợi ích cho người học bằng cách trang bị các năng lực cho người học và người học sẽ vận dụng năng lực đó gắn với vị trí việc làm của các ngành/nghề đào tạo mà nhà tuyển dụng yêu cầu. Như vây, các ý kiến của người học trong quá trình học tập và sau khi kết thúc khóa học sẽ cho biết việc tiếp nhận hoạt động giảng dạy phù hợp ở mức độ nào? các hoạt động nào đã mang lại việc nâng cao giá trị cho người học? những nội dung nào còn hạn chế? Các thông tin sau khi khảo sát người học là tiền đề giúp cho CSGDNN phát huy mặt mạnh và cải tiến, đổi mới các hoạt động sao cho phù hợp với người học và vị trí việc làm mà người học đảm nhiệm sau khi tốt nghiệp.

Đối với người sử dụng lao động: Người sử dụng lao đông là các doanh nghiệp, nhà tuyển dụng sử dụng lao động là cựu HSSV của CSGDNN hoặc sẽ có nhu cầu nhân lực đối với các ngành nghề đào tạo của CSDGNN. CSGDNN có mối liên hệ với các doanh nghiệp, nhà tuyển dụng và chuyên gia nghề từ khâu xây dựng, thẩm định chương trình đào tạo (CTĐT) cho đến việc triển khai CTĐT (tham quan thực hành nghề nghiệp, hướng dẫn thực tập, các chuyên gia tham gia giảng dayh với vai trò là giảng viên thỉnh giảng) của các ngành nghề có liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp cũng như việc tiếp nhận người học sau tốt nghiệp khóa học. Đặc biệt hơn, việc vận dụng các năng lực của người học sau khi tốt nghiệp với tư cách là lao động sẽ được nhà tuyển dụng đánh giá và phản ánh một cách khách quan việc tương thích giữa đào tạo với yêu cầu của đơn vị sử dụng lao động. Những ý kiến của người sử dụng lao động sẽ giúp cho CSGDNN có cái nhìn khách quan về đòi hỏi năng lực gắn với vị trí việc làm của từng ngành/nghề và CSGDNN sẽ thực hiện việc điều chỉnh CTĐT và cách thức tổ chức quá trình đào tạo sao cho đầu ra của quá trình đào tạo đáp ứng tốt các đòi hỏi của doanh nghiệp.

Như vậy, để bảo đảm chất lượng đào tạo các bên liên quan đều là người tham gia vào quá trình và đánh giá, phản hồi về kết quả của quá trình đó. Cho nên, đối với việc bảo đảm chất lượng đào tạo, ý kiến của các bên liên quan có ý nghĩa đối với việc đánh giá chính xác khả năng đào tạo, xác định được những điểm mạnh, mặt hạn chế và là cơ sở để CSDGNN thực hiện các kế hoạch cải tiến nhằm đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo.

Để đánh giá chất lượng cơ sở giáo dục nghề nghiệp và chất lượng CTĐT các ngành nghề Thông tư số 15/2017/TT-BLĐTBXH ngày 08/6/2017 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định tiêu chí, tiêu chuẩn kiểm định chất lượng (KĐCL) GDNN và cụ thể là công văn 453/TCGDNN-KĐCL ngày 25/3/2019 về việc hướng dẫn đánh giá tiêu chuẩn KĐCL CSGDNN đối với trường trung cấp, trường cao đẳng và công văn 454/TCDGNN-KĐCL ngày 25/3/2019 về việc hướng dẫn đánh giá tiêu chuẩn KĐCL CTĐT trình độ sơ cấp, trung cấp và cao đẳng. Các văn bản này với vai trò là hướng dẫn CSGDNN thực hiện công tác bảo đảm chất lượng thường kỳ song trên thực tế đây chính là các chỉ dẫn cho việc tổ chức quản trị CSGDNN có hiệu quả trên phương diện quản trị CSDGNN là một quá trình. 

Tại trường Cao đẳng Thái Nguyên (tiền thân là Trường Cao đẳng Kinh tế - Tài chính Thái Nguyên và Trường Cao đẳng Sư phạm Thái Nguyên), công tác bảo đảm chất lượng là mảng hoạt động được triển khai thường xuyên. Hàng năm, Nhà trường đều ban hành kế hoạch công tác bảo đảm chất lượng theo năm học với các nội dung chính: (i) xây dựng và vận hành hệ thống bảo đảm chất lượng; (ii) triển khai bổ sung báo cáo tự đánh giá chất lượng CSGDNN (iii) triển khai đánh giá chất lượng CTĐT các ngành nghề trọng điểm. Để thực hiện tốt các nội dung (ii) và (iii), Nhà trường đều thực hiện các kế hoạch khảo sát và lấy ý kiến của các bên liên quan: cán bộ quản lý, nhà giáo, người lao động; học sinh, sinh viên (HSSV) sắp tốt nghiệp; cựu HSSV về tình hình việc làm và thu nhập; người sử dụng lao động là cựu HSSV của nhà trường. Những cuộc khảo sát này đều được tiến hành tại những thời điểm thích hợp của từng năm và kết quả khảo sát được thống kê và phân tích và báo cáo cho cán bộ quản lý cũng như thông tin cho các đơn vị để tìm giải pháp hoàn thiện các mảng công tác quản lý của Nhà trường. Trong thời gian tới, thực hiện Nghị quyết của Đảng bộ Tỉnh Thái Nguyên về chuyển đổi số và chương trình hành động về chuyển đổi số, công tác khảo sát và lấy ý kiến các bên liên quan đã được áp dụng các phương thức mới trên nền tảng số từ khâu thiết kế khảo sat cho đến việc thực hiện và tổng hợp kết quả khảo sát. Các thông tin của kết quả khảo sát đều được cung cấp cho lãnh đạo Nhà trường, cán bộ quản lý, đội ngũ nhà giáo, nhân viên để mỗi cá nhân, bộ phận xem xét và xây dựng kế hoạch để nâng cao chất lượng công tác của mình, cách thức phối hợp có hiệu quả giữa các đơn vị từ đó góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ Nhà trường và mục tiêu của năm học cũng như nâng cao uy tín và sức cạnh tranh về các dịch vụ đào tạo để cung cấp cho người học.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

[1]. Thông tư số 15/2017/TT-BLĐTBXH ngày 08/6/2017 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định tiêu chí, tiêu chuẩn kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục nghề nghiệp. 

https://thuvienphapluat.vn/van-ban/lao-dong-tien-luong/Thong-tu-15-2017-TT-BLDTBXH-tieu-chi-tieu-chuan-kiem-dinh-chat-luong-giao-duc-nghe-nghiep-351843.aspx

[2]. Công văn 453/TCGDNN-KĐCL ngày 25/3/2019 về việc hướng dẫn đánh giá tiêu chuẩn kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục nghề nghiệp đối với trường trung cấp, trường cao đẳng.

https://thuvienphapluat.vn/cong-van/lao-dong-tien-luong/Cong-van-453-TCGDNN-KDCL-2019-chat-luong-co-so-giao-duc-nghe-nghiep-doi-voi-truong-trung-cap-439334.aspx

[3]. Công văn 454/TCDGNN-KĐCL ngày 25/3/2019 về việc hướng dẫn đánh giá tiêu chuẩn kiểm định chất lượng chương trình đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp và cao đẳng.

https://thuvienphapluat.vn/cong-van/Giao-duc/Cong-van-454-TCGDNN-KDCL-2019-danh-gia-chat-luong-chuong-trinh-dao-tao-trinh-do-so-cap-439485.aspx

 

                                         SURVEY OF STAKEHOLDERS WITH ENHANCING THE QUALITY

                                              OF TRAINING OF VOCATIONAL EDUCATION INSTITUTES

                                                                              Nguyen Thi Thu Ha - Head of Inspection and Testing Department

 

Summary

    Training is an ongoing and participatory process involving subjects and many objects.The parties involved in the operation of the Vocational Education and Training (VET) Institutes are administrators, teachers, and employees; learners (about to graduate and former students) and employers. Opinions of stakeholders on training activities reflect the strengths and weaknesses of the (VET) Institutes, and then, the (VET) Institutes implement solutions to promote strengths, improve activities and innovate the management of (VET) Institutes in a modern direction that is suitable for learners and meets the requirements of employers to improve the quality and competitiveness of the training services they provide compared to other (VET) Institutes.